‘Nóng’ cuộc đua phim chiếu rạp Việt mùa lễ 30.4
Trước thềm lễ 30.4 – 1.5 với kỳ nghỉ kéo dài, phòng vé Việt cũng “ nóng” dần lên với số lượng phim nội lẫn ngoại tung ra nhiều hơn, sau mùa thấp điểm từ tháng 3 đến giữa tháng 4 vừa qua.
Nhiều phim ‘ngã ngựa’ vì kém chất lượng
Sau một mùa phim tết thành công, thị trường điện ảnh Việt bước vào giai đoạn ảm đạm khi hàng loạt tác phẩm chiếu rạp gần đây đều thất bại về mặt doanh số. Quý cô thừa kế 2 (đạo diễn Nguyễn Hoàng Duy, doanh thu 6,4 tỉ đồng) và Sáng đèn (đạo diễn Hoàng Tuấn Cường, bán vé được 3,4 tỉ đồng) đều lỗ hàng chục tỉ đồng so với kinh phí đầu tư.
Các diễn viên trong phim Đóa hoa mong manh
Trong đó, “thành tích” thê thảm nhất đang thuộc về Đóa hoa mong manh của đạo diễn Mai Thu Huyền khi chiếu từ 12.4 đến nay chỉ thu được 385 triệu đồng. Đóa hoa mong manh thuộc thể loại tâm lý xã hội – âm nhạc, xoay quanh cuộc đời của một nữ ca sĩ trẻ, có sự tham gia của Maya, Quốc Cường, Mai Thu Huyền, Baggio, Đức Tiến, ca sĩ Nhật Hạ, Trizzie Phương Trinh… Dù không tiết lộ cụ thể, nữ đạo diễn cho biết do phim quay hoàn toàn ở Mỹ nên có kinh phí đầu tư lớn, cần cả trăm tỉ đồng để hòa vốn.
Hiện tại, rạp Việt cũng tăng tốc về suất chiếu cho 2 phim Việt (đều dán nhãn 18 ) là Cái giá của hạnh phúc (đạo diễn Nguyễn Ngọc Lâm) có Thái Hòa, Xuân Lan, Uyển Ân, Lâm Thanh Nhã… đóng; và phim B4S – Trước giờ yêu (đạo diễn bởi 3 cái tên mới: Tùng Leo, Michael Thái, Huỳnh Anh Duy) với dàn diễn viên trẻ Jun Vũ, Tôn Kinh Lâm, Khánh Vân, Tùng, Khazsak…
Cái giá của hạnh phúc ban đầu dự định chiếu vào dịp 30.4, nhưng để tránh “đối đầu” với Lật mặt 7: Một điều ước của Lý Hải, nhà sản xuất đã đôn lịch lên chiếu trước từ 18.4. Nội dung phim nói về chuyện ngoại tình trong hôn nhân của một gia đình thượng lưu nhưng không mới mẻ, kịch bản nhiều lỗi logic, tình tiết lê thê đủ loại thông điệp, cách xây dựng tâm lý nhân vật khiên cưỡng, dựng phim thiếu kết nối mượt mà. Dù vậy, nhờ diễn xuất của Thái Hòa lẫn tên tuổi của nhà sản xuất – siêu mẫu Xuân Lan trong việc PR trên mạng xã hội, phim vẫn kéo được khán giả đến rạp với doanh thu tính đến hết ngày 22.4 đạt khoảng hơn 17 tỉ đồng, nhưng nhiều khán giả bày tỏ thất vọng ở chất lượng tổng thể phim, thể hiện ở các bình luận trên mạng xã hội.
Dàn diễn viên trong Cái giá của hạnh phúc
Video đang HOT
Trong khi đó, B4S – Trước giờ yêu đang có doanh thu chỉ hơn 3 tỉ đồng. Phim gây chú ý vì chọn đề tài táo bạo, khai thác suy nghĩ của giới trẻ về tình yêu và tình dục; phải chỉnh sửa phim mới qua được vòng kiểm duyệt nên dời lịch chiếu từ 12.4 sang 18.4. Phim làm theo dạng đa tuyến, gồm 3 câu chuyện nhỏ của 3 cặp nam – nữ xoay quanh một chủ đề chung rồi lần lượt ghép lại để tạo thành một bộ phim dài. Dù được kỳ vọng sẽ đem lại “làn gió mới” trẻ trung với ê kíp toàn người trẻ hiện đại, nhưng thực tế phim xem khá chán, bởi kịch bản đơn giản và hời hợt theo kiểu dàn đều 30 phút cho một câu chuyện riêng lẻ nên đã không đủ thời lượng để khai thác số phận, suy nghĩ của từng nhân vật. Phim đuối dần từ câu chuyện thứ 2 và toàn phim không có sự bất ngờ nào cho người xem với cái kết đầy lý thuyết sách vở.
Poster phim B4S – Trước giờ yêu. ĐPCC
Trông chờ Lật mặt 7, dù phim ngoại ‘hot’ không kém
Có thể nói, cả 3 phim Việt đang trình chiếu tại rạp đều có chất lượng không tốt, “nhiều sạn, non và vụng về tay nghề” (như đánh giá của nhà phê bình Lê Hồng Lâm). Thị trường hiện chỉ còn trông chờ vào Lật mặt 7: Một điều ước của đạo diễn Lý Hải sẽ chiếu sớm từ 19 giờ ngày 24.4. Giới làm phim bày tỏ kỳ vọng ” Lật mặt 7 sẽ tạo cú nổ tại phòng vé sau thời gian phim Việt thua lỗ nặng nề”.
Poster phim Lật mặt 7 của Lý Hải
Phim của Lý Hải lần này được dự đoán là “một cú chuyển mình” để mới mẻ hơn so với chính anh, khi không tập trung vào yếu tố hành động – hài như những phim trước trong series, mà sẽ hướng đến việc xây dựng một tác phẩm thuần tâm lý – tình cảm gia đình. Để tạo nên điểm nhấn về bối cảnh cho Lật mặt 7, đạo diễn Lý Hải và nhà sản xuất Minh Hà đã cho xây một phim trường rộng cả chục héc ta, nằm biệt lập trên QL27C tại làng K’Long K’Lanh, xã Đạ Chais, H.Lạc Dương, Lâm Đồng. Đây là một trong những cụm bối cảnh quan trọng của Lật mặt 7, lên phim khoảng 50% thời lượng, bao gồm: nhà bà Hai, nhà của một số nhân vật, bếp lửa khổng lồ…
Phim còn quay ở những bối cảnh khác trải dài từ Nam đến Bắc như: TP.HCM, Ninh Thuận, Hà Nội… Trong đó, cảnh đầu tư nhất mà Lý Hải chia sẻ là tại cảng cá Mỹ Tân, Ninh Thuận. Phân đoạn thách thức đạo diễn với đại cảnh làng chài tan hoang sau khi cơn bão đi qua khi “chi mạnh tay” để thuê 100 tàu bè trong nhiều ngày, hơn 1.000 diễn viên quần chúng khắc họa cuộc sống nơi cảng cá. Phân đoạn thuyền đánh cá của nhân vật chính vật lộn với bão ngoài khơi được quay suốt đêm giao thừa 2024, nhiều diễn viên bị say sóng vì không quen ghi hình lênh đênh nhiều giờ trên biển. Lý Hải kết hợp quay cùng phông xanh, lồng ghép kỹ xảo VFX để tạo kịch tính. Đạo diễn cũng mời một đoàn hát bội từ Bình Định vào Ninh Thuận tái hiện cảnh lễ hội ở lăng Thần Nam Hải.
Lật mặt 7: Một điều ước kể về bà Hai (nghệ sĩ Thanh Hiền đóng) – người mẹ già sống cô đơn ở tuổi xế chiều, 5 người con của bà lớn lên từ đây nhưng áp lực mưu sinh đã khiến mỗi người một nơi và đùn đẩy nhau chăm sóc mẹ khi đau ốm. Phần 7 này quy tụ gần 50 diễn viên, trong đó các gương mặt chính và thứ chính gồm 17 người – đông nhất trong phim Lý Hải từ trước đến nay.
Lý Hải cho biết: “Làm phim không ai muốn lỗ, nhưng với tôi, dự án huề vốn là vui rồi. Tôi không đặt mục tiêu phần mới phải vượt qua doanh thu của những phim trước. Tôi tin chỉ cần có kịch bản tốt, cố gắng rút kinh nghiệm từ những phần trước, khán giả sẽ thấy được những nỗ lực, tiến bộ, kỹ lưỡng hơn thì chắc chắn sẽ ủng hộ”.
Có thể nói, Lý Hải là một hiện tượng khá “lạ” trong giới làm phim khi từ một ngôi sao ca nhạc chuyển sang làm đạo diễn, phim làm ra chưa hẳn là hay xuất sắc nhưng càng làm càng lên tay, doanh thu phim sau thắng hơn phim trước ( Lật mặt 6: Tấm vé định mệnh thu về 273 tỉ đồng), chiếm được thiện cảm từ đông đảo khán giả. Liệu Lật mặt 7 lần này có làm nên kỳ tích mới, hay sẽ là “ẩn số” khó đoán khi bom tấn ngoại dịp lễ này cũng ra rạp nhiều hơn, như phim hành động tội phạm Hàn Quốc Vây hãm: Kẻ trừng phạt, Yêu cuồng loạn, phim kinh dị Hàn Tà khúc triệu vong, hoạt hình Mèo mập mang 10 mạng của đạo diễn Christopher Jenkins…?
Đóa hoa mong manh chìm sâu ở phòng vé Việt, Cái giá của hạnh phúc chưa ấn tượng
Những bộ phim Việt ra rạp trong tháng 4 có số phận rất khác nhau nhưng tựu chung đều chưa bùng nổ thực sự về doanh thu trước kỳ nghỉ lễ 30/4-1/5.
Trong tuần thứ hai ra rạp, Đóa hoa mong manh vẫn không thoát cảnh ế vé bất chấp nhiều nỗ lực quảng bá, kêu gọi sự ủng hộ của khán giả từ phía nhà sản xuất - đạo diễn - diễn viên Mai Thu Huyền. Tính đến hết cuối tuần 21/4, theo thống kê từ Box Office Vietnam, Đóa hoa mong manh vẫn chưa thể đạt được ngưỡng 400 triệu và được cho là sẽ để lại khoản lỗ cực lớn. Cơ hội để lội ngược dòng với bộ phim là con số 0 khi mà những ý kiến đánh giá tích cực, động viên quá ít ỏi, lạc lõng giữa những lời chê thẳng thắn về chất lượng bộ phim cũng như góp ý nghiêm túc về định hướng, tư duy làm phim của Mai Thu Huyền.
Phim Đóa hoa mong manh
Đóa hoa mong manh có thể sẽ sớm kết thúc hành trình ở rạp Việt nhưng phim được biết vẫn tiếp tục chiếu tại thị trường Mỹ và chuẩn bị tiếp cận các rạp chiếu ở Ấn Độ trong tháng 5.
Bộ phim mới của Thái Hòa giữ vị trí số 1 phòng vé cuối tuần qua không phải là điều bất ngờ. Vì so với hai phim Việt Đóa hoa mong manh và B4S - Trước giờ yêu, Cái giá của hạnh phúc được đánh giá nhỉnh hơn về nhiều mặt.
Thái Hòa được xem là cái tên bảo chứng cho Cái giá của hạnh phúc
Thời điểm ra rạp, Cái giá của hạnh phúc cũng không bị quá nhiều áp lực từ phim ngoại. Theo Box Office Vietnam, trong 3 ngày cuối tuần, phim điện ảnh đầu tay của đạo diễn Nguyễn Ngọc Lâm thu về hơn 10 tỷ đồng, giúp tổng doanh thu Cái giá của hạnh phúc vượt ngưỡng 15 tỷ đồng, tính đến ngày 22/4. Tuy nhiên, con số này chưa thực sự ấn tượng và tạo nên tình thế không an toàn cho ngôi vị số 1 của bộ phim, vì từ ngày 24 tới đây, Lật mặt 7: Một điều ước đã mở bán các suất sneak show và bắt đầu công chiếu chính thức từ 26/4 - đón đầu kỳ nghỉ lễ kéo dài 5 ngày.
So với một tân binh chỉ mới bước vào làm phim điện ảnh như đạo diễn Nguyễn Ngọc Lâm thì thương hiệu Lý Hải tỏ ra quá mạnh. Lật mặt 7: Một điều ước dán nhãn K (trẻ em dưới 13 tuổi có thể xem cùng người lớn), đưa phim tiếp cận đông đảo khán giả với nội dung có thể không mới nhưng dễ "chạm", dễ tìm được sự đồng cảm. Trong khi Cái giá của hạnh phúc là phim 18 , chọn khai thác câu chuyện đã khá cũ về ngoại tình, mà chỉ tính từ đầu năm tới khán giả Việt đã vài lần thưởng thức và thất vọng với Trà hay Quý cô thừa kế.
Thái Hòa mang đến hình ảnh khác lạ trong phim Cái giá của hạnh phúc
Nhân vật Thái Hòa thể hiện gây nhiều tranh cãi với các mối quan hệ "ngoài luồng" phức tạp, bất chấp đạo lý
Cái giá của hạnh phúc có nhiều điểm sáng như diễn xuất của Thái Hòa, đặc biệt trong cú "twist" gây sững sờ cuối phim, siêu mẫu Xuân Lan diễn như "rút ruột rút gan" trong vai mà cô dành trọn tâm huyết, đặt để nhiều kỳ vọng, cài cắm cả những câu chuyện được đúc rút từ hàng chục năm hoạt động nghệ thuật. Thời trang, cách xây dựng bối cảnh cũng là điểm cộng nổi bật của phim, mang đến cảm giác chân thực về nhà giàu. Là siêu mẫu, Xuân Lan khoác cho nhân vật bà Dương loạt trang phục bắt mắt, gợi liên tưởng đến xu hướng "xa xỉ thầm lặng" đang thịnh hành.
Xuân Lan diễn thuyết phục trong phim Cái giá của hạnh phúc nhưng nhân vật nói đạo lý khá nhiều và quá bi lụy
Có lẽ cũng do có quá nhiều điều muốn kể, muốn gửi gắm nên vai bà Dương của Xuân Lan chiếm nhiều thời lượng hơn mức cần thiết. Đa phần là đẫm nước mắt, vật lộn với những cảm xúc phức tạp của một người vợ, người mẹ theo đuổi sự hoàn hảo nhưng vỡ mộng vì thực tế quá bẽ bàng. Nếu đạo diễn phim chăm chút hơn cho câu chuyện riêng của hai nhân vật, nhất là về quá khứ thay vì chỉ đơn thuần qua vài lời kể, vài bức hình minh họa thì khán giả sẽ cảm thấy thuyết phục hơn khi chứng kiến loạt hành động, lời nói khó hiểu của họ. Cách xử lý chuyện người thứ ba của Cái giá của hạnh phúc có thể gợi cảm giác khá mới mẻ khi để gã đàn ông lăng nhăng, đam mê chạy theo dục vọng phải trả giá rất đắt nhưng sự biến đổi về cảm xúc, việc những người phụ nữ bắt tay hành động vẫn chưa tạo được sự thuyết phục, đồng cảm. Với những "hạt sạn" đáng tiếc, Cái giá của hạnh phúc sẽ gặp nhiều khó khăn hơn ở phòng vé sau tuần đầu công chiếu suôn sẻ.
Phim của Mai Thu Huyền doanh thu thê thảm, lỗ nặng nhất lịch sử rạp Việt Mai Thu Huyền chia sẻ với truyền thông, phim 'Đóa hoa mong manh' cần thu hàng trăm tỷ đồng mới hòa vốn nhưng thực tế chỉ đạt 367 triệu đồng sau 10 ngày ra rạp. Đóa hoa mong manh do Mai Thu Huyền đạo diễn kiêm nhà sản xuất và tham gia diễn xuất. Phim chính thức ra rạp từ 12/4 nhưng ngay...