Nữ sinh văn võ song toàn và suất học bổng 7 năm ở Mỹ
Được gia đình định hướng du học từ sớm, áp lực lớn nhất của Ngọc Nguyễn là thành tích xuất sắc của hai chị gái – những người từng nhận học bổng uy tín của Singapore và Mỹ.
Ngọc là cái tên mà cha mẹ đặt cho cô gái đa tài này. Với bạn bè quốc tế và giới du học sinh, Ngọc Nguyễn còn được gọi là Cici – “nickname” mà em tự đặt cho mình, vì “các bạn nước ngoài, đặc biệt là người Mỹ khi đọc tên Ngọc nghe rất giống “Ngốc”.
Không thích bị gọi là “stupid”, Ngọc lấy tên Cici để các bạn dễ đọc, rút ngắn khoảng cách và thời gian kết bạn, hòa đồng với các bạn nước ngoài hơn.
Vô địch giải tennis toàn miền Bắc 3 năm liền
Ngọc kể chị cả từng nhận học bổng toàn phần ASEAN đi Singapore, sau đó là Stanford. Chị hai cũng nhận học bổng ASSIST đi giao lưu văn hóa Mỹ một năm, sau đó là học đại học tại nước này.
“Khi nộp hồ sơ, mình biết có lợi thế về thông tin và cách chuẩn bị nhờ kinh nghiệm của hai chị. Mình muốn đạt kết quả cao nhất có thể, ít nhất được bằng hai chị. Khi nhận học bổng 7 năm, mình rất vui và trân trọng hai chị lớn vì đã cho mình động lực”, cô gái này tâm sự.
Học bổng em nhận được là Davis UWC Scholarship, tài trợ trong 7 năm học – 3 năm cấp ba và 4 năm đại học, với số tiền 20 nghìn USD mỗi năm. Sau khi tốt nghiệp trường cấp ba Westminster School, Ngọc còn xin thêm được học bổng President của Đại học Simmons College, mỗi năm 12 nghìn USD cho 4 năm học. Hiện tại, em học năm cuối trường Simmons.
Được gia đình định hướng du học từ nhỏ nên ngay từ những năm cấp hai, Ngọc đã biết và tham gia các đợt thi tuyển xin học bổng.
“Mình bắt đầu xin học bổng du học từ năm lớp 9 và trượt 1 lần”, Ngọc chia sẻ. Là dân chuyên toán của ngôi trường nổi tiếng là vườn ươm các du học sinh (THPT Chuyên Hà Nội – Amsterdam), nữ sinh nỗ lực học tiếng Anh thật tốt và đạt điểm cao trong các kỳ thi chuẩn hóa.
Tuy nhiên, theo Ngọc, thành tích gây ấn tượng nhất với các cán bộ tuyển sinh lại là chiếc cúp vô địch giải tennis toàn miền Bắc trong 3 năm cấp hai. “Mình nhớ khi phỏng vấn, cô phụ trách tuyển sinh rất ấn tượng vì điều này”, Ngọc kể.
Video đang HOT
Ngọc và các bạn học ở Mỹ. Ảnh: VietNamNet.
‘Sốc’ khi trường nằm trên ngọn đồi hẻo lánh
Trước khi đặt chân sang Mỹ, tất cả những gì mà nữ sinh trường Ams biết về nước Mỹ chỉ là qua phim ảnh – những hình ảnh hào nhoáng, cuộc sống phóng khoáng, lãng mạn trong những bộ phim mà chủ yếu được quay ở các thành phố lớn, sôi động.
Ngọc bị “sốc” khi bước xuống sân bay, em được cô giáo đón về ngôi trường nằm trên một ngọn đồi hẻo lánh thuộc một tiểu bang xa xôi (đa số các trường tự thục cấp 3 đều ở những tiểu bang hẻo lánh).
Thời gian đầu, Ngọc cũng gặp nhiều khó khăn về ngôn ngữ và thích nghi với cuộc sống như nhiều du học sinh khác.
“Các bạn Mỹ sử dụng nhiều tiếng lóng. Cách nói chuyện của họ cũng rất thoải mái, có thể nói chuyện với người lớn tuổi hơn như với bạn bè mà không phải câu nệ, khách sáo. Mình mất một thời gian để thích nghi với điều này. Mình tiến bộ bằng cách cố gắng tiếp xúc thật nhiều với các bạn, thầy cô; sinh hoạt và giao lưu với người bản địa để hoà nhập với cuộc sống mới”.
Cách học trên lớp ở trường Mỹ cũng khác nhiều so với Việt Nam.
“Khi còn ở Việt Nam, việc giơ tay xung phong phát biểu rất dễ, vì phần lớn các câu trả lời nằm trong sách giáo khoa. Bên này, các thầy cô quan tâm cách bạn tư duy và phân tích vấn đề hơn. Thời gian đầu, mình không quen nên cũng gặp nhiều khó khăn”.
Trong giờ học các môn xã hội như Lịch sử hay Kinh tế, các thầy cô thường sử dụng 10-15 phút đầu giờ để học sinh trao đổi về các tin tức xảy ra trong ngày, sau đó thảo luận nhóm để xem vấn đề đó đang ảnh hưởng gì đến xã hội nói chung và mỗi cá nhân có thể làm gì để cải thiện vấn đề đó. Bản thân Ngọc thấy cách học này rất thú vị và thiết thực.
“Ở đây, bạn có thể sống theo bất cứ cách nào mình muốn mà không ngại bị người xung quanh soi mói, đánh giá”, Ngọc nhận xét.
“Mình thích cách sống chuyên nghiệp của người Mỹ. Mình thấy nhờ tính cách này mà năng suất và hiệu quả trong công việc rất cao. Thông thường, khi tổ chức các sự kiện ở đây, các ban trong nhóm hoàn thiện công việc của mình rất đúng hạn”, nữ sinh cho biết.
Hiện tại, ở trường Simmons, Ngọc tham gia các hoạt động ngoại khóa rất tích cực.
Em làm thực tập sinh cho văn phòng giáo dục toàn cầu của trường và là đại sứ quốc tế cho văn phòng tuyển sinh. Ngọc cũng đang là chủ tịch Hội học sinh quốc tế và người Mỹ đa chủng tộc (MISO) của trường.
Ngọc cho biết đây là nơi tập trung học sinh quốc tế và các bạn người Mỹ đa chủng tộc, là nơi để các bạn giao lưu và kết bạn với những học sinh quốc tế khác. Hội thường tổ chức các sự kiện để giới thiệu văn hóa của các quốc gia tới thầy cô, học sinh trong trường.
Chia sẻ về bí quyết xin học bổng Mỹ, Ngọc cười lớn và nói rằng các bạn cần phải “đi chơi nhiều hơn”.
“Người Mỹ coi trọng kỹ năng mềm hơn việc bạn đạt điểm tuyệt đối trên lớp. Đừng nên quá căng thẳng về điểm số, mà hãy cố gắng tham gia nhiều hoạt động xã hội”.
Nói về dự định tương lai, Ngọc nói sau khi tốt nghiệp muốn quay về Việt Nam để lập nghiệp.
“Hy vong trong một tương lai gần, mình sẽ có một công ty kinh doanh nhỏ sử dụng những văn mình mình học được trong thời gian ở Mỹ”, Ngọc chia sẻ về mơ ước của mình.
Theo Zing
Mong một bữa cơm gia đình ấm cúng
Từ ngày bố bị bệnh, mẹ phải đi làm xa, Thủy luôn mong có một ngày gia đình đoàn tụ bên bữa cơm đầy đủ các thành viên.
Nhân chuyến công tác Hải Dương, theo chỉ dẫn của một người đồng đội, tôi tìm đến nhà em Vũ Thị Lệ Thủy nằm phía cuối làng bên bờ sông Kinh Thầy. Căn nhà trống vắng, lạnh lẽo với những mảng tường rêu đen bám đã cũ kỹ. Gió ngoài mé sông, một bà cụ móm mém, dò dẫm bước ra ngoài thềm cất tiếng gọi cháu khi tôi bước vào. Đó là bà nội của Thủy. Chắc bà tưởng tôi là cô cháu gái vừa về đến nhà. Khi nghe tôi bày tỏ mong muốn tìm hiểu về hoàn cảnh của Thủy, bà lặng đi một lúc, rồi dụi mắt kể.
Vì gia cảnh khó khăn, nhà chỉ có hai sào ruộng nên khi Thủy còn chưa đầy một tuổi, mẹ đã phải gửi em cho bà nội để cùng chồng theo thuyền buôn trên sông Kinh Thầy xuôi ngược kiếm sống bằng nghề bốc vác thuê. Tiền công bấp bênh nhưng bố mẹ Thủy phải đi hai ba tháng mới về nhà một lần. Nhiều năm, ngày Tết cũng chỉ có ba bà cháu vì bố mẹ Thủy vẫn phải theo thuyền hàng trả khách. Chục năm trời, anh em Thủy sống với bà trong căn nhà đã mối mọt sập xệ, rêu mốc thâm, không biết khi nào thì đổ. Ba bà cháu cấy được ít lúa, tự trồng rau trong vườn, cơm cháo qua ngày. Đợt nào bố mẹ Thủy về thì bữa cơm mới tươm tất hơn.
Những tưởng bao khó khăn vất vả dần qua, ai ngờ tai họa lại ập đến với gia đình em thêm lần nữa. Hơn hai năm trước, bố Thủy được phát hiện suy thận độ 4 (giai đoạn nặng nhất), nên hầu như chẳng làm được việc gì. Chút tiền ít ỏi dành dụm sau bao năm vất vả của ba mẹ định dành sửa nhà đổ vào chi phí điều trị.
Bố Thủy một tuần 3 lần phải chạy thận trên thành phố Hải Dương, chi phí mỗi tháng hết 4-5 triệu đồng. Cứ đến ngày, bố Thủy phải đạp xe 30 cây số từ nhà lên bệnh viện tỉnh. Sáng đi, có khi tối mịt mới về. Hôm nào may thì bố của em mới có người cho đi nhờ ra thành phố, rồi tự vẫy xe về.
Sau khi đã vay mượn khắp nơi tiền thuốc thang cho chồng và duy trì cuộc sống gia đình, mẹ Thủy đành theo một người bạn sang bên kia biên giới làm thuê để gửi tiền về trang trải. Số tiền gửi về cũng chỉ gần đủ mua thuốc thang. Lần nào gọi điện về mẹ Thủy cũng khóc. Mẹ Thủy đi hai năm rồi mà chưa một lần được về nhà.
Bà còn kể rằng Thủy chăm ngoan và học tốt lắm. Ngày xưa, khi có mấy bà cháu ở nhà, lúc nào bà ra đồng thì Thủy cũng đòi đi theo. Thủy biết đứng cấy từ năm mới 6 tuổi. Về học tập thì Thủy lúc nào cũng đứng nhất, nhì lớp. Từ ngày bố bị bệnh, mẹ phải đi làm xa, anh bận học trên Hà Nội, Thủy phải cáng đáng nhiều hơn. Bà nội giờ già yếu, rặng rụng, mắt mũi chẳng nhìn rõ. Mấy năm nay, một mình Thủy lo 2 sào ruộng và chăm vườn rau lấy kế sinh nhai cho cả nhà, lấy gạo gửi lên để anh ăn học. Những khi chiều muộn, nếu không đem rau ra chợ làng bán thì Thủy lại ra bến thuyền vét than rơi. Nếu chịu khó, mỗi ngày em cũng kiếm được cả chục nghìn đồng. Chỉ tội là lần nào về bụi than cũng lấm lem khắp người...
Cô bé vừa treo chiếc rổ lên cạnh bếp, vừa tíu tít hoe hôm nay rau bán đắt hàng, ai cũng khen ngon. Bà của Thủy lau vội hai khóe mắt giới thiệu có tôi đến chơi. Em tỏ ra rất ngạc nhiên. Cô bé hồn nhiên hỏi han tôi và xuýt xoa mong một ngày lớn lên cũng được làm thế này, thế nọ như bao người. Sau một hồi chào hỏi, Thủy mới nhẹ nhàng tâm sự. Điều làm em lo lắng nhất bây giờ là sức khỏe của bố. Đường lên viện xa quá. Mỗi lần đi chạy thận về là bố như muốn lả đi. Em cũng thương và mong sớm được gặp lại mẹ. Thủy cũng mong anh trai cố gắng học thành tài để phụ giúp bố mẹ. Còn về phần mình, em chỉ mong sẽ không phải bỏ học và ước mơ trở thành một cô giáo.
Câu chuyện của chúng tôi vừa kết thúc là lúc bố Thủy đi chạy thận về. Vừa buông tay khỏi chiếc xe đạp, bố của em đã bước vội lên thềm. Rất nhanh, Thủy dìu bố nằm xuống giường và đi lấy nước cho ông uống. Rồi Thủy đi thắp đèn, lấy khăn lau mặt mũi chân tay cho bố. Em vừa làm vừa ân cần hỏi han, động viên bố. Một lát sau, như chợt nhớ điều gì, Thủy lại đi vo gạo thổi cơm... Hình ảnh ấy khiến tôi rất xúc động. Không hiểu sao khi thấy Thủy chạy đôn chạy đáo, tất tả như vậy khiến tôi lại thấy vui hơn. Chính Thủy đang sưởi ấm cho ngôi nhà của mình.
Bước khỏi ngôi nhà nhỏ hiu hắt bên sông Kinh Thầy, tôi vẫn cứ ám ảnh bởi câu nói của Thủy: "Em chỉ mong có một bữa cơm gia đình đầm ấm như các bạn...". Không biết ước mơ đó đã đè nặng lên đôi vai của Thủy bao ngày? Và có lẽ, ước mơ ấy sẽ còn xa lắm đối với em. Nhưng tôi tin với nghị lực mạnh mẽ, sự cố gắng, quyết tâm vươn lên không ngừng, một ngày không xa em sẽ có được điều đó. Thủy xứng đáng có được nhiều hơn thế nữa.
Theo VNE
Niềm mơ ước nhỏ nhoi của cô bé bệnh thận Hàng ngày phải chống chọi với những cơn đau của bệnh viêm cầu thận hoành hành nhưng em Ngọc luôn mong mau khỏi bệnh để học tập tốt và phụ giúp ba mẹ. Trong buổi sinh hoạt đầu tuần của trường THCS thị trấn Dương Minh Châu, tỉnh Tây Ninh vừa qua có một câu chuyện kể về gương vượt lên bệnh tật...