Nữ sinh vác búa tạ, thực tập đo máy địa chấn
Vác búa tạ và thực hiện đập nhiều lần để đo sóng địa chấn trong quá trình học là việc mà các nữ sinh ngành Địa vật lý, khoa Dầu khí, Trường ĐH Mỏ-Địa chất phải trải nghiệm và vượt qua.
Đây là một buổi thực tập môn Thăm dò Địa chấn được tổ chức cho các sinh viên năm thứ 4 (hệ kỹ sư 5 năm) ngành Địa Vật lý sau khi các em đã hoàn thành xong các môn học chuyên ngành để làm quen sử dụng các thiết bị Địa vật lý ở ngoài trời.
Và để thực hiện nhiệm vụ, các sinh viên sẽ phải thực hiện đo trên 1 tuyến có chiều dài 60m với 12 điểm đo (khoảng cách mỗi điểm là 5m). Với mỗi điểm đo đó, các em phải đập búa 3-5 lần tùy theo từng điều kiện địa chất cụ thể để sóng địa chấn có thể truyền xuống được sâu hơn.
Nữ sinh vác búa tạ, thực tập đo máy địa chấn
“Thông thường khi sử dụng đập búa thì chiều sâu nghiên cứu cỡ từ chục đến hàng trăm mét và đối với những khảo sát địa chất công trình thì rất phù hợp”, thầy Trần Danh Hùng, giảng viên bộ môn Địa vật lý thuộc khoa Dầu khí (Trường ĐH Mỏ-Địa chất) cho PV VietNamNet biết.
Theo thầy Hùng, sau khi sinh viên ngành Địa vật lý học xong các môn chuyên ngành thì các em sẽ được đăng ký thực tập giáo học địa vật lý 2 (bao gồm 2 môn là Thăm dò Địa chấn và Địa vật lý giếng khoan). “Năm nay do đang trong thời gian dịch Covid-19 nên các em mới phải thực tập trong khuôn viên trường chứ bình thường sẽ thực tập ngoài bãi hay những khu đồng ruộng”.
Mục đích của lần thực tập này nhằm để các sinh viên được làm quen với các thiết bị ngành Địa vật lý, cụ thể đó là thiết bị đo Địa chấn.
“Qua đó giúp các em bước đầu có cái nhìn cụ thể về các công việc của một kỹ sư Địa vật lý trong tương lai, từ khâu khảo sát thiết kế tuyến đo, xác định vị trí và khoảng cách của các điểm thu và phát sóng địa chấn, cách bố trí, lắp đặt và vận hành thiết bị trạm địa chấn, phân công vai trò cho từng thành viên trong đội khảo sát…”
Ngành học Địa vật lý được ứng dụng rất nhiều cho công tác tìm kiếm thăm dò Dầu khí (trên biển, trên đất liền và cả trên sa mạc).
Thầy Trần Danh Hùng, giảng viên bộ môn Địa vật lý thuộc khoa Dầu khí, Trường ĐH Mỏ-Địa chất (đeo balo) hướng dẫn cho các sinh viên về kiến thức này.
Sóng địa chấn truyền về máy đo.
Theo thầy Hùng, các khối kỹ thuật nói chung thì thường sinh viên nữ ít hơn nhiều so với nam và ngành Địa vật lý cũng không phải là ngoại lệ.
“Nữ sinh học ngành này gặp khó khăn ở những công việc phải leo núi mang theo các thiết bị địa vật lý. Nhưng đổi lại, các bạn nữ thường có sự chịu khó, cẩn thận và sự dẻo dai cũng không kém các bạn nam. Công việc của Địa vật lý rất phù hợp và thú vị với tất cả các bạn nam, nữ thích tìm hiểu, đam mê nghiên cứu và khám phá các khoa học về Trái Đất. Theo tôi được biết, cũng có một số công việc đòi hỏi phải có sức khỏe như đi thực địa trên rừng hay sa mạc. Tuy nhiên khi đi biển thì hoàn toàn khác, bởi có nhiều sinh viên nữ chịu được say sóng rất giỏi, thậm chí hơn cả những sinh viên nam”, thầy Hùng nói.
Hình ảnh nữ sinh vác búa thực tập không xa lạ với ngành học này. Trong ảnh thầy Hùng cùng các sinh viên của mình, đặc biệt là các cô gái tràn đầy năng lượng.
Thầy Hùng cho rằng, công việc cho các kỹ sư Địa vật lý rất đa dạng và phù hợp với cả nam và nữ giới, từ những công việc chủ yếu nghiên cứu trong phòng thí nghiệm hay công việc xử lý tài liệu trong văn phòng đến những chuyến đi thực địa đầy thử thách nhưng không kém phần thú vị như trên biển, hải đảo hay rừng núi, sa mạc…
Thêm loạt các trường Đại học cho sinh viên nghỉ học tránh dịch viêm phổi Vũ Hán
Trước diễn biến phức tạp của dịch bệnh viêm đường hô hấp cấp từ virus Corona, nhiều trường ĐH đã quyết định cho sinh viên nghỉ thêm để phòng lây lan.
Với mục tiêu không để dịch bệnh bùng phát, lây lan trên địa bàn, nguy cơ ảnh hưởng đến sức khoẻ sinh viên và cán bộ giảng viên, nhiều trường ĐH trên cả nước như Trường ĐH Mỏ - Địa chất, ĐH Bách Khoa Hà Nội, ĐH Văn Lang (TP.HCM)...cho học sinh nghỉ học thêm để tránh dịch cúm corona Vũ Hán.
Ngày 31/1, nhiều trường đại học thông báo lùi thời gian nhập học sau Tết Nguyên đán. Theo thông báo của Đại học Kinh tế Quốc dân, Hà Nội, sinh viên được nghỉ thêm một tuần sau Tết, đến 10/2 mới đi học. Nhà trường lưu ý sinh viên cẩn trọng, không đến những nơi tụ tập đông người, thực hiện nghiêm khuyến cáo của Bộ Y tế.
ĐH Thủy lợi thông báo cho sinh viên nghỉ thêm sau Tết. Ảnh: Fanpage nhà trường.
Đại học Thủy lợi cũng lùi lịch học một tuần so với kế hoạch. Sinh viên sẽ trở lại trường vào ngày 10/2 thay vì 3/2. Các lớp K61 có lịch học môn Giáo dục quốc phòng và an ninh đợt 4 năm học 2019-2020 tập trung tại ĐH Thủy lợi ngày 9/2 (lịch cũ là 2/2) để lên xe, di chuyển đến cơ sở Phố Hiến.
Đại học Mỏ - Địa chất cũng cho sinh viên nghỉ đến 10/2. Nhà trường khuyến cáo sinh viên đã lên Hà Nội và ở ký túc xá nâng cao ý thức phòng ngừa dịch. Sinh viên có biểu hiện bệnh, cần liên lạc với trạm trưởng trạm y tế để được thăm khám và làm xét nghiệm kịp thời.
ĐH Giao thông Vận tải cũng vừa thông báo điều chỉnh kế hoạch học kỳ 2 năm học 2019-2020. Để đảm bảo an toàn cho giảng viên, sinh viên trước tình hình dịch bệnh viêm đường hô hấp cấp liên quan chủng mới của virus corona, sinh viên sẽ nghỉ học đến hết ngày 9/2. Sinh viên cần trang bị kiến thức và cách phòng tránh dịch bệnh. Các trường hợp nghi ngờ nhiễm bệnh, phải báo với cơ sở y tế và nhà trường để tránh lây lan.
ĐH Xây dựng thông báo cho sinh viên nghỉ học thêm một tuần chống dịch virus corona. Lịch học chính thức sẽ bắt đầu từ thứ hai ngày 10/2.
Giám đốc Học viện Báo chí và Tuyên truyền thông báo cho sinh viên, học viên được nghỉ học đến hết ngày 9/2. Từ 10/2, các lớp trở lại học tập bình thường.
Ban Giám hiệu ĐH Khoa học Tự nhiên (Đại học Quốc gia Hà Nội) thông báo kế hoạch nghỉ học cho học sinh, sinh viên và học viên sau đại học nghỉ từ 3/2 đến 9/2. Việc học bù được thực hiện trong tuần dự trữ vào cuối kỳ học.
Cùng ngày, PGS Trần Văn Tớp - Phó hiệu trưởng ĐH Bách khoa Hà Nội - thông tin theo kế hoạch, sinh viên sẽ được nghỉ Tết hết ngày 2/2. Tuy nhiên, sau khi Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) tuyên bố dịch viêm phổi do virus corona gây ra là "tình trạng y tế khẩn cấp quốc tế", lãnh đạo nhà trường quyết định cho sinh viên tiếp tục nghỉ học một tuần.
Sáng 31/1, ông Phạm Văn Cường - giám đốc Sở Giáo dục và đào tạo Phú Yên - cho biết sau khi Bộ trưởng Bộ Giáo dục và đào tạo có công điện ngày 28-1 về phòng chống dịch bệnh do chủng mới của virus corona gây ra, sở này đã có công văn gởi cho các phòng giáo dục và đào tạo, các đơn vị trực thuộc yêu cầu thực hiện nghiêm các nội dung trong công điện nêu trên.
Cùng ngày, Giám đốc Sở GD-ĐT Quảng Nam Hà Thanh Quốc cho biết đã có văn bản gửi tất cả trường học trong tỉnh triển khai công tác phòng, chống dịch viêm đường hô hấp cấp do virus corona chủng mới gây ra. Sở GD-ĐT yêu cầu các phòng GD-ĐT, trường học các cấp trong tỉnh triển khai đẩy mạnh công tác tuyên truyền trong trường học về nguyên nhân, hậu quả và các biện pháp phòng chống dịch bệnh. Phối hợp chặt chẽ với cơ quan y tế để thực hiện hiệu quả các biện pháp phòng chống dịch.
Sáng 31/1, PGS Đỗ Văn Dũng - hiệu trưởng Trường ĐH Sư phạm kỹ thuật TP.HCM - cho biết nhà trường đã thành lập đội phản ứng nhanh để đối phó dịch bệnh viêm đường hô hấp cấp do virus corona (nCov) do một phó hiệu trưởng làm đội trưởng. Hiện nhà trường đã trang bị xà phòng rửa tay và thuốc sát trùng cho tất cả các khu vệ sinh, khu phòng học của trường; vệ sinh lau rửa, khử trùng toàn bộ phòng học, phòng làm việc, căn tin... Đồng thời, trường trang bị hai súng đo thân nhiệt từ xa bằng lazer chuyên dụng cho đội bảo vệ để đo thân nhiệt cho mọi người tại cổng trường.Những sinh viên, giảng viên, cán bộ, viên chức có nhu cầu đo thân nhiệt sẽ được trạm y tế của trường hỗ trợ. Người nào bị sốt và có biểu hiện của bệnh sẽ được cách ly tại phòng cách ly của trường và đưa đến Bệnh viện Nhiệt đới để kiểm tra. Ngoài ra, ông Dũng cho hay trường sẽ cho vệ sinh lau rửa, khử trùng toàn bộ phòng học, phòng làm việc, căn tin, không bật máy lạnh, không tổ chức các cuộc họp đông người. Trạm y tế đo nhiệt độ tất cả sinh viên, cán bộ giảng viên có nhu cầu. Chuẩn bị phòng cách ly sinh viên, giành viên bị sốt và xe đưa
Trường ĐH Sư phạm kỹ thuật TPHCM kiểm tra thân nhiệt sinh viên tại ký túc xá.
Trong chiều 31/1, ĐH Huế cũng có văn bản gửi các trường đại học, viện thành viên và các đơn vị trực thuộc, yêu cầu cho sinh viên nghỉ thêm đến ngày 10/2, đồng thời ngừng tổ chức các hoạt động tập trung đông người. Trước tình hình dịch bệnh viêm đường hô hấp cấp do virus corona diễn biến phức tạp, ĐH Văn Hiến (TP.HCM) cũng thông báo cho sinh viên nghỉ Tết thêm một tuần (đến 10/2) và tiếp tục theo dõi tình hình để có những quyết định tiếp theo. Thông tin từ Trường ĐH Văn Lang cho biết trường này vừa thành lập Tổ phản ứng nhanh phòng chống dịch nCoV. Tổ có nhiệm vụ xây dựng chương trình hành động cụ thể, kịch bản ứng phó; chủ động phối hợp với cơ sở y tế và cơ quan chức năng để phòng ngừa và ngăn chặn kịp thời sự xâm nhập và lây lan của dịch bệnh trong nhà trường.
Cán bộ, nhân viên Trường ĐH Văn Lang đeo khẩu trang trong ngày làm việc ngày 30/1
Ngày 31/1, Bộ GD&ĐT vừa phát đi thông báo về hướng dẫn phòng, chống dịch bệnh viêm đường hô hấp cấp do chủng mới của virus corona gây ra.
Theo đó, Bộ GD&ĐT yêu cầu các cơ sở GD&ĐT nghiêm túc thực hiện công điện số 43/CĐ-BGDĐT ngày 28/01/2020 của Bộ GD&ĐT và các văn bản chỉ đạo về phòng, chống dịch bệnh viêm đường hô hấp cấp liên quan virus corona.
Căn cứ tình hình thực tế dịch bệnh, các sở GD&ĐT, đại học, học viện, trường đại học, cao đẳng sư phạm và trung cấp sư phạm chủ động phối hợp ngành y tế tại địa phương thực hiện biện pháp phòng, chống dịch bệnh.
Trong trường hợp cần thiết, giám đốc Sở GD&ĐT, hiệu trưởng các trường xem xét, quyết định cho học sinh, sinh viên tạm thời nghỉ học và có kế hoạch học bù để đảm bảo chương trình giáo dục.
Theo saostar