Nữ sinh THPT chuyên Lam Sơn đỗ thủ khoa Học viện Báo chí
Đỗ thủ khoa kỳ thi tốt nghiệp THPT 2012, giải Ba HSG Quốc gia môn Lịch sử, nghiễm nhiên được tuyển thẳng vào đại học một trường có ngành liên quan đến Lịch sử. Nhưng với tình yêu nghề báo, em đã khước “suất” tuyển thẳng này và thi đỗ thủ khoa HV Báo chí tuyên truyền.
Đó là cô học trò Bùi Ngọc Ánh – học sinh lớp chuyên Sử, Trường THPT chuyên Lam Sơn (Thanh Hóa).
Cô học trò nghèo, bản lĩnh và tự lập
Ngọc Ánh sinh ra trong một gia đình thuần nông ở một ngôi làng nghèo của xã Đồng Thắng, huyện Triệu Sơn. Quanh năm bám đồng ruộng vẫn không đủ tiền nuôi hai con đi học, bố mẹ Ánh đã vào Sài Gòn làm thuê. Từ đó, Ánh sống với ông bà nội.
Bùi Ngọc Ánh cho biết: “Học khối C, không phải cứ nhất thiết phải học thuộc mà phải có khoa học, phân theo ý và học theo hệ thống”.
Sau khi bố em bị tai nạn lao động, việc đi lại khó khăn nên bố mẹ em trở về quê. Lên cấp II, Ánh đã thi đậu vào một trường chuyên của huyện rồi ở lại nhà bác họ học tập. Lên cấp III, Ánh đậu vào trường chuyên của tỉnh cách nhà hơn hai chục cây số. Vậy là cô bé Ánh ngay từ nhỏ đã phải sống xa bố mẹ.
Có lẽ cũng vì vậy mà Ánh có ý thức tự lập từ sớm. Ánh tâm sự: “Những năm học cấp I, em ở với ông bà nội, cấp II, ở với bác rồi lên cấp III thì em ở trọ một mình. Mặc dù gặp nhiều khó khăn khi không có bố mẹ bên cạnh nhưng chính vì thế đã rèn luyện cho em cách sống tự lập và phải bản lĩnh đặc biệt là em đã biết cách điều chỉnh thời gian biểu cho bản thân. Nhiều lúc nghĩ cũng tủi thân nhưng đó là động lực để em càng cố gắng học hơn nữa”.
Video đang HOT
Suốt 12 năm học, Ánh luôn là học sinh giỏi toàn diện. Năm lớp 5, Ánh đạt giải Ba cấp tỉnh, lớp 9, em đạt giải Khuyến khích môn Lịch Sử cấp tỉnh, lớp 12 đạt giải nhì cấp tỉnh môn Lịch sử, giải ba Quốc gia môn Lịch Sử, rồi thủ khoa tại kỳ thi tốt nghiệp THPT tỉnh Thanh Hóa năm 2012 với tổng số 58 điểm, trong đó Văn 9, Lịch Sử 9, Địa Lý 10, Toán 10, Hóa học 10, Tiếng Anh 10. Đặc biệt, cô học trò nghèo vừa đỗ thủ khoa khối C, Học viện báo chí tuyên truyền với số điểm 25 (Văn 8, Lịch sử 9,5, Địa lý 7,5).
Chia sẻ về bí quyết học khối C của mình, Ánh cho biết: “Học khối C, không phải cứ nhất thiết phải học thuộc mà phải có khoa học, phân theo ý và học theo hệ thống. Muốn học tốt môn Lịch Sử phải thông suốt được giá trị lịch sử, hiểu sâu sắc vấn đề từ đó tư duy tìm ra hướng giải quyết”.
“Em thấy đề Sử năm nay khá hay, tính khái quát cao vì thế giúp phân hóa được học sinh, trong quá trình làm bài em cũng không bị vướng mắc gì nhiều. Nói chung khi hoàn thành kỳ thi em khá hài lòng thế nhưng đạt danh hiệu thủ khoa thì em hơi bất ngờ”, Ánh chia sẻ.
Tình yêu nghề báo
Mặc dù yêu môn Lịch sử, học xuất sắc nhất cũng là môn Lịch sử nhưng con đường Ánh chọn lại là nghề báo. Được biết, ngay từ những ngày đầu bước vào THPT, Ánh còn là cây bút sắc sảo trong một tờ báo của trường.
Không những thế, em còn là cô học trò năng động, 3 năm em giữ chức vụ lớp trưởng, hoạt động nhiệt huyết trong tổ chức đoàn trường, các hoạt động văn nghệ do lớp, trường tổ chức. Bạn bè trong trường ai cũng ấn tượng với cô lớp trưởng chuyên Sử chuyên làm đạo diễn, viết kịch bản, làm MC cho các chương trình ngoại khóa của Trường THPT Lam Sơn.
Bùi Ngọc Ánh (bên trái) – thủ khoa Học viện báo chí tuyên truyền năm 2012.
Khi được hỏi tại sao lại chọn nghề báo chứ không phải là một nghề nào khác, Ánh tâm sự: “Những ngày còn nhỏ được xem phim, đọc báo thấy các anh chị nhà báo được đi nhiều, hiểu biết và trải nghiệm nhiều. Đặc biệt em thích trở thành MC truyền hình nên ước mơ trở thành nghề báo đã ăn sâu vào tiềm thức em cho đến bây giờ. Thế là khi được tuyển thẳng vào đại học và lựa chọn một ngành liên quan đến Lịch Sử, em đã ngần ngại rồi sau đó em quyết định làm hồ sơ thi vào Học viện Báo chí tuyên truyền, khoa Báo hình để thực hiện bằng được ước mơ của mình”.
“Để thực hiện ước mơ của mình, đó còn cả một chặng đường dài phía trước, chắc hẳn không khỏi gặp nhiều khó khăn thử thách nhưng em tự nhắc mình phải tiếp tục cố gắng trên giảng đường đại học”, Ánh quả quyết.
Nguyễn Thùy – Duy Tuyên
Theo dân trí
Thi đỗ thủ khoa chỉ với... 50 nghìn đồng
Hành trình đi thi đại học chỉ với 50 nghìn đồng trong túi, cô học trò nghèo Nguyễn Thị Quyên đã đỗ 2 trường đại học và trở thành thủ khoa của trường ĐH Kinh tế quản trị Kinh doanh Thái Nguyên. Sau 2 ngày thi trở về, Quyên vẫn còn giữ nguyên 50 nghìn đồng trong túi để gửi lại bố mẹ.
Mấy ngày nay, người dân xóm Chùa, xã Đồng Tiến, huyện Phổ Yên (Thái Nguyên) đi đến đâu cũng tự hào khoe về thủ khoa của xóm nghèo. Quyên trở thành thủ khoa của ĐH Kinh tế Quản trị Kinh doanh (ĐH KTQTD) Thái Nguyên với số điểm 24,5 (khối D1) và đỗ vào ĐH Bách Khoa HN với số điểm 23,5. Số điểm của Quyên không phải là tuyệt đối, nhưng hành trình Quyên "chinh phục" giấc mơ ĐH là sự nỗ lực vượt bậc chiến thắng số phận và cái nghèo.
Hai bịch sữa tươi và 50 nghìn đồng
Men theo con đường làng hun hút, chúng tôi tìm đến nhà thủ khoa Nguyễn Thị Quyên. Dù đường vào ngoắt nghoéo nhưng đến đâu chúng tôi cũng được dân làng chỉ dẫn nhiệt tình: "Ai chứ, nhà con bé Quyên thì chúng tôi lạ gì, nó vừa đỗ thủ khoa đấy" - một người hàng xóm tự hào khoe. Đến thăm gia đình Quyên vào đúng giờ cơm trưa, cả nhà Quyên đang vui vẻ trò chuyện bên mâm cơm chỉ có hai món là... cơm trắng với muối vừng. Căn nhà đơn sơ tưởng chừng như không có một tài sản vật chất gì có giá trị. Có lẽ tài sản quý giá nhất trong ngôi nhà này chính là những tấm bằng khen, giấy khen của hai chị em Quyên.
Tiếp chuyện chúng tôi, cô Dương Thị Chung, mẹ Quyên xúc động khóc trong niềm tự hào khi nói về con gái: "Có ai đi thi trong túi chỉ có 50 nghìn đồng như nó. Trước khi Quyên đi thi, vợ chồng tôi quyết định bán cây xoan trước ngõ để có tiền cho con lên thành phố, ai ngờ thi xong hai ngày, nó về đưa lại mình đúng 50 nghìn".
Nói về "hành trình" cùng 50 nghìn đồng của mình, Quyên hào hứng kể: "Lên thành phố, cái gì cũng đắt đỏ, tốn kém nhưng may có tấm lòng hảo tâm của nhiều người đã giúp đỡ, ở miễn phí, lại được ăn trong chùa nên không tốn kém. Ngoài ra, chị em em không chi tiêu thêm bất cứ khoản gì. Trước khi đi, em cũng được mẹ mua thêm cho hai hộp sữa tươi để mang theo rồi".
Trong câu chuyện kể, cô thủ khoa Nguyễn Thị Quyên không hề lộ nét buồn khi thiệt thòi hơn nhiều bạn bè đồng trang lứa. Đối với Quyên, được đi học đã là một điều may mắn: "Nhà em bữa ăn còn lo từng ngày nên em chẳng bao giờ nghĩ đến chuyện học thêm. Từ bé đến giờ em được đi học chính quy là nhờ vào học bổng và chính sách miễn giảm học phí dành cho hộ nghèo".
Thủ khoa có được làm sinh viên?
Gia đình Quyên thuộc gia đình đặc biệt khó khăn của xã vùng sâu thuộc huyện Phổ Yên, Thái Nguyên. Bố mẹ Quyên đều làm việc thuần nông, cả nhà chỉ trông vào 4 sào ruộng bạc màu. Bố Quyên mắc bệnh thần kinh nên mất sức lao động. Để có thêm thu nhập cho gia đình, mẹ Quyên phải làm thêm nghề thu nhặt phế liệu. Để phụ giúp bố mẹ có thêm tiền trang trải, ngoài giờ học trên lớp, Quyên vẫn tranh thủ đi nhổ cỏ thuê, dọn nhà hay dọn vệ sinh cho một số gia đình.
Việc Quyên đỗ đại học, lại trở thành thủ khoa là niềm tự hào với không chỉ gia đình em mà còn với cả xóm Chùa nghèo vốn chỉ quen với đồng ruộng, với thu nhăt phế liệu. Nhưng niềm vui bất ngờ đến lại mang theo nỗi lo toan phía trước. Tâm sự về chuyện học tập sắp tới của Quyên, cô Chung nói trong những giọt nước mắt buồn - vui lẫn lộn, tự hào đấy để rồi lại tủi phận: "Chúng tôi mừng lắm, tự hào lắm nhưng lại thấy mình như bất lực. Đứa lớn nhà tôi vừa tốt nghiệp ĐH Sư phạm ra trường. Nó cung được bằng giỏi nhưng giờ vẫn thất nghiệp. Nay lại thêm cái Quyên đi học xa nhà, chúng tôi lấy đâu ra tiền cho con ăn học bây giờ? ".
Món vay nợ tiền trợ cấp cho học sinh nghèo đang ngày một lớn dần mà gia đình Quyên chưa có khả năng chi trả, nay lại thêm những lo toan chuẩn bị cho 4 năm đèn sách của tân thủ khoa, bố mẹ Quyên cảm thấy mình gần như kiệt quệ. Tài sản gia đình Quyên không có đủ thứ gì để bán đi được nữa. Con đường học tập là cách nhanh nhất để thoát khỏi cái nghèo nhưng với tân thủ khoa Nguyễn Thị Quyên, chặng đường vẫn còn lắm gian truân phía trước.
"Hoàn cảnh gia đình khó khăn, có lúc em cũng thấy nản nhưng nghe mẹ động viên lại thấy mình càng phải cố gắng hơn. Khi chưa đi học cứ nghĩ là sinh viên thật thích, nhưng bây giờ em thấy sao con đường trở thành sinh viên còn nhiều khó khăn quá", Nguyễn Thị Quyên thật thà chia sẻ suy nghĩ của mình.
Theo khám phá
Chông chênh ước mơ của á khoa ĐH Bách khoa HN "Ước mơ của em là trở thành kỹ sư điện tử viễn thông nhưng bố mẹ em lại khuyên em học Học viện Quân y để đỡ chi phí học tập vì nhà em khó khăn quá...", Nguyễn Văn Hoàng - á khoa ĐH Bách khoa Hà Nội mùa tuyển sinh 2012 tâm sự. Nguyễn Văn Hoàng (lớp 12T7, Trường THPT Đô Lương...