Nóng lòng chờ điều chỉnh nguyện vọng
Thí sinh đã hoàn thành thi tốt nghiệp THPT 2021 đang nóng lòng chờ đến thời điểm được điều chỉnh nguyện vọng (NV). Băn khoăn lớn nhất là điều chỉnh ra sao để đảm bảo đỗ đúng ngành học mình yêu thích.
Thí sinh cần cân nhắc kỹ trước khi điều chỉnh nguyện vọng xét tuyển đại học. Ảnh: Quang Vinh.
Nhiều trường công bố mức điểm sàn 15
Trong tuần qua, nhiều trường ĐH đã công bố mức điểm sàn (chưa phải điểm chuẩn), trong đó không ít trường ĐH công lập cũng chỉ có mức điểm sàn ở ngưỡng 15 điểm. Đây được gọi là những trường top dưới.
Đơn cử như Học viện Phụ nữ Việt Nam, ĐH Điện lực đều lấy điểm sàn từ 15, tức trung bình 5 điểm/môn, có thể thấp hơn nếu thí sinh có điểm ưu tiên. Học viện Thanh thiếu niên Việt Nam cũng lấy duy nhất mức 15 làm điểm sàn cho phương thức xét tuyển theo điểm thi tốt nghiệp THPT, 18 là điểm sàn xét học bạ. Mức sàn 15 điểm đã được trường duy trì trong 3 năm liên tiếp.
Trường ĐH Mỏ – Địa chất cũng công bố ngưỡng điểm xét tuyển đợt 1 hệ ĐH năm 2021 theo kết quả thi tốt nghiệp THPT, có nhiều ngành ở mức 15 điểm: Địa chất học, Kỹ thuật địa chất, Địa kỹ thuật xây dựng, Du lịch địa chất,..
Năm nay, Trường ĐH Nội vụ Hà Nội thông báo ngưỡng điểm nhận hồ sơ xét tuyển ĐH chính quy theo kết quả thi tốt nghiệp THPT năm 2021 cao hơn năm trước. Nhưng vẫn có một số ngành mức điểm 15, thậm chí ngành Chính trị học chuyên ngành Chính sách công (D01) có điểm sàn 14,5 điểm.
Cân nhắc kỹ trước mức điểm sàn thấp
Mùa tuyển sinh ĐH năm nay, điểm thi các khối cơ bản đều nhích lên, xu hướng tăng điểm chuẩn của các trường là chắc chắn. Một số trường ĐH top trên đã công bố ngưỡng đảm bảo chất lượng đầu vào ở mức cao, từ trên 20 điểm trở lên.
ĐH Bách khoa Hà Nội thông tin, đối với thí sinh sử dụng phương thức xét tuyển theo điểm thi tốt nghiệp THPT năm 2021: Mức điểm nhận hồ sơ xét tuyển đối với tất cả các ngành/chương trình đào tạo là 23 điểm; Trường ĐH Ngoại thương đã thông báo: Mức điểm nhận hồ sơ xét tuyển (điểm sàn) dựa trên kết quả thi tốt nghiệp THPT năm 2021 (phương thức 4) của trường với mức 23,80 điểm cho tất cả các khối thi tại trụ sở chính Hà Nội và cơ sở 2 tại TP HCM; ĐH Công Nghệ – ĐH Quốc gia Hà Nội đã thông báo mức điểm nhận đăng ký xét tuyển năm 2021. Theo đó, điểm sàn cao nhất là ngành Công nghệ thông tin (CNTT) với 24 điểm. Máy tính và Robot, CNTT (chất lượng cao- CLC), Kỹ thuật điều khiển và tự động hóa cùng 22 điểm…
Thí sinh Đan Trường (Hoàng Mai – Hà Nội) cho biết, em đăng ký NV1 ngành CNTT của ĐH Công nghệ – ĐH Quốc gia Hà Nội ở khối D01. Tuy nhiên với mức điểm thi chỉ trên 20 điểm, những trường cùng top cũng khó đạt. Vì vậy, em đang cân nhắc đổi nguyện vọng học ngành này ở một số trường khác thuộc top dưới.
Nhiều thí sinh cũng chia sẻ do mức điểm thi chưa được như ý muốn, nhiều khả năng các em sẽ phải dùng tới “phao cứu sinh” điều chỉnh nguyện vọng, chọn những trường có điểm chuẩn thấp hơn. Ngược lại, cũng có những thí sinh điểm cao hơn ngưỡng sàn, có nhu cầu điều chỉnh NV sang ngành học “hot” hơn.
Video đang HOT
Vấn đề đặt ra lúc này, theo các chuyên gia – với những trường ĐH top dưới khó tuyển sinh đầu vào, hàng năm họ thường lấy điểm trúng tuyển đầu vào thấp, do ít thí sinh đăng ký học, thì các em phải hết sức cân nhắc có nên đăng ký học không hay chọn một con đường khác như học nghề, để ra trường có việc làm ngay.
Trước thông tin nhiều trường lấy điểm sàn xét tuyển ĐH chính quy 15 điểm, không ít thí sinh có mức điểm thi cao hơn vài điểm hết sức băn khoăn về khả năng trúng tuyển, PGS.TS Lê Hữu Lập – nguyên Phó Giám đốc Học viện Công nghệ Bưu chính Viễn thông phân tích: Khi xét tuyển sinh, các trường sẽ lấy điểm từ trên cao xuống thấp cho đến khi đủ chỉ tiêu. Do đó, thí sinh không nên quan tâm nhiều đến điểm sàn, vì đấy là ngưỡng điểm để nhà trường nhận hồ sơ xét tuyển. Việc của thí sinh là tìm hiểu năm trước điểm trúng tuyển vào các ngành của trường đó là bao nhiêu. Ít nhất các em phải có điểm thi ngang bằng với điểm chuẩn năm trước thì mới có thể yên tâm. Cùng với đó, quyết định của thí sinh cần dựa vào mục tiêu, năng lực, sở trường, điều kiện kinh tế của gia đình, dự báo nhu cầu nhân lực ngành học trong tương lai.
Cẩn thận điểm cao vẫn trượt
Trước nhu cầu điều chỉnh NV của thí sinh, các chuyên gia giáo dục cùng có chung lời khuyên các em nên cân nhắc kỹ, không cẩn thận điểm cao vẫn có thể trượt ĐH. Nhưng nếu khéo tính, điểm thấp cũng có khả năng trúng tuyển như ý muốn.
PGS.TSKH.Vũ Hoàng Linh, Hiệu trưởng Trường ĐH Khoa học Tự nhiên- ĐH Quốc gia Hà Nội chia sẻ: Đạt điểm cao là điều rất vui, nhưng nếu mặt bằng chung điểm ở tổ hợp xét tuyển cũng cao, ngành chọn lại là ngành “hot” thì cũng nên thận trọng. Thực tế các năm trước, có những em đạt điểm cao, thậm chí 25-26 điểm nhưng vẫn trượt ĐH hoặc trúng tuyển vào ngành ít mong muốn.
Vì vậy theo PGS Linh, trước hết thí sinh cần rà soát lại các ngành và trường ĐH đã lựa chọn dựa trên sở thích và năng lực của bản thân; xem kỹ các điều kiện và tổ hợp xét tuyển của từng ngành, từng trường. Một việc quan trọng không thể bỏ qua là cần xem thông tin điểm chuẩn 1-2 năm gần đây của các ngành dự định đăng ký và phổ điểm các môn thi, các tổ hợp thi năm 2021, so sánh với phổ điểm các năm trước để có dự đoán xu hướng tăng hay giảm của điểm chuẩn. Sau khi xem xét kỹ, nếu điểm chỉ thấp hơn một chút (tầm 0,25-1 điểm) so với điểm chuẩn năm trước của các ngành đã chọn thì NV1 và 2 vẫn nên để là những ngành thí sinh yêu thích nhất. Các NV tiếp theo là những ngành có điểm chuẩn các năm trước tương đương với điểm thi của thí sinh. Và để chắc chắn, nên đặt thêm 2-3 NV vào các ngành có điểm chuẩn năm trước thấp hơn điểm thi 1-3 điểm.
Vụ Giáo dục Đại học: 'Điểm chuẩn có thể nhỉnh hơn các năm trước'
Căn cứ điểm thi, việc các trường xét tuyển bằng nhiều phương thức, PGS.TS Nguyễn Thu Thủy, Vụ trưởng Vụ Giáo dục Đại học, dự đoán điểm chuẩn có thể nhỉnh hơn các năm trước.
Sau khi biết điểm thi tốt nghiệp THPT, thí sinh có thể điều chỉnh nguyện vọng. Dự báo điểm chuẩn là một trong những căn cứ để thí sinh điều chỉnh.
PGS.TS Nguyễn Thu Thủy cho rằng điểm chuẩn theo phương thức xét điểm thi tốt nghiệp THPT có thể tăng do điểm thi cao và tỷ lệ xét tuyển cho phương thức này giảm.
Thí sinh dự thi tốt nghiệp THPT năm 2021 đợt 1. Ảnh: Phạm Ngôn.
Việc trúng tuyển không phụ thuộc nhiều vào điểm thi
- Với phổ điểm thi tốt nghiệp THPT năm nay, bà dự kiến điểm chuẩn vào đại học năm sẽ biến động như thế nào? Liệu điểm có tăng không khi các trường sử dụng nhiều phương án tuyển sinh?
- Như thông tin Bộ GD&ĐT đã công bố trước đó, phổ điểm thi tốt nghiệp THPT năm 2021 tăng ở nhiều môn thi. Trong đó, số lượng bài thi đạt điểm cao cũng tăng thêm khá nhiều ở các môn Tiếng Anh, Ngữ văn, Giáo dục công dân, Sinh học...
Điểm chuẩn xét tuyển bằng kết quả thi tốt nghiệp THPT của các trường phụ thuộc vào nhiều yếu tố như kết quả thi tốt nghiệp THPT, chỉ tiêu tuyển sinh, số lượng thí sinh đăng ký xét tuyển vào một ngành, một chương trình đào tạo.
Điểm trung bình cao, số lượng bài thi có điểm 8 trở lên nhiều, dải điểm rộng hơn, việc xét tuyển sẽ thuận lợi hơn, các trường có thuận lợi trong việc xác định ngưỡng đảm bảo chất lượng đầu vào.
Năm nay, các trường thuộc các nhóm tuyển sinh khác nhau đều không gặp khó khăn do các thí sinh tham dự thi tốt nghiệp THPT và đăng ký xét tuyển đại học, xét tuyển cao đẳng ngành Giáo dục mầm non tăng khá so với năm trước.
Ngoài việc điểm một số môn thi cao hơn so với năm 2020, các trường đại học đã dành lượng chỉ tiêu tương đối cho các phương thức khác như xét học bạ, xét điểm đánh giá năng lực, bài thi chuẩn hóa quốc tế... Tỷ lệ xét điểm thi tốt nghiệp THPT sẽ giảm nhất định. Đây cũng là nguyên nhân quan trọng khiến điểm xét tuyển vào đại học năm nay sẽ có thể nhỉnh hơn các năm trước.
- Áp lực cho việc tuyển bằng điểm tốt nghiệp THPT có tăng lên hay không khi chỉ tiêu dành cho phương thức này thấp hơn các năm?
- Với xu thế tự chủ tuyển sinh hiện nay, ngày càng nhiều cơ sở đào tạo tổ chức tuyển sinh riêng, hoặc tham gia tuyển sinh theo nhóm, nên tỷ lệ chỉ tiêu dành cho đối tượng xét tuyển bằng điểm thi THPT giảm so với các năm trước là tất yếu và đã nằm trong lộ trình biết trước.
Trong đề án tuyển sinh, các trường đã công bố các phương thức, chỉ tiêu tuyển sinh bằng học bạ, thi đánh giá năng lực, xét tuyển thẳng... bên cạnh chỉ tiêu tuyển sinh bằng điểm thi THPT.
Thực tế, nhiều học sinh đã đạt điều kiện cần để trúng tuyển đại học trước khi thi tốt nghiệp THPT - điều kiện đủ để nhập học. Với sự minh bạch thông tin này, thí sinh chuẩn bị trước về tâm lý và nhiều em đủ điều kiện đã có lựa chọn về trường và ngành học tập cho mình ngay từ đầu, do đó việc trúng tuyển không còn phụ thuộc nhiều vào điểm thi THPT.
Thống kê cho thấy năm 2021, các trường dành chỉ tiêu xét tuyển cho các phương thức khác nhiều hơn các năm. Tuy nhiên, việc xét tuyển theo phương thức khác phụ thuộc vào nhiều yếu tố như chỉ tiêu, số lượng thí sinh đăng ký xét tuyển, chất lượng nguồn tuyển, số thí sinh trúng tuyển xác nhận nhập học...
Nguồn tuyển sinh hữu hạn, thí sinh xét tuyển bằng phương thức khác đã trúng tuyển và xác nhận nhập học không tham gia xét tuyển ở các trường khác.
Các trường phải nhập danh sách thí sinh đã xác nhận nhập học lên hệ thống. Các thí sinh này sẽ không tham gia để xét tuyển đợt 1 bằng kết quả thi tốt nghiệp THPT. Đương nhiên, các em không ảnh hưởng đến chỉ tiêu tuyển sinh của phương thức xét tuyển theo kết quả tốt nghiệp THPT.
Những lý do trên đã giảm bớt áp lực xét tuyển đại học bằng điểm thi THPT, dù chỉ tiêu dành cho phương thức này giảm đi so với các năm trước.
Nhiều người lo ngại phổ điểm Tiếng Anh khiến các trường khó xác định điểm chuẩn. Ảnh: N.S.
Phổ điểm Tiếng Anh gây khó cho tuyển sinh?
- Thí sinh cho rằng mức độ khó - dễ quá chênh lệch giữa các môn trong tổ hợp sẽ gây khó khăn cho thí sinh trong việc đổi nguyện vọng. Bà đánh giá thế nào về điều này?
- Quy định xét tuyển của các trường rất đa dạng và nhiều lựa chọn. Các trường đều quy định chỉ tiêu cho từng tổ hợp xét tuyển trong một ngành. Một số trường quy định chi tiết độ lệch điểm giữa các tổ hợp xét tuyển. Vì vậy, chúng ta rất khó có định hướng chung cho việc lựa chọn tổ hợp nào để ưu tiên đăng ký xét tuyển.
Tuy nhiên, quy chế tuyển sinh cho phép thí sinh được quyền đăng ký xét tuyển không giới hạn số lượng nguyện vọng (mỗi tổ hợp vào một ngành là một nguyện vọng).
Các trường căn cứ vào điểm từ cao xuống thấp để xét tuyển chứ không căn cứ vào thứ tự nguyện vọng để xét tuyển (trừ trường hợp có nhiều thí sinh cùng mức điểm ở cuối danh sách).
Vì vậy, thí sinh có thể đăng ký xét tuyển bằng nhiều tổ hợp vào một ngành. Để có lợi thế, các em nên lựa chọn những tổ hợp có môn thi mình đạt điểm cao khi tham gia xét tuyển.
Với việc áp dụng công nghệ thông tin trong tuyển sinh, thí sinh có nhiều cơ hội để thay đổi nguyện vọng một cách phù hợp, chính xác nhất dựa trên kết quả thi tốt nghiệp THPT của mình.
- Nhiều ý kiến trường đại học cho rằng, phổ điểm Tiếng Anh năm nay sẽ gây khó trong tuyển sinh và xác định điểm chuẩn ở các khối A01 và D01, bà nghĩ sao?
- Về nguyên tắc, các trường luôn xét tuyển để lựa chọn các thí sinh có điểm từ cao xuống thấp đến khi hết chỉ tiêu. Hiện, phần mềm cũng hỗ trợ các trường trong quy định mức điểm trúng tuyển đối với từng tổ hợp trong một ngành hoặc các chỉ tiêu trong từng ngành.
Căn cứ vào phổ điểm của các khối thi và số lượng thí sinh đăng ký xét tuyển, bằng kinh nghiệm của mình, các trường hoàn toàn có thể xem xét, cân nhắc và quyết định độ lệch điểm giữa các tổ hợp và chỉ tiêu tuyển sinh giữa các tổ hợp.
Như đã nói ở trên, thí sinh được quyền đăng ký xét tuyển không giới hạn số lượng nguyện vọng. Các trường xét điểm từ cao xuống thấp, không tùy thuộc vào thứ tự nguyện vọng (trừ trường hợp nhiều thí sinh cùng mức điểm ở cuối danh sách). Thí sinh có thể chọn tổ hợp điểm cao hơn để đăng ký xét tuyển.
Giải đáp tất tần tật thắc mắc về đổi nguyện vọng đại học năm 2021: 4 nguyên tắc vàng khi điều chỉnh để dễ trúng tuyển vào ngành mong muốn Khi nào được điều chỉnh nguyện vọng, được điều chỉnh bao nhiêu lần và đổi nguyện vọng thế nào để dễ trúng tuyển vào ngành mình thích? Những thắc mắc về đổi nguyện vọng xét tuyển đại học năm 2021 sẽ được giải đáp cụ thể sau đây. Theo công văn số 1444/BGDĐT-GDĐH của Bộ Giáo dục và Đào tạo quy định các...