Nữ giảng viên năng động cùng giải pháp giáo dục đạo đức cho sinh viên
Cô giáo Đinh Vân Hồng, Trường cao đẳng Kinh tế – Kỹ thuật Điện Biên là đảng viên trẻ tiêu biểu học tập và làm theo lời Bác toàn quốc năm 2019.
Hành trình nuôi dưỡng ước mơ
Cô Hồng nhớ lại và chia sẻ: “năm 2004 – 2006, mình bắt đầu cuộc sống xa nhà và đi thuê nhà trọ để thuận lợi cho việc học tập ở Trường trung học phổ thông thành phố Điện Biên Phủ, tỉnh Điện Biên.
Khi đó mình luôn nghĩ bản thân phải thật sự cố gắng và kết quả học tập của 03 năm học trung học phổ thông đều nằm trong top đạt học lực khá.
Với mong ước được trở thành cô giáo, tốt nghiệp trung học phổ thông năm 2006 mình đăng ký thi đại học và đỗ Ngành Sư phạm Ngữ văn của Trường đại học Tây Bắc.
Trong quãng thời gian sinh viên mình luôn tự nhắc nhở bản thân phải cố gắng vươn lên trong học tập, đây là quãng thời gian quý báu để tích lũy kiến thức và kinh nghiệm sau này ra làm việc bằng cách bên cạnh việc học kiến thức mình còn tham gia nhiệt tình các phong trào hoạt động do Khoa, Nhà trường tổ chức”, cô Hồng nói.
Cô giáo Đinh Vân Hồng (áo xanh ngồi ghế) đảng viên trẻ tiêu biểu học tập và làm theo lời Bác toàn quốc năm 2019 trong lần đi hiến máu nhân đạo. Ảnh: HV.
Đánh dấu sự trưởng thành của chuỗi ngày miệt mài học tập và tham gia các hoạt động phong trào sinh viên, cô Hồng được Đảng ủy Trường đại học Tây Bắc kết nạp vào Đảng Cộng sản Việt Nam khi tròn 22 tuổi.
Tốt nghiệp đại học với tấm bằng Khá trong tay (tháng 7/2010) cô Hồng chính thức được tuyển dụng vào làm giảng viên kiêm nhiệm tại Phòng Tổ chức – Cán bộ Trường cao đẳng Kinh tế – Kỹ thuật Điện Biên, tỉnh Điện Biên.
Cô Hồng trao đổi về giải pháp nhằm nâng cao đạo đức cho sinh viên
Với trình độ và sức trẻ, cô Hồng sớm khẳng định bản thân ở Trường cao đẳng Kinh tế – Kỹ thuật Điện Biên, tỉnh Điện Biên và luôn giữ đúng chuẩn mực trong quan hệ hệ với đồng chí, đồng nghiệp, đấu tranh chống suy thoái về tư tưởng chính trị, bảo vệ lẽ phải…
Hiện tại, cô đang giữ cương vị Chi ủy viên chi bộ Văn Phòng – Đảng bộ Trường cao đẳng Kinh tế – Kỹ thuật Điện Biên; Phó Bí thư Đoàn Trường cao đẳng Kinh tế – Kỹ thuật Điện Biên.
Video đang HOT
Với cương vị là Phó Bí thư Đoàn trường chịu trách nhiệm công tác tuyên truyền,giáo dục lý tưởng cách mạng, đạo đức, lối sống cho học sinh, sinh viên bản thân cô Hồng cùng Ban Chấp hành Đoàn trường, sinh viên đã có rất nhiều những giải pháp nhằm xây dựng đạo đức, môi trường học tập tốt nhất cho sinh viên Trường cao đẳng Kinh tế – Kỹ thuật Điện Biên.
Cô giáo Đinh Vân Hồng (áo xanh thứ nhất bên phải) trao quà cho gia đình đoàn viên có hoàn cảnh khó khăn trong nhà trường (Xuân 2019). Ảnh: HV.
Với đặc thù là sinh viên của trường vùng biên và đa số là người dân tộc thiểu số, để làm tốt các nhiệm vụ giáo dục đạo đức, lối sống trong sinh viên của trường cô rất tâm huyết và chia sẻ về một số giải pháp:
“ Thứ nhất: hình thức tuyên truyền của trường phải thật sự đa dạng hóa và lồng ghép thông qua các hội nghị, tuần sinh hoạt công dân học sinh, sinh viên.
Tuyên truyền về chủ trương, đường lối, chính sách, pháp luật liên quan đến đời sống, học tập, việc làm; Tuyên truyền tinh hoa văn hóa, giá trị nhân bản của nhân loại, tư tưởng, phong cách Hồ Chí Minh; giáo dục các giá trị đạo đức, truyền thống văn hóa, lối sống tốt đẹp của con người Việt Nam cho học sinh, sinh viên.
Tuyên truyền các phong trào thi đua yêu nước, gương người tốt, việc tốt trên các lĩnh vực của đời sống xã hội; Tuyên truyền về chủ quyền biển đảo, toàn vẹn lãnh thổ; đấu tranh phòng chống “Diễn biến hòa bình”, phản bác các luận điệu thông tin sai trái của các thế lực thù địch.
Sinh viên Trường Cao đẳng Kinh tế – Kỹ thuật Điện Biên tham gia dọn dẹp, thay hoa tại Nghĩa trang Liệt sĩ A1 nhân ngày thương binh, liệt sĩ 27/7. Ảnh: HV.
Thứ hai: đổi mới nội dung, phương pháp và hình thức giáo dục đạo đức, lối sống cho học sinh, sinh viên. Xây dựng nội dung giáo dục trong nhà trường bảo đảm thiết thực, hiệu quả, phù hợp với trình độ đào tạo, bảo đảm nội dung giáo dục tập trung vào những giá trị cơ bản của văn hóa nhân loại, giá trị cốt lõi và nhân văn của tư tưởng Hồ Chí Minh.
Chú trọng bồi dưỡng lý tưởng cách mạng, truyền thống, lòng tự hào dân tộc kết hợp tăng cường giáo dục ý thức tuân thủ pháp luật, lối sống nhân ái bao dung, nghĩa tình, trách nhiệm đối với bản thân, gia đình, cộng đồng xã hội và đất nước.
Gắn giáo dục lý luận chính trị với giáo dục kỹ năng, trách nhiệm, đạo đức nghề nghiệp, năng lực tự học, sáng tạo và tự đổi mới tri thức.
Tích cực tổ chức cho sinh viên tham gia công tác từ thiện, giúp đỡ nhân dân vùng khó khăn, người có công với đất nước, bảo vệ môi trường.
Đa dạng hóa và vận dụng các hình thức tổ chức giáo dục lý tưởng cách mạng, đạo đức, lối sống cho phù hợp với tâm sinh lý lứa tuổi học sinh, sinh viên.
Bố trí thời lượng giáo dục cho các hoạt động của Đoàn trường và các hoạt động ngoại khóa.
Tăng cường công tác tuyên truyền không vượt biên trái phép đi lao động nước ngoài, không tuyên truyền đạo trái pháp luật. Đặc biệt chú trọng tuyên truyền đối với các em học sinh, sinh viên là người dân tộc thiểu số đang học tập trong Nhà trường.
Thứ ba: để đạt được hiệu quả cao trong giáo dục đạo đức cho sinh viên thì bản thân mỗi giảng viên đặc biệt là những giảng viên trẻ phải là tấm gương về đạo đức.
Chủ động tổ chức gặp gỡ, đối thoại, nắm bắt tâm tư, tình cảm, định hướng tình cảm để, giải quyết kịp thời nhu cầu, nguyện vọng chính đáng và chăm lo, bảo vệ quyền hợp pháp của học sinh, sinh viên”.
Công Tiến
Theo giaoduc.net
Giáo dục đạo đức vẫn bị xem nhẹ?
"Các nhà trường đang lo lắng và tập trung nhiều vào chạy theo điểm số, thi cử, bị cuốn theo "dòng thác" thành tích. Giáo dục đạo đức (GDĐĐ) nếu không bị xem nhẹ thì cũng chưa được coi là trọng tâm..." - TS Nguyễn Văn Hòa (Chủ tịch HĐQT Hệ thống trường chất lượng cao Nguyễn Bỉnh Khiêm, Hà Nội) nhận định.
Trẻ không thích nghe giáo huấn, mà thích nghe nhạc, chơi game, thể thao, các hoạt động tập thể hợp với tuổi trẻ. Ảnh: T.G
Chưa được coi trọng đúng mức
Theo TS Nguyễn Văn Hòa, GDĐĐ cho HS hiện đang diễn ra nhỏ lẻ, không được chú tâm, thậm chí còn xem nhẹ. Cũng vì chưa được chú trọng đúng mức, nên GDĐĐ cho HS có hiện tượng "làm chỉ để lấy lệ", dạy "hình thức", không xuất phát từ mục tiêu GD con người.
Tại Hội thảo "Thực trạng đạo đức lối sống của học sinh, sinh viên - Vấn đề và giải pháp" do Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam vừa tổ chức, nhiều chuyên gia GD, nhà giáo có chung nhận định: HS, SV hiện nay năng động, thực tế, tự chủ hơn, bộc lộ rõ cá tính. Quan niệm đạo đức của HS, SV hiện nay cũng ít bị ràng buộc bởi dư luận hơn so với các thế hệ HS, SV trước đây. Tuy nhiên, điều đáng lo ngại là một bộ phận HS, SV đang thực dụng trong quan niệm đạo đức và hành vi ứng xử, muốn thể hiện vai trò cá nhân, đề cao các giá trị vật chất hơn những giá trị tinh thần.
Thậm chí, một số HS, SV có thái độ thờ ơ, vô cảm, thiếu trách nhiệm với bản thân, gia đình, xã hội; xa rời các giá trị đạo đức tốt đẹp của dân tộc; sống buông thả, tự đặt mình ra khỏi những nguyên tắc; có lối hành xử bạo lực phi nhân tính, lười học tập, lười lao động... Đáng báo động là, các vấn đề đạo đức, lối sống trong HS, SV như dính vào tệ nạn xã hội gia tăng, khiến gia đình, nhà trường và xã hội lo lắng.
"Nhiều người cho rằng, không ít nhà trường đã quên mất, hay không quan tâm, coi nhẹ việc GDĐĐ cho HS. Theo tôi, trường học nào cũng quan tâm đến GDĐĐ, nhiều trường treo khẩu hiệu rất to "Tiên học lễ, hậu học văn"... Song thực tế các nhà trường tổ chức GDĐĐ như thế nào, nhất là có làm tích cực và hiệu quả hay không, mới là điều đáng xem xét" - TS Nguyễn Văn Hòa nhận định.
Bà Phạm Bích Vân (Tổ trưởng Tổ Hóa học, Trường THPT Nguyễn Khuyến, TPHCM) cũng cho rằng: Yếu tố dạy người rất quan trọng trong nhà trường. Trường THPT Nguyễn Khuyến có đông HS nội trú. Do đó, nhà trường chú trọng tới việc GDĐĐ và lối sống cho HS. Định hướng GDĐĐ được thực hiện từ lâu trong nhà trường và được cụ thể hóa trong cuốn " Văn hóa trường học". Nhà trường chú trọng yếu tố "Nên người" trước "Học giỏi".
Các chuyên gia GD cùng lắng nghe và phân tích: Trong những năm vừa qua việc chạy theo thi cử - thành tích đã lấn át, làm cho nhà trường chỉ tập trung dạy bằng được để có điểm số cao, đánh giá chất lượng GD chủ yếu còn qua kết quả thi cử. Một khi kết quả đỗ đạt cao; tỷ lệ khá, giỏi cao đồng nghĩa nhà trường được đánh giá chất lượng GD tốt và ngược lại. Đó là một nguyên nhân khiến việc "dạy người", hay dạy đạo đức trong nhà trường dường như bị xem nhẹ kéo dài.
GDĐĐ HS chưa được coi trọng đúng mức còn có nguyên nhân khác nữa. Đó là phương pháp GD. "Chúng ta vẫn quan niệm GDĐĐ chỉ thông qua môn học Đạo đức, GD công dân, thông qua một số quy định, quy tắc và phương pháp... theo kiểu giáo huấn - dạy bảo", TS Nguyễn Văn Hòa nêu.
Giáo dục đạo đức kiểu "giáo huấn": Ít tác dụng
"Nếu nhận thức không đầy đủ, GDĐĐ sẽ không đạt được mong muốn dạy HS nên người. Việc GDĐĐ phải nằm trong hoạt động GD chung của nhà trường, thể hiện trong tất cả các bộ môn, trong hoạt động ngoại khoá, hướng nghiệp, sinh hoạt, chào cờ... Tất cả những hoạt động của việc giảng dạy các bộ môn văn hoá phải đạt tới mục tiêu GDĐĐ, tức là hình thành phẩm chất - phát triển năng lực, chứ không phải dạy văn hoá chỉ để biết văn hoá, kiến thức" - Chủ tịch HĐQT Hệ thống trường chất lượng cao Nguyễn Bỉnh Khiêm khẳng định.
TS Võ Thế Quân (Hiệu trưởng Trường THPT Đông Đô, Hà Nội) cho rằng: "Cần phải đưa môn Kỹ năng sống vào chương trình dạy học chính thức cho các trường học để hình thành thói quen, ý thức cho HS".
"Thời đại ngày nay đã thay đổi, trẻ con không thích nghe giáo huấn, mà thích nghe nhạc, chơi game, thể thao, các hoạt động tập thể hợp với tuổi trẻ... Nếu HS, SV thích gì, mong muốn gì mà chúng ta không nắm bắt được, GDĐĐ kiểu "giáo huấn" sẽ không thật sự đi vào suy nghĩ của tuổi trẻ được" - TS Võ Thế Quân nói thêm.
Tổ chức dạy đạo đức không chỉ trong các môn học, mà còn thông qua các hoạt động tập thể, trải nghiệm, hoạt động xã hội, thiện nguyện, đền ơn đáp nghĩa... để HS cảm nhận được khó khăn của người khác, biết yêu thương, chia sẻ, ý thức được tuổi trẻ cần đóng góp gì cho xã hội và sự phát triển chung của cộng đồng, để sống văn minh hơn, hạnh phúc hơn.
"Các hoạt động này được tổ chức thường xuyên trong chương trình hoạt động của nhà trường hằng tuần, hằng tháng, xuyên suốt cả năm học, lôi cuốn tất cả HS tham gia, làm cho các em cảm thấy hạnh phúc hơn, cuộc sống có ý nghĩa hơn, giúp HS nên người, chứ không chỉ nhằm đạt mục đích điểm số, thi cử" - TS Nguyễn Văn Hòa nhấn mạnh.
Thanh Tuấn
Theo GDTĐ
Trách nhiệm không chỉ của ngành giáo dục Một trong những nhiệm vụ trọng tâm được ngành giáo dục đề ra trong năm học 2019-2020 là tăng cường giáo dục đạo đức, lối sống cho học sinh, sinh viên (HSSV). Muốn làm được điều đó, trước hết cần xây dựng một môi trường học đường an toàn, lành mạnh. Tuy nhiên, thực tế cho thấy, vẫn còn nhiều vấn đề cần...