Nữ sinh nghi tự tử ở An Giang: ‘Em không dám đến trường nữa’
“Sau mọi chuyện diễn ra, em không dám đến trường nữa. Em tìm đến cái chết vì muốn thay đổi suy nghĩ của thầy cô, không muốn ba mẹ phiền lòng”.
Liên quan đến sự việc em NTNY, học sinh trường THPT Vĩnh Xương, An Giang nghi uống thuốc tự tử, để lại thư nêu lý do tìm đến cái chết vì bị cô giáo “ bạo lực tinh thần”, Bệnh viện (BV) Nhi đồng 2 (TP.HCM) đang tiếp nhận điều trị cho em.
Sốc khi bị nêu tên dưới cờ
Hiện tại, em Y. được chăm sóc tại Khoa Nội tổng hợp của BV với tình trạng sức khỏe ổn định. Ngồi trên giường bệnh, sắc mặt của Y. khá nhợt nhạt. Y. khẳng định mình cố tình uống thuốc tự tử để giải thoát áp lực bị “bạo lực tinh thần”.
Em NTNY (trái) đang được điều trị tại Bệnh viện Nhi đồng 2, TP.HCM. Ảnh: HOÀNG LAN
Y. kể em là học sinh giỏi suốt 9 năm liền. Lên lớp 10, ban đầu em học lớp giỏi nhưng sau đó do em bị bệnh hen suyễn, sức khỏe yếu nên gia đình xin chuyển xuống lớp trung bình.
Vào trước thời điểm 20-11, nhà trường tổ chức lớp học phụ đạo, yêu cầu các học sinh đăng ký học các môn. Vì lý do sức khỏe nên Y. chỉ đăng ký môn Anh Văn trong 6 môn và có nói rõ với giáo viên chủ nhiệm.
Tuy nhiên, đến khi đi đóng tiền học thì cô thủ quỹ tỏ thái độ khó chịu, nói rằng phải học tất cả các môn và báo lên ban giám hiệu giải quyết. Cùng ngày, cô chủ nhiệm cũng gọi em đến nói chuyện riêng. “Cô nói em học một môn hay học hết đi nữa cũng phải đóng tiền”, Y. kể.
Sau đó, theo Y., cô giáo chủ nhiệm thỉnh thoảng lên lớp nói dạng ám chỉ có một bạn trong lớp gây ảnh hưởng mất đoàn kết và Phó Hiệu trưởng hay kêu em lại hoặc vào phòng nói chuyện.
Y. đã về nhà nói với ba mẹ để lên làm việc với thầy hiệu trưởng. “Sau khi trình bày lý do, thầy yêu cầu phải viết bản cam kết cuối năm em phải là học sinh giỏi, không được học sinh khá hay trung bình”, Y. kể lại.
Sau đó, một hôm gia đình bận việc, không có ai đưa đi học, em phải chạy xe phân khối lớn đến trường. Cô biết chuyện, gặp và bắt em viết tự kiểm về việc chạy xe quá phân khối.
“Trong thời gian em viết kiểm điểm, cô luôn đi xung quanh, cằn nhằn và nói : “Gần tới 20-11, em tặng tôi món quà bất ngờ, để tôi bị nói này kia”. Khi đó, em giải thích: “Chuyện học phụ đạo gia đình đã vào làm việc với hiệu trưởng. Thế nhưng cô chủ nhiệm cho rằng gia đình gặp hiệu trưởng chứ không gặp cô”, Y. kể.
“Thứ 2 tuần rồi, em phải đi khám bệnh nên không đến trường. Khi về nhà, thấy nhiều bạn nhắn tin và gọi điện nói em bị nêu tên dưới cờ với nội dung phản ánh sự việc ở trường không đúng sự thật, gây hiểu lầm trong quan hệ nhà trường và gia đình, sử dụng điện thoại ghi âm giáo viên; phải học lại bài học đạo đức, phạt lao động 4 tuần (tờ thông báo kiểm điểm sau này giảm còn 2 tuần-PV)”.
Ghi âm vì cô giáo hay lớn tiếng?
Về vấn đề ghi âm giáo viên, Y. thừa nhận mình có dùng điện thoại để ghi âm. Bởi nhiều lần nói chuyện với em, các cô thường lớn tiếng nhưng khi tiếp xúc với gia đình, thái độ lại thay đổi như tất cả những chuyện cô làm vì thương học sinh. Do đó, dù đúng dù sai em đều phải xin lỗi. Vì thế, em muốn ghi âm lại về cho ba mẹ nghe để làm bằng chứng.
Đến ngày thứ 3, khi Y. đi học lại thì cô hiệu phó chất vấn tại sao không viết tự kiểm nhưng thực sự Y. cũng hoang mang không biết mình vi phạm ở điểm nào và các cô giáo cũng không chỉ cụ thể các lỗi sai cho Y.
“Em hỏi cô không biết vi phạm ở đâu, em sai ở đâu cô chỉ em biết. Lúc đó, phó hiệu trưởng nói lại, em ghi âm giáo viên là em không sai hay gì, cô la lớn, cuối cùng cô đứng dậy và đi về luôn”, Y. thuật lại.
Video đang HOT
Đến cuối tuần, vào tiết sinh hoạt chủ nhiệm, Y. được giáo viên chủ nhiệm phát tờ thông báo kỷ luật, trong đó có nêu nội dung Y. sai khi ghi âm giáo viên, phản ánh với gia đình sự việc ở trường không đúng sự thật, gây hiểu nhầm trong quan hệ nhà trường và gia đình. Đồng thời, thông báo cũng nêu gia đình em Y. nhận ra lỗi của con mình nhưng em Y. vẫn chưa nhận rõ lỗi của mình.
Y. cho biết, cô giáo còn yêu cầu em viết bản tự kiểm để giờ chào cờ đọc trước toàn trường.
Thông báo về việc vi phạm của em Y. của trường THPT Vĩnh Xương. Ảnh: GĐCC
“Thứ 2 đi học, em rất sợ, em không biết lúc nào bị các cô gọi tên. Em sợ sẽ phải đọc tự kiểm và nhận sai trước trường. Do quá sợ hãi nên em vào nhà vệ sinh. Khi đó, bệnh hen suyễn tái phát, em đã uống một viên thuốc để lấy lại bình tĩnh.
Thế nhưng, em lại suy nghĩ, giờ mọi người đều biết chuyện. Gia đình cũng vì em phiền lòng. Bản thân em suốt ngày bị các cô gọi lên nói chuyện. Em đã uống hết cả vỉ thuốc với ý nghĩ như một sự giải thoát. Em muốn dùng cái chết để thay đổi suy nghĩ của thầy cô về mình”, Y. chia sẻ.
“Sau sự việc này, không biết thầy cô có thay đổi cách nhìn về em không nhưng em không dám trở lại trường. Bởi em sợ cảm giác bước vào phòng riêng, ở lại cuối giờ học đối diện với các cô”, Y. thổn thức.
Chị Lê Thị Ngọc Mai, chị gái ruột, người đang chăm sóc bé Y. tại BV bày tỏ: “Từ sự việc học phụ đạo, về nhà bé tâm sự thường bị cô gọi nói chuyện. Nhiều hôm bé không ngủ được. Nó lấy những chiếc bút màu ra vẽ trên giấy nhưng không rõ hình thù gì nên tôi lo lắm.
Chưa kể, bé còn bị nhắc nhở về chuyện áo dài mỏng dù trước đó vấn đề này không bị đề cập. Đến khi bé biết mình bị nêu tên trước cờ thì vô cùng sốc. Tôi và gia đình đã có ý định chuyển lớp cho bé và trấn an cố gắng học nhưng chưa kịp thì có thông báo kỷ luật, đọc tên bé ở trường làm cho bé trong thời gian ngắn chịu nhiều sự đả kích nên nghĩ quẩn”, chị Mai kể.
Mấy ngày qua, khi điều trị tại bệnh viện, bé Y. cũng tiếp tục không ngủ được và được các bác sĩ hỗ trợ về tâm lý. “Sau sự việc này, gia đình tôi có lẽ sẽ chuyển trường cho bé. Hy vọng, nhà trường và thầy cô sẽ hiểu đúng về mọi việc và không bao giờ chèn ép học sinh”, chị Mai mong muốn.
Tạm đình chỉ Hiệu trưởng, Phó Hiệu trưởng nhà trường
Sở GD&ĐT An Giang nhận định trong công tác tổ chức, quản lý và biện pháp xử lý của nhà trường còn một số sai sót. Cụ thể, trường tổ chức dạy thêm, học thêm trong trường không đúng với quy định của ngành. Hình thức phê bình, kỷ luật học sinh không đúng với quy định của ngành.
Ngoài ra, biện pháp giải quyết, xử lý học sinh vi phạm nội quy nhà trường chưa phù hợp, hiệu quả, gây bức xúc đối với phụ huynh học sinh và bản thân học sinh.
Xuất phát từ những hạn chế, sai phạm của nhà trường như đã nêu trên, Sở GD&ĐT quyết định tạm đình chỉ công tác đối với ông Nguyễn Việt Hùm, Hiệu trưởng trường và bà Nguyễn Ngọc Hạnh, Phó Hiệu trưởng trường trong thời hạn 15 ngày (kể từ ngày thứ Hai, 7-12)
Hoạt động giáo dục thể chất: Còn nhiều trăn trở
Giáo dục thể chất (GDTC) trong trường học là nội dung quan trọng, góp phần hình thành công dân tương lai phát triển toàn diện cả về đức, trí, thể, mĩ.
Học sinh Trường Tiểu Học Tân Định (Hoàng Mai - Hà Nội). Ảnh: Thiên Thanh
Tuy nhiên, vẫn còn nhiều trăn trở với nội dung này bởi những khó khăn về cơ sở vật chất, đội ngũ, đặc biệt từ nhận thức còn chưa đầy đủ về tầm quan trọng của môn học.
Đầu tư hạn chế
Theo ông Trần Tuấn Khanh, Phó Giám đốc Sở GD&ĐT An Giang, hoạt động GDTC những năm gần đây được lãnh đạo các trường phổ thông đặc biệt quan tâm. Trước hết là công tác chỉ đạo dạy và học đối với môn Thể dục; kế đến là các hoạt động giáo dục ngoại khóa theo hướng tổ chức các trò chơi vận động thể lực. Kết quả giảng dạy GDTC của nhà trường chuyển biến tích cực, phần lớn kết quả học tập, rèn luyện thể chất của học sinh (HS) được đánh giá đạt yêu cầu.
Chương trình học được thiết kế theo hướng kế hoạch tự chủ của nhà trường. Ngoài nội dung quy định, căn cứ vào thế mạnh của nhà trường (đội ngũ giáo viên (GV), cơ sở vật chất và nhu cầu của HS...), các trường tạo điều kiện cho HS lựa chọn môn học theo sở thích, nhằm phát triển năng khiếu các môn (bóng đá, bóng chuyền, bóng rổ, bơi lội, đẩy gậy, bi sắt, bóng ném...).
Ngoài ra, hoạt động ngoại khóa nhân các ngày lễ lớn trong năm học đều được các đơn vị triển khai thông qua hoạt động thể dục thể thao và hoạt động khác, tạo không khí vui tươi phấn khởi trong HS cũng như GV, góp phần nâng cao chất lượng học tập, phát triển toàn diện cho HS.
Hướng đến xây dựng trường học đạt chuẩn quốc gia, nhiều trường trong tỉnh đã quan tâm xây dựng sân chơi bãi tập đúng theo tiêu chuẩn; quan tâm mua sắm một số thiết bị dạy học GDTC để phục vụ hiệu quả dạy học, tập luyện. Đổi mới phương pháp dạy học cũng được GV tích cực triển khai.
"Đa số GV nhận thức đầy đủ về trách nhiệm với nghề, luôn tìm tòi, áp dụng các phương pháp, kỹ thuật dạy học tích cực. Cha mẹ HS cũng nhận thức đúng hơn về vai trò quan trọng của GDTC. Tuy nhiên, vẫn còn bộ phận HS, phụ huynh, thậm chí GV coi GDTC chỉ là môn phụ nên việc đầu tư về thời gian còn hạn chế" - ông Trần Tuấn Khanh cho hay.
Cũng nhắc đến tâm lý môn phụ, lý do thầy Hà Đình Sơn, Hiệu trưởng Trường Tiểu học - THCS - THPT IcoSchool (Bắc Giang) đưa ra là GDTC không tính điểm trung bình môn, đặc biệt là không dính dáng gì đến thi cử.
"Vẫn đâu đó có tình trạng GV dạy cho xong, HS ra sân tập lấy lệ, ngồi cho hết buổi; học để cho qua môn, GV nhận xét "đạt" là được. Có phụ huynh không mặn mà với việc con mình rèn luyện thể dục thể thao; thậm chí còn viện cớ sức khỏe yếu để con né tránh ra sân tập luyện tập" - thầy Hà Đình Sơn trăn trở.
Học sinh Trường THCS Cầu Giấy (Cầu Giấy - Hà Nội) trong giờ thực hành bơi. Ảnh: Nguyễn Lâm
Vẫn là chuyện cơ sở vật chất, đội ngũ
Là Hiệu trưởng Trường Tiểu học - THCS Thụy Dương (Thái Thụy, Thái Bình), thầy Vũ Đức Cảnh thẳng thắn cho biết: Một số hiệu trưởng chưa thực sự quan tâm đến GDTC trong nhà trường. Có trường còn tình trạng bố trí GV các môn văn hóa dạy thể dục.
Một số GV dạy thể dục chưa thực sự toàn tâm cho nghề. Do lịch sử để lại nên trình độ, nghiệp vụ chuyên môn không ít thầy cô chưa đáp ứng được yêu cầu. Với các trường sáp nhập trường tiểu học với THCS thành trường tiểu học - THCS, GV thể dục phải dạy cả 2 cấp học. Chế độ ngoài trời với GV thể dục còn thấp. Diện tích sân chơi, bãi tập của nhiều trường nhỏ hẹp; có trường không có sân bóng đá, bóng chuyền, bóng rổ; ít trường có nhà đa năng. Dụng cụ, trang thiết bị sử dụng cho hoạt động GDTC các trường thiếu nhiều, ít được quan tâm mua sắm.
Tại Trường THPT Trung Nghĩa (Phú Thọ), GDTC xây dựng theo chương trình môn học và công tác GDTC thông qua các hoạt động thể thao trường học đều được triển khai tốt.
Tuy nhiên, thầy Nguyễn Thành Nam, Hiệu trưởng Trường THPT Trung Nghĩa cho biết: Nhà trường vẫn gặp khó khăn về cơ sở vật chất, đội ngũ. Theo đó, các điều kiện tối thiểu để bảo đảm cho giảng dạy thể dục và tổ chức các hoạt động GDTC thì đáp ứng được; nhưng để đáp ứng nhu cầu tập luyện thể dục thể thao một cách đầy đủ, hiện đại và khoa học còn gặp nhiều khó khăn. Kính phí để tổ chức các hoạt động ngoại khóa, các giải thể thao, nhất là ở vùng trung du, miền núi các nguồn này rất khó để xã hội hóa.
Trình độ đào tạo chỉ theo một chuyên ngành nên GV thực hiện chương trình GDTC còn hạn chế, dạy học theo lối mòn, e ngại thay đổi, phương pháp dạy học chưa thực sự phát huy được năng lực sở trường của HS.
Liên quan đến nội dung này, ông Trần Tuấn Khanh thông tin: Hằng năm, Sở GD&ĐT An Giang ban hành văn bản hướng dẫn các trường tăng cường triển khai hoạt động GDTC, linh hoạt lựa chọn, xây dựng chủ đề dạy học trên cơ sở phù hợp tình hình đơn vị, khả năng của GV, năng khiếu sở thích của HS.
Đồng thời, chỉ đạo lồng ghép hoạt động võ cổ truyền vào các tiết dạy, đưa nội dung bơi lội vào trường học. Từ đó, HS yêu thích bộ môn và luyện tập tích cực, thường xuyên hơn, chất lượng giảng dạy bộ môn ngày được nâng lên.
Tuy nhiên, tại nhiều trường học của An Giang, cơ sở vật chất, trang thiết bị phục vụ cho giảng dạy GDTC còn khó khăn vì nhiều thiết bị được đầu tư trước đây giờ đã hư hỏng, chưa có điều kiện trang cấp thay thế hoặc bổ sung. Đa số các trường không có nhà thi đấu, luyện tập thể dục thể thao nên khi trời mưa bão không thể giảng dạy, tập luyện ngoài sân; một số trường phải mượn địa điểm công cộng (công viên, trung tâm cộng đồng ở địa phương).
Nhiều nơi đã bê tông hóa sân nền nên ảnh hưởng khá nhiều đến việc học tập bộ môn và việc tập luyện thể dục thể thao do dễ gây chấn thương. Một số đơn vị chưa mạnh dạn đầu tư cơ sở vật chất, cũng như kinh phí tham gia thi đấu ở các hội thi như Hội khỏe Phù Đổng, giao lưu, thể thao các câu lạc bộ ngoại khóa...
Giờ học thể dục của học sinh Trường Tiểu học Thanh Chương (Thanh Chương - Nghệ An). Ảnh: Thanh Lâm
Khi nào thành nhu cầu tự thân?
Bằng những trải nghiệm của bản thân và 20 năm công tác trong ngành Giáo dục, ông Hà Đình Sơn cho rằng: Để nâng cao hiệu quả hoạt động GDTC, trước tiên cần truyền thông để nhà trường, phụ huynh, HS hiểu được giá trị của thể lực thông qua hoạt động thể dục thể thao, trong đó có bộ môn Thể dục trong nhà trường. Thể chất và trí tuệ làm nên một chỉnh thể con người toàn vẹn.
Việc chỉ quan tâm đến phát triển trí tuệ mà quên đi thể chất là một sai lầm, bởi không thể có một trí tuệ sáng láng trong một cơ thể èo uột được. Vì tầm quan trọng của môn Thể dục, nên đưa ra những quy chế bắt buộc phải đầu tư về cơ sở vật chất dành cho môn học này. Các trường đại học cũng nên có tiêu chí lựa chọn HS về thể chất bên cạnh điểm số các môn văn hóa để khích lệ các em chú trọng vào vận động, chứ không học theo kiểu đối phó.
Cùng với đó, GDTC cần là một môn học tự chọn theo sở thích vận động của HS. Muốn vậy, nhà trường nên đưa nhiều loại hình thể dục, thể thao vào trong trường học; chấp nhận để HS lựa chọn môn mình thích chứ không ép buộc phải chọn theo yêu cầu của GV và nhà trường.
Các nhà trường nên bố trí môn Thể dục tách biệt với thời gian học chính khóa. Việc hiện nay xếp giờ thể dục xen với môn học chính khóa khiến cho hoạt động của HS bị hạn chế rất nhiều. Ví dụ, trong một buổi học chỉ có 1 tiết thể dục, HS không có trang phục thể dục thể thao nên khi ra sân bãi thường né tránh tập luyện và vận động vì sợ bẩn đồng phục; hoặc nếu vận động rồi, các tiết học sau trên lớp rất khó chịu vì trang phục dính mồ hôi.
"Trường THPT nơi tôi làm quản lý đã từng xếp lịch học môn Thể dục vào buổi chiều, với 2 tiết/buổi chiều. HS rất thích vì hôm đó được chạy nhảy và vận động thoải mái, nhưng cuối cùng cũng phải xếp trở lại vào học xen kẽ lịch học chính khóa bởi nhiều lý do như không có quy chế hướng dẫn cho phép xếp tiết học kép (ngoại trừ môn Ngữ văn); dễ trùng vào lịch học thêm của nhiều GV bộ môn khác khiến họ mất quyền lợi. GV thể dục không muốn đi dạy buổi chiều vì muốn kết thúc công việc của mình vào buổi sáng cùng với đồng nghiệp khác..." - thầy Hà Đình Sơn chia sẻ.
Từ thực tiễn của nhà trường, thầy Nguyễn Thành Nam kiến nghị: Địa phương cần dành quỹ đất để nhà trường có đủ diện tích sân chơi, bãi tập, nhà đa năng; đầu tư kinh phí để trang bị đầy đủ trang thiết bị dạy học thể dục và tổ chức các hoạt động thể dục, thể thao trong và ngoài nhà trường; bố trí đủ đội ngũ GV giảng dạy môn Thể dục.
Bộ GD&ĐT cần tiếp tục rà soát chương trình môn học GDTC của các cấp học vì cấu trúc chưa cân đối, nhiều nội dung còn mang nặng tính kỹ thuật.
Đồng thời, chỉ đạo các trường sư phạm tập trung đào tạo, chuẩn hóa đội ngũ GV. Có cơ chế để đẩy mạnh xã hội hóa và hoàn thiện cơ chế quản lý, chính sách huy động sự tham gia đóng góp của toàn xã hội đối với công tác GDTC và thể thao trường học. Tăng cường các nội dung tập huấn thường xuyên cho đội ngũ GV dạy môn Thể dục và tổ chức các hoạt động thể thao ngoại khóa.
Các nhà trường cần vận dụng các hoạt động GDTC một cách linh hoạt, phù hợp với điều kiện địa phương, vùng miền, thể trạng HS, tạo sự hứng khởi cho cả người dạy và người học; tạo ra phong trào thể dục thể thao trường học thực chất, mang lại kết quả thiết thực.
Chỉ khi nào công tác học GDTC trong nhà trường trở thành nhu cầu tự thân khi đó mới tạo ra động lực cho tất cả thầy, cô giáo, HS, cũng như cha mẹ HS, các tổ chức ngoài nhà trường cùng tham gia để tạo dựng thành phong trào thể thao thiết thực, lành mạnh và hiệu quả. - Thầy Nguyễn Thành Nam
Khơi dậy niềm đam mê đọc sách qua Thư viện xanh Mô hình Thư viện xanh khác biệt với thư viện truyền thống, đây là thư viện ngoài trời, có không gian mở, cảnh quan cây xanh mát mẻ đã và đang góp phần không nhỏ trong việc khơi dậy niềm đam mê đọc sách của các em học sinh ở các trường học. Từ đầu năm học 2020-2021, Trường THCS Bình Khánh (phường...