Nữ đảng viên sinh viên tự tin tỏa sáng ở ngôi trường toàn nam
Xin giới thiệu chia sẻ của bạn Thùy Linh, sinh viên Khóa 62 Khoa Kinh tế và Quản lý Xây dựng – Trường đại học Xây dựng.
Mình sinh ra và lớn lên trên mảnh đất giàu truyền thống lịch sử – Ninh Bình. Từ khi còn nhỏ, những câu chuyện của ông nội đã dẫn mình đến với niềm yêu thích với lịch sử của đất nước. Và cũng từ những câu chuyện của ông, mình hiểu thêm về cuộc đời và sự nghiệp của Chủ tịch Hồ Chí Minh.
Bác là người sáng lập và rèn luyện Đảng Cộng sản Việt Nam – tổ chức lãnh đạo nhân dân ta thắng lợi các cuộc đấu tranh giải phóng dân tộc dưới sự áp bức, bóc lột của chủ nghĩa Đế quốc. Có lẽ từ đây, tình yêu và sư ngưỡng mộ của mình dành cho những lý tưởng cao đẹp của Bác ngày càng lớn.
Cùng với thời gian, mong muốn được tiếp nối phát huy lý tưởng vĩ đại của Bác thôi thúc mình rèn luyện và nuôi dưỡng nguyện vọng được đứng trong hàng ngũ của Đảng.
Từ lúc bắt đầu nhận thức được lý tưởng, mong muốn của bản thân, mình đã đặt ra mục tiêu và cố gắng rất nhiều trong học tập và rèn luyện để tùng bước trưởng thành về cả kiến thức và đạo đức, lối sống. Kết quả, sau 12 năm học, với các thành tích đạt được cùng với nhận thức rõ về nền tảng tư tưởng của Đảng, mình vinh dự được kết nạp vào Đảng khi còn đang học Trung học phổ thông. Đây chính là sự công nhận những nỗ lực trong học tập và rèn luyện, là động lực để mình tiếp tục cố gắng. Trở thành một Đảng viên đã giúp mình có thêm niềm tin tạo ra những sự thay đổi lớn trong cuộc sống.
Như chúng ta đều biết, mọi con đường dẫn đến sự yêu thích, đam mê đều không bằng phẳng, vấp phải rất nhiều trở ngại trên con đường ấy, nhưng với mình những thử thách khiến cho mình lớn lên. Tuổi trẻ là đứng trước những lựa chọn và không ngần ngại khi thất bại. Mình đã từng là thủ khoa đầu vào ngành Luật ở một trường Đại học tại Hà Nội nhưng sau đó chợt nhận ra đây không phải thứ mà mình mong muốn, là nơi mà mình thuộc về.
Không ngần ngại, mình quyết định làm lại, lựa chọn Khoa Kinh tế và Quản lý Xây dựng, trường Đại học Xây dựng trước sự can ngăn của nhiều người do suy nghĩ con gái học Xây dựng sẽ vất vả, khó khăn là việc làm khiến mình cảm thấy mình dũng cảm và mình tin mình sẽ chứng minh cho mọi người thấy lựa chọn của mình là đúng.
Và thực sự, quyết định này là đúng và còn vượt ngoài sức tưởng tượng ban đầu của mình. Với môi trường học tập năng động, phong trào sinh viên sôi nổi cùng sự giúp đỡ, chỉ bảo của thầy cô, một môi trường khiến mình vừa trở nên năng động, vừa trưởng thành hơn. Việc quan trọng nhất của sinh viên là học tập, vì thế mình luôn nghiêm túc trong học tập và đạt được kết quả học tập cao.
Ngoài ra mình còn dành thời gian tham gia các phong trào, hoạt động của Chi bộ Sinh viên, của Hội Sinh viên, của Đoàn Thanh niên. Hiện tại mình đang là bí thư lớp, thành viên Liên Chi Đoàn Khoa Kinh tế và Quản lý Xây dựng, thành viên hỗ trợ công tác hồ sơ “Sinh viên 5 tốt” của Hội Sinh viên, Ủy viên Chi bộ Sinh viên, Thường vụ Đoàn Thanh niên trường Đại học Xây dựng. Năm 2019, mình đạt được danh hiệu Đảng viên hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ và nhận được khen thưởng từ Đảng ủy cấp trên.
Video đang HOT
Ngoài ra mình cũng thường xuyên tham gia các hoạt động tình nguyện trong và ngoài trường. Dưới màu áo xanh tình nguyện, mình cảm thấy tự hào khi được góp một phần sức trẻ của bản thân đến những nơi cần giúp đỡ.
Nhờ tham gia các hoạt động trong trường đã giúp cho mình tự tin hơn, mạnh dạn hơn. Mỗi hoạt động tham gia, mình kết nối được với nhiều bạn bè và mở rộng thêm mối quan hệ của bản thân. Hiện tại mình đang có một nhóm bạn đại học thân thiết cùng nhau cố gắng trong học tập và chia sẻ mọi điều trong cuộc sống.
Quay về với đời sống tinh thần, mình còn có sở thích hát. Mình thường xuyên có cơ hội thể hiện tài năng qua các chương trình của khoa, của trường. Chính vì thế mình tự tin vào bản thân hơn, vui vẻ hơn và cảm thấy việc học không còn quá vất vả như lời mọi người hay nói nữa.
Dù gặp nhiều khó khăn, vấp ngã nhưng mình luôn cho đó là bài học và trải nghiệm đáng quý. Mình mong rằng thông qua câu chuyện của bản thân sẽ giúp các bạn có thêm động lực theo đuổi ước mơ, hoài bão; dù làm gì nếu ta cố gắng, nỗ lực hết sức thì chắc chắn sẽ thành công!
Tiếp sức mùa thi: Dấu ấn đẹp lan tỏa giá trị nhân văn
Màu áo xanh thanh niên cùng các hoạt động ý nghĩa hỗ trợ học sinh, sinh viên trong mùa thi trở thành hình ảnh đẹp trong mỗi mùa thi.
Với sứ mệnh của mình, hành trình tình nguyện của các đội nhóm đoàn viên, thanh niên trên khắp cả nước đã tiếp lửa nhiệt tình đến thế hệ trẻ.
Đoàn viên thanh niên tham gia vào hoạt động tình nguyện
Dấu ấn "màu xanh thanh niên" tại điểm thi
Mỗi mùa thi, câu chuyện cảm động về những tình nguyện viên bất chấp nắng, mưa để hỗ trợ, tiếp sức cho các sĩ tử đã truyền cảm hứng cho nhiều bạn trẻ.
Còn nhớ trong kỳ thi THPT quốc gia năm 2019, nhiều người xúc động với hình ảnh tình nguyện viên Triệu Văn Thiện cõng thí sinh Thanh Sang tại Hội đồng thi Trường THCS Đống Đa (Bình Thạnh, TP HCM). Thanh Sang là thí sinh đặc biệt, mắc bệnh xương thủy tinh và bị gãy chân trong thời gian cận kề ngày thi. Với Sang, mỗi bước đi đều trở nên đau đớn và khó khăn hơn rất nhiều.
Trong đội tình nguyện có mặt tại điểm thi hôm đó, cậu sinh viên năm 2 trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn Triệu Văn Thiện là người đã cõng Sang quãng đường từ cổng trường đến phòng thi. Sáng chiều mỗi buổi 2 lần, dẫu tầng 1 hay tầng 4, Thanh Sang được Thiện cõng đi một cách cẩn thận.
Thiện chia sẻ: "Lần đầu cõng Sang lên cầu thang, qua tầng 1, lúc đó thấy Sang hơi căng thẳng em mới bắt chuyện. Em hỏi Sang nặng bao nhiêu cân. Nghe cậu bé kể em 70 ký cũng hơi giật mình. Tuy nhiên, do bình thường cũng hay đi hỗ trợ các hoạt động tình nguyện khác, nên việc cõng Sang cũng không có quá khó khăn gì. Mệt thì mình nghỉ thôi, để đảm bảo an toàn cho cả Sang và chính em". Dù mới chỉ gắn bó với hoạt động này trong 2 năm nhưng đối với Thiện, tình nguyện đã trở thành một phần ý nghĩa trong quãng đời sinh viên của mình.
Không chỉ riêng câu chuyện của Thiện, hành trình tình nguyện của thanh niên, đoàn viên trên khắp cả nước để lại nhiều dấu ấn tốt đẹp. Tại mỗi điểm thi, lực lượng thanh niên tình nguyện luôn sẵn sàng làm mọi công việc như kiểm tra phòng thi, chuẩn bị nước uống,...
Những hôm trời đổ mưa lớn, đội tình nguyện đứng thành hai hàng trước cổng, che ô và áo mưa để thí sinh không bị ướt. Có những thí sinh có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn, các tình nguyện viên phân công, cắt cử nhau để hỗ trợ kịp thời, tạo điều kiện tốt nhất để thí sinh hoàn thành kỳ thi.
Tại Hà Tĩnh, hoạt động hỗ trợ, tiếp sức thí sinh nhiều năm qua cũng diễn ra sôi nổi. Phó Bí thư Tỉnh đoàn Hà Tĩnh Lê Thành Đông chia sẻ: "Để tạo điều kiện cho thí sinh, các tình nguyện viên đã thành lập các đội xe ôm miễn phí, tổ giữ đồ phục vụ, các điểm phục vụ nước uống miễn phí cho người nhà thí sinh, sắp xếp, phân bổ đội hình sinh viên tình nguyện hỗ trợ, hướng dẫn thí sinh có hoàn cảnh khó khăn...".
Không chỉ tại các điểm thi, lực lượng tình nguyện còn lăn xả tại các bến xe, giúp đỡ sinh viên đi thi tìm phòng trọ. Nguyễn Thị Thanh (cựu tình nguyện viên) tâm sự, vào cao điểm của mùa thi có khi phải ngủ tại bến xe 5 - 6 ngày liền, chỉ kịp về nhà tắm rửa rồi lại đi xe bus đến bến xe để trực, rồi phải sắp xếp thời gian học tập trên trường.
"Nắng, bụi, có những hôm mưa dầm, vất vả nhưng vui lắm, vui vì gặp gỡ được nhiều bạn mới, được giúp đỡ những em thí sinh, mỗi lời cảm ơn lại tiếp thêm sức lực để tụi mình cố gắng", Thanh chia sẻ.
Sự giúp đỡ, hỗ trợ của đội tình nguyện viên tại các điểm thi đã làm cho nhiều phụ huynh đưa con đi thi cảm động. Bác Khuất Văn Hưng có con trai là Khuất Văn Quang tham dự kỳ thi THPT quốc gia 2019 tâm sự: "Ngồi chờ con mệt hơn đi làm đồng, nhưng bác vẫn rất vui, vì được lưu tâm đến con, kỳ thi được tổ chức rất bài bản, có các bạn thanh niên tình nguyện, có những chiếc ô dựng sẵn để che nắng và có cả quầy phát nước trà xanh miễn phí, giúp phụ huynh quên đi lo lắng, mệt mỏi nữa!...".
Chính những lời động viên đó đã khiến nhiều thế hệ thanh niên tình nguyện gắn bó với hoạt động này. Trong đội tình nguyện viên áo xanh ấy, có những người nhận được sự giúp đỡ tận tâm của các thế hệ tình nguyện viên đi trước, để rồi chính họ sau này cũng trở thành một phần trong số đó giúp đỡ lớp đàn em.
Họ là những thanh niên sức trẻ đầy nhiệt thành, tinh thần hăng hái và khát khao được chia sẻ, giúp đỡ sĩ tử trên con đường đến trường. Tham gia vào hoạt động này, mỗi tình nguyện viên lại cảm nhận được những điều quý báu, đáng trân trọng, là khoảng thời gian sôi nổi đáng nhớ của tuổi trẻ.
Nhiều người nói với nhau rằng, công việc của tình nguyện viên không có tên, chỉ được gắn nhãn tình nguyện giúp đỡ mọi người. Có những khi khó khăn, vất vả quá, những người trẻ ấy lại động viên nhau, san sẻ cho nhau từng bữa cơm, cốc nước, cố gắng hoàn thành tốt sứ mệnh của mình.
Đối với các tình nguyện viên, mỗi lời cảm ơn, cái bắt tay hay niềm hạnh phúc của thí sinh và gia đình là động lực lớn nhất để họ không ngần ngại mà tiếp bước trên con đường lan tỏa sự tương thân, tương ái.
Sinh viên tình nguyện hỗ trợ các thí sinh gặp khó khăn
Màu xanh thanh niên để lại dấu ấn tốt đẹp trong xã hội
Hành trình của sự tử tế
Có thể nói, dấu ấn nổi bật hoạt động thanh niên tình nguyện những năm qua là bước ngoặt 18 năm của "Tiếp sức mùa thi". Kể từ năm 2001 đến nay, "Tiếp sức mùa thi" đã tạo nên dấu ấn nhân văn trong lòng các thế hệ sinh viên, thu hút sự tham gia của hàng trăm, hàng nghìn tình nguyện viên trên khắp cả nước. Nhờ sự hỗ trợ tích cực của đội tình nguyện viên, nhiều thí sinh đã vượt qua khó khăn, trở ngại để chuyên tâm hoàn thành tốt kỳ thi quan trọng.
Video hơn 2 phút "Để mình giúp bạn một tay" ghi lại những khoảnh khắc xúc động, ấn tượng trong suốt hành trình hoạt động 18 năm của lực lượng áo xanh đã tạo nên "cơn sốt" trên mạng xã hội. Với hơn một triệu lượt xem và nhiều bình luận tích cực, video đã lan tỏa giá trị nhân văn, nhân ái về tinh thần hiếu học, về tấm lòng tương thân, tương ái giữa mùa thi.
Thế nhưng, cũng có thời điểm, hoạt động tình nguyện hỗ trợ sĩ tử bị xem là "phong trào", mang tính hình thức. Nhiều tình nguyện viên buồn lòng vì những lời chỉ trích, chê bai rằng "ăn cơm nhà, vác tù và hàng tổng", hay "rảnh quá sao không ở nhà phụ cha, phụ mẹ, mà ra đường làm màu", "đám đó tụ lại chơi bời là chính"...
Với tinh thần nhiệt huyết của mình, lực lượng thanh niên tình nguyện vẫn lên đường, vẫn làm tốt công việc hỗ trợ thí sinh, đồng hành cùng sinh viên, học sinh trên khắp cả nước trong thời điểm quan trọng của chặng đường tri thức.
Đối với nhiều thanh niên tình nguyện, mỗi lần tham gia tiếp sức sĩ tử, điều họ nhận lại không chỉ có lời cảm ơn mà còn là những kinh nghiệm thực tế, những câu chuyện hay bài học quý báu về tình người.
Chị Nguyễn Thị Huệ là người nhiều năm gắn bó với "Tiếp sức sĩ tử". Chị vẫn nhớ hoài cậu học trò đi thi một thân một mình, lầm lũi. Đến ngày thi xong cậu xin chị một tấm ảnh làm kỷ niệm, chị ngạc nhiên hỏi đi hỏi lại vì sao lại muốn xin hình thì cậu học trò đáp: "Dạ! Vì con không có mẹ". Giúp được những em học trò chăm ngoan như vậy, hơn ai hết chị Huệ cảm thấy công sức của mình thật xứng đáng.
Không chỉ có sự hỗ trợ từ những tình nguyện viên, trong hành trình dài hơi đó có sự đồng hành của nhiều tổ chức, nhà tài trợ, sự ủng hộ của các ban ngành và toàn xã hội.
Ông Nguyễn Đình Tâm (CEO Tập đoàn Thiên Long) từng chia sẻ: "Các thí sinh của chúng ta có tri thức, sự cần cù và quyết tâm, các gia đình có sự ủng hộ, có niềm tin và khát vọng lớn lao cho con em mình, nếu thêm xã hội đồng lòng sẻ chia, giúp sức thì không có khó khăn nào không thể vượt qua, không có đỉnh cao nào không thể vươn tới. Và đó là lý do chúng tôi luôn tự hào được đồng hành cùng tuổi trẻ tình nguyện, cũng như nhiều chương trình nhân văn như thế với tâm nguyện mang "Sức mạnh tri thức" để phát triển cộng đồng xã hội".
Có thể nói đây là hoạt động xã hội tốt đẹp, có thể gắn kết và chạm đến tận cùng giá trị nhân văn giản dị mà sâu sắc. Chặng đường của màu áo xanh đến với sĩ tử đã cho thấy sự trọn vẹn, đủ đầy, ý nghĩa nhân văn và giá trị tốt đẹp đến với xã hội, cộng đồng.
Nữ kỹ sư tương lai say mê xây nhà giúp dân nghèo Nữ sinh viên Lê Phương Thảo, trường Đại học Xây dựng Miền Tây (Vĩnh Long), dáng người mảnh mai nhưng luôn năng nổ trong hoạt động tình nguyện, đặc biệt là xây nhà giúp dân nghèo. Nữ sinh Lê Phương Thảo Bạn Lê Phương Thảo, sinh viên năm cuối ngành Kỹ thuật công trình xây dựng, trường Đại học Xây dựng Miền Tây...