Nông sản xuất khẩu ùn ứ cửa khẩu vì sao không chuyển sang đường sắt?
Trong khi hàng hóa, nông sản xuất khẩu sang Trung Quốc ùn ứ tại các cửa khẩu Lạng Sơn thì xuất khẩu qua đường sắt vẫn thông thoáng nhưng vì sao doanh nghiệp không chuyển đổi sang xuất khẩu bằng đường sắt?
Phải là hàng xuất khẩu chính ngạch
Nông sản xuất khẩu đường bộ phải chuyển sang đường sắt để giải tỏa áp lực cho các cửa khẩu là vấn đề ông Nguyễn Hữu Vượng, Cục phó phụ trách Cục Hải quan Lạng Sơn, đặt ra tại hội nghị tổng kết công tác ngành hải quan năm 2021, triển khai nhiệm vụ năm 2022, do Tổng cục Hải quan ( Bộ Tài chính) tổ chức ngày 27.12.2021 vừa qua.
Gần 3.000 xe nông sản vẫn đang ùn tắc ở Lạng Sơn, trong khi mỗi ngày chỉ xuất khẩu sang Trung Quốc được 80 – 100 xe. Ảnh HOÀNG PHAN
Ông Nguyễn Hữu Vượng cho biết, trong khi cửa khẩu đường bộ ở Lạng Sơn ùn tắc, tốc độ thông quan chậm thì xuất khẩu trên tuyến đường sắt sang Trung Quốc vẫn diễn ra bình thường.
Theo ông Vượng, vận chuyển đường sắt có nhiều thuận lợi, vì chỉ cần một tổ vận hành và lái tàu, rất dễ kiểm soát dịch Covid-19, phù hợp với chính sách “Zero Covid-19″ hiện nay của Trung Quốc, không cần đến nhiều người, kiểm soát nhiều khâu như ở cửa khẩu đường bộ.
Trong diễn đàn Kết nối tiêu thụ – chế biến nông sản và thúc đẩy tiêu thụ nội địa do Tổ điều hành diễn đàn 970 của Bộ NN-PTNT tổ chức hôm qua 31.12.2021, vấn đề vận tải đường sắt tiếp tục được nhiều đại biểu đưa ra thảo luận.
Ông Hoàng Chí Hiền, Giám đốc Sở Công thương tỉnh Lào Cai, cho biết chuyển đổi phương thức vận tải đường bộ sang đường sắt là vấn đề địa phương này trăn trở nhiều năm nay, nhưng thực tế không dễ làm.
Khó khăn đầu tiên của vận tải đường sắt là thiếu hạ tầng kho bãi tập kết, bảo quản hàng. Bên cạnh đó, khổ đường sắt từ Lào Cai sang tỉnh Vân Nam (Trung Quốc) không tương thích. Cụ thể, khổ đường sắt bên phía Việt Nam là 1,1 m trong khi của Trung Quốc là 1,435 m, nếu chuyển đổi sẽ khá phức tạp và tốn kém thêm chi phí bốc dỡ, sang tải hàng. Một điều kiện nữa để vận tải được bằng đường sắt thì phải là hàng xuất khẩu chính ngạch.
Không đưa hàng xuất khẩu đóng container lạnh lên biên giới
Chia sẻ tại hội nghị, ông Lê Minh Tuấn, Giám đốc kinh doanh Công ty CP Tập đoàn Transin, cho biết doanh nghiệp này đang phối hợp với Cục Đường sắt Việt Nam chuyển hàng từ điểm tập kết ở ga Yên Viên (Hà Nội) đến ga Đồng Đăng (Lạng Sơn), rồi qua Bằng Tường, Nam Ninh, tỉnh Quảng Tây, Trung Quốc. Nếu tính cả thời gian dừng, chờ tại điểm trung chuyển, mỗi chuyến hàng mất khoảng 24 giờ.
Hiện tại, năng lực vận tải đạt 4 chuyến/ngày, mỗi chuyến khoảng 20 container, tính ra một tháng khoảng 2.400 container.
Video đang HOT
Không đủ bãi chứa, xe chở hàng xuất khẩu ùn tắc xếp thành hàng dài trên đường dẫn vào khu vực cửa khẩu ở Lạng Sơn. Ảnh HOÀNG PHAN
Ông Tuấn cho rằng, “năng lực vận tải này là rất đáng kể trong bối cảnh ùn tắc như hiện nay”, nhưng hàng xuất khẩu đi đường sắt phải là hàng xuất khẩu chính ngạch và hình thức vận tải này hiện chỉ sử dụng container nóng nên chỉ phù hợp với các mặt hàng nông sản khô.
Cũng theo ông Tuấn, toàn bộ vỏ container khô hiện nay đang sử dụng là mượn của phía đường sắt Trung Quốc kéo về ga Yên Viên. Khi đóng hàng xong, thủ tục xuất nhập khẩu và kiểm dịch đều làm tại ga Yên Viên nên vận chuyển sang Trung Quốc rất thuận lợi.
Trong khi đó, ông Trần Thanh Nam, Thứ trưởng Bộ NN-PTNT, cho hay thông tin từ Bộ Công thương, xuất khẩu nông sản Trung Quốc và Việt Nam chỉ có gần 30% là chính ngạch, trên 70% là tiểu ngạch. Ông Nam đề nghị doanh nghiệp Việt Nam tích cực trao đổi với bạn hàng, đối tác Trung Quốc chuyển đổi xuất khẩu chính ngạch.
“Trong các cuộc trao đổi và làm việc gần đây, phía Trung Quốc đồng ý sẽ nâng tỷ lệ hàng xuất khẩu chính ngạch, chứ không để tình trạng chênh lệch, mất cân đối so với hàng tiểu ngạch như hiện nay, nên rất cần vai trò đồng hành của doanh nghiệp”, ông Nam nói.
Bà Đinh Thị Thu, Phó giám đốc Sở NN-PTNT tỉnh Lạng Sơn, cho biết thống kê đến ngày 30.12.2021, các cửa khẩu ở Lạng Sơn tồn khoảng 2.971 xe hàng nông sản, trong đó hàng quả tươi đóng container lạnh lên tới 1.676 xe. Cũng trong ngày 30.12, năng lực thông quan ở Cửa khẩu quốc tế Hữu Nghị và Cửa khẩu Chi Ma chỉ đạt 81 xe, chủ yếu là xe hàng nông sản khô, rất ít xe hàng container lạnh.
Cũng theo bà Thu, ngoài quyết định tạm dừng nhập khẩu thanh long đến ngày 25 tháng Chạp tết Nguyên đán Nhâm Dần 2022, Trung Quốc tiếp tục thông báo tạm dừng nhập khẩu hàng đóng container lạnh trong 28 ngày, cụ thể là trước tết 14 ngày và sau tết 14 ngày.
“Ngay từ lúc này, chúng tôi đề nghị các địa phương, hiệp hội ngành hàng thông báo đến doanh nghiệp không đưa hàng xuất khẩu bằng xe container lên các cửa khẩu Lạng Sơn để tránh ùn ứ kéo dài, sẽ thiệt hại nặng về kinh tế”, bà Dung nói.
Lào Cai nâng cấp khổ đường sắt tương thích với Trung Quốc
Thông tin tại hội nghị, ông Hoàng Chí Hiền cho biết, vừa qua Trung Quốc và Lào đã khánh thành đường sắt đi từ Lào đến tỉnh Vân Nam. Dự báo trong thời gian tới, hàng hóa xuất khẩu từ các nước Thái Lan, Campuchia sẽ theo tuyến đường sắt của Lào “chảy” vào Vân Nam, tạo thêm áp lực cạnh tranh rất lớn đối với hàng hóa, nông sản Việt Nam.
Cũng theo ông Hiền, sau nhiều năm kiến nghị đề xuất, Bộ GTVT đã đồng ý cho phép cải tạo đường sắt tại tỉnh Lào Cai. Dự kiến ngay trong năm 2022, tuyến đường sắt tại Lào Cai sẽ được cải tạo và mở rộng tương tích với khổ đường sắt với Trung Quốc, tạo điều kiện thúc đẩy xuất khẩu sang Trung Quốc qua tuyến đường sắt khi hiện tại đa số hàng hóa xuất khẩu đi qua Lào Cai hiện nay đều là hàng chính ngạch.
Bộ Công Thương khuyến cáo doanh nghiệp cần chuyển nhanh sang xuất khẩu chính ngạch
Sau khi Văn phòng Chính phủ thông báo ý kiến chỉ đạo của Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Văn Thành về tình hình ùn ứ nông sản tại các cửa khẩu trên địa bàn tỉnh Lạng Sơn, ngày 23/12, Bộ Công Thương đã có văn bản số 8297/BCT-XNK gửi UBND các tỉnh, thành phố đề nghị tháo gỡ vấn đề này.
Đặc biệt, Bộ Công Thương cũng khuyến cáo doanh nghiệp nên chuyển sang xuất khẩu chính ngạch, đẩy mạnh bán hàng qua thương mại điện tử cũng như xuất khẩu sang các cửa khẩu của các địa phương khác ngoài Lạng Sơn nhằm giảm tình trạng ùn tắc hàng hóa tại khu vực cửa khẩu biên giới phía Bắc.
Xe chờ thông quan hàng hóa tại bãi xe cửa khẩu Tân Thanh. Ảnh tư liệu: Phạm Hậu/TTXVN
Giao hàng qua cửa khẩu chính
Bộ Công Thương cho biết: Từ năm 2020 trở lại đây, hoạt động xuất khẩu hàng hóa, nhất là nông sản, trái cây tươi qua các cửa khẩu biên giới phía Bắc gặp rất nhiều khó khăn, chủ yếu do tác động của dịch COVID-19.
Vì vậy, Bộ Công Thương đã cùng các bộ, ngành và các tỉnh biên giới tích cực vào cuộc, triển khai đồng bộ, kịp thời nhiều giải pháp để tháo gỡ khó khăn, ách tắc do ảnh hưởng của dịch COVID-19, từ đó cơ bản bảo đảm được hoạt động giao thương, nhất là xuất khẩu nông sản qua các cửa khẩu biên giới phía Bắc trong 2 năm qua.
Số liệu thống kê của Tổng cục Hải quan cho thấy, lũy kế 11 tháng năm 2021, xuất khẩu nông sản sang Trung Quốc qua các cửa khẩu biên giới phía Bắc đạt 1,69 tỷ USD, tăng 18,3% so với 11 tháng năm 2020.
Trong số đó, xuất khẩu nông sản qua các cửa khẩu thuộc tỉnh Lạng Sơn đạt 478,2 triệu USD, tăng 32,5% so với cùng kỳ; qua cửa khẩu Móng Cái (Quảng Ninh) đạt 379,1 triệu USD, tăng 62% so với cùng kỳ.
Thế nhưng từ đầu tháng 12 đến nay, do dịch bệnh diễn biến rất phức tạp, phía Trung Quốc đã tăng cường thêm các biện pháp quản lý khiến năng lực thông quan tại các cửa khẩu giảm mạnh và không đáp ứng được nhu cầu trao đổi hàng hóa tăng cao từ cả hai phía.
Dù Bộ Công Thương đã có nhiều văn bản khuyến cáo nhưng do Việt Nam vào chính vụ thu hoạch một số nông sản xuất khẩu nên lượng nông sản đưa lên khu vực biên giới phía Bắc vẫn rất lớn, dẫn đến phát sinh tình trạng ùn ứ, tồn đọng hàng hóa, phương tiện tại nhiều cửa khẩu biên giới, nhất là các cửa khẩu trên địa bàn tỉnh Lạng Sơn.
Theo Bộ Công Thương, trong bối cảnh dịch COVID-19 tiếp tục diễn biến phức tạp, khó lường, ngày 11/12 vừa qua, Trung Quốc đã ra công điện số 14 gửi các bộ, ngành và địa phương về việc tăng cường công tác phòng chống dịch COVID-19 tại các cửa khẩu.
Nội dung công điện nêu rõ việc Trung Quốc tiếp tục kiên trì chính sách "Zero COVID"; trong đó, có việc quản lý nghiêm ngặt đối với người và hàng hóa nhập cảnh.
Cùng với đó, lái xe chuyên trách giao nhận hàng xuất nhập khẩu và nhân viên phòng chống dịch làm việc tại cửa khẩu, cảng biển của Trung Quốc có tiếp xúc với hàng hóa được xác định là đối tượng rủi ro cao, phải cách ly bắt buộc 21 ngày trước khi rời khỏi khu vực cửa khẩu biên giới hoặc cảng biển về quê đón Tết.
Trước tình trạng trên, Bộ Công Thương kiến nghị UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương chỉ đạo các cơ quan chức năng trên địa bàn triển khai các giải pháp theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ về việc thúc đẩy sản xuất, lưu thông, tiêu thụ và xuất khẩu nông sản trong bối cảnh phòng, chống dịch bệnh COVID-19.
Đề nghị UBND các tỉnh thành phố trực thuộc Trung ương tăng cường khuyến cáo các hiệp hội ngành hàng, hộ nông dân, cơ sở sản xuất, chế biến, xuất khẩu nông sản và trái cây tươi trên địa bàn thường xuyên cập nhật tình hình thông quan tại các cửa khẩu biên giới phía Bắc.
Hơn nữa đặc biệt lưu ý lịch nghỉ Tết Nguyên đán của phía Trung Quốc để chủ động kế hoạch sản xuất và xuất khẩu hàng hóa, tránh để phát sinh ùn ứ và các tác động bất lợi khác.
Đồng thời, UBND các tỉnh cần trao đổi ngay với bạn hàng Trung Quốc để giao hàng qua các cửa khẩu chính, cửa khẩu quốc tế tại các tỉnh khác như Cao Bằng nhằm giảm ùn ứ tại Lạng Sơn; hoặc chuyển sang sử dụng phương thức vận tải khác như đường biển mà các doanh nghiệp xuất khẩu thủy sản đang làm rất tốt.
Cũng theo Bộ Công Thương, các doanh nghiệp cần chuyển nhanh, chuyển mạnh hoạt động xuất khẩu sang thị trường Trung Quốc theo hình thức chính ngạch và đẩy nhanh triển khai thực hiện đáp ứng các quy định của phía Trung Quốc về đăng ký doanh nghiệp xuất khẩu nông sản như Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và Bộ Công Thương đã hướng dẫn. Bởi thực tế, trong những thời điểm khó khăn nhất xuất khẩu chính ngạch vẫn lưu thông hết sức bình thường và khi đó xuất khẩu sẽ được thúc đẩy mạnh mẽ hơn.
Đồng thời, tiếp tục thực hiện các quy định về truy xuất nguồn gốc, mã số vùng trồng, cơ sở đóng gói, ghi nhãn... cũng như các yêu cầu khác có liên quan để nâng cao chất lượng sản phẩm, đáp ứng quy định, tiêu chuẩn đã thỏa thuận với bạn hàng nước ngoài.
Mặt khác, Bộ Công Thương cũng đề nghị UBND các tỉnh thành đẩy mạnh các hoạt động kết nối cung cầu, mở rộng thị trường tiêu thụ nông sản tại thị trường trong nước để giảm áp lực cho thị trường xuất khẩu.
Cụ thể như việc chỉ đạo các sở, ban ngành chức năng điều tiết sản xuất nông nghiệp theo nhu cầu của thị trường; căn cứ khả năng sản xuất để phát triển công nghiệp chế biến nhằm tăng giá trị nông sản chế biến sâu, đa dạng các sản phẩm nông nghiệp, đồng thời chú trọng phát triển hệ thống kho trữ, bảo quản nông sản.
Mở rộng thị trường tiêu thụ nông sản trong nước thông qua các hoạt động xúc tiến thương mại, kết nối cung cầu; tăng cường ứng dụng thương mại điện tử trong tiêu thụ nông sản.
Chủ động ứng phó
Đại diện Cục Xuất Nhập khẩu (Bộ Công Thương) nhấn mạnh: Do dịch COVID-19 diến biến phức tạp nên cả phía Việt Nam và Trung Quốc đều phải tăng cường chống dịch.
Thế nhưng, để giải tỏa ùn ứ những ngày qua nhiều giải pháp linh hoạt đã được triển khai. Tuy chưa cải thiện được nhiều nhưng hoạt động xuất khẩu, nhập khẩu hàng hóa về cơ bản vẫn được duy trì.
Theo đại diện Cục Xuất Nhập khẩu, một nguyên nhân nữa là những tháng cuối năm nhu cầu tiêu dùng dịp lễ, Tết tăng cao, nhiều mặt hàng nông sản của Việt Nam vào chính vụ thu hoạch chủ yếu xuất khẩu sang thị trường này đã dẫn tới ách tắc cục bộ tại các cửa khẩu biên giới.
Bởi vậy, bên cạnh việc trao đổi chính sách với phía bạn, Bộ Công Thương cũng nhiều lần có văn bản khuyến cáo gửi các doanh nghiệp, hiệp hội cũng như đề nghị các địa phương thường xuyên cập nhật thông tin tình hình các tỉnh biên giới phía Bắc, đặc biệt trong thời điểm gần Tết về tình hình ùn ứ hàng hóa tại Lạng Sơn.
Ngoài ra, Bộ Công Thương cũng lưu ý khi có những thông tin về lịch nghỉ Tết của phía Trung Quốc để có sự chủ động điều chỉnh nhịp độ đưa hàng lên biên giới cho phù hợp với năng lực thông quan tại khu vực cửa khẩu cũng như thời gian nghỉ cửa khẩu trong dịp Tết của phía Trung Quốc.
Vì thế, tại văn bản gửi UBND các tỉnh, thành phố lần này, Bộ Công Thương đề nghị UBND các tỉnh phía Bắc chỉ đạo các cơ quan chức năng trên địa bàn phối hợp chặt chẽ với đơn vị của các bộ, ngành trao đổi, đàm phán với chính quyền địa phương, cơ quan quản lý phía Trung Quốc để triển khai các giải pháp nhằm tăng thời gian thông quan tại cửa khẩu.
Bên cạnh đó, các đơn vị phải nâng cao hiệu suất làm việc của các lực lượng chức năng của cả 2 nước tại các cửa khẩu như hải quan, kiểm dịch, doanh nghiệp dịch vụ vận tải, bốc xếp hàng hóa nhằm tạo thuận hơn cho hoạt động thông quan và xuất khẩu hàng hoá, đặc biệt là các mặt hàng nông sản xuất khẩu của Việt Nam.
Hơn nữa, các địa phương tiếp tục cập nhật, đưa tin thường xuyên về diễn biến giao nhận, thông quan hàng hóa tại cửa khẩu và các vấn đề liên quan; kịp thời trao đổi, phản ánh với Bộ Công Thương và các bộ, ngành liên quan những vấn đề phát sinh để cùng phối hợp xử lý.
Về lâu dài, Bộ Công Thương cũng chỉ đạo các đơn vị chức năng trong Bộ và Tham tán thương mại, đại diện thương vụ, đại diện các văn phòng xúc tiến thương mại của Việt Nam tại Trung Quốc phối hợp chặt chẽ với các bộ, ngành, địa phương chủ động nắm bắt tình hình xuất nhập khẩu, thông quan hàng hóa và các vấn đề liên quan khác tại khu vực cửa khẩu.
Đồng thời, tăng cường phổ biến thông tin, quy định mới của thị trường Trung Quốc cho các địa phương và doanh nghiệp xuất khẩu nhằm thúc đẩy đáp ứng yêu cầu của thị trường Trung Quốc, tạo thuận lợi cho xuất khẩu hàng hóa của Việt Nam; phổ biến và hướng dẫn các doanh nghiệp và địa phương triển khai các Lệnh 248 và 249 của Hải quan Trung Quốc...
Hải quan Lạng Sơn lên phương án xử lý hàng hóa ùn tắc tại cửa khẩu Tại Hội nghị tổng kết năm 2021 của Tổng cục Hải quan ngày 27/12, ông Nguyễn Hữu Vượng, Phó cục trưởng Hải quan Lạng Sơn cho biết đã lên phương án xử lý hàng hóa ùn tắc tại các cửa khẩu Lạng Sơn. Các xe container chở hàng hóa tập kết tại bãi xe ở cửa khẩu Tân Thanh chờ làm thủ tục...