Nữ sinh mồ côi giành học bổng một tỷ đồng
Một ngày đông năm 2003, bé gái còn nguyên dây rốn được phát hiện gần một làng trẻ ở Hải Phòng. 18 năm sau, cô bé đó chiến thắng học bổng đại học nước ngoài.
Đỗ Thị Phương Anh, 18 tuổi, ở Làng trẻ SOS Hải Phòng, vừa trở thành quán quân học bổng Trái tim Sư tử của Đại học Anh Quốc Việt Nam (BUV). Suất học bổng duy nhất hàng năm dành cho sinh viên có hoàn cảnh khó khăn trị giá một tỷ đồng, gồm toàn bộ học phí các khóa dự bị tiếng Anh, dự bị đại học, chương trình cử nhân, sinh hoạt phí và nhà ở trong thời gian theo học. Trước đó, em cũng đỗ lớp chất lượng cao Công nghệ Thông tin của Đại học Hàng hải, Hải Phòng, bằng phương pháp xét tuyển.
Phương Anh chưa từng nghĩ tới chuyện du học hay được học bổng một trường đại học quốc tế tại Việt Nam. Tình cờ trong một lần nghe trường giới thiệu trực tuyến chương trình ở làng hồi tháng 7, cô gái nhen nhóm ý định thử sức.
Phương Anh vừa hoàn thành bài kiểm tra tiếng Anh đầu vào, sau khi giành học bổng Trái tim Sư tử của Đại học Anh Quốc Việt Nam. Ảnh: Làng trẻ em SOS Việt Nam
Hạn nộp hồ sơ là đầu tháng 8 nên em chỉ có một tháng để viết bài luận, xin thư giới thiệu, chuẩn bị điểm trung bình học tập, hoạt động ngoại khóa và giấy chứng nhận hoàn cảnh. Chưa từng có kinh nghiệm xin học bổng, Phương Anh vào các hội nhóm để học hỏi. Khó khăn lớn nhất của em khi đó là thời gian và ý tưởng viết luận.
“Cuối cùng, em chọn hành trình tìm lại bản thân qua việc lựa chọn những đôi giày làm chủ đề bài luận. Đừng nên chọn giày theo xu thế, hãy chọn đôi phù hợp và yêu thích, cũng giống như phải là chính mình, dù cho xuất phát điểm thế nào chăng nữa”, Phương Anh nói.
Nữ sinh viết bài luận bằng tiếng Việt, sau đó chuyển sang tiếng Anh và nhờ các thầy cô sửa. Đầu tháng 9, Phương Anh bước vào phòng phỏng vấn trực tuyến với ba giám khảo, gồm thầy hiệu trưởng người nước ngoài và hai thầy cô Việt Nam.
Ở vòng phỏng vấn, ứng viên có thể trình bày bằng tiếng Việt nhưng Phương Anh quyết định nói tiếng Anh để gây ấn tượng với giám khảo. Trước đó, em viết các câu hỏi và câu trả lời rồi luyện tập hàng ngày, lúc đang quét nhà hay nấu ăn. Phương Anh thậm chí còn tập điệu bộ, biểu cảm trước gương, nhờ mẹ nuôi làm giám khảo để luyện nói.
“Hôm phỏng vấn, em sốc vì câu hỏi khác hoàn toàn những gì chuẩn bị. Em không hài lòng với phần trình bày của mình và nghĩ sẽ trượt vì đã dừng lại vài phút để khóc”, Phương Anh nhớ lại.
Nhưng khoảng một tuần sau, Phương Anh vui sướng khi được thông báo đỗ học bổng. Hôm ấy là ngày rộn ràng của nhà Hoa Cúc, tổ ấm của 9 đứa trẻ mồ côi như em.
Phương Anh và mẹ Thắng năm em khoảng 3 tuổi. Ảnh: Làng trẻ em SOS Việt Nam
Video đang HOT
Nhắc đến Phương Anh, chị Đỗ Thị Thắng, 62 tuổi, cười hạnh phúc. Chị Thắng không có gia đình và gắn bó với làng SOS từ ngày con trẻ. Chị nhớ như in rạng sáng một ngày năm 2003, khi người trong làng nghe thấy tiếng trẻ con khóc ở bụi tre gần đó. Một đứa trẻ còn nguyên dây rốn, được bọc sơ sài trong lớp tã mỏng, mặt tím tái vì kiến bu. Cô bé ấy chính là Phương Anh.
Thương đứa trẻ khóc ngặt vì đói sữa, chị Thắng ôm chặt vào lòng, ủ ấm rồi chạy đi xin sữa của các nhà có con nhỏ trong làng. Sau vài hôm được mẹ Thắng chăm sóc và bôi thuốc, những vết muỗi đốt, kiến cắn trên mặt Phương Anh mới đỡ dần.
“Thật may hôm ấy các nhà xung quanh không thả chó, nếu không tôi cũng không biết thế nào. Ông trời đã cho con được sống”, chị Thắng kể.
Sống ở làng SOS, Phương Anh sợ bóng tối và ám ảnh với cảm giác bị bỏ rơi. Lúc còn nhỏ, em luôn phải có hai mẹ nằm cạnh. Cô bé cũng trải qua những ngày vất vả chữa trị u dưới lưỡi. Chị Thắng nhớ lại, ngày đó, mỗi lần tới viện làm phẫu thuật, Phương Anh được các y bác sĩ và bệnh nhân yêu quý. Cô bé luôn tỏ ra mạnh mẽ, lạc quan và vui vẻ trước mỗi lần mổ.
Với Phương Anh, việc giành học bổng mở ra một cuộc đời mới, giúp em có cơ hội thể hiện bản thân và thực hiện mơ ước học ngành Marketing. Cô bé ước sau khi tốt nghiệp đại học sẽ vào làm ở một tập đoàn, có điều kiện giúp đỡ các em ở làng trẻ và đền đáp công ơn nuôi dưỡng của mẹ Thắng.
“Em nhớ nhất hình ảnh mẹ Thắng lấy kim chỉ khâu lại cuốn Atlat bị rách để em kịp mang đi thi tốt nghiệp trung học. Mẹ ít khi thể hiện cảm xúc nhưng em biết mẹ tự hào về con gái”, nữ sinh tâm sự.
Ở làng trẻ, mỗi mẹ phụ trách một gia đình, với đàn con ở mọi lứa tuổi. Bận rộn chăm sóc các em nhỏ nhưng mẹ Thắng luôn dành thời gian ở bên dạy bảo và động viên Phương Anh học tập. Không phụ tình yêu thương của mẹ, em chăm chỉ học hành và luôn đạt học sinh giỏi. Em cũng giúp mẹ chăm sóc và dạy các em khác trong nhà học.
“Phương Anh học tốt môn Toán và tiếng Anh. Con rất chịu khó, tự mày mò và học tập”, chị Thắng nói.
Ông Tăng Tiến San, Giám đốc Làng trẻ em SOS Hải Phòng, cảm động và vui mừng khi Phương Anh giành học bổng vào đại học nước ngoài. Theo ông San, Phương Anh là người đầu tiên trong hệ thống 17 làng trẻ SOS của Việt Nam đạt được thành tích này.
“Với kết quả đó, Phương Anh có cơ hội sang trang mới cuộc đời. Mọi công sức cố gắng và nỗ lực bền bỉ của con đã được ghi nhận. Phương Anh trở thành tấm gương truyền cảm hứng cho các con khác trong làng”, ông San nhận xét.
Trong mắt ông San, Phương Anh là một cô bé nghị lực và học tốt. Từ những năm trung học phổ thông, con đã nhiệt tình tham gia nhiều hoạt động thiện nguyện vì cộng đồng. “So với các anh chị em khác trong làng, Phương Anh có xuất thân đặc biệt. Thay vì tự ti vì sống ở làng trẻ, con rất tự hào và luôn khoe về mẹ Thắng”, ông San nói.
Chị Thắng (thứ hai từ trái sang) và các con trong nhà Hoa Cúc ở Làng trẻ em SOS Hải Phòng. Ảnh: Làng trẻ em SOS Việt Nam
Hiệu trưởng người Việt đầu tiên ở Nhật
Vượt qua bốn ứng viên người bản địa, thầy Nguyễn Duy Anh được bổ nhiệm làm hiệu trưởng Học viện Nhật ngữ GAG ở thành phố Fukuoka, Nhật Bản.
Trở thành hiệu trưởng người nước ngoài tại một trường dạy tiếng Nhật là bước tiến, ghi nhận sự nỗ lực suốt hơn 16 năm qua tại xứ sở hoa anh đào của thầy giáo Duy Anh, 34 tuổi, quê Liên Hà, huyện Đông Anh, Hà Nội.
Thầy Nguyễn Duy Anh, Hiệu trưởng Học viện Nhật ngữ GAG ở thành phố Fukuoka, Nhật Bản. Ảnh: Nhân vật cung cấp
Tháng 4/2006, anh Duy Anh sang học tiếng tại Học viện Ngôn ngữ và Văn hóa Nhật Bản. Những ngày đầu, chàng trai sốc cả về ngôn ngữ lẫn văn hóa. Mong muốn giao tiếp được tiếng Nhật nhanh nhất có thể, anh quyết định đi làm thêm.
Đầu tiên, Duy Anh xin vào rửa bát ở một quán án. Công việc bắt đầu vào chiều tối, sau giờ học và kéo dài bốn tiếng. Đều đặn hàng ngày, anh đạp xe khoảng 30 phút từ phòng trọ đến nơi làm việc.
Thấy chàng trai người Việt nhanh nhẹn, ham học hỏi, chủ quán giao cho anh làm bếp, chế biến các món tempura hay sushi. Nhờ chăm chỉ luyện tập tiếng Nhật tại chỗ làm thêm nên chỉ thời gian ngắn, trình độ của anh được cải thiện. Khi đã tự tin hơn về giao tiếp, anh xin được công việc thu ngân ở siêu thị và phiên dịch.
Kết thúc hai năm học tiếng, Duy Anh theo học khóa dự bị đại học tại Học viện EHLE (thành phố Osaka) rồi thi đỗ khoa Kinh tế, Đại học công lập tỉnh Hyogo (thành phố Kobe) - trường top 3 về khối ngành Kinh tế của Nhật Bản. Anh cũng là sinh viên Việt Nam duy nhất thi đỗ vào trường năm đó.
Anh Duy Anh liên tục đạt học bổng toàn phần bốn năm liền và tốt nghiệp đại học công lập Nhật Bản với tấm bằng giỏi. Ra trường, anh làm biên, phiên dịch và xử lý hồ sơ cho du học sinh của trường Nhật ngữ Osaka Minami (thành phố Osaka) để tích lũy kinh nghiệm. Hai năm sau, anh về làm giám đốc điều hành Học viện Nhật ngữ GAG.
"Từ làm công ăn lương chuyển sang quản lý, tôi phải nỗ lực rất nhiều. Quan niệm người cố gắng thì sẽ có tiếng nói và được tôn trọng, tôi chứng minh khả năng bằng kết quả công việc, thay vì chỉ hứa suông", anh Duy Anh chia sẻ.
Người Nhật vốn nổi tiếng với văn hóa làm việc cống hiến, do đó anh phải dành trọn tình yêu, sự tâm huyết để đảm đương khối lượng công việc lớn. Anh thường là người tới nơi làm việc sớm nhất và về sau cùng.
Tập thể sinh viên và giáo viên Học viện Nhật ngữ GAG. Ảnh: Nhân vật cung cấp
Ở vị trí của giám đốc điều hành, anh Duy Anh có nhiệm vụ phát triển trường, tuyển sinh và nâng cao chất lượng giáo dục. Trường của anh tập trung đào tạo ngôn ngữ, văn hóa, kỹ năng cho hai đối tượng đi học và đi làm.
Sinh viên có nhu cầu thi vào cao đẳng, đại học, trường nghề tại Nhật được dạy sâu hơn về các môn văn hóa bằng tiếng Nhật, được thầy cô hướng dẫn chuẩn bị hồ sơ, tham gia kỳ thi lấy chứng chỉ cần thiết, tập luyện phỏng vấn xin học bổng... Với những bạn muốn đi làm sau khi tốt nghiệp, nhà trường thành lập riêng một công ty kết nối nhân lực, nhằm giúp đỡ các bạn xin vào làm tại doanh nghiệp Nhật Bản đúng với nguyện vọng, sở thích và năng lực bản thân.
Từng trải qua những năm tháng bắt đầu từ số không, anh Duy Anh hiểu rõ khó khăn du học sinh gặp phải. Không muốn các em phải đi đường vòng, anh luôn sẵn sàng tư vấn, giúp đỡ để sinh viên có cơ hội học tập và làm việc. Không ít du học sinh được anh giúp đỡ giờ có công việc ổn định và thành công ở Nhật Bản. Thỉnh thoảng nhận được tin nhắn báo tin của các bạn, anh cảm thấy hạnh phúc và thấy con đường mình lựa chọn là đúng đắn.
Hiện trường có hơn 300 sinh viên, trong đó 50% đến từ Việt Nam, còn lại là Trung Quốc, Thái Lan, Mỹ, Philippines, Indonesia, Sri Lanka, Mông Cổ... Học viện cũng được Bộ Giáo dục, Văn hóa, Thể thao, Khoa học và Công nghệ Nhật Bản công nhận về chương trình đào tạo và chất lượng.
Anh Duy Anh tâm sự trở thành hiệu trưởng là niềm tự hào nhưng cũng là áp lực. Anh mất hai tháng suy nghĩ, không biết có đảm nhiệm nổi, có thể trở thành bộ mặt của trường hay không. "Tôi thích thử sức bản thân, làm công việc chưa người Việt nào ở Nhật làm. Từng học đại học và nhiều năm đi làm ở Nhật nên tôi mong muốn mang hơi thở mới, sự thân thiện, gần gũi đến với sinh viên", anh Duy Anh nói.
Cuối cùng, vượt qua bốn ứng viên người Nhật có kinh nghiệm quản lý giáo dục, anh được lựa chọn làm người đứng đầu Học viện Nhật ngữ GAG vào giữa tháng 5. Ba ngày sau khi nhận quyết định, anh về Việt Nam công tác giữa lúc dịch bệnh căng thẳng. Vừa điều hành trường online, anh vừa tranh thủ giải quyết các việc bị tồn đọng vì Covid-19.
"Chuyến công tác là bước đi táo bạo, nhưng mang lại kết quả ngoài sức tưởng tượng của tôi. Tôi đã hoàn thành chỉ tiêu tuyển sinh cho năm 2022", anh Duy Anh cho hay. Trong khi các trường tiếng ở Nhật bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh, học viện của anh đã chủ động có cách làm khác và đạt được thành công.
Đại sứ Vũ Bình tặng hoa thầy Nguyễn Duy Anh khi nhậm chức Chủ tịch Hội người Việt Nam tại Fukuoka nhiệm kỳ hai hôm 25/9. Ảnh: Nhân vật cung cấp
Ông Vũ Bình, Tổng lãnh sự quán Việt Nam tại Fukuoka, cho biết anh Duy Anh là doanh nhân trẻ, lập nghiệp trong lĩnh vực giáo dục, đào tạo trên đất Nhật. Anh hiện là hiệu trưởng người Việt Nam đầu tiên tại Nhật Bản và Chủ tịch Hội người Việt Nam tại Fukuoka.
Khi ông Bình sang Nhật nhận nhiệm vụ, trường của anh Duy Anh đã thành lập nhưng còn non trẻ và không dễ gì đạt được thành công trong môi trường cạnh tranh gay gắt, đặc biệt ở mảng đào tạo tiếng. Tuy nhiên, nhờ sự nhạy bén, nắm bắt thời cuộc và quyết đoán, anh đã tạo được uy tín và danh tiếng cho trường.
"Tôi vui mừng khi chứng kiến sự trưởng thành vượt bậc của Duy Anh trong thời gian khá ngắn, cả ở lĩnh vực chuyên môn và hoạt động vì cộng đồng người Việt Nam ở Fukuoka", ông Bình nói.
Tiếp tục giấc mơ du học cùng chương trình "Du học không gián đoạn" tại BUV Với thông điệp "Ở lại để tiến xa hơn", chương trình "Du học không gián đoạn" mùa thứ 2 của trường Đại học Anh Quốc Việt Nam (BUV) mang tới nhiều cơ hội học tập quốc tế và hỗ trợ tài chính cho học sinh Việt Nam. Sau năm thứ nhất triển khai thành công, chương trình tiếp tục mở rộng sang năm...