Nữ giảng viên đam mê Toán học, tận tâm với sinh viên
Gương mẫu, tâm huyết, đam mê nghiên cứu về khoa học Toán học, luôn quan tâm đến người học – tất cả vì người học… là nhận xét của đồng nghiệp cũng như nhiều thế hệ sinh viên từng tiếp xúc, làm việc với Nhà giáo Ưu tú, Phó Giáo sư, Tiến sĩ Lê Thị Phương Ngọc (sinh năm 1966), giảng viên cao cấp Trường Đại học Khánh Hòa.
Luôn mặc áo dài khi lên giảng đường – đó là tác phong chuẩn mực mà cô Ngọc muốn truyền dạy cho các thế hệ sinh viên sư phạm của Trường.
Cô Lê Thị Phương Ngọc sinh ra trong một gia đình người Huế, có truyền thống sư phạm. Từ nhỏ, cô được hun đúc tình yêu với nghề và Toán học. Theo học Đại học Sư phạm, Đại học Huế ngành Sư phạm toán 4 năm là từng đó thời gian cô Ngọc đạt nhiều thành tích trong học thuật lẫn kiến thức sư phạm thực tế. Ra trường năm 1987, cô vào Khánh Hòa công tác tại Trường Cao đẳng Sư phạm Nha Trang, nay là Đại học Khánh Hòa ở lĩnh vực mình yêu thích. Theo thời gian công tác, cô Ngọc được phân công nhiều công việc như giảng dạy, quản lý tổ, quản lý khoa, quản lý trường với cương vị Phó Hiệu trưởng…
Ở cương vị giảng dạy, cô Ngọc luôn yêu cầu người học không chỉ nắm vững kiến thức chuyên môn mà phải có kỹ năng nghề nghiệp tốt nhất. Đặc biệt, đối với đào tạo giáo viên, cô luôn chú trọng hình thành phẩm chất cho người học, đạo đức, tác phong sư phạm; yêu cầu người học biết kết hợp quá trình đào tạo và tự đào tạo để không những hoàn thành tốt chương trình học trong trường mà sau này biết tự học suốt đời.
Sinh viên Phạm Thị Minh Thùy, Khoa Sư phạm Toán K4 cho biết, mỗi giờ học với cô Ngọc, các bạn được “nạp” nhiều “năng lượng”. Cô Ngọc thường bắt đầu bài giảng Toán học bằng những câu chuyện, hình ảnh, sự việc thực tiễn. Từ đó, chúng em ghi nhớ rất dễ và cảm nhận Toán học rất thú vị, giải quyết nhiều vấn đề ở thực tế.
Video đang HOT
Cùng có những lời khen ngợi về giờ Toán của cô Ngọc, sinh viên Nguyễn Thị Phương Dung, Khoa Sư phạm Toán K4 cho rằng, chính tình yêu thương học trò và sự tận tâm, niềm đam mê nghiên cứu khoa học, tác phong nhà giáo chuẩn mực của cô đối với mỗi bạn sinh viên sư phạm Toán nói riêng, sinh viên của Trường Đại học Khánh Hòa nói chung khiến các bạn luôn yêu quý cô. Từ bài toán học khó giải đến những giờ tập giảng, kiến tập thực tế ở trường phổ thông các bạn đều không ngần ngại tham khảo ý kiến của cô, thậm chí vào lúc buổi đêm.
Ngoài thời gian đi dạy tại trường, cô Ngọc còn là giảng viên thỉnh giảng của các trường đại học có uy tín về lĩnh vực giảng dạy bộ môn tự nhiên. Tại Trường Đại học Khánh Hòa, cô Ngọc được xem là “cánh chim đầu đàn” trong việc tham gia xây dựng và phát triển chương trình đào tạo chuyên ngành, hội thi nghiệp vụ cho sinh viên. Từ đây giúp các thế hệ sinh viên ra trường có kỹ năng nghề nghiệp vững vàng.
Bận rộn là vậy nhưng cô Ngọc vẫn dành nhiều thời gian cho Toán học. Với những bài toán khó nếu không giải được, cô quyết học hỏi, tìm tòi cho bằng được đáp án, thậm chí có bài toán được giải sau 3 năm trăn trở, tìm phương án.
“Với tôi, được đi giảng là một niềm vui, niềm hạnh phúc lớn. Được giải những bài toán khó thành công – đó là niềm vui nhân đôi. Mỗi khi có những bài toán khó, tôi thường đầu tư tâm sức để giải. Không nhất thiết là ngày nào cũng giải mà chỉ giải vào những khoảng thời gian cố định, tôi cho rằng đó là khoảng thời gian hiệu quả nhất để giải quyết vấn đề”, cô Ngọc chia sẻ bí quyết giải toán khó.
Nhiều công trình toán học cô Ngọc tham gia cùng các giáo sư Toán học đầu ngành đều thuộc các công trình khoa học cơ bản, khoa học trọng điểm cấp quốc gia. Cùng với đó, hàng năm, cô Ngọc còn công bố hàng chục bài báo khoa học trên các tạp chí khoa học quốc tế có chỉ số ISI, Scopus, tạp chí khoa học chuyên ngành, tham gia hướng dẫn nghiên cứu sinh, học viên cao học ở các trường Đại học trong nước.
Nói về các đề tài khoa học của mình, cô Ngọc cho rằng, khoa học Toán học cô đang theo đuổi chủ yếu phục vụ cho công tác đào tạo cho sinh viên đại học, sau đại học. Mặc dù rất trừu tượng và khó có thể để hiểu trong một vài câu giải thích nhưng khi thực sự hiểu và yêu Toán học, đó chính là niềm vui, niềm đam mê khám phá bất tận. “Nếu chọn lại cuộc đời mình, tôi vẫn chọn nghề Sư phạm, chọn Toán và cống hiến cho nghề. Tôi yêu Toán học như một tình yêu với gia đình, quê hương, Tổ quốc. Tôi mong bản thân sẽ vẫn khỏe để tiếp tục cống hiến nhiều hơn cho Toán học trong thời gian tới”, cô Ngọc tâm sự.
Bà Lê Thị Mỹ Bình, Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch Hội đồng Trường Đại học Khánh Hòa nhận xét, cô Lê Thị Phương Ngọc là nhà giáo có nhiều đổi mới, sáng tạo trong giáo dục, giảng dạy, quản lý người học đạt chất lượng, hiệu quả cao. Cô Ngọc không ngừng tự học tập, đầu tư nghiên cứu để đổi mới phương pháp giảng dạy, đổi mới hình thức kiểm tra đánh giá, tích cực tham gia hội giảng cấp tổ chuyên môn, khoa và trường, từ đó chất lượng giảng dạy ngày càng nâng cao. Cô Ngọc đã nhận được nhiều giấy khen, bằng khen từ cấp trường, tỉnh, Bộ Giáo dục và Đào tạo, Thủ tướng Chính phủ và hiện đang là giảng viên cao cấp của trường.
Với nỗ lực, cống hiến không ngừng nghỉ trong suốt 35 năm công tác trong ngành Giáo dục và Đào tạo, Nhà giáo Ưu tú, Phó Giáo sư, Tiến sĩ Lê Thị Phương Ngọc là một trong ba nhà giáo của tỉnh Khánh Hòa được Bộ Giáo dục và Đào tạo khen thưởng trong dịp kỷ niệm 40 năm Ngày Nhà giáo Việt Nam (20/11/1982 – 20/11/2022) tại Hà Nội.
10 trường đại học kinh tế ký thỏa thuận trao đổi giảng viên, sinh viên
Theo thông tin từ Trường Đại học Kinh tế quốc dân (NEU), 10 trường đại học khối kinh tế vừa ký kết thỏa thuận hợp tác trong đào tạo, nghiên cứu khoa học và đảm bảo chất lượng giáo dục...
10 trường đại học kinh tế trên cả nước tham gia vào chuỗi đào tạo. Ảnh: NEU.
Các trường tham gia buổi tọa đàm và ký kết thỏa thuận hợp tác vào ngày 29/10/2022 gồm Trường Đại học Kinh tế Quốc dân, Học viện Chính sách và Phát triển - Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Trường Đại học Đà Nẵng, Học viện Ngân hàng, Trường Đại học Kinh tế - Đại học Huế, Trường Đại học Kinh tế - Đại học Quốc gia HN, Trường Đại học Thương mại, Trường Đại học Kinh tế TP. HCM, Học viện Tài chính và Trường Đại học Ngoại thương.
Việc ký kết thỏa thuận giữa 10 trường kinh tế trên cả nước nhằm mục đích thống nhất về các nội dung, phương thức hợp tác trao đổi giảng viên, sinh viên đa phương và song phương. Cùng với đó, các trường xác định và xây dựng các chương trình đào tạo mời sinh viên của các trường cùng học hàng năm, trao đổi sinh viên đa phương giữa các trường.
Cụ thể, trong thời gian tới sẽ có các hoạt động trao đổi sinh viên, học viên thông qua các khóa học ngắn hạn và dài hạn.
Ở các khóa dài hạn cho phép người học của các trường được đăng ký học tập, thực tập, nghiên cứu tại trường đối tác. Người học đăng ký tối đa 25 tín chỉ. Các học phần đăng ký phải có trong chương trình đào tạo của trường tiếp nhận. Người học được sắp xếp học tập, thực tập, nghiên cứu cùng các với người học của trường tiếp nhận trong các lớp học được mở theo kế hoạch học tập của trường.
Với các khóa ngắn hạn, các trường đại học tổ chức khóa học ngắn hạn trong thời gian hè, công bố chương trình, nội dung khóa học và cho phép người học của các trường được đăng ký học tập tối đa 12 tín chỉ.
Về học phí người học đăng ký các chương trình trao đổi sinh viên sẽ đóng học phí theo số tín chỉ được miễn, công nhận tại trường cử đi. Người học không phải đóng học phí cho trường tiếp nhận đào tạo.
GS.TS Phạm Hồng Chương - Hiệu trưởng Trường Đại học Kinh tế Quốc dân cho biết: Thỏa thuận hợp tác chắc chắn sẽ mở ra dấu mốc đặc biệt, mở ra cơ hội hợp tác hiệu quả hơn, thực chất hơn giữa các trường đại học.
"Sự liên kết này giúp cho sinh viên ở các trường đại học ở Hà Nội có cơ hội học tập ở Đà Nẵng, TP. HCM và ngược lại. Quá trình hợp tác cho phép thực hiện nghiên cứu liên vùng, liên ngành, chắc chắn sẽ tạo ra tiếng nói mạnh mẽ hơn của các trường đại học khối kinh tế đối với xã hội. Đây sẽ là tiền đề quan trọng cho các trường nói chung và các cơ quan khác nói riêng trong tiến trình phát triển kinh tế - xã hội của đất nước", GS.TS Phạm Hồng Chương nhấn mạnh.
Huấn luyện viên Park Hang Seo giao lưu tại Đại học Thái Nguyên Sáng 11-10, tại Đại học Thái Nguyên diễn ra buổi gặp gỡ và giao lưu giữa Huấn luyện viên (HLV) trưởng Đội tuyển bóng đá Quốc gia Việt Nam Park Hang Seo với cán bộ, giảng viên và sinh viên của Đại học Thái Nguyên. Cùng tham dự có đại diện các hiệp hội doanh nghiệp đến từ Hàn Quốc; lãnh đạo Đại...