Nữ sinh nhà nghèo chia sẻ bí quyết đạt thủ khoa môn Địa lý
Trong Kỳ thi học sinh giỏi tỉnh lớp 12 vừa qua, em Lê Thị Vân – học sinh lớp 12A3, Trường THPT Đô Lương 1 đã đạt Thủ khoa môn Địa lý. Từ yêu thích từng trang bản đồ, để rồi đam mê môn Địa lý, em đã đạt được danh hiệu cao nhất tại kỳ thi này.
Từ “mê” quả địa cầu
Vào những ngày này, thầy cô cùng các em học sinhTrường THPT Đô Lương 1 rất phấn khởi bởi nhà trường có em Lê Thị Vân đạt danh hiệu Thủ khoa môn Địa lý tại Kỳ thi học sinh giỏi tỉnh lớp 12. Kỳ thi năm nay, toàn tỉnh có trên 12 ngàn thí sinh dự thi, trong đó môn Địa lý có 218 em.
Cô học trò nhỏ nhắn Lê Thị Vân là một cô bé học giỏi ngay từ hồi còn học cấp 1. Từ lớp 1 đến lớp 5 em đều đạt học sinh xuất sắc. Lên cấp 2, trong một lần nhìn vào trang sách có bản đồ, có bài học “Vị trí, hình dạng và kích thước trái đất”, em thấy “mê” quả địa cầu đến lạ. Em được hiểu thêm các đường nối liền cực Bắc và cực Nam trên bề mặt quả địa cầu là những đường kinh tuyến.
Với Lê Thị Vân quả địa cầu có sức hút đến lạ. Ảnh: Ngọc Phương
Rồi những đường tròn trên quả địa cầu nhỏ dần về hai cực và vuông góc với đường kinh tuyến là những đường vĩ tuyến. Đường vĩ tuyến dài nhất được gọi là đường xích đạo.
Cứ thế, những bài học cứ lôi cuốn em và mở ra cho em những kiến thức bổ ích, lý thú. Tâm hồn em có lúc liên tưởng đến một vùng đất xa xôi nào đó, nơi ấy có những con người, mảnh đất, dòng sông… Nơi ấy có giống quê hương em hay là một vùng đất trù phú xanh tươi, núi rừng trùng điệp… Màu xanh của rừng cây, màu đỏ của vùng đất… trên tấm bản đồ thật sinh động và hấp dẫn.
Đến Thủ khoa tỉnh môn Địa lý
Môn Địa lý như mở ra cho Vân những chân trời mới, bước vào năm học lớp 6, 7, 8 em đều đạt Học sinh giỏi môn Địa lý cấp huyện. Lớp 9 đạt giải Nhất Học sinh giỏi huyện, giải Nhì Học sinh giỏi Địa lý cấp tỉnh. Học lên cấp 3, năm học lớp 11, Lê Thị Vân đạt giải Nhất Học sinh giỏi môn Địa lý của trường. Tại Kỳ thi học sinh giỏi tỉnh năm nay, em đạt Thủ khoa môn Địa lý với số điểm 17,75.
“Em thấy môn Địa lý rất thú vị, nhất là khi xem bản đồ, mình thấy được tên và Thủ đô các nước; vị trí địa lý, diện tích, rồi nhiều con sông, các đảo lớn, đảo nhỏ, biển cả mênh mông… Qua bản đồ, mở mang thêm được nhiều kiến thức cho em. Em ước một ngày nào đó, được đặt chân lên một trong những vùng đất mà em được học qua trang sách Địa lý”.
Em Lê Thị Vân chia sẻ
Môn Địa lý thu hút Vân khám phá nhiều vùng đất mới. Ảnh: Ngọc Phương
Video đang HOT
Lê Thị Vân cũng cho biết thêm, trong quá trình học, em thấy môn Địa lý không quá khó. Học Địa lý sẽ hiểu rõ thêm nước Việt Nam mình và nhiều nước khác. Để học giỏi môn Địa lý, ngoài kiến thức sách giáo khoa, cần tìm hiểu thêm kiến thức trên mạng internet. Bên cạnh đó, em còn rất thích xem chương trình thời sự VTV1, biết thêm các tổ chức, quan hệ Việt Nam- ASEAN, thời tiết – khí hậu…
Ở lớp, em rất chăm chú nghe cô giáo giảng bài, làm thêm nhiều đề, nhờ cô giáo chấm điểm, nhận xét, sau đó tự mình rút kinh nghiệm qua việc giải các đề. Trao đổi bài với bạn bè trong những giờ ra chơi.
Vân chia sẻ: Ước mơ của em được vào học Trường Đại học Khoa học xã hội và Nhân văn, hoặc Học viện Báo chí và Tuyên truyền.
Vượt lên hoàn cảnh
Em Lê Thị Vân sinh ra trong một gia đình ở vùng nông thôn thuộc xóm 1, xã Tràng Sơn tiếp giáp với xã Hồng Sơn, từ nhà đến trường học gần 9 km. Gia đình có 4 chị em, bố mẹ em làm nghề lao động tự do. Mẹ em ngày qua ngày không quản nắng mưa khi thì chở gạo, lúa, ngô đi đến các chợ Tào Sơn, Lạng Sơn huyện Anh Sơn để bán kiếm thêm thu nhập. Bố em làm nghề xe lai, hằng ngày lên mãi tận ngã tư thị trấn để tìm khách, ai có nhu cầu chở hàng hóa đều nhận ngay, miễn có thêm đồng tiền chính đáng bằng sức lao động cho con ăn học.
Mẹ của Vân ngày qua ngày chở từng bao gạo đến các chợ vùng xa để bán kiếm thêm thu nhập. Ảnh: Ngọc Phương
Chị Dương Thị Hằng – mẹ em Vân tâm sự: “Vân là con thứ 2, cháu rất chăm chỉ học tập. Đêm nào cũng học tận 12 giờ. Tôi đi làm hằng ngày rất mệt nên đi ngủ sớm. Nửa đêm thức giấc, vẫn thấy Vân vẫn cặm cụi học bài. Vân cũng rất siêng năng, tôi đi chợ bán lúa, bán gạo xa nhà 15km đến 20km nên thường về thất thường, có khi sáng đi sớm, mãi tận 2 đến 3 giờ chiều mới về. Buổi trưa Vân đi học về thường nấu ăn cho cả nhà…”.
Vân rất hòa đồng vui chơi với bạn bè, ước mơ của Vân là một ngày nào đó được đặt chân lên vùng đất mà mình từng được học trên trang bản đồ. Ảnh: Ngọc Phương
Thương hoàn cảnh của em Vân, trong quá trình ôn tập vào ban đêm ở nhà cô giáo Thái Thị Vinh – giáo viên dạy Địa lý Trường THPT Đô Lương 1, cô thường nhờ chồng cũng là một thầy giáo cùng trường đến nhà chở em đến học và chở em về nhà.
“Em Vân là một học sinh chăm học và yêu thích môn Địa lý. Trong suốt quá trình bồi dưỡng, tôi cảm nhận ở em sự yêu thích môn học. Đó là ý thức tự tìm tòi, ham học hỏi. Sắp xếp thời gian và kiến thức hợp lý, tích cực tham gia các nhóm môn Địa lý…” – cô Thái Thị Vinh cho biết.
Giờ ra chơi, Vân (áo khoác sọc xanh) thường chia sẻ cho các bạn về bí quyết học giỏi môn Địa lý. Ảnh: Ngọc Phương
Không chỉ học giỏi môn Địa lý, Vân còn học giỏi đều các môn học khác như: Toán, Văn, Lịch sử… và nhất là môn Tin học.
Ngoài em Vân đạt giải Thủ khoa môn Địa lý, năm học này, Trường THPT Đô Lương 1 còn có nhiều em đạt giải cao. Kết quả kỳ thi, trường xếp thứ 4 toàn tỉnh, sau Trường THPT chuyên Phan Bội Châu, THPT Diễn Châu 3 và THPT Huỳnh Thúc Kháng.
Thành tích đáng nể của nữ sinh trường làng đạt thủ khoa môn Hóa cấp tỉnh
Tại kỳ thi học sinh giỏi tỉnh lớp 12 năm nay vừa diễn ra tại thành phố Vinh, em Đặng Thị Kiều, học sinh lớp 12T1 Trường THPT Đô Lương 1 đã đạt thủ khoa môn Hóa học với số điểm 19,5/20.
Mặc dù bố mẹ làm ruộng và phụ hồ, cuộc sống còn nhiều khó khăn, nhưng nghị lực học tập của em thật đáng khâm phục.
Hành trình vượt khó
Hằng ngày, để đến trường học, em Đặng Thị Kiều đã phải đạp xe một quãng đường dài trên 9km. Vì nhà em ở mãi tận xóm 4 xã Xuân Sơn - Đô Lương, một xóm xa trung tâm xã, giáp với địa bàn huyện Thanh Chương.
Trong buổi chiều chập choạng tối ngày đầu tháng 11, ngôi nhà nhỏ của em ở tận đỉnh đồi rộn niềm vui. Gia đình vừa biết tin em đạt thủ khoa môn Hóa học tại kỳ thi học sinh giỏi tỉnh năm học 2020 này. Em cùng bố, mẹ và cậu em trai đang học lớp 10 trò chuyện rôm rả, phấn khởi bởi thành tích vừa đạt được của Kiều.
Góc học tập treo đầy Giấy khen của em Kiều. Ảnh: Ngọc Phương
Thành tích học tập của Kiều thật đáng nể. Từ lớp 1 đến lớp 4 Kiều đều đạt học sinh giỏi trường, lớp 5 đạt giải nhất huyện Toán tuổi thơ. Lên cấp 2, Kiều thi đỗ tốp đầu điểm cao vào trường THCS Lý Nhật Quang, nhưng vì nhà ở xa nên gia đình quyết định để em học tại trường cấp 2 của xã. Mặc dù học ở trường làng, nhưng Kiều luôn duy trì tốt lực học, năm học lớp 6 em đạt giải Nhì môn Toán toàn huyện Đô Lương. Lớp 7 đạt giải Khuyến khích môn Toán, lớp 8 đạt giải nhì môn Hóa tại kỳ thi học sinh giỏi huyện.
Mẹ em Đặng Thị Kiều làm mọi việc để có thêm thu nhập nuôi các con ăn học. Ảnh: Ngọc Phương
Bước sang lớp 9, Kiều đạt giải Nhất môn Hóa tại kỳ thi học sinh giỏi tỉnh, được Chủ tịch UBND tỉnh tặng Bằng khen. Lên học cấp 3 tại Trường THPT Đô Lương 1, năm lớp 10 và lớp 11, Kiều đều đạt giải Nhất toàn trường môn Hóa. Tại kỳ thi học sinh giỏi tỉnh mới đây, Kiều đã đạt giải Nhất môn Hóa với số điểm 19,5/20.
Chăm chỉ, khiêm tốn và đam mê
Chia sẻ kinh nghiệm học tập của bản thân, Kiều cho biết: "Khi học ở trường em luôn hoàn thành bài tập trong ngày. Bên cạnh đó, để học tốt, em mua sách về tham khảo như: Olympic Hóa, tuyển tập đề học sinh giỏi tỉnh các năm. Đồng thời mượn sách của bạn về để học. Ngoài thời gian học, lúc rảnh rỗi, em mua các sách kỹ năng về đọc. Có điều gì chưa hiểu em hỏi thêm thầy cô, các bạn. Để học giỏi môn Hóa, bản thân em phải nắm vững kiến thức sách giáo khoa, làm kỹ các bài tập cơ bản trong sách, sau đó mới làm các bài nâng cao. Sau khi làm các dạng bài tập khác nhau, cần tập trung luyện nhiều dạng đề để nắm bắt kỹ năng cũng như kinh nghiệm giải các đề khó. Đồng thời tham gia các cuộc thi thử do nhà trường tổ chức".
Ngoài trồng lúa, bố mẹ Kiều còn trồng thêm chè, cây ăn quả các loại để có thêm thu nhập nuôi các con ăn học. Ảnh: Ngọc Phương
Hằng ngày, ngoài việc đi học, Kiều thường giúp bố mẹ nấu cơm, nhặt rau, hái chè vào cuối buổi chiều. Gia đình Kiều cuộc sống cũng đang còn khó khăn. Cả 2 bố và mẹ đều làm nông nghiệp, thu nhập chủ yếu từ 5 sào ruộng, một vài luống chè, ít cây ăn quả trong vườn đồi. Những lúc nông nhàn, bố em thường đi phụ hồ để kiếm thêm thu nhập nuôi chị em Kiều ăn học.
Gia đình Kiều tại lễ cưới chị gái đầu ở Vũng Tàu. Ảnh NVCC
Gia đình Kiều có 4 chị em và điều đặc biệt là cả 4 chị em đều học giỏi xuất sắc. Hai chị gái đầu đều tốt nghiệp Đại học Y Dược TP Hồ Chí Minh, một chị là bác sỹ đa khoa, một chị là bác sỹ Răng Hàm Mặt. Sau Kiều còn có một cậu em trai đang học lớp 10T1 Trường THPT Đô Lương 1, cũng luôn đạt học sinh giỏi môn Toán từ lớp 1 đến lớp 10.
Kiều là một học sinh thông minh, chăm chỉ, khiêm tốn, có ý thức trong học tập, có ý chí vươn lên trong hoàn cảnh khó khăn. Đặc biệt em có một niềm đam mê lớn đối với môn Hóa học. Em luôn chịu khó tìm tòi, nâng cao kiến thức để hoàn thành tốt những bài tập được giao, luôn là tấm gương sáng cho các bạn noi theo
Thầy Đặng Sỹ Nam - giáo viên dạy Hóa, chủ nhiệm lớp 12T1, Trường THPT Đô Lương 1
Ngoài việc đi học, Kiều thường giúp bố mẹ làm việc nhà hàng ngày. Ảnh: Ngọc Phương
Thầy Nam chia sẻ thêm kinh nghiệm giảng dạy môn Hóa: "Trong dạy học sinh giỏi, tôi luôn tìm tòi và cập nhật kiến thức theo xu hướng mới. Chú trọng phát triển năng lực tự học cho các em là chính. Với bài tập khó, tôi định hướng cách giải cho các em và các em phải tự tìm tòi, nghiên cứu và đưa ra cách giải quyết tốt nhất".
Ngoài vinh dự có em Đặng Thị Kiều đạt giải Nhất môn Hóa học, Trường THPT Đô Lương 1 còn có nhiều em đạt giải cao tại kỳ thi học sinh giỏi tỉnh năm nay và là trường xếp thứ 4 toàn tỉnh.
Kỹ thuật: Thành Cường
"Nếu không thể trở thành một vĩ nhân, xin hãy là một người tốt" Đặng Thị Cẩm Hằng, sinh năm 1998 tại Hà Tĩnh, đến Nhật Bản theo diện du học sinh năm 2017. Hiện tại cô đang là chuyên viên marketing của công ty Laboro có trụ sở tại Tokyo, Nhật Bản. Sau khi tốt nghiệp THPT, tôi thi đỗ vào Khoa Báo chí - Học viện Báo chí và Tuyên truyền. Nhưng vì yêu Nhật...