Khơi dậy niềm đam mê đọc sách qua Thư viện xanh
Mô hình Thư viện xanh khác biệt với thư viện truyền thống, đây là thư viện ngoài trời , có không gian mở, cảnh quan cây xanh mát mẻ đã và đang góp phần không nhỏ trong việc khơi dậy niềm đam mê đọc sách của các em học sinh ở các trường học.
Từ đầu năm học 2020-2021, Trường THCS Bình Khánh (phường Bình Khánh, TP. Long Xuyên , An Giang ) thực hiện mô hình Thư viện xanh trong khuôn viên trường. Cái hay của mô hình này không chỉ dừng lại việc tạo được môi trường học tập thoải mái, lành mạnh cho học sinh mà còn giúp các em khơi nguồn cảm hứng với văn hóa đọc, tìm thấy được nguồn kiến thức vô tận từ sách.
Theo Hiệu trưởng Trường THCS Bình Khánh Nguyễn Tây Hồ, nhà trường lên ý tưởng và bàn bạc với phụ huynh học sinh để thực hiện. Ý tưởng có, kế hoạch cũng bắt đầu được triển khai nhanh chóng, phụ huynh học sinh ủng hộ toàn toàn kinh phí xây dựng. Nhiều phương án được đưa ra, như: xây mái tole trong, bạt che, lưới lan,…
Trên tinh thần tiết kiệm tối đa kinh phí, cuối cùng thống nhất ý kiến sử dụng dù che, băng đá được phụ huynh và tập thể các lớp tài trợ. Công việc được phân công cụ thể, người phụ trách xây nền, người đặt dù, giáo viên góp sức trồng các loại hoa đủ màu sắc, tạo cảnh quan mát mẻ, điểm nhấn cho thư viện.
“Thực tế, hiện nay học sinh rất lười đọc sách, ngoài thời gian học tập thì phần nhiều dùi mắt vào điện thoại. Cũng chính từ lý do này, ý tưởng hình thành mô hình Thư viện xanh của trường bắt đầu được hình thành và triển khai. Việc đọc sách cũng không có hiệu quả nếu bị ép buộc, vì vậy phải có những hoạt động kích thích tính ham học hỏi thì các em sẽ tự tìm đến và hình thành thú vui đọc sách cho bản thân”- thầy Hồ giải thích.
Không gian mở, có nhiều cây xanh, hoa cỏ mát mẻ, nguồn sách phong phú,… là những điểm thu hút giúp học sinh tìm đến Thư viện xanh
Khi mô hình Thư viện xanh dần hình thành, phụ huynh, giáo viên và học sinh đều rất vui mừng, phấn khởi vì trên bãi đất mà trước đây toàn là cỏ cây, bụi rậm, nay lại có một không gian học tập, đọc sách mát mẻ, thư giãn cho học sinh lui tới sau giờ học, những buổi học tập ngoại khóa. Sắp tới, nhà trường sẽ tiếp tục vận động phụ huynh học sinh đóng góp xây dựng mở rộng mô hình Thư viện xanh để có thêm không gian cho con em học tập.
Hầu như vào giờ ra chơi giữa giờ, em Trần Trung Hậu (học sinh Trường THCS Bình Khánh) cũng có mặt ở Thư viện xanh của trường. “Ở Thư viện xanh có nhiều sách hay, nhiều hình ảnh minh họa kèm theo, giúp chúng em rất hứng thú. Bởi vậy, thay vì giờ ra chơi ngồi ì trong lớp hay chạy giỡn thì đến đây, vừa ngắm cảnh, vừa đọc sách, còn nghe được tiếng chim hót trên cây, xung quanh cây xanh mát mẻ, rất thoải mái, thư giãn sau những giờ học tập căng thẳng”- em Trần Trung Hậu chia sẻ.
Bản thân em Đỗ Nguyễn Nhật Anh (Trường THCS Bình Khánh) rất thích đọc sách, tuy nhiên đọc sách trong không gian kín như những mô hình thư viện truyền thống trước đây làm em có cảm giác ngột ngạt. Từ ngày có mô hình Thư viện xanh tại trường, vào giờ ra chơi, học ngoại khóa, Nhật Anh thường xuyên cùng bạn bè chọn những quyển sách yêu thích để đọc.
“Vừa đọc sách, vừa được trò chuyện, trao đổi cùng các bạn nên những kiến thức được nhớ rất lâu. Nhờ những câu chuyện lịch sử, câu chuyện đạo đức được học từ sách, em ứng dụng vào ngay trong những tiết học Lịch sử, Giáo dục công dân rất hay và thú vị”- Nhật Anh cho biết.
Hiện nay, thư viện có khoảng trên 100 đầu sách, tập trung ở 3 mảng chính: các câu chuyện lịch sử; giáo dục sức khỏe và giới tính; giáo đục đạo đức như: Cửa sổ tâm hồn, kỹ năng sống… Tất cả nguồn kinh phí mua sách đều do phụ huynh ủng hộ. Mỗi buổi, Thư viện xanh thu hút khoảng 400 lượt học sinh tham gia đọc sách.
“Ngày sinh hoạt cờ đầu tuần, sẽ đặt một số câu hỏi có chủ điểm để học sinh trả lời, lấy dữ liệu từ các quyển sách trong Thư viện xanh. Khi các em trả lời đúng sẽ nhận được các phần thưởng xứng đáng, sau đó sẽ giới thiệu các đầu sách đến các câu hỏi để kích thích tính tò mò của các em đến tìm đọc sách”- thầy Hồ cho hay.
Không chỉ có mô hình Thư viện xanh, nhiều khoảng không gian trống trong Trường THCS Bình Khánh cũng được “xanh hóa” bằng những hàng rào hoa lá, hồ nuôi cá,… nhìn rất đẹp mắt và mát mẻ. Đây cũng chính là chủ trương của nhà trường, giúp học sinh đến trường không phải mang tâm lý nặng nề, mà là cảm giác đến để học tập kiến thức, thư giãn, trải nghiệm,… Như vậy, sẽ giúp học sinh tăng khả năng tập trung, sáng tạo trong học tập, mỗi giờ học là những trải nghiệm thú vị.
“Khoác áo mới” cho thư viện trường học
Với mong muốn tạo thói quen đọc sách cho học sinh ngay từ khi còn nhỏ, nhiều trường tiểu học tại TPHCM đã đổi mới hoạt động thư viện, đẩy mạnh đầu tư cơ sở vật chất.
Học sinh Trường Tiểu học Vĩnh Hội (Quận 4) đọc sách trong thư viện mới của trường. Ảnh: NTCC
Hướng đến thư viện thông minh
Trường Tiểu học Nguyễn Bỉnh Khiêm (Quận 1) vừa khánh thành thư viện Intranet và tổ chức tuần lễ đọc sách cho học sinh. Thư viện gồm 1.000 đầu sách đa dạng ở khắp các thể loại, thiết kế theo không gian mở, sinh động. Đặc biệt, thư viện được trang bị 89 máy tính bảng, bảng thông minh để học sinh có trải nghiệm "đọc sách thông minh".
Tại thư viện, học sinh không chỉ được tìm hiểu các đầu sách phù hợp với lứa tuổi, mà còn được trải nghiệm các trò chơi, khám phá kiến thức khoa học... Thư viện được thiết kế mở, không gian đọc sách thoáng mát, được trang trí đẹp, nhiều màu sắc. Học sinh có thể tranh thủ đọc sách trước giờ học, giờ ra chơi hoặc lúc chờ ba mẹ đón; có thể lựa chọn chỗ ngồi, thậm chí ngả lưng vào ghế lười để đọc sách một cách thoải mái nhất.
Theo cô Đỗ Ngọc Chi, Hiệu trưởng Trường Tiểu học Nguyễn Bỉnh Khiêm, trường mong muốn nâng cao văn hoá đọc trong cán bộ quản lý, giáo viên, học sinh. Đặc biệt khi các thiết bị công nghệ phát triển, nhiều người lựa chọn việc đọc sách online, nhà trường cũng muốn định hướng, giới thiệu cho học sinh lựa chọn sách phù hợp, có kỹ năng sử dụng các thiết bị thông minh một cách hiệu quả, phục vụ cho việc đọc, học tập. Từ thư viện thông minh, nhà trường khuyến khích giáo viên có thể lên tiết dạy học theo chủ đề, chủ điểm, phù hợp hoặc tổ chức một tiết đọc sách ngay trong chính thư viện.
Theo đó, bên cạnh đầu sách phong phú, dữ liệu trên các thiết bị thông minh sẽ được giáo viên lựa chọn cập nhật 2 tuần/lần. Đó là kiến thức được tích hợp theo từng chuyên mục như Lịch sử, Địa lý, Văn học, Kỹ năng sống, Khoa học - Tự nhiên... được giáo viên tìm hiểu, lựa chọn kĩ càng từ nhiều nguồn uy tín. Ngoài ra, dữ liệu cũng được đăng tải trên trang web của nhà trường để phụ huynh học sinh có thể tham khảo, khi có thời gian cùng xem, đọc và cùng học với con em ở nhà.
Ngoài Trường Tiểu học Nguyễn Bỉnh Khiêm, trước đó nhiều trường tiểu học khác trên địa bàn TP cũng đã chú trọng đầu tư cơ sở vật chất, đổi mới hoạt động của thư viện để xây dựng văn hoá đọc cho học sinh. Đơn cử như Trường Tiểu học Nguyễn Văn Trỗi (Quận 4), Trường Tiểu học Lạc Long Quân (Quận 11)...
Học sinh Trường TH Vĩnh Hội (Quận 4) trải nghiệm với thư viện Intranet. Ảnh: Tuấn Anh
Duy trì tiết đọc sách
Đầu năm học 2020 - 2021, Trường Tiểu học Vĩnh Hội, Quận 4 cũng khánh thành thư viện với hơn 800 đầu sách thuộc nhiều lĩnh vực khác nhau.
Với thiết kế ưu tiên ánh sáng tự nhiên, thân thiện, các kệ sách đan xen phù hợp với trẻ nhỏ, màu sắc chủ đạo là xanh lá, bố trí nhiều loại ghế khác nhau, thư viện còn được tận dụng không gian bên ngoài để phục vụ tối đa cho học sinh.
Cô Hà Thị Thanh Nam, Hiệu trưởng Trường Tiểu học Vĩnh Hội cho biết: Để xây dựng và khánh thành thư viện xanh, với không gian đọc mở, thân thiện, đầu sách phong phú, nhà trường đã nhận được sự hỗ trợ của các mạnh thường quân, tổ chức Tầm nhìn thế giới và sự ủng hộ của các cấp lãnh đạo.
Khi đưa vào sử dụng, trường tổ chức ngày hội đọc sách với nhiều hoạt động ý nghĩa: Đọc sách cùng con, kể chuyện cho trẻ (với học sinh lớp 1); đổi cây xanh lấy sách hoặc đổi sách lấy cây xanh; thiết kế bìa sách mà em yêu thích. Trường cũng có kế hoạch giới thiệu các sách hay cho học sinh, hoạt động nhật kí đọc sách, cảm nhận về sách và vận động các mạnh thường quân để có thêm nhiều đầu sách hay.
Đặc biệt, nhiều năm qua, nhà trường bố trí tiết đọc sách vào thời khoá biểu cho học sinh để tạo thói quen đọc sách. Các em có thể đọc những cuốn sách hay được giáo viên lựa chọn hoặc chọn cuốn sách mình yêu thích trong thư viện để có những cảm nhận, chia sẻ về cuốn sách ấy.
Hào hứng với thư viện mới, em Nguyễn Trần Cát Tường, lớp 2/1, Trường Tiểu học Vĩnh Hội chia sẻ: Con rất thích lên thư viện đọc sách, vì có nhiều sách, mát mẻ, được đọc sách cùng các bạn. Con thích đọc truyện 30 ngày cùng con thám hiểm, Tấm Cám.
Song song với việc đầu tư, đổi mới hoạt động thư viện, những năm qua, nhằm lan toả văn hoá đọc, lan toả tình yêu sách, giúp học sinh có kỹ năng đọc... Sở GD&ĐT TPHCM cũng tổ chức thường niên cuộc thi Lớn lên cùng sách. Cuộc thi được phát động từ cấp trường đến cấp quận và TP với nhiều hoạt động ý nghĩa như Ai đọc sách nhanh hơn, Ai đọc sách nhiều hơn; Thiết kế cuốn sách mini; Trải nghiệm ở đường sách...Theo ban tổ chức cuộc thi, qua đọc sách, học sinh có sự thay đổi tốt đẹp về tâm hồn, kiến thức, tư duy, kỹ năng sống; nâng cao tinh thần tự học, sáng tạo và biết vận dụng vào thực tiễn những kiến thức đã đọc. Dự kiến, cuộc thi Lớn lên cùng sách cấp TP năm học 2020 - 2021 được tổ chức vào tháng 1/2021.
Trao tặng hơn 3.000 đầu sách cho học sinh Vĩnh Long Hệ thống Anh văn hội Việt Mỹ (VUS) cùng Quỹ "Vì tương lai tươi sáng" trao tặng 3.272 đầu sách cho học sinh tỉnh Vĩnh Long nhân ngày 20-11. Là dự án nằm trong quỹ "Vì tương tươi sáng", vào ngày 18-11 vừa qua, VUS cùng với tổ chức The Library Project đã đến thăm và trao tặng sách cho thư viện Trường...