Nữ nhân viên Vietnam Airlines bị đánh: Hà Nội yêu cầu công khai xin lỗi
Thường trực Thành ủy Hà Nội vừa yêu cầu Ban cán sự Đảng UBND thành phố chỉ đạo, yêu cầu ông Đào Vịnh Thuấn, thanh tra giao thông công khai xin lỗi nữ nhân viên Vietnam Airlines và hãng hàng không Vietnam Airlines.
Thành ủy Hà Nội yêu cầu ông Đào Vịnh Thuấn công khai xin lỗi vì đã hành hung bà Quỳnh Anh
Theo Thành ủy Hà Nội, sau khi nghiên cứu thông tin báo chí phản ánh ngày 18.10, ông Đào Vịnh Thuấn, cán bộ Thanh tra Sở Giao thông vận tải Hà Nội có hành vi không đúng mực đối với một nữ nhân viên hàng không tại sân bay Nội Bài, gây ảnh hưởng xấu đến hình ảnh của cán bộ, công chức Thủ đô.
Thường trực Thành ủy yêu cầu Ban cán sự đảng UBND thành phố chỉ đạo Sở Giao thông vận tải phối hợp với cơ quan chức năng làm rõ nguyên nhân vụ việc; có biện pháp xử lý nghiêm theo đúng quy định đối với hành vi sai phạm của cá nhân liên quan. Yêu cầu ông Đào Vịnh Thuấn công khai xin lỗi nữ nhân viên hàng không và hãng Hàng không Vietnam Airlines. Thành ủy cũng yêu cầu UBND thành phố giao một cơ quan thống nhất chịu trách nhiệm cung cấp thông tin trả lời, định hướng; thực hiện trao đổi, làm rõ vụ việc từ cả hai phía. Công khai kết quả xử lý trên phương tiện thông tin đại chúng; báo cáo Thường trực Thành ủy kết quả giải quyết trước ngày 25.10.
Trước đó, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội chỉ đạo các cơ quan chức năng khẩn trương điều tra làm rõ và báo cáo kết quả lên Thủ tướng Chính phủ trong tháng 10.2016.
Theo biên bản sự việc của Trung tâm an ninh hành khách Nội Bài, khoảng 14 giờ ngày 18.10, Đội An ninh cơ động nhận được thông tin từ trực ban an ninh thông báo, tại phía trước điểm kiểm tra an ninh soi chiếu khu C tầng 2 Nhà ga T2 xảy ra xô xát giữa chị Nguyễn Lê Quỳnh Anh với hai hành khách Trần Dương Tùng (32 tuổi), trú tại Hà Nội và hành khách Đào Vịnh Thuấn (37 tuổi), trú tại phường Ngọc Khánh, quận Ba Đình, Hà Nội là hành khách đi trên chuyến bay VN7265 chặng Hà Nội – TP.HCM, dự kiến cất cánh lúc 13 giờ 55 phút cùng ngày.
Video đang HOT
Biên bản ghi rõ, hành khách Đào Vịnh Thuấn có hành vi túm vai áo bà Quỳnh Anh, sau đó, hành khách Trần Dương Tùng dùng tay đánh vào đầu bà Quỳnh Anh. Ông Đào Vịnh Thuấn là cán bộ thanh tra giao thông thuộc Sở GTVT Hà Nội.
Theo tường trình của ông Tạ Đức Giang, người chứng kiến toàn bộ sự việc: Lúc 14 giờ ngày 18.10.2016, ông Giang cùng bà Nguyễn Lê Quỳnh Anh làm nhiệm vụ giám sát quá trình làm thủ tục an ninh hành khách đi thì thấy hai hành khách nói trên to tiếng tại điểm máy soi khu C vì lý do bị chậm chuyến bay. Chứng kiến sự việc, ông Giang và bà Nguyễn Lê Quỳnh Anh đã giải thích về chính sách của hãng hàng không rồi cùng hai hành khách đi đến quầy số 38 để làm thủ tục lại. Tuy nhiên, tại đây hành khách Trần Dương Tùng có hành vi lăng mạ, chửi bới đối với nhân viên làm thủ tục quầy số 38. Thấy vậy, bà Nguyễn Lê Quỳnh Anh đã dùng điện thoại di động quay lại cảnh to tiếng, thì bị hành khách Đào Vịnh Thuấn dùng tay túm vai áo, còn hành khách Trần Dương Tùng lao vào đánh vào đầu chị Quỳnh Anh dẫn đến choáng váng, buồn nôn phải đi khám.
Cục Hàng không Việt Nam hôm qua 20.10 đã có lệnh cấm bay 12 tháng với ông Đào Vịnh Thuấn và 6 tháng với ông Trần Dương Tùng.
Theo Thanh Niên
Luật sư nói gì về vụ "Lục Vân Tiên" cứu nữ nhân viên hàng không?
Luật sư cho rằng, việc dùng một hành vi vi phạm pháp luật để "chế ngự" một hành vi vi phạm pháp luật khác cũng là vi phạm. Vì vậy, người được gọi là "Lục Vân Tiên" đánh đối tượng hành hung nữ nhân viên sân bay có thể bị xử phạt.
Trong lúc xảy ra xô xát, một người đàn ông thấy bất bình đã lao vào bênh vực, đạp ngã vị khách hành hung nữ nhân viên sân bay. (Ảnh cắt từ clip)
Cứu người là trách nhiệm của mọi công dân
Liên quan đến vụ xô xát giữ 2 vị khách Trần Dương Tùng và Đào Vịnh Thuấn với chị Nguyễn Lê Quỳnh Anh (Đội phó Đội Dịch vụ hàng không chuyến bay) tại sân bay Nội Bài, ông Trần Hoài Phương, Giám đốc Cảng vụ hàng không miền Bắc cho biết, đang xác minh người đàn ông đứng ra bênh vực chị Quỳnh Anh khi thấy chị này bị hành khách (sau này xác định là ông Tùng) tấn công để xem xét xử lý về hành vi gây rối trật tự công cộng.
Hình ảnh clip cho thấy, khi thấy ông Tùng đánh chị Quỳnh Anh, một người đàn ông đã lao vào tấn công, đẩy ngã ông Tùng. Sau đó, người đàn ông tiếp tục xảy ra tranh cãi với ông Thuấn và ông Tùng buộc lực lượng an ninh phải can thiệp.
Nhiều ý kiến cho rằng, không nên xử lý người tấn công đối tượng hành hung nữ nhân viên sân bay, thậm chí còn gọi người này là "soái ca" hay "Lục Vân Tiên" vì đã kịp thời giải cứu nữ nhân viên sân bay khỏi việc tiếp tục bị hành khách đánh.
Trao đổi với PV, luật sư Nguyễn Anh Thơm (Văn phòng luật sư Nguyễn Anh) cho rằng: Khi thấy bất kỳ đối tượng nào có hành vi xâm hại đến tính mạng, sức khỏe người khác một cách trái pháp luật thì mọi công dân đều có trách nhiệm ngăn chặn hành vi đó.
Hành động tấn công, đẩy ngã đối tượng đang hành hung nữ nhân viên sân bay của người đàn ông là nhằm mục đích can ngăn, ngăn chặn đối tượng đang có hành vi phạm tội xâm phạm đến tính mạng, sức khỏe của người khác.
Vì vậy, luật sư Thơm cho rằng, người đàn ông đánh đối tượng đang hành hung chị Quỳnh Anh không có dấu hiệu vi phạm gây rối trật tự công cộng và cũng không có căn cứ để xử lý hành chính.
"Soái ca" có thể được giảm mức phạt
Tuy nhiên, luật sư Trần Tuấn Anh (Công ty Luật Minh Bạch) lại cho rằng, nếu nhìn góc độ xã hội và tình cảm, hành động của người đàn ông được gọi là "soái ca" có thể coi là hành động nghĩa hiệp vì giúp nữ nhân viên sân bay không bị đánh nữa. Nhưng ở góc độ pháp luật, "soái ca" giải cứu nữ nhân viên sân bay có biểu hiện vi phạm quy định về trật tự nơi công cộng.
Theo luật sư Tuấn Anh, hình ảnh clip cho thấy, đối tượng đánh nữ nhân viên sân bay đã có hành vi xâm phạm đến sức khỏe, thân thể của người khác, vi phạm quy định về trật tự công cộng. Trong trường hợp nữ nhân viên sân bay bị thương tích nặng, đối tượng có thể bị xử lý hình sự.
Tuy nhiên, hành vi lao vào đánh đối tượng hành hung nữ nhân viên sân bay của người đàn ông gọi là "soái ca" cũng có biểu hiện vi vi phạm quy định về trật tự công cộng.
"Dùng một hành vi vi phạm pháp luật để "chế ngự" một hành vi vi phạm pháp luật khác cũng là vi phạm, trừ khi nó được thực hiện trong "tình thế cấp thiết" hoặc trường hợp phòng vệ chính đáng. Tuy nhiên, tôi cho rằng, hành vi của người thanh niên nghĩa hiệp không thuộc các trường hợp nêu trên", luật sư Tuấn Anh nêu ý kiến.
Luật sư Tuấn Anh cho rằng, thay vì lao vào đánh đối tượng đang hành hung nữ nhân viên sân bay, người đàn ông có thể lựa chọn biện pháp khác như vào để can ngăn, ôm đối tượng đang đánh nữ nhân viên hàng không lại, qua đó giúp cô gái thoát khỏi sự nguy hiểm....
Theo luật sư Tuấn Anh, trong trường hợp người đàn ông được gọi là "soái ca" giải cứu nữ nhân viên sân bay bị xử lý hành chính vì vi phạm quy định về trật tự công cộng, cơ quan chức năng có thể áp dụng tình tiết giảm nhẹ "vi phạm hành chính trong tình trạng bị kích động về tinh thần do hành vi trái pháp luật của người khác gây ra" để giảm nhẹ mức phạt.
Theo Danviet
Bị "rớt" chuyến bay, hành khách đánh vào đầu nữ nhân viên hàng không Một nữ nhân viên hàng không làm việc tại bộ phận làm thủ tục bay (check-in), sân bay quốc tế Nội Bài đã bị nam hành khách "động thủ" sau khi xảy ra xô xát. Sự việc xảy ra chiều 18/10, đã được camera tại sân bay ghi lại. Trao đổi với PV Dân trí, đại diện Cảng vụ Hàng không miền Bắc...