Nữ sinh “ngoại đạo” lập kì tích trong môn Lịch sử
Không học chuyên Sử, song Nguyễn Đỗ Linh Nhi – HS lớp 12D1, Trường THPT Phan Huy Chú – Đống Đa (Hà Nội) đã xuất sắc lọt vòng thi học sinh giỏi cấp thành phố và trúng tuyển vào vòng thi quốc gia môn Lịch sử.
Học sinh Nguyễn Đỗ Linh Nhi.
Và em đã mang về giải Nhì trong niềm vui vỡ òa của thầy cô, gia đình và bạn bè – những người luôn đồng hành cùng em trên hành trình đến với Sử học.
Niềm đam mê đặc biệt
Nguyễn Đỗ Linh Nhi chia sẻ: Em có một tình yêu rất lớn đối với Lịch sử. “Như Bác Hồ đã nói “Dân ta phải biết Sử ta”, thời gian học và tìm hiểu các kiến thức lịch sử, em thấy, lịch sử không chỉ là quá khứ mà còn là hiện tại và tương lai. Chúng ta không nên nhìn nhận Lịch sử là một môn học thuộc khô khan mà hãy coi đó là lúc chúng ta được trở về quá khứ để tìm hiểu về cội nguồn, về nguồn gốc của mình. Lịch sử là câu chuyện kể rất có ý nghĩa của dòng thời gian, lại gắn với vận mệnh của dân tộc…” – nữ sinh ngôi trường mang tên nhà Sử học Phan Huy Chú bộc bạch.
Nhìn lại “hành trình” đến với vòng thi cấp quốc gia, Linh Nhi cho biết: Chúng em đã trải qua 2 tháng ôn tập thi HSG quốc gia cùng với 17 bạn khác đến từ 4 trường chuyên ở Hà Nội. Ấn tượng đầu tiên của em về các bạn là những HS tài năng và thân thiện. Các bạn chia sẻ, dù là HS trường chuyên nhưng các bạn vẫn cảm thấy rất lo lắng và áp lực khi bước vào kỳ thi này. Vì vậy, em càng thấy lo lắng, nên đã quyết tâm phải ôn thi và làm bài thật tốt. Trước tiên là để vượt qua chính mình và sau là không phụ lòng dìu dắt của các thầy cô giáo Trường Phan Huy Chú, của thầy cô huấn luyện đội tuyển…
Khi còn ở đội tuyển, thầy Bình – Giáo sư dạy phần Lịch sử thế giới – có hỏi: “Con định làm nghề gì” và nói với em: Dù có chọn nghề gì thì lịch sử là điều quan trọng nhất. Đó là kiến thức cần phải có và ngoại ngữ là công cụ để giao tiếp. Cho nên với em, việc học, hiểu biết Lịch sử không hề nhàm chán. Khi bạn chịu mở lòng, mở trí đón nhận, thì Lịch sử sẽ trở nên rất tuyệt vời và hấp dẫn.
Nguyễn Đỗ Linh Nhi nhìn nhận: Thành tích em đạt được được bên cạnh sự nỗ lực của bản thân thì hơn cả là sự ủng hộ, quan tâm, động viên của gia đình, thầy cô và bạn bè. Ban giám hiệu Trường THPT Phan Huy Chú – Đống Đa, từ thầy Hiệu trưởng Hà Xuân Nhâm đến các cô Hiệu phó Ngô Thị Thành, cô Cao Thanh Nga đã rất gần gũi và quan tâm động viên em.
Chính nhờ câu nói “Thầy tin tưởng con sẽ thành công” của thầy Nhâm đã tiếp cho em rất nhiều động lực. Cũng không thể không kể đến hai cô giáo rèn dạy môn Lịch sử cho em là cô Nguyễn Thị Như Hoa và Tạ Thị Ngọc Tú. Hai cô đã truyền cho em không chỉ kiến thức mà rất nhiều tình yêu thương, tạo sinh khí để em vượt qua thách thức, trở ngại chinh phục kiến thức…
Video đang HOT
Học sinh Nguyễn Đỗ Linh Nhi cùng thầy Hiệu trưởng Hà Xuân Nhâm. Ảnh: NVCC
Tinh thần học tập nghiêm túc
Đồng hành với cô học trò yêu Sử suốt 3 năm học, cô Tạ Thị Ngọc Tú – GV Trường THPT Phan Huy Chú – Đống Đa nhận xét, Linh Nhi vốn có niềm yêu thích đặc biệt với môn Lịch sử. Từ cấp học THCS, em đã vào đội tuyển dự thi HSG và có nhiều thành tích. Cơ duyên đã đưa em về với mái trường mang tên nhà sử học Phan Huy Chú.
“Ngay từ năm học lớp 10, khi giảng dạy môn Lịch sử cho lớp của Nhi, tôi đã nhận thấy được niềm đam mê lớn với môn Lịch sử của cô học trò nhỏ. Với em, học Lịch sử không chỉ là một môn học mà chính là nối dài đam mê và tình yêu với lịch sử. Đây là môn học cho em hiểu về quá khứ, biết về hiện tại. Với mỗi vấn đề lịch sử, Linh Nhi luôn có khao khát tìm hiểu, mở rộng đào sâu kiến thức, nhìn nhận ở nhiều góc độ. Có những vấn đề khiến em trăn trở và luôn có hứng thú khơi sâu. Nhờ tích cực nghiên cứu và tìm hiểu đã giúp em bồi đắp thêm tình yêu và lòng tự hào về lịch sử cũng như truyền thống của dân tộc”, cô Ngọc Tú nhận định.
Cô Tú chia sẻ thêm, khi biết tin mình được chọn vào đội tuyển HSG quốc gia, Linh Nhi khá lo lắng và áp lực. Bởi em là HS duy nhất không nằm trong hệ thống các trường chuyên. Em cũng không phải là dân chuyên Sử. Ban đầu, Linh Nhi choáng ngợp với khối lượng kiến thức khổng lồ của bộ môn, độ sâu của tư duy và cách thức làm bài cần logic. Nếu không có niềm yêu thích thực sự cùng tinh thần học tập nghiêm túc thì có lẽ em không theo được đến tận cùng con đường này.
Nhưng Linh Nhi thực sự đã nỗ lực, quyết tâm cao độ, con tập trung trí lực 100% cho việc học tập tại đội tuyển. Nhìn em cố gắng mỗi ngày, miệt mài và chỉn chu, có lúc ngón tay bầm tím vì mải học mà tự cấu thầy cô thương em đến nghẹn ngào. Chỉ biết động viên em cố gắng. Nhờ có sự nỗ lực, nghiêm túc và tinh thần cầu tiến, cô học trò yêu Sử đã tiến bộ mỗi ngày và giành được kết quả cuối cùng đáng ghi nhận.
Trong 3 năm học liên tiếp, Trường THPT Phan Huy Chú – Đống Đa đều có HS được chọn vào vòng thi quốc gia. Đó là năm 2018, HS Hà Yến Nhi được vào vòng thi quốc gia môn Ngữ Văn; năm 2019, HS Đào Ngọc Linh được vào vòng thi quốc gia môn Lịch sử và năm 2020, HS Nguyễn Đỗ Linh Nhi tiếp tục xuất sắc trong vòng thi HSG cấp thành phố và trúng tuyển vào vòng thi quốc gia môn Lịch sử.
Chất lượng là yếu tố sống còn khi trường phổ thông tự chủ
Được UBND TP Hà Nội giao thêm quyền tự chủ là niềm vui đối với Ban giám hiệu trường THPT Phan Huy Chú (quận Đống Đa).
Hiệu trưởng Hà Xuân Nhâm
Nhưng đi kèm với đó là những thách thức nhà trường phải vượt qua. Trao đổi với Kinh tế & Đô thị, Hiệu trưởng Hà Xuân Nhâm cho biết: Để tồn tại và phát triển, nhà trường sẽ không ngừng nâng cao chất lượng và có những đột phá.
Linh hoạt tuyển dụng nhân sự Trường THPT Phan Huy Chú được UBND Hà Nội giao thêm quyền tự chủ về nhân sự giai đoạn 2020 - 2023 sẽ tạo thuận lợi như thế nào trong hoạt động giáo dục?
Bên cạnh tự chủ về tài chính, khi nhà trường được giao thêm tự chủ về thực hiện nhiệm vụ, tổ chức bộ máy, biên chế sẽ tháo gỡ được nhiều vấn đề. Vấn đề nhân sự, cốt lõi là để đáp ứng việc vận hành của kế hoạch giáo dục. Kế hoạch này của mỗi nhà trường lại không cố định, mà luôn được điều chỉnh hàng năm để phù hợp, hiệu quả hơn.
Theo kế hoạch giáo dục của nhà trường cần phải có những vị trí việc làm phát sinh để đáp ứng sự phát triển của giáo dục: Nhân sự phụ trách các câu lạc bộ âm nhạc, mỹ thuật...; giáo viên các môn Thể dục đáp ứng sở trường, năng lực, đam mê của học sinh (HS); người quản lý HS ăn nghỉ trưa, an toàn thực phẩm; nhân sự đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ để đáp ứng nhu cầu phát triển của nhà trường...
Còn câu chuyện tuyển thêm bao nhiêu người cho từng vị trí phụ thuộc vào việc hằng năm nhà trường rà soát, chỉnh sửa và bổ sung các nội dung mới hoặc cắt bỏ nội dung cũ. Khi phát sinh cần người tới đâu, nhà trường sẽ tìm nhân sự ở mảng đó. Nhưng để tuyển những người giỏi, trả lương cao là bài toán khó đối với tất cả các trường và trường tự chủ càng khó khăn hơn. Song tôi nghĩ để giữ người tài, ngoài việc đảm bảo mức thu nhập, phải tạo ra môi trường làm việc gắn bó để họ nhận được sự hỗ trợ trong việc phát triển năng lực nghề nghiệp và vui khi đảm nhiệm công việc.
Còn về học phí, nhà trường sẽ điều chỉnh như thế nào, thưa ông?
- Nguyên tắc chung đối với các trường tự chủ là "lấy thu bù chi". Trường phổ thông chỉ có nguồn thu từ học phí nên nhà trường căn cứ vào kế hoạch giáo dục trong cả khóa học, trên cơ sở đó tính toán nhân sự, tài chính và các điều kiện đảm bảo khác để vận hành, sau đó mới đưa ra được phần tài chính, mức học phí cha mẹ HS phải đóng.
Học sinh trường THPT Phan Huy Chú đang học trực tuyến môn Ngữ văn trong thời gian nghỉ phòng dịch Covid-19.
Ngoài căn cứ vào kế hoạch giáo dục, nhà trường còn thực hiện nghị quyết của HĐND, UBND TP không được thu học phí vượt quá mức trần. Hiện nay, học phí trường THPT Phan Huy Chú thu theo từng khối, từ 48 triệu đến gần 50 triệu đồng/HS/năm học.
Bền bỉ, liên tục những giải pháp nâng cao chất lượng Nhà trường có giải pháp gì để nâng cao chất lượng dạy - học, tương xứng với mức học phí phụ huynh đóng góp cao hơn so với trường công lập không tự chủ?
- Trường THPT Phan Huy Chú đạt tiêu chí chất lượng giáo dục (5 tiêu chí) từ năm 2015. Tuy nhiên, quan điểm của chúng tôi, đây chỉ là mốc đánh dấu sự ghi nhận, tin tưởng của cấp trên khi nhà trường đã đạt các tiêu chí của trường Chất lượng cao.
Nhà trường phải không ngừng nâng chất lượng, nên hàng năm chúng tôi thực hiện các giải pháp đồng bộ từ nâng cao năng lực nghề nghiệp cho tất cả đội ngũ, truyền cảm hứng, cung cấp các nội dung về kỹ năng sống, giá trị sống đến việc bổ sung những trang thiết bị, điều kiện làm việc...
Việc này nhằm giúp công việc giảng dạy, tổ chức những hoạt động giáo dục hiệu quả, đáp ứng xu thế phát triển của xã hội cũng như mong đợi của người dân.Do là trường phổ thông đầu tiên được giao tự chủ, không có trường nào đi trước để học hỏi, chia sẻ kinh nghiệm cho nên chúng tôi phải vừa làm, vừa rút kinh nghiệm, đôi khi cũng mắc sai lầm, phải rút kinh nghiệm.
Tuy nhiên điều quan trọng nhất để nhà trường tồn tại và phát triển khi tự chủ chính là chất lượng giáo dục được xã hội ghi nhận, cha mẹ HS tin tưởng. Để làm được việc này đòi hỏi sự bền bỉ, liên tục với quan điểm "trường chất lượng cao phải là trường không ngừng nâng cao chất lượng".
Một vấn đề dư luận hết sức quan tâm đó là hiệu trưởng lạm quyền khi nhà trường tự chủ?
- Một hiệu trưởng làm ở trường tự chủ mà dùng quyền một cách không đúng là hại chính mình và hại cả nhà trường. Chỉ năm trước năm sau thôi, trường mất uy tín không tuyển sinh được, cả nhà trường sẽ khó tồn tại, vậy lấy gì để hiệu trưởng lạm quyền?
Vì thế, nhà trường cần xây dựng những quy chế, quy định sử dụng các công cụ mà trường được giao tự chủ theo định hướng nâng cao hiệu quả tất cả các nội dung hoạt động trong nhà trường; cũng như kiểm tra, giám sát chéo việc thực hiện quyền của các cá nhân, các bộ phận.
Đối với trường THPT Phan Huy Chú - Đống Đa, tất cả các quyết sách lớn đều thông qua Hội đồng trường thống nhất mới được phép thực hiện.
Với việc được UBND TP Hà Nội giao tự chủ hoàn toàn, hình ảnh của trường THPT Phan Huy Chú - Đống Đa trong thời gian tới sẽ thế nào?
- Hiện nay, chuẩn đầu ra theo chương trình khung của Bộ GD&ĐT, tức là HS phải thi đỗ tốt nghiệp THPT quốc gia. Nhưng, chúng tôi mong muốn trong tương lai, học trò của mình năng động, tự chủ và hội nhập quốc tế nên sẽ xây dựng thêm những chuẩn đầu ra có giá trị quốc tế, chẳng hạn về tin học, ngoại ngữ, kỹ năng sống, do tổ chức quốc tế công nhận. Ví dụ như HS phải đạt chứng chỉ Tin học văn phòng do Microsof cấp; hoặc về ngoại ngữ, hiện có 70% HS của trường đạt chuẩn đầu ra B1, sang năm trường phấn đấu 100%.
Xin cảm ơn ông!
Muốn tự chủ phải chất lượng Không đơn giản để một trường có thể được giao tự chủ, và cũng không đơn giản để có thể tự chủ thành công. Câu chuyện trường THPT công lập đầu tiên ở Hà Nội được tự chủ toàn phần có giá trị tham khảo cho các trường trong hành trình tự chủ. Học sinh Trường THPT Phan Huy Chú hát Quốc ca...