Nữ sinh Việt giành học bổng 11,3 tỷ đồng từ 5 trường nghệ thuật danh giá Mỹ
Dành tình yêu mãnh liệt cho hội họa, Trương Thanh Trà My (sinh năm 2000) là trường hợp học sinh Việt Nam hiếm hoi năm nay trúng tuyển cùng lúc 5 trường đại học thuộc khối các trường danh giá về nghệ thuật của Mỹ, trong đó có Đại học Denison với gói hỗ trợ tài chính là 3,7 tỷ đồng.
Ngoài ra, Trà My còn được các trường đại học khác chấp nhận với các gói hỗ trợ tài chính giá trị bao gồm: Parsons School of Design (xếp thứ hai thế giới về ngành Thiết kế, cấp 1,2 tỷ đồng); Cleveland Institute of Art (cấp 1,1 tỷ đồng); Miami University (cấp 2,6 tỷ đồng); Augustana College (cấp 2,7 tỷ đồng).
Trương Thanh Trà My là tân sinh viên trường Đại học Denison (Mỹ) niên khóa 2018 – 2022.
Hoàn thiện bản thân từ việc vẽ tranh
Học một năm cấp ba tại trường THPT Chu Văn An (Hà Nội), Trà My học chuyển tiếp hai năm ở trường Stuart Hall (Mỹ).
Vì đã học tiếng Anh từ lớp 1 và luyện giao tiếp tự tin từ bé nên khi sang Mỹ, Trà My không chỉ theo học chăm chỉ chương trình trên lớp, đạt điểm số cao mà còn hòa nhập rất nhanh với các bạn đến từ mọi quốc gia. Cô gái Việt đạt 1460/1600 điểm SAT; 115/120 điểm ở bài thi TOEFL.
Trà My (thứ hai bên trái) và các bạn tại Mỹ.
Tại Mỹ, nữ sinh này tham gia nhiều hoạt động ngoại khóa, các cuộc thi vẽ tranh và giành thành tích xuất sắc. Em đạt giải Nhất cuộc thi vẽ thị trấn Staunton (Mỹ) hai năm liên tiếp (2017, 2018); giải Ba cuộc thi vẽ tranh mùa xuân của hạt Richmond 2017; giải Danh dự trong cuộc thi Animal Action Art & Writing của International Fund for Animal Welfare (Quỹ cứu trợ động vật quốc tế) năm 2017.
Em còn là Chủ tịch câu lạc bộ mỹ thuật trường Stuart Hall nhiệm kỳ 2016 – 2018; Trợ lý quản túc trường Stuart Hall niên khóa 2017 – 2018; Đại sứ tuyển sinh trường Stuart Hall năm học 2016 – 2017; thành viên ban Nội dung của câu lạc bộ quốc tế trường THPT Chu Văn An, thành viên ban Thiết kế của dự án RAMA mùa 2016 – 2017; gia sư và tình nguyện viên vẽ tranh từ thiện ở Mỹ.
Bức tranh của My đạt giải Danh dự trong cuộc thi Animal Action Art & Writing của International Fund for Animal Welfare (Quỹ cứu trợ động vật quốc tế) năm 2017.
Video đang HOT
Do điều kiện tài chính của gia đình hạn hẹp, việc nộp hồ sơ du học ngành mỹ thuật của Trà My không dễ dàng.
“Nếu như các bạn khác chỉ cần thi SAT và viết luận trên Common Application thì em phải dành hơn một năm chuẩn bị hồ sơ và làm các bài luận theo yêu cầu của các trường mỹ thuật.
Ở Mỹ, ngoài thời gian đi học cả ngày, em còn phải tự chăm sóc cho bản thân và hoàn thành các bài tập trên lớp, tham gia các hoạt động dạy thêm, đi vẽ thuê, nên thời gian nộp hồ sơ khá gấp. Em phải tận dụng từng giây, từng phút và cố gắng hết sức để cho ra tác phẩm nào là thành công ngay lập tức.
Chính việc vẽ tranh đã cho em hoàn thiện bản thân, rèn luyện tính kỉ luật và những đức tính cần thiết cho nghệ thuật như kiên trì, ý chí mạnh mẽ và sự tập trung”, My nói.
Tự nhận xét về điểm mạnh hồ sơ vượt qua hàng nghìn ứng viên, Trà My cho rằng chính khoảng thời gian ngắn ngủi chuẩn bị lại gây ấn tượng cho Hội đồng tuyển sinh trường vì điều đó thể hiện rằng em đã sử dụng hiệu quả từng giây phút để hoàn thiện hàng chục tác phẩm tỉ mỉ từng chi tiết.
Ngoài ra, em kết hợp rất nhiều nguyên vật liệu từ màu dầu, màu nước, màu acrylic đến tranh 3D, sử dụng kính, dao cạo trong tác phẩm. Hơn nữa, My đã chứng minh được năng lực bản thân có thể phát triển ở ngành nghệ thuật tại môi trường đại học thông qua các giải thưởng.
My chia sẻ: “Khi cầm bút vẽ, em dường như có cả thế giới trong tay mình. Vì em rất thích nên em sẽ quyết tâm theo học. Mỹ thuật, đối với em, không chỉ là một sở thích tạm thời mà là niềm đam mê và một khả năng mà em muốn tập trung phát triển thành một sự nghiệp vững chắc”.
Không nghĩ ngành nghệ thuật là… viển vông
Theo My, tại nhiều quốc gia, nghệ thuật thường bị coi là bộ môn không quan trọng. Nhưng ở Mỹ, thậm chí ở những thị trấn nhỏ như nơi em theo học bậc trung học phổ thông, họ đều rất đề cao cái đẹp và nghệ thuật. Họ khuyến khích và ủng hộ những tài năng trẻ, những nghệ sĩ dù là người hát rong hay họa sĩ chuyên nghiệp.
Ảnh chụp Trà My tại cuộc thi vẽ tranh thành phố Staunton 2018.
“Ngành mỹ thuật không chỉ đào tạo những họa sĩ vẽ tranh mà còn cho ra những đầu óc nghệ thuật sáng tạo. Với những kiến thức và kỹ năng đó, bạn có thể theo đuổi rất nhiều lĩnh vực và ngành nghề, không chỉ đi vẽ thuê hoặc dạy vẽ.
Ở ngành này, vẽ đẹp chưa đủ. Bạn cần phải quyết tâm và đam mê để rèn luyện, để đấu tranh biến giấc mơ nghệ thuật thành hiện thực. Không chỉ vậy, còn cần phải có đầu óc thực tế để tìm được cơ hội việc làm phù hợp. Thế nên, nếu nói ngành nghệ thuật viển vông, bay bổng hay vô định là sai lầm”, Trà My khẳng định.
Về dự định tương lai, My “bật mí” sẽ theo học chuyên ngành Truyền thông và Mỹ thuật tại Đại học Denison ở thị trấn Granville, bang Ohio (Mỹ), tiếp tục vẽ tranh và trưng bày cho các phòng tranh đồng thời giúp đỡ, truyền cảm hứng cho những bạn có đam mê nghệ thuật giống em.
Hồng Vân
Theo Dân trí
Bình Định: Những học sinh ưu tú Việt Nam giao lưu với giáo sư đoạt giải Nobel Vật lý
Hơn 30 học sinh tiêu biểu nhất Việt Nam từng đạt giải trong các kỳ thi Olympic quốc tế đã có buổi giao lưu đầy thú vị và bổ ích với Giáo sư Jerome Friendman (người Mỹ, đoạt giải Nobel Vật lý năm 1990).
GS. Jerome Friendman và GS Đàm Thanh Sơn trò chuyện với học sinh xuất sắc của Việt Nam.
Sáng 7/8, tại Trung tâm quốc tế Khoa học và Giáo dục liên ngành (ICISE - ở phường Ghềnh Ráng, TP Quy Nhơn, Bình Định), Hội Gặp gỡ Việt Nam (Pháp) tổ chức buổi giao lưu giữa GS. Jerome Friendman (người Mỹ, đoạt giải Nobel Vật lý năm 1990) với 34 học sinh Việt Nam từng đạt giải trong các kỳ thi Olympic quốc tế.
Đoạt giải Nobel vì tính tò mò
GS. Jerome Friendman kể, từ hồi học phổ thông, ông chỉ thích hội họa nên chỉ học các môn học liên quan đến nghệ thuật và rất ít học các môn khoa học khác như toán, lý... Năm học lớp 11, trong lần đến thăm bảo tàng ở Chicago, ông đọc một cuốn sách khoa học của Albert Einstein viết về thuyết tương đối dành cho đại chúng.
GS. Jerome Friendman đạt giải Nobel Vật lý năm 1990 và GS. Đàm Thanh Sơn giao lưu với các học sinh xuất sắc của Việt Nam.
"Dù là cuốn sách dành cho đại chúng, nhưng lúc đó tôi không có nhiều kiến thức về khoa học. Tôi đọc đi đọc lại nhưng vẫn không hiểu hết được các vấn đề trong cuốn sách nên càng thêm tò mò. Từ đó, tôi quyết tâm đi theo ngành khoa học vật lý để giải mã những điều mình chưa hiểu về cấu trúc bên trong của vật chất", Giáo sư Nobel chia sẻ.
Mong muốn được GS. Nobel truyền lửa đam mê khoa học, em Nguyễn Phương Thảo, lớp 12 Trường THPT chuyên Khoa học Tự nhiên - ĐH Quốc gia Hà Nội - đạt Huy chương Vàng Olympic Sinh học quốc tế năm 2018 và Huy chương Bạc Olympic Sinh học quốc tế năm 2017 hỏi rằng: "Trong quãng đời nghiên cứu khoa học là con đường rất dài và khó khăn thì đối với cả những bạn như em, làm thế nào để tiếp tục giữ đam mê, tiếp tục theo đuổi dù biết là khó khăn, nhiều lúc giáo sư có cảm thấy chán nản?".
GS. Jerome Friendman cho rằng, mấu chốt của một người làm nghiên cứu khoa học là niềm đam mê và sự tò mò. Đối với tôi càng tò mò bao nhiêu thì càng thôi thúc mình tự đặt câu hỏi rồi tự đi tìm câu trả lời. Thực sự mình rất muốn tìm ra câu trả lời, nhưng có những lúc mình biết có tìm ra được câu trả lời hay không. Nghiên cứu khoa học thực sự là công việc tuyệt vời nhất trên cuộc đời. Vì các bạn được trả lương để làm và trả lời câu hỏi của chính mình đặt ra.
Các bạn học sinh đặt câu hỏi cho giáo sư Nobel.
"Cho dù không được giải Nobel đi chăng nữa, tôi vẫn thấy cuộc đời mình thật là có ý nghĩa và công việc này rất là thú vị. Vì tôi rất đam mê đeo đuổi câu hỏi của chính mình, tìm được câu trả lời và được trả lương", GS. Jerome Friendman chia sẻ.
GS. Trần Thanh Vân - Chủ tịch Hội Gặp gỡ Việt Nam chia sẻ: "Cuộc gặp ngày hôm nay, tôi chỉ hy vọng để lại cho các em một niềm vui vì được gặp được một nhà khoa học lớn. Đây xem như một cái duyên để cho các em giữ một ngọn lửa yêu khoa học, hiến tất cả những ý tưởng của mình để khoa học được phát triển và đưa khoa học Việt Nam lên một tầng cao mới của thế giới".
Việt Nam có những học sinh tiêu biểu nhất quốc tế
Dành lời khen cho 34 học sinh Việt Nam từng đạt giải trong các kỳ thi Olympic quốc tế, GS. Jerome Friendman, nói: "Trong số 2 học sinh nữ duy nhất của các học sinh Việt Nam thi quốc tế đạt giải, không chỉ một bạn được giải vàng mà còn một bạn đạt điểm cao nhất mà Việt Nam đạt được và cao nhất quốc tế. Các bạn ở đây không chỉ là học sinh tiêu biểu nhất Việt Nam. Thực ra, các bạn là những học sinh tiêu biểu nhất trên toàn thế giới".
Tuy nhiên, GS. Jerome Friendman cũng đưa ra lời khuyên: "Các học sinh Việt Nam nếu muốn nghiên cứu khoa học hay học tập ở nước ngoài thành công thì nên cố gắng học tiếng Anh. Các nhà khoa học trên thế giới hiện nay đều giao tiếp với nhau bằng tiếng Anh. Để phát triển hơn thì các bạn phải học tiếng Anh giỏi để giao tiếp được với khoa học và các nhà khoa học trên thế giới", GS Nobel chia sẻ.
GS. Đàm Thanh Sơn khuyên các bạn học sinh Việt Nam nếu có điều kiện thì nên đi du học.
Cũng tại buổi giao lưu, GS. Đàm Thanh Sơn cho rằng, ở thời điểm hiện nay, nếu các học sinh Việt Nam muốn theo đuổi con đường khoa học và nếu có khả năng nên chọn con đường du học. Hiện, tuy các trường đại học ở Việt Nam rất tiến bộ, có nhiều giáo sư làm việc khoa học nhưng nếu đi du học thì sẽ có tầm nhìn rộng lớn hơn. Học ở nước ngoài, các học sinh Việt Nam sẽ học hỏi được nhiều người hơn, cách làm việc khác, sẽ tiếp cận vấn đề khác với cách mà các em vốn quen ở Việt Nam.
Đồng quan điểm, GS. Trần Thanh Vân nói: "Tinh thần học ở Việt Nam, cách học ở Việt Nam hiện nay rất khác với nước ngoài. Vì vậy, nếu có cơ hội thì nên đi du học ở ngoại quốc. Song, các bạn phải luôn tâm niệm trong lòng mình rằng, sau khi học ở ngoại quốc sẽ quay trở về Việt Nam để phụng sự tổ quốc tốt hơn".
Doãn Công
Theo Dân trí
Nhiều trường cao đẳng, trung cấp ở Gia Lai dôi dư hàng trăm giảng viên Các trường CĐ, trung cấp và trường nghề tại Gia Lai không tuyển được học viên dẫn đến dôi dư hàng trăm cán bộ, giảng viên. Theo thông báo của trường Trung cấp Văn hóa Nghệ thuật Gia Lai (trực thuộc Sở Văn hóa- Thể thao và Du lịch tỉnh), năm học mới này, nhà trường có 1.020 chỉ tiêu tuyển sinh cho...