Nỗi khó của trường chuyên
Sau gần 2 năm đi vào hoạt động tại cơ sở mới, Trường THPT Chuyên Lê Quý Đôn ( TP. Nha Trang) vẫn đang đối mặt với không ít khó khăn.
Một góc Trường THPT Chuyên Lê Quý Đôn.
Đi lại khó khăn
11 giờ 15 phút, trống đánh tan học, hàng chục học sinh (HS) các lớp vội vàng thu xếp sách vở, chạy ào ra khỏi cổng trường để kịp tìm chỗ ngồi trên xe buýt. Ai nhanh chân thì được ngồi, ai chậm chân hơn thì phải đứng, ai chậm hơn nữa thì đành… chờ chuyến sau.
Em Nguyễn Duy Hiển – HS lớp 10 Sinh cho biết, chuyện phải đứng chen chúc trên xe buýt đến trường và về nhà đã trở thành chuyện thường ngày đối với các em. Còn ông Phạm Minh Quang – phụ huynh HS chia sẻ: “Do xe buýt đông, không đảm bảo an toàn nên thời gian gần đây, dù nhà cách trường gần 15km, tôi vẫn phải sắp xếp thời gian đưa đón con đi học bằng xe máy”.
Khó khăn về phương tiện đi lại ảnh hưởng nhiều đến việc tổ chức các hoạt động của nhà trường.
Được biết, trong số 823 HS Trường THPT Chuyên Lê Quý Đôn, có 423 em chọn phương án đi lại bằng xe buýt. Trên cơ sở số lượng HS đăng ký, Công ty TNHH Quyết Thắng Khánh Hòa đã bố trí 4 chuyến xe từ phía bắc và 4 chuyến từ phía nam để hỗ trợ đưa đón HS. Do xe ít, nhà xe không thể điều 8 xe chạy cùng một lúc nên nhiều HS phải đứng chờ xe buýt sớm, từ trước 6 giờ sáng mới kịp giờ học. Nếu thuê xe buýt riêng để đưa đón HS của trường thì chi phí lên tới 700.000 – 800.000 đồng/tháng, cao hơn nhiều so với mức vé tháng 120.000 đồng/HS hiện nay.
Do khó khăn về phương tiện đi lại nên hiện nay, các hoạt động sinh hoạt ngoại khóa của Trường THPT Chuyên Lê Quý Đôn đều khó tập hợp đông đủ HS. Mặt khác, trong dịp hè, xe buýt không phục vụ cho HS nên ảnh hưởng không nhỏ đến việc bố trí dạy bồi dưỡng hè cho các em trong đội tuyển HS giỏi; nhà trường phải thuê cơ sở ở trung tâm thành phố cho HS và giáo viên (GV) tham gia bồi dưỡng để tiện đi lại.
“Nhà trường mong muốn tỉnh quan tâm, có phương án chỉ đạo cụ thể để tạo điều kiện thuận lợi cho sự phối hợp giữa công ty xe buýt và nhà trường trong việc đưa đón HS đến trường được linh động cũng như hỗ trợ cho các hoạt động của nhà trường”, thầy Nguyễn Thọ Minh Quang – Hiệu trưởng Trường THPT Chuyên Lê Quý Đôn bày tỏ.
Ngoài vấn đề phương tiện đi lại cho HS chưa đảm bảo, tình hình giao thông khu vực gần Trường THPT Chuyên Lê Quý Đôn cũng có không ít những bất cập. Tại đây, nhiều phương tiện vận tải lớn tham gia giao thông, tài xế các xe này thường phóng nhanh vượt ẩu, không tuân thủ đèn tín hiệu giao thông nên nguy cơ mất an toàn cho HS và GV luôn thường trực.
Thời gian qua, đã có không ít trường hợp HS, GV bị tai nạn giao thông ở khu vực này. Nhà trường đã nhiều lần kiến nghị các cơ quan cấp trên bố trí cảnh sát giao thông thường xuyên tuần tra nhưng tình hình chưa được cải thiện.
Bài toán tuyển chọn, bồi dưỡng học sinh
Ông Lê Đình Thuần – Phó Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo cho biết, cơ sở vật chất của trường đã được trang bị tốt hơn nhiều so với trước và nổi trội hơn hẳn so với các trường THPT khác, đáp ứng yêu cầu của một trường chuyên cấp tỉnh. Đội ngũ GV được tuyển chọn hiện nay đa số là GV trẻ, có năng lực chuyên môn và tâm huyết với nghề.
Các GV dạy môn chuyên đều viết các chuyên đề chuyên sâu có chất lượng khá tốt để giảng dạy, bồi dưỡng các đội tuyển. Với điều kiện dạy và học và sự quan tâm tốt hơn, kết quả thi HS giỏi cấp tỉnh, cấp quốc gia của trường đã từng bước được cải thiện. Trong 2 năm học 2018 – 2019 và 2019 – 2020, trường có từ 25 đến 26 giải HS giỏi quốc gia, trong khi những năm trước chỉ có từ 15 đến 20 giải. Chất lượng giải cũng tăng lên, góp phần vào kết quả chung của tỉnh và dần khẳng định được vị thế của nhà trường.
Tuy vậy, những kết quả mà một trường chuyên của tỉnh đạt được vẫn chưa có sự bứt phá, chưa xứng tầm. Những năm gần đây, một trong những vấn đề mà các nhà quản lý giáo dục trăn trở là số HS đăng ký dự tuyển vào trường chuyên có xu hướng giảm dần. Nhiều HS, phụ huynh không mấy mặn mà cho con theo học trường chuyên vì nhiều lý do.
Thầy Nguyễn Thọ Minh Quang cho rằng, trường ở xa trong khi phương tiện đi lại chưa đảm bảo là lý do chính làm cha mẹ HS đắn đo khi quyết định cho con thi vào các lớp 10 chuyên của trường. Những năm gần đây, nguồn tuyển của nhà trường hạn chế, không đa dạng, chưa đảm bảo chất lượng đồng đều ở các môn chuyên. Ngay cả việc tuyển HS lớp 9 cũng không đạt mục tiêu đề ra. Năm học 2020 – 2021, chỉ có 68 HS đăng ký dự tuyển vào lớp 9 nên trường chỉ tuyển được 1 lớp thay vì 2 lớp như kế hoạch ban đầu.
Ngoài nhiệm vụ tổ chức dạy và học như các trường THPT khác, hàng năm, Trường THPT Chuyên Lê Quý Đôn còn có trọng trách đào tạo, bồi dưỡng HS giỏi cho tỉnh. Tuy nhiên, đây là một quá trình mang tính khoa học, nghiêm túc, không thể giao khoán cho GV dạy bồi dưỡng, cũng không chỉ làm một vài tháng là có kết quả mà đòi hỏi phải có chiến lược dài hơi, ít nhất là trong suốt 3 năm học THPT.
Tuy nhiên, hiện nay, kinh phí đầu tư cho công tác bồi dưỡng HS giỏi còn hạn chế. Nguồn kinh phí chi trả cho việc mời các giáo sư đầu ngành về bồi dưỡng HS giỏi của trường chưa tương xứng. Chưa kể kinh phí chi trả cho HS giỏi cấp trường hàng năm; chi phí điện nước, khấu hao cơ sở vật chất tăng cao do quy mô của trường lớn gấp 10 lần cơ sở cũ…
“Nhà trường mong tỉnh quan tâm giải quyết chính sách đặc thù riêng cho việc cấp kinh phí hoạt động của trường chuyên, tăng thêm ngân sách chi thường xuyên cho trường, có chế độ ưu đãi cho GV dạy môn chuyên thay thế cho phụ cấp ưu đãi vừa ngưng thực hiện”, thầy Nguyễn Thọ Minh Quang đề xuất.
Mong sớm triển khai giai đoạn 2
Trường THPT Chuyên Lê Quý Đôn chuyển về xã Phước Đồng từ cuối năm 2018. Cơ sở mới có 36 phòng học khang trang, 10 phòng thí nghiệm bộ môn, phòng học ngoại ngữ hiện đại và đầy đủ, đảm bảo việc dạy học và bồi dưỡng các đội tuyển HS giỏi của tỉnh. Hiện nay, trường có 823 HS của 25 lớp, trong đó 750 HS chuyên và 73 HS lớp 9.
Tuy đã có cơ sở vật chất tốt hơn, tuy nhiên hiện nay, Trường THPT Chuyên Lê Quý Đôn chưa được xây dựng nhà đa năng, hội trường, sân vận động… nên việc tổ chức các hoạt động sinh hoạt cho HS gặp không ít khó khăn. Bên cạnh đó, trường có diện tích rộng, khu vực xung quanh trường không an toàn, song lực lượng bảo vệ chưa đảm bảo được yêu cầu công việc.
Khu nội trú cho HS chưa có lực lượng quản lý nội trú chuyên trách. Nhà trường đã đề xuất sớm triển khai giai đoạn 2 để xây dựng một số hạng mục phục vụ hoạt động cho HS; cho phép trường tuyển thêm nhân viên làm công tác quản lý nội trú và bổ sung thêm lực lượng bảo vệ để đảm bảo an toàn cho HS và tài sản nhà trường.
Ông Lê Đình Thuần cho biết, hàng năm, sở đã chỉ đạo, hướng dẫn Trường THPT Chuyên Lê Quý Đôn tổ chức triển khai các nhiệm vụ giáo dục, đồng thời phối hợp với các sở, ban, ngành của tỉnh và các địa phương tham mưu HĐND, UBND tỉnh ban hành các văn bản quản lý chỉ đạo để củng cố và phát triển trường chuyên.
Video đang HOT
Tỉnh cũng có các cơ chế, chính sách đặc thù trong việc xây dựng cơ sở vật chất, đầu tư trang thiết bị dạy học, đảm bảo trình độ và chuyên môn, nghiệp vụ của đội ngũ GV, các chế độ hỗ trợ cho GV, HS để góp phần thu hút HS giỏi, tạo điều kiện thuận lợi trong việc nâng cao chất lượng và hiệu quả giáo dục mũi nhọn của tỉnh.
Tuy nhiên, các mức chi ưu đãi đến nay đã không còn phù hợp với nhu cầu và tình hình thực tế. Sở ghi nhận những khó khăn của nhà trường và sẽ tiếp tục phối hợp với các cấp, ngành có những giải pháp tháo gỡ, tạo điều kiện cho trường chuyên phát triển xứng với tầm vóc, diện mạo mới.
PGS Lê Anh Vinh: Đào tạo đội tuyển Olympic Toán cần cách nhìn dài hạn
PGS Lê Anh Vinh cho rằng kết quả xếp hạng của Việt Nam tại kỳ thi Olympic Toán quốc tế 2020 có điểm sáng, dù đội tuyển không lọt vào top 10.
Trao đổi với Zing, PGS Lê Anh Vinh, Trưởng đoàn Olympic Toán của Việt Nam, nói kỳ thi Olympic Toán quốc tế (IMO) năm nay đặc biệt.
"Khi công bố kết quả, có em vui, cũng có em buồn. Điều tôi tiếc nuối không phải kết quả của đội mà vì đã không thể bên cạnh học trò giây phút này để chia vui và động viên từng em", PGS Lê Anh Vinh tâm sự.
Thành tích của đội tuyển Việt Nam tại cuộc thi IMO 2020 không tốt như kỳ vọng nhưng với PGS Lê Anh Vinh, cả đoàn đã cố gắng, nỗ lực hết mình và có những điểm sáng để hy vọng xa hơn.
- Ông có thất vọng hay tiếc nuối với kết quả xếp 17 toàn đoàn?
- Trước hết phải khẳng định rằng việc thành lập đội tuyển tham gia kỳ thi Olympic Toán quốc tế chỉ là một phần trong công tác đào tạo bồi dưỡng học sinh giỏi môn Toán của Việt Nam.
Đối với các bạn tham gia thi lần này, quá trình rèn luyện để được chọn vào đội tuyển và hai tháng bồi dưỡng tập trung trước kỳ thi đã là khoảng thời gian rất ý nghĩa và hữu ích cho sự phát triển sau này.
Chuyện thi cử phụ thuộc rất nhiều yếu tố. Đây là năm thứ tám tôi dẫn đoàn. Theo quan sát của tôi, năm nào cũng có những bạn đạt được phong độ tốt nhất trong những ngày thi, hay còn gọi là đúng điểm rơi phong độ. Nhưng ngược lại, một số bạn chưa thể hiện đúng sức mình. Năm nay, một số bạn làm bài dưới sức mình nhưng cũng có bạn làm rất tốt.
- Năm nay, chúng ta tụt hạng nhưng các nước trong top 10 vẫn duy trì được thành tích, trong đó có Thái Lan. Ông có băn khoăn về điều này?
- Thực ra năm nay, 2 bạn đoạt huy chương đồng chỉ thiếu một điểm là có thể đổi màu huy chương. Đáng tiếc là một bạn làm bài không tốt nên không được huy chương. Nhưng đã là thi cử thì luôn có yếu tố may rủi và mình cũng không nên đặt áp lực quá lớn lên các bạn.
Ở góc độ là người dẫn đoàn, tôi nghĩ chúng ta phải đầu tư hơn nữa cho công tác bồi dưỡng học sinh giỏi và tầm nhìn dài hạn hơn cho đội tuyển.
- Các thành viên của đội tuyển được chọn lựa thế nào?
- Đội tuyển học sinh giỏi của chúng ta được chọn lọc từ hệ thống trường chuyên. Ở các trường chuyên, các em được chọn vào đội tuyển cấp tỉnh để thi học sinh giỏi toàn quốc. Từ đó, chúng ta chọn ra 48 em để thi vòng 2.
Sau 2 ngày thi, 6 em được chọn sẽ đại diện Việt Nam đi thi đấu quốc tế. Lúc đó, chúng ta mới tập hợp 6 em để ôn thi trong vòng 2 tháng để dự thi.
Với lợi thế hệ thống trường chuyên trải dài khắp cả nước, chúng ta có thể tìm kiếm nhân tài ở địa phương. Cách làm của chúng ta đã thành công trong hàng chục năm qua. Tuy nhiên, trong bối cảnh các nước có sự đầu tư quy mô và bài bản, cách làm hiện nay rất khó để ươm mầm và tạo điều kiện cho học sinh tiềm năng có thể phát triển tốt trong tương lai.
Hiện nay, phần lớn quốc gia đã cải tiến cách chọn và bồi dưỡng học sinh giỏi của họ. Chúng ta chọn được 6 em rồi mới bồi dưỡng. Trong khi đó, họ tổ chức hàng loạt cuộc thi tạo nguồn cho những năm sau.
Cụ thể, đến vòng 40 em, chúng ta sẽ chọn tiếp đến khi còn 6 em mới bồi dưỡng, còn họ tổ chức những đợt tập huấn cho cả 40 em này, sau đó chọn 6 em đi thi. Số còn lại là đội dự bị cho các năm tiếp theo.
Hơn nữa, các nước trên thế giới không hạn chế độ tuổi tham dự đội tuyển, trong khi, chúng ta vẫn giới hạn, chỉ học sinh THPT mới được dự thi.
Do đó, nguồn dự bị của họ mở rộng đến cả học sinh THCS. Học sinh lớp 7, 8, dù chưa vào đội tuyển thi quốc tế, đã trải qua các đợt tập huấn tập trung.
Khoảng 2, 3 năm sau khi tham gia tập huấn, năng lực toán học của các em đã đạt độ chín nhất định. Nếu lúc này, tham dự các kỳ thi dưới áp lực cao, tâm lý của các em cũng được rèn luyện vững vàng.
Học sinh Việt Nam không có những cơ hội đó. Học sinh chúng ta vượt qua các vòng tuyển chọn, chỉ có một, hai cơ hội đi thi quốc tế. Các em là học sinh lớp 11, 12 nên áp lực tâm lý rất lớn. Trong khi đó, học sinh nước bạn đã sớm tham gia hệ thống bồi dưỡng, việc thi cử sẽ nhẹ nhàng hơn và đảm bảo tạo nguồn tốt hơn nhiều.
Các nước láng giềng của chúng ta cũng vậy. Thái Lan đầu tư rất bài bản. Họ có những quỹ chuyên cho các kỳ thi Toán và khoa học. Đội tuyển của họ cũng được tạo nguồn từ sớm.
- Như vậy, cách chọn lọc đội tuyển và bồi dưỡng của chúng ta đã lạc hậu và không còn hiệu quả?
- Thực ra, các nước khác không có hệ thống trường chuyên như chúng ta nên họ có muốn cũng không làm được theo cách này. Nhưng họ đầu tư tập trung hơn. Những bạn được tập trung liên tục trong 4, 5 năm ở cấp độ quốc gia thì sẽ "lên" rất nhanh. Chúng ta không có cơ hội như vậy.
Như tôi đã nói, cách làm của chúng ta đã thành công trong nhiều năm nhưng cần cải tiến trong bối cảnh mới. Phương pháp nào cũng có mặt ưu và nhược. Nhưng tôi nghĩ chắc chắn, trong thời gian tới, Việt Nam phải có kế hoạch dài hơi hơn.
Cũng cần lưu ý, mục đích cuối cùng của việc tuyển chọn và bồi dưỡng đội tuyển tham dự các kỳ thi quốc tế không chỉ dừng lại ở những tấm huy chương hay số điểm của bài thi cụ thể.
Dưới góc nhìn giáo dục, điều quan trọng là chúng ta phải phát hiện sớm, khuyến khích, định hướng và tạo điều kiện cho các em nuôi dưỡng đam mê với môn học. Từ đó, các em có đà để rèn luyện, phấn đấu trong tương lai. Bởi, con đường của các em sau này còn rất dài.
Điều này sẽ khó thành hiện thực nếu chúng ta chỉ luôn nhìn vào con số huy chương và xếp hạng toàn đoàn rồi đặt kỳ vọng thành tích hay tạo áp lực lên các em ở mỗi kỳ thi.
Quay lại đội tuyển năm nay, tôi nhận thấy đã có dấu hiệu tích cực khi chúng ta có học sinh lớp 10 dự thi và đoạt huy chương vàng. Nếu không giới hạn độ tuổi, tạo cơ hội cho các em phát triển tối đa khả năng của mình, chúng ta hoàn toàn có thể có học sinh lớp 8, 9 trong đội tuyển thi quốc tế.
- Kỳ thi năm nay đã có lúc tưởng như phải hủy vì dịch Covid-19. Giữa tháng ba, Bộ GD&ĐT cho dừng việc thi để chọn đội tuyển, sau đó lại tổ chức. Những điều này có ảnh hưởng thành tích đội tuyển?
- Trong tháng ba năm nay, Bộ GD&ĐT đã quyết định dừng kỳ thi chọn đội tuyển thi Olympic, vì lúc đó ban tổ chức không chắc chắn kỳ thi có được tổ chức không. Nhưng sau đó, khi Nga quyết định tổ chức thi, chúng ta đều có phương án chọn đội tuyển và tập huấn.
Đối với đội tuyển Toán, sau khi chọn được 6 bạn, chúng ta vẫn có thời gian tập huấn 2 tháng tại trường chuyên Khoa học Tự nhiên, ĐH Quốc gia Hà Nội.
Năm nay, kỳ thi được tổ chức trực tuyến, thí sinh nước nào thi tại nước đó. Đây vừa là điều kiện thuận lợi nhưng cũng có mặt bất lợi.
Các bạn được thi tại Việt Nam sẽ đỡ xa nhà, nhớ nhà, không lệch múi giờ, điều kiện sinh hoạt tốt.
Dịch Covid-19 ảnh hưởng toàn thế giới. Nước ta kiểm soát dịch tốt, đội tuyển còn có 2 tháng tập tuấn tập trung. Trong khi đó, nhiều nước không thể tập huấn trực tiếp, phải học online.
Thông thường, kỳ thi diễn ra vào tháng 7, năm nay đến tháng 9 mới thi. Khi chờ đợi một thời gian quá dài, tâm lý của các em khó có thể giữ ổn định và không đạt phong độ tốt nhất.
Thi Toán Olympic cũng giống thi đấu thể thao, phải đúng điểm rơi phong độ, các em mới thể hiện tốt nhất. Thời gian chờ đợi quá lâu, các em sinh ra sức ì cho chính mình. Ngoài ra, đi thi xa nhà cũng là cú hích tinh thần cho thí sinh. Khi thi ngay trong nước, có thể các em thiếu sự hứng khởi nhất định.
Dù vậy, tôi cũng không nghĩ đây là những lý do chính tác động đến thành tích của đội tuyển.
- Thí sinh được thi ngay tại nước mình, ông có lo lắng về yếu tố trung thực?
- Dù thi online, ban tổ chức cố gắng giữ chất lượng của kỳ thi không đổi. Kỳ thi năm nay chỉ khác một điểm là các trưởng đoàn không cùng chọn đề thi mà nhóm chuyên gia của ban tổ chức tại Nga sẽ chọn đề và gửi cho các đoàn.
Trước thời gian thi 3 giờ, ban tổ chức gửi đề về cho trưởng đoàn mỗi nước để dịch. Trưởng đoàn phải dịch đề dưới sự giám sát của người nước ngoài. Dịch xong, tôi phải đăng đề lên trang web của ban tổ chức. Họ duyệt và gửi cho người giám sát. Người giám sát sẽ in và phát cho thí sinh làm bài.
Phòng làm bài thi của thí sinh có 2 camera. Một camera tầm trung để giám sát thí sinh, một camera giám sát các thầy trong đoàn và có thêm các giám sát viên quốc tế. Sau khi thi xong, giám sát viên scan bài thi, gửi ngay về cho ban tổ chức. Tất cả quy trình đều phải làm theo yêu cầu của ban tổ chức.
Đối với học sinh giỏi toán quốc tế, các em đi thi đều vì đam mê, khao khát vượt qua bản thân mình và chinh phục những bài toán khó. Do đó, các em rất mong được thi tài trong môi trường trung thực.
Cá nhân tôi tin kết quả năm nay và tin các nước khác cũng trung thực như Việt Nam. Ban tổ chức đề cao tính tự giác nhưng họ cũng kiểm soát rất chặt.
- Một số ý kiến cho rằng đề thi năm nay không thuộc phần thế mạnh của đội tuyển Việt Nam nên kết quả của chúng ta không tốt. Ông đánh giá như thế nào về đề thi năm nay?
- Theo tôi, đề thi năm nay rất hay nhưng lại hơi nặng về tổ hợp. 6 bài thi thì có đến 3 bài tổ hợp. Hai bài khó nhất của đề cũng là toán tổ hợp. Trong khi mọi năm, thông thường 2 bài khó nhất là một bài hình học và một bài tổ hợp.
Lợi thế của đoàn Việt Nam nhiều năm nay là các bài toán hình học. Nếu câu khó rơi vào bài hình học, các em có thể giải quyết tốt. Cộng thêm những bài dễ và trung bình khác, kết quả chúng ta sẽ vượt lên ngay.
Riêng về toán tổ hợp, đây không phải điểm yếu nhưng cũng chưa là thế mạnh của các thí sinh Việt Nam. Khi 2 bài toán khó rơi vào toán tổ hợp, chúng ta không làm tốt lắm và ảnh hưởng kết quả chung.
- Năm nay chúng ta có bạn Ngô Quý Đăng là học sinh lớp 10 nhưng đoạt huy chương vàng có điểm thi xếp thứ 4 thế giới. Ông có kỳ vọng nhiều về Quý Đăng?
- Ngô Quý Đăng là trường hợp rất đặc biệt. Tôi có dịp tiếp xúc và dạy một số buổi cho Đăng khi em ấy học lớp 7. Lúc đó, tôi đã nhận thấy Đăng rất xuất sắc và luôn đặt niềm tin em sẽ đi thi Toán quốc tế năm lớp 10. Khi Đăng có mặt trong đội tuyển và giành huy chương, cá nhân tôi không bất ngờ.
Ngay từ cấp 2, Đăng đã hướng đến việc đi thi Toán toàn quốc hoặc quốc tế vào năm lớp 10 nên em đã tiếp cận kiến thức của cấp 3 ngay từ cấp 2.
Trường hợp của Đăng có thể trở thành động lực cho nhiều bạn học sinh khác. Học sinh cấp 2 có thể thấy mình hoàn toàn có thể học vượt ra khỏi chương trình nếu có khả năng và sớm chinh phục những thử thách mới, thay vì chỉ tập trung làm sao thi vào được trường chuyên, thi học sinh giỏi ở cấp THCS.
Nếu Đăng vẫn muốn đi thi Toán quốc tế các năm sau, em có cơ hội lập nên kỷ lục thí sinh Việt Nam 3 lần liên tiếp đi thi Toán quốc tế. Hoặc em ấy có thể thử sức ở lĩnh vực mới như đi thi Tin học, Vật lý quốc tế. Như thế, Việt Nam sẽ có thí sinh đầu tiên thi Oympic quốc tế ở hai môn khác nhau.
Thực ra, nhiều thí sinh trên thế giới đã làm được điều này. Thậm chí, có bạn còn thi hai môn khác nhau trong cùng một năm. Nhưng ở Việt Nam, chúng ta chưa có trường hợp nào như thế. Đơn giản vì ngày thi chọn đội tuyển của các môn được tổ chức cùng một ngày. Mỗi thí sinh chỉ được thi vào một đội tuyển.
Tôi mong học sinh chúng ta có nhiều cơ hội hơn ở các môn học khác nhau. Nếu có năng lực và đam mê, các em càng cần được thử sức ở nhiều lĩnh vực để hình thành khát vọng, quyết tâm và sức bền phấn đấu. Điều quan trọng là chúng ta không quá đặt nặng vấn đề thành tích và tạo áp lực nặng nề cho các em từ quá sớm.
- Không đặt kỳ vọng, áp lực lên vai thí sinh nhưng kết quả thứ bậc, số huy chương của đội tuyển có phải là áp lực, KPI với những người dẫn đoàn như ông?
- Quan điểm của tôi khi làm việc gì cũng đặt trách nhiệm và mục tiêu cho công việc đó. Toàn bộ quá trình chọn lựa, tập huấn đã được làm nghiêm túc. Đến lúc thi cử thì chấp nhận những yếu tố thi cử như may rủi, các trường hợp không đạt được phong độ.
Mỗi mùa IMO, từ việc tuyển chọn, tập huấn đến công tác chuyên môn khi đưa đội đi thi, tôi đều cảm thấy rất nhẹ nhàng. Điều khó khăn nhất là chứng kiến những sự tiếc nuối của các em dù tất cả đều cố gắng hết sức mình. Nhưng, người đứng sau sẽ luôn có nhiều động lực để phấn đấu. Đội tuyển của chúng ta cũng vậy.
Thực ra chúng tôi không hề bị áp lực về thành tích. Quan trọng là trải nghiệm của các em trong quá trình rèn luyện và đam mê đối với bộ môn Toán được nuôi dưỡng.
Khi đã cố gắng hết sức, kết quả thế nào, các em đều xứng đáng nhận được những lời khen ngợi và khích lệ. Kết quả của một bài thi thực ra chỉ là thử thách ban đầu rất nhỏ trên chặng đường phát triển của các em sau này.
Tại kỳ thi Olympic Toán quốc tế (IMO) 2020, đoàn Việt Nam giành được 2 huy chương vàng, một huy chương bạc, 2 huy chương đồng và một bằng khen.
Huy chương vàng thuộc về Trương Tuấn Nghĩa và Ngô Quý Đăng, cùng là học sinh trường THPT chuyên Khoa học Tự nhiên (ĐH Quốc gia Hà Nội). Trong đó, Quý Đăng còn là học sinh lớp 10.
Nguyễn Mạc Nam Trung, học sinh lớp 12, trường THPT Năng khiếu (ĐH Quốc gia TP.HCM), giành huy chương bạc.
Chu Thị Thanh, học sinh lớp 12, trường THPT chuyên Vĩnh Phúc và Trần Nhật Minh, học sinh lớp 12, trường THPT Chuyên Lê Hồng Phong (Nam Định), cùng giành huy chương đồng.
Đinh Vũ Tùng Lâm, học sinh lớp 11, trường THPT chuyên Khoa học Tự nhiên, ĐH Quốc gia Hà Nội, nhận được bằng khen của ban tổ chức.
Năm nay, Trung Quốc đứng thứ nhất toàn đoàn, tiếp sau là Nga và đứng thứ ba là Mỹ. Việt Nam xếp thứ 17 toàn đoàn. Đây được xem như bước thụt lùi, vì từ năm 2012, Việt Nam đều có mặt trong top 10 nước có thành tích cao nhất (trừ năm 2018).
Giáo viên, học sinh trường THPT chuyên Vĩnh Phúc được biệt đãi ra sao? Học sinh được tuyển vào các lớp chuyên của Trường THPT chuyên Vĩnh Phúc được tỉnh hỗ trợ với mức 2,2 triệu đồng/học sinh để mua học phẩm và trang thiết bị sinh hoạt cá nhân. Ảnh minh họa Bên cạnh đó, tỉnh còn miễn phí toàn bộ tiền phòng ở ký túc xá và hỗ trợ tiền điện, tiền nước cho học...