Nữ bác sĩ 72 tuổi tình nguyện đi chống dịch: ‘Không thể đứng ngoài cuộc chiến’
“Vào ngành y từ năm 1973, ở tuổi 72 không còn sức khỏe để đăng ký vào tuyến đầu chống dịch.
Vì vậy tôi tình nguyện cùng đồng nghiệp giúp đỡ cộng đồng tại điểm tiêm chủng vắc xin Covid-19″, bà Nhung nói.
Nhiều tháng xa nhà hỗ trợ người dân tiêm chủng
Sau ca làm việc buổi sáng, tranh thủ thời gian nghỉ ít ỏi, bác sĩ Phùng Thị Nhung, nguyên Trưởng khoa gây mê hồi sức, BV Răng Hàm Mặt Trung ương, ăn vội suất cơm trưa. Chiều nay, 1h bà và các đồng nghiệp tiếp tục bắt tay vào công việc.
Từ tháng 6 đến nay, bác sĩ Nhung tình nguyện phụ trách chính tại điểm tiêm chủng Bệnh viện Mắt Hà Nội 2, một trong các điểm tiêm chủng của quận Đống Đa, Hà Nội. Ngoài điểm tiêm tại bệnh viện này, bà cũng hỗ trợ công tác tiêm chủng tại phường Láng Thượng, Láng Hạ, Ô Chợ Dừa… (quận Đống Đa) nhiều tháng qua.
Bác sĩ Phùng Thị Nhung, nguyên Trưởng khoa gây mê hồi sức, BV Răng Hàm Mặt Trung ương.
“Mỗi ngày, điểm tiêm của chúng tôi tiêm cho khoảng 800 người. Công việc bắt đầu từ 7h30 sáng, có hôm đến 7, 8h đêm mới kết thúc. Nhưng có những ngày, 11h đêm tôi vẫn phải kiểm tra lại công việc tiêm của ngày mai. Ở tuổi 72, với khối lượng công việc như vậy, nói không mệt là không đúng”, bác sĩ Nhung chia sẻ.
Ngoài tiêm, nữ bác sĩ còn phụ trách công tác điều động, cấp cứu sau tiêm cho người dân. Công việc quá bận, bệnh viện triển khai mô hình “4 tại chỗ” nên bà ở lại bệnh viện để thuận tiện cho công tác.
Ngày 2/9 vừa qua, có được một ngày nghỉ, bà về nhà để nghỉ ngơi. Nhưng đến chiều hôm sau, bệnh viện báo có đợt tiêm chủng mới, nữ bác sĩ lại rời nhà.
Mong muốn nhiều người dân được tiêm vắc xin
Bác sĩ Nhung nhấn mạnh, sàng lọc là công tác rất quan trọng trong tiêm chủng. Theo chủ trương Bộ Y tế, hiện tại, đối tượng tiêm chủng được mở rộng hơn. Thay vì tất cả mọi người phải đo huyết áp trước tiêm, nay các đối tượng như người cao tuổi (trên 65), có bệnh nền, có tiền sử huyết áp mới phải thực hiện khâu này.
Video đang HOT
Điểm tiêm ở Bệnh viện mắt Hà Nội 2 từng đón nhiều đối tượng là người cao tuổi. “Nhiều người do lo lắng, hồi hộp nên đến điểm tiêm huyết áp lên cao. Có cụ bệnh nền nặng như cụ đặt đến 3 stent động mạch vành, cụ có bệnh ung thư… Dù vậy chúng tôi vẫn cố gắng điều trị để họ có cơ hội được tiêm vắc xin, chỉ trừ trường hợp chống chỉ định tiêm theo phác đồ của Bộ Y tế”, bà Nhung nói.
Người cao tuổi đi tiêm vắc xin.
Theo bác sĩ Nhung, người cao tuổi dù thường xuyên ở nhà nhưng con, cháu ra ngoài có thể mang virus về nhà và lây nhiễm cho họ. Nếu mắc Covid-19 sẽ dễ diễn tiến nặng và nguy cơ tử vong.
Cũng theo bà Nhung, trước khi Hà Nội có chiến dịch đẩy mạnh việc tiêm chủng, một người đến được điểm tiêm phải qua cả chặng đường dài khi họ phải là đối tượng ưu tiên, phải khai báo, chờ đợi…Nếu trì hoãn, sau này, họ rất khó cơ hội tiêm lại.
“Khi một người được tiêm vắc xin nghĩa là chúng tôi đã đưa ra cộng đồng một người được bảo vệ. Nếu bạn ra cộng đồng không có vũ khí sẽ có nguy cơ cao mắc bệnh và lây lan cho người khác. Vì vậy người tiêm chủng cố gắng đưa vào cộng đồng càng nhiều người được bảo vệ càng tốt”, bà nói thêm.
Với người già huyết áp cao, bác sĩ Nhung và nhân viên y tế ưu tiên cho họ được nghỉ ngơi, tạo tâm lý thoải mái. Sau đó, nữ bác sĩ phải dùng thuốc huyết áp cho người đến tiêm.
Nhiều người cao tuổi, đặc biệt là người có bệnh nền đã lộ rõ sự vui mừng, an tâm khi được tiêm vắc xin. “Họ mừng lắm, liên tục cảm ơn nhân viên y tế vì không nghĩ mình có thể được tiêm. Trong đó, có trường hợp một cụ ông 88 tuổi ở Hà Nội. Huyết áp cao, sau 3 tiếng đồng hồ can thiệp, ông mới có thể đủ điều kiện để tiêm”, bà Nhung kể.
Ở khâu sàng lọc, bà Nhung cũng nhấn mạnh sự cẩn thận, kỹ càng vì nhiều trường hợp muốn được tiêm nên không thành thật khi khai báo thông tin.
Bác sĩ Nhung khám sàng lọc cho người dân trước khi tiêm vắc xin.
Sau tiêm, việc theo dõi, xử lý các trường hợp sốc phản vệ cũng được chú trọng. Đội ngũ bác sĩ, y tá theo dõi rất sát người sau tiêm, khi có dấu hiệu biến chứng lập tức chuyển vào phòng cấp cứu riêng.
“Phản ứng đa phần là người tiêm vắc xin về nhà không ngủ được, hoa mắt, chóng mặt, chân tay tê, bủn rủn… Thậm chí, có người đơn giản chỉ là do lo lắng thái quá, liên tục gọi điện. Với những trường hợp này, tôi cũng cố gắng để trấn an và hướng dẫn họ xử lý các triệu chứng”, bà nói.
Theo bác sĩ Nhung, công việc của nhân viên y tế tại điểm tiêm chủng thời gian này khá vất vả. Có những điểm tiêm nóng bức, y bác sĩ đổ mồ hôi như tắm. Có những đêm, gọi điện cho đồng nghiệp, bà được biết họ vẫn đội mưa giữa đêm để đi tiêm chủng, lấy mẫu xét nghiệm cho người dân.
Các con đều đã lập gia đình, bác sĩ Nhung có thời gian dành hết cho việc chuyên môn. Con gái thứ 2 của bà cũng là một bác sĩ. Thỉnh thoảng, chị đến tham gia hỗ trợ tiêm chủng cùng mẹ và đồng nghiệp.
“Các con rất lo cho sức khỏe của mẹ, thỉnh thoảng lại mang đồ ăn đến điểm tiêm bồi dưỡng khi nhiều ngày mẹ chưa về nhà. Là một bác sĩ, khi dịch bệnh căng thẳng, tôi không thể đứng ngoài cuộc chiến này”, bà Nhung nói.
Những nhà tu hành tình nguyện tham gia chống dịch COVID-19
Giữa lúc dịch bệnh COVID-19 căng thẳng, nhiều bệnh nhân không khỏi hoang mang, lo lắng; nhưng những người tu hành, các tăng ni, phật tử đã không quản ngại gian khổ, dễ phơi nhiễm, hành động theo lương tri mách bảo, với nghĩa cử cao đẹp đi vào tâm dịch.
Những lời động viên, an ủi của những người xuất gia chia sẻ với các bệnh nhân mắc COVID-19 là liều thuốc tinh thần rất lớn, tiếp thêm sức để người bệnh vượt qua hoạn nạn.
Hòa thượng Thích Thanh Nhiễu, Phó Chủ tịch Thường trực Hội đồng Trị sự Trung ương Giáo hội Phật giáo Việt Nam tự tay chuẩn bị các suất ăn tặng lực lượng phòng, chống dịch. Ảnh: TTXVN/phát
Tình nguyện vào tâm dịch
Một ngày trung tuần tháng 8, Giáo hội Phật giáo Việt Nam tỉnh Nam Định đã tiễn 10 chư tăng lên đường tình nguyện tham gia hỗ trợ, phòng chống dịch COVID-19 tại tỉnh Long An.
Thượng tọa Thích Thanh Hùng (Chùa Cổ Lễ), Trưởng đoàn chư tăng tỉnh Nam Định cho biết: "Hưởng ứng Lời kêu gọi của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, của Đoàn Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam "Toàn dân đoàn kết, ra sức phòng, chống dịch COVID-19" là công dân Việt Nam và là tu sĩ Phật giáo, chúng tôi thấy mình phải có trách nhiệm và tấm lòng phục vụ người bệnh. Chúng tôi mong rằng những đóng góp nhỏ bé của mình sẽ góp sức vào công tác phòng chống dịch của tỉnh Long An nói riêng và cả nước nói chung".
Thượng tọa Thích Quảng Hà, Phó Chủ tịch Hội đồng Trị sự Giáo hội Phật giáo tỉnh Nam Định cho rằng: Trong sự nghiệp phát triển đất nước hôm nay, các tăng, ni, phật tử luôn nêu cao tinh thần đại đoàn kết dân tộc, tham gia tích cực các phong trào thi đua yêu nước, xây dựng Giáo hội đoàn kết, trang nghiêm, "Hoằng dương Phật pháp, lợi lạc quần sinh".
Gần 2 năm qua dịch bệnh đã gây ra nhiều khó khăn cho đời sống nhân dân, nhiều nhà chùa, tăng, ni, phật tử đã đi đầu phong trào thiện nguyện, phát tâm công đức cùng nhân dân phòng, chống dịch.
Hòa thượng Thích Bảo Nghiêm, Đại biểu Quốc hội TP Hà Nội cho biết: "Trong bối cảnh dịch bệnh diễn biến phức tạp, dưới sự lãnh đạo của Đảng, Chính phủ, sự đồng tình, chung sức, chung lòng chống dịch của toàn dân với phương châm "không để ai bị bỏ lại phía sau"; Phật giáo Việt Nam đã phát huy khối đại đoàn kết dân tộc cùng nhân dân cả nước chống dịch. Trong lúc cao điểm, dịch bùng phát, hàng trăm tình nguyện viên là tăng ni, tu sĩ, tín đồ, các tôn giáo trên địa bàn TP Chí Minh đã tình nguyện tham gia vào đội ngũ tuyến đầu chống dịch tại bệnh viện hồi sức chuyên sâu COVID-19, bệnh viện dã chiến thu dung, điều trị COVID-19 số 10 và số 12. Đây mới chỉ là đợt một, số lượng sẽ còn các đợt tiếp theo dưới sự điều phối của Sở Y tế TP Hồ Chí Minh. Điều đó chính là minh chứng rõ nét cho tinh thần "thương người như thể thương thân" của đồng bào ta".
Nhiều tình nguyện viên phật giáo, trong đó có các tăng ni, phật tử phát tâm đăng ký chăm sóc bệnh nhân F0 tại bệnh viện dã chiến. Nhiều ngôi chùa đã xung phong trở thành bệnh viện dã chiến, những chiếc máy thở, những phòng áp lực âm, những trang thiết bị y tế cần thiết đã được Giáo hội trao tặng thông qua Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam.
Thượng tọa Thích Nhật Từ (thứ 4 từ phải sang) thay mặt Quỹ Đạo Phật Ngày nay - Chùa Giác Ngộ trao tặng Bệnh viện Dã chiến 3 (TP Hồ Chí Minh) máy sốc nhịp tim và máy thở. Ảnh: TTXVN phát
"Phục vụ chúng sinh là cúng dàng chư Phật"
Tại Bệnh viện dã chiến số 10, TP Thủ Đức (TP Hồ Chí Minh), gần 50 nữ tăng ni, phật tử đã tình nguyện phục vụ, chăm sóc bệnh nhân COVID-19. Tất cả đều tâm nguyện yêu thương đồng bào, xuất phát từ trái tim đầy nhiệt huyết, muốn được phục vụ, cống hiến sức lực của mình cho Tổ quốc, cho Giáo hội trên tinh thần "Phục vụ chúng sinh là cúng dàng chư Phật".
Theo bác sĩ Nguyễn Thanh Vinh, Giám đốc Bệnh viện dã chiến số 10, bệnh viện có 3.000 giường và hiện đang điều trị cho các bệnh nhân COVID-19. Cả bệnh viện có 15 bác sĩ, hơn 70 điều dưỡng và hơn 50 nhân sự ngoài y tế. Nhờ có sự hỗ trợ của các tình nguyện viên, trong đó các tín đồ tôn giáo có ý nghĩa rất đặc biệt, thậm chí góp phần giúp nhiều bệnh nhân giải tỏa tâm lý nặng nề, tiêu cực khi mắc bệnh.
Sư thầy Thích Thanh Đạo, Thiền viện Trúc Lâm Bình Phước cho biết: Bệnh nhân COVID-19 không có người thân bên cạnh, khi được hỗ trợ, hỏi thăm cảm thấy đón nhận được tình yêu thương nên cũng mau bình phục. Nhìn nhiều người được xuất viện mừng vui, cảm ơn thì cả bác sĩ và các tình nguyện viên đều thấy ấm lòng. Nhiều tăng ni cũng chia sẻ, mới đầu làm tình nguyện vào bệnh viện dã chiến chưa quen công việc, bỡ ngỡ nên các tình nguyện viên còn lo lắng. Thời gian sau được các bác sĩ bệnh viện hướng dẫn, khi quen việc, mọi người thấy không quá khó khăn, đáng sợ như ban đầu.
"Lúc đầu mới vào ai cũng lo sợ, nhưng khi gặp gỡ, chăm sóc cho bệnh nhân rồi thì không còn sợ. Chăm bệnh nhân ai cũng chăm được, chỉ cần có tấm lòng", sư thầy Thích Thanh Đạo cho hay.
Giữa lúc dịch bệnh căng thẳng, nhiều bệnh nhân không khỏi hoang mang, lo lắng, thì sự có mặt của các tăng ni, phật tử ở bên cạnh động viên, an ủi sẽ là liều thuốc tinh thần rất lớn, tiếp thêm sức cho người bệnh vượt qua bệnh tật. Không chỉ sư thầy Thích Thanh Đạo mà tất cả các tình nguyện viên đều luôn mong muốn, chờ đợi ngày bệnh viện dã chiến này và các bệnh viện khác được giải thể, lúc đó có nghĩa là hết bệnh nhân.
Không chỉ xung phong thực hiện theo sự chỉ đạo của Chủ tịch Hội đồng Trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam, ngoài việc hỗ trợ tiền mặt, rất nhiều ngôi chùa trong cả nước đã chuyển hàng trăm tấn rau củ quả và nhu yếu phẩm để chuyển vào những vùng tâm dịch. Ngoài ra, Trung ương Giáo hội và Ban trị sự Giáo hội Phật giáo các tỉnh, thành cùng tín đồ phật tử đã đóng góp hàng trăm tỷ đồng vào Quỹ vaccine phòng, chống dịch COVID-19.
Để góp phần chia sẻ những khó khăn với các lực lượng, bệnh nhân đang ngày đêm chống dịch, trong thời gian qua nhiều chùa, cơ sở thờ tự thuộc Giáo hội Phật Giáo Việt Nam đã hưởng ứng phong trào "Bữa cơm yêu thương trong vùng tâm dịch". Bình quân mỗi ngày có hàng chục nghìn suất ăn tại những bếp ăn từ thiện được đưa tới các bệnh viện dã chiến, khu cách ly tại TP Hồ Chí Minh.
Tại bếp ăn thiện nguyện đặt ở Trường tiểu học Lương Thế Vinh, phường Bình Thọ, TP Thủ Đức (TP Hồ Chí Minh) do Đại đức Thích Minh Đạo - trụ trì chùa Nam Thiên Nhất Trụ tổ chức, mỗi ngày phục vụ từ 4.000 - 6.000 suất ăn miễn phí cho bệnh nhân ở các bệnh viện dã chiến, lực lượng chống dịch, người dân và sinh viên khó khăn ở TP Hồ Chí Minh và Bình Dương.
Đại đức Thích Minh Đạo cho biết: Bếp ăn được mở từ đầu tháng 7, hiện cung cấp mỗi ngày hai suất ăn sáng và chiều cho các địa điểm. Lực lượng nấu ăn của bếp là các tình nguyện viên, đoàn viên thanh niên, dân quân tự vệ. Các đầu bếp là các giáo viên lâu nay nấu cơm cho trường tiểu học Lương Thế Vinh...
Tấm lòng từ bi, bác ái lan tỏa trong tâm các đại đức, chư tăng mang trong mình dòng máu Lạc - Hồng không nề hà bất kỳ công việc gì được giao từ thu gom rác thải y tế nguy hiểm, đưa cơm cho các bệnh nhân, cho bệnh nhân ăn, động viên bệnh nhân đã là việc làm thường xuyên của những người con Phật.
Thêm nhiều lực lượng đổ về hỗ trợ TP.HCM chống dịch COVID-19 Ngày 8/9, tiếp tục có thêm các đoàn tình nguyện lên đường hỗ trợ TP.HCM chống dịch COVID-19, trong đó có lực lượng tình nguyện viên tôn giáo và hơn 150 y bác sĩ Bệnh viện Bạch Mai. Sáng 8/9, Ủy ban MTTQ Việt Nam TP.HCM phối hợp với Ban Tôn giáo thành phố tổ chức Lễ xuất quân tham gia phòng, chống...