Nữ kỹ sư môi trường tâm huyết lập ngân hàng video giáo dục
Xuất thân là kỹ sư môi trường, nhưng một lần vô tình xem bức ảnh minh họa về sự buồn tẻ trong lớp học, chị Nguyễn Quỳnh Vân (cựu sinh viên Trường ĐH Bách khoa TP.HCM) đã quyết tâm tìm cộng sự để cùng lập nên dự án ngân hàng video giáo dục.
Chị Vân cùng cộng sự dành toàn tâm toàn lực cho dự án – HOA NỮ
Ngân hàng video giáo dục mà chị đang ấp ủ những công đoạn cuối cùng để đưa ra thị trường là một trong những cách mà theo chị Vân sẽ giúp cho giờ học của học sinh bớt tẻ nhạt và sinh động hơn. Bên cạnh đó còn giúp giáo viên tiết kiệm được thời gian giảng giải và tăng được hiệu quả tiếp thu của học trò.
Tích góp tiền 8 năm đi làm cho dự án
Điều tiên quyết để chị Vân đưa ra quyết định từ bỏ công việc đang rất ổn định để lao vào dự án mà chưa biết kết quả sẽ thế nào, đấy là một lần vô tình xem được bức hình trên mạng, lấy hình ảnh hai bán cầu não của con người để diễn tả một bên là không gian lớp học nhìn rất tẻ nhạt và một bên là thế giới bên ngoài vô cùng sinh động. Lúc đó chị Vân bất giác nghĩ nếu sau này mình lập gia đình và có con, con của mình cũng sẽ ngồi học trong lớp học buồn như vậy và nếu đi ra ngoài cuộc sống cũng không kết nối được thì thật sự rất tiếc.
Kỳ công để quay một video – HOA NỮ
Video đang HOT
Bên cạnh đó, trong quá trình làm việc, chị cũng tham gia những buổi đào tạo ngắn của doanh nghiệp giúp cho chị Vân nhận thức được nhiều thứ và cải thiện được công việc của mình rất nhiều. Và hình thức mà họ dùng để đào tạo là dùng các video ngắn để minh họa.
“Từ đó mình nghĩ là tại sao không dùng video để mang vào lớp học thử? Nên mình muốn quay phim, ghi hình và làm video để mang thế giới sinh động vào trong lớp học để hỗ trợ thầy cô và các em học tập vui vẻ và thú vị hơn. Từ cái thời khắc năm 2014 khi xem bức hình đó đã làm mình ám ảnh, đến năm 2015 mình bắt đầu làm những video đầu tiên”, chị Vân kể.
Chị đặt tên dự án của mình là ngân hàng video giáo dục Trạng. Sở dĩ chị dùng từ “Trạng” để đặt tên cho dự án, bởi lẽ theo chị Vân “Trạng” là chỉ về những đứa bé ham học, thích tìm tòi khám phá, thích học theo lối tự nhiên.
Ngân hàng video giáo dục Trạng sẽ cung cấp giá trị hiểu ban đầu cho người học, học trong lớp những sẽ rất vui và không còn chỉ có những kiến thức khô khan. Hiện tại, dự án của chị đã sản xuất khoảng 200 video về toán học và vật lý, trong năm nay và những năm tiếp theo sẽ tiếp tục với những môn học như lịch sử, địa lý, hóa học… với thị trường hướng đến không chỉ ở Việt Nam mà còn ở các nước khu vực Đông Nam Á. Chị Vân chọn phân khúc là học sinh THCS và THPT vì đây là phân khúc hầu như ít ai để ý đến, đa phần trên mạng hiện nay có rất nhiều video cho lứa tuổi trẻ nhỏ.
Lúc đầu khi đến với dự án, chị Vân vẫn đi làm để duy trì nguồn kinh phí, đến năm 2017, vì muốn dành toàn tâm toàn lực để nhanh chóng đưa dự án ra thị trường, chị Vân quyết định nghỉ hẳn công việc đang làm. Và số tiền tích góp được sau 8 năm đi làm, chị dồn tất cả vào dự án.
“Vì quyết tâm nên mình giới hạn những nhu cầu cuộc sống lại, thay vì trước đây đi chơi khắp nơi thì bây giờ dồn tiền đó để đầu tư cho dự án. Toàn bộ tiền của 8 năm đi làm mình đổ hết vào đây, chỉ mong dự án sẽ sớm được hoàn thành và giúp cho mỗi giờ học sẽ sinh động, thú vị hơn”, chị Vân tâm sự.
Gian nan cho một chặng đường
Chị Vân cho biết với ngân hàng video giáo dục này, giá trị hình ảnh sẽ hỗ trợ cho giáo viên khi giảng cho học sinh dễ hiểu. “Mình chỉ cung cấp hình ảnh, thầy cô vẫn sẽ có đất của thầy cô, hơn nữa mỗi người sẽ có một cách diễn đạt khác nhau để diễn giải bài giảng của mình. Đây được xem như là bước đầu tiên để thầy cô dẫn dắt vào bài học. Nếu không có những video này sẽ dạy rất lâu mà thay vào đó sẽ tiết kiệm được nhiều thời gian hơn mà học sinh cũng dễ hiểu hơn khi có hình ảnh minh họa cụ thể. Và mỗi video sẽ có một mô phỏng nhất định, thầy cô sẽ dựa trên những điều đó để diễn giải cho phù hợp”, chị Vân cặn kẽ.
Chị Vân kể về bức ảnh làm chị ám ảnh và bắt đầu thực hiện dự án ngân hàng video giáo dục Trạng – HOA NỮ
Chị Vân cho biết những kiến thức này từ sách giáo khoa, chị sẽ cùng các thầy cô ngồi lại và xem những bài học nào đang khó. Rồi bắt đầu đặt những câu hỏi: Cái bài này là cái gì? Ứng dụng như thế nào trong cuộc sống của chúng ta? Hay nếu thay đổi một chút thì nó là cái gì?
Những câu hỏi đơn giản nhưng cứ lặp đi lặp lại và từ đó chị Vân cùng các thầy cô bắt đầu lên ý tưởng để giải thích hình ảnh này một cách rõ ràng nhất. Ban đầu là làm với thầy cô để chốt ra kịch bản, sau đó đưa ý tưởng thành kịch bản chi tiết, có sơ đồ hoàn chỉnh. Rồi diễn đạt một cách dễ hiểu nhất để các bạn kỹ thuật làm. Sau đó mới ngồi lại để hiệu chỉnh từng chi tiết cho hoàn chỉnh nhất. Chị Vân cho biết video khó nhất là vấn đề kịch bản, có khi một tháng mới ra được 1 kịch bản, nhưng trung bình từ 2 tuần – 1 tháng sẽ ra được 1 video.
Chị Vân minh họa với video về tích phân, theo chị thì rất ít bé khi học mà có thể tưởng tượng được cùng một hàm cong như vậy nhưng khi chuyển động tròn xung quanh trục Ox sẽ ra một hình dáng khác, chuyển động xung quanh Oy sẽ ra một hình dáng khác và tích phân sẽ giúp chúng ta tính thể tích, diện tích của những khối hình cong. Và video này theo chị Vân đã đạt được rất nhiều mục đích, giúp các bé hiểu về lý thuyết, biết cách tính, cách so sánh.
Chị Vân khi tham gia cuộc thi Startup Wheel 2018 – NVCC
Lý giải về vấn đề chất lượng của video, chị Vân chia sẻ: “Đội ngũ của mình có các thầy cô cố vấn nội dung. Bên cạnh đó, đây chỉ là những video tham khảo, nên bạn có quyền lựa chọn sử dụng hay không sử dụng. Nếu bạn là cô giáo, sau khi xem video này thấy thích, không có gì sai và có thể hỗ trợ trong việc giảng dạy thì bạn chọn sử dụng nó. Còn nếu thấy chưa hài lòng thì có thể không chọn. Đầu vào của mình đã có thầy cô hiệu chỉnh. Và nếu giáo viên sử dụng gặp điều gì sai thì sẽ phản hồi, nên mình yên tâm về vấn đề nội dung của video”.
Rẽ ngang chuyên môn để đầu tư cho dự án này, chị Vân đã gặp không ít khó khăn. “Khó khăn là mình không phải là dân công nghệ, lúc đầu mình không làm được video. Rồi đi tìm những con người giỏi ở các mảng khác nhau và nối lại thành một mảnh ghép hoàn chỉnh. Có những lúc nản, và dường như muốn bỏ cuộc. Như gần đây nhất tự dưng dữ liệu mất, mọi thứ như đổ sông đổ bể, mình phải nhập viện để điều trị vì quá mệt mỏi và đây cũng là bài học xương máu của mình”, chị Vân hãi hùng nhớ lại chặng đường vô cùng gian nan.
Nhưng bằng niềm đam mê và tâm huyết, đội ngũ của chị Vân đang dần hoàn thành phần mềm, và dự tính trong tháng 9 sẽ ra mắt phần mềm thử nghiệm của dự án.
Với những điểm cộng mà dự án ngân hàng video giáo dục đạt được, chị Vân đã xuất sắc giành được giải nhì tại cuộc thi khởi nghiệp Startup Wheel 2018.
Theo Thanh niên
Biến động điểm chuẩn ngành Công nghệ Thông tin tại 3 trường hàng đầu
Dù điểm chuẩn thay đổi, ĐH Bách khoa Hà Nội, Bách khoa TP.HCM và Bách khoa Đà Nẵng luôn là 3 trường hàng đầu về tuyển sinh, đào tạo ngành Công nghệ Thông tin.
Theo Zing
Hơn 32.000 nguyện vọng đăng ký vào Trường ĐH Bách khoa TP.HCM Chỉ tiêu tuyển sinh từ kết quả thi THPT quốc gia của Trường ĐH Bách Khoa TP.HCM chỉ còn nhiều nhất 3.500 nhưng có tới 32.000 nguyện vọng đăng ký. Sáng nay (6/8) ông Bùi Hoài Thắng, Trưởng phòng đào tạo, Trường ĐH Bách khoa TP.HCM, cho hay sau khi tải dữ liệu từ hệ thống, trường thống kê có hơn 32.000 nguyện...