‘Nữ sinh bây giờ đánh nhau ghê quá’
Nhiều người thốt lên như vậy khi bạo lực học đường đang có chiều hướng tăng nhanh. Không ít ý kiến lo ngại việc nữ sinh đánh nhau bây giờ đã thành… bình thường.
Chia sẻ trên Zing.vn, một độc giả viết: “Chuyện học sinh bị bắt nạt, bạo lực học đường, đánh nhau bây giờ nhiều quá, tình tiết lại na ná, cách xử lý của gia đình và nhà trường thì giống hệt nhau, nên không còn ai quan tâm tới nữa đâu”.
Liên tục nữ sinh đánh bạn
Hai ngày trước, mạng xã hội lan truyền clip quay cảnh một nhóm nữ sinh ở Đồng Nai vây đánh dã man bạn học. Những bạn chứng kiến vụ việc vô tư cười đùa, thậm chí tạo dáng để… quay clip kỷ niệm.
Trước đó, một nữ sinh lớp 9 ở Tiền Giang đánh đàn em lớp 7 vì ghen tuông trên Facebook khi trên người cả hai còn mặc nguyên áo dài học trò.
Clip nữ sinh đánh bạn được đưa lên Facebook. Ảnh chụp màn hình.
Chỉ mới tuần trước, hai nữ sinh lớp 8 tại TP Hội An, tỉnh Quảng Nam, do mẫu thuẫn từ trước, đã hẹn nhau ra đường đánh nhau. Trong clip đăng tải lên mạng xã hội, nạn nhân liên tục bị giật tóc, đấm nhiều lần vào mặt, đập đầu xuống đường.
Ngày 11/5, mạng xã hội lan truyền đoạn video ghi cảnh học sinh cấp 2 tại Phú Yên bị ba nữ sinh khác đánh hội đồng. Clip dài 1 phút 30 giây, người xem thấy ba nữ sinh liên tục tát, đánh, đạp dù nạn nhân luôn miệng xin tha.
Đầu tháng 5, cư dân mạng truyền tay nhau clip ghi cảnh một nữ sinh ở Sơn La bị bạn tát nhiều lần vào mặt, kèm theo đó là tiếng các học sinh khác xúm quanh, không ai ngăn cản, thậm chí còn hùa vào đếm xem nữ sinh này tát bao nhiêu cái vào mặt bạn. Do bị nhiều cái tát liên tục, nạn nhân chảy cả máu mũi.
Video đang HOT
Cuối tháng 4, nữ sinh Lạng Sơn bị bạn bắt quỳ gối giữa đường, chửi bới và bị tát liên tiếp vào mặt, bạn bè xung quanh không ai can ngăn.
Chỉ trong vòng 1 tháng, hàng loạt vụ bạo lực học đường đã diễn ra, chủ yếu xuất phát từ mâu thuẫn giữa các nữ sinh.
Lý do đánh nhau ngày càng “vớ vẩn”
Theo dõi các sự việc bạo lực học đường trên, thành viên Hoàng Nhất Long chỉ ra, lý do của các vụ bạo lực học đường gần đây ngày càng “vớ vẩn” như: nghi nói xấu, dám tán tỉnh bạn trai của mình, chảnh, bắt chước, thậm chí đi giày giống cũng bị đánh tới tấp…
Còn độc giả Trần Trung Đức nêu: “10 vụ thì 8 vụ do mẫu thuẫn từ mạng xã hội, trong đó cả 8 vụ được quay và đăng tải lên Facebook. Sau đó, hầu hết học sinh bắt nạt sẽ chia sẻ clip đánh nhau lên trang cá nhân để khoe chiến tích”.
“ Thế giới ảo đang ngày càng thật” là day dứt của của Nguyễn Minh Hoàng.
“Chỉ vì vài cú nhấp chuột, vài lần gõ bàn phím, một đứa trẻ có thể bị đánh tới chảy máu mũi, bị bạn liên tục đấm và đập đầu xuống đất. Cùng từ mạng xã hội, nữ sinh sẵn sàng lao vào đánh đập em nhỏ tuổi hơn mình, dùng những từ ngữ chợ búa để thóa mạ, xúc phạm người khác không ngại ngùng.
Cũng vì một vài cái like và comment ảo, một học sinh điềm nhiên nhìn người khác bị bạo hành, vô cảm quay video, chỉnh sửa, rồi đăng tải lên Facebook”, người dùng Facebook này viết.
Cũng theo chia sẻ của Tú Ngọc Nguyễn, bạo lực học đường xảy ra mỗi ngày, nhưng chỉ các vụ việc xuất hiện trên mạng xã hội, được báo chí đưa tin mới được xã hội biết tới.
“Việc học sinh đánh nhau đã thành bình thường, không còn gây phẫn nộ như trước nữa. Số lượng các vụ đánh nhau gia tăng, sự chú ý của mọi người cũng giảm đi. Bạo lực học đường thành chuyện bình thường mất rồi”, người này lo lắng.
Nữ sinh bị bạn tát 52 cái chảy máu mũi. Ảnh c ắt từ clip.
Gia đình thờ ơ khi con hư
Nhiều độc giả chỉ ra, trong các sự việc đánh nhau, không hề thấy bóng dáng phụ huynh. Phải chăng cha mẹ học sinh chỉ xuất hiện sau khi con mình bị nhà trường xử phạt?
“Con mình bị bắt nạt, dọa dẫm, đánh đập gần 1 năm mà bố mẹ không biết thì không hiểu nổi?” là câu hỏi của độc giả Jerry Vo.
Có người còn gay gắt hơn, cho rằng tính cách bạo lực ở con trẻ chủ yếu do gia đình. Nguyễn Văn Tuyến nêu quan điểm nhân cách, tính nết, đạo đức, cách ứng xử của một người phụ thuộc phần lớn vào gia đình. Khi cha mẹ không quan tâm, hoặc quan tâm hời hợt, con hư là chuyện dễ hiểu.
Hải Tú nhận định: Nhiều gia đình có xu hướng bạo lực, đưa vào đầu con những ý nghĩ về việc bạo hành người khác. Con kể chuyện bức xúc ở trường, ông bố bảo ngay: Cứ đấm cho nó một cái. Dần dần sẽ tạo ra suy nghĩ mình được phép đánh đập người khác ở trẻ con.
Cũng bàn về vấn đề các sự việc đánh nhau, Nguyễn Trường Xuân nói, cha mẹ thường bỏ qua lỗi đánh bạn, vì cho rằng đấy là con biết tự bảo vệ mình, “khôn”, “ghê gớm”, thậm chí còn khuyến khích con sử dụng nắm đấm để giải quyết vấn đề, gián tiếp tạo ra mầm mống của bạo lực sau này.
Nhà trường xử lý “tầm ngắn”
Theo dõi các vụ việc đánh nhau của học sinh thời gian gần đây, xã hội sẽ thấy cách xử lý của nhà trường đều như nhau: khiển trách, yêu cầu hòa giải, hạ hạnh kiểm, đình chỉ học, cho lưu ban…
Phần lớn độc giả đều cho rằng, đây là cách giải quyết “ngắn”, không tạo hiệu quả lâu dài.
“Nếu con ông hiệu trưởng bị tát liên tiếp 52 cái đến chảy máu mũi, ông có bắt tay hòa giải?”.
“Bị ba người to lớn hơn mình đánh chửi, đập đầu xuống đất, sau đó còn bị quay clip đưa lên Facebook để mọi người cùng biết mặt, rồi thủ phạm chỉ bị khiển trách, liệu đã xứng đáng?”.
Thậm chí, nhiều trường còn chọn cách “phủi tay” khi đuổi học, cho lưu ban, bắt chuyển trường chính học trò của mình.
Theo Huyền Nguyễn, giáo dục hiện nay chưa tập trung vấn đề đạo đức cho học sinh. Các trường thường khiển trách, bắt viết kiểm điểm. Trường nào nặng tay thì đình chỉ, đuổi học, trẻ con thất học đâu phải chuyện đơn giản. Hình phạt không có tính răn đe thì không sợ, nặng tay thì tương lai con trẻ bấp bênh.
Vấn đề chính ở đây là giáo dục suy nghĩ, hành xử cho học sinh. Các em đều ở độ tuổi chưa suy nghĩ chín chắn, hành động bộc phát, chỉ có giáo dục lâu dài mới giúp loại bỏ được các vụ đánh nhau.
Bàn về vấn đề cách xử lý bạo lực học đường, cô Nguyễn Thị Bích Vân – Hiệu trưởng THPT Hoàng Quốc Việt (Đông Triều, Quảng Ninh) cho biết, trường cô thường xuyên có những buổi học đạo đức ngoài giờ, dạy học sinh cách cư xử trong những tình huống dễ mắc phải như: cách cư xử với bạn bè, khi xảy ra xích mích trong trường, khi va chạm giao thông ngoài đường…
Còn với cô Nguyễn Bích Ngọc (giáo viên THCS Mạc Đĩnh Chi, Hà Nội), cách giải quyết xung đột giữa các học sinh là yêu cầu hai em ngồi xuống, tìm cách nói chuyện.
“Những trẻ quay clip, hùa vào bên ngoài, đưa lên mạng xã hội mới đáng bị phạt. Hành động ấy mới làm lan truyền sự bạo lực, cổ vũ bạo lực. Con người ai cũng có những lúc bực bội, nhưng hành động a dua, cổ vũ bạo lực, vô cảm khi chứng kiến bạo lực, phát tán hình ảnh bạo lực mới đáng lên án”, cô Ngọc nêu quan điểm.
Theo Zing