Nỗi đau của học sinh Pháp khi tới trường giữa đại dịch COVID-19
Tại một trường học có 20 học sinh mất đi người thân vì COVID-19, nỗi sợ hãi của các em và cái giá phải trả trong làn sóng lây nhiễm hiện nay có thể là quá cao.
Học sinh tiểu học đeo khẩu trang tại một trường học ở Pháp. Ảnh: IFS
Grace tràn đầy hy vọng khi bước vào khoảng thời gian cuối cùng của quãng đời học sinh. Cô gái 16 tuổi chỉ còn 2 năm nữa là tốt nghiệp, và cô muốn làm cho cha mẹ mình tự hào, đặc biệt là cha cô.
“Tôi đã nói với ông rằng tôi yêu ông, và tôi sẽ luôn cố gắng hết sức”, Grace nói. Đó là lời hứa cuối cùng của Grace với cha mình, khi ông phải đặt nội khí quản trong phòng chăm sóc đặc biệt (ICU) dành cho bệnh nhân COVID-19. Ông qua đời ngay ngày hôm sau, vào 9/4 năm ngoái, ở thời kỳ đỉnh dịch của làn sóng đầu tiên tại Pháp.
Thế giới của Grace vỡ tan. Cô cho biết rất sợ hãi khi trở lại trường học vào tháng 9 năm ngoái ở Seine-Saint-Denis, vùng ngoại ô phía đông bắc Paris, vốn bị ảnh hưởng nặng nề bởi đại dịch.
Khi Grace trở lại trường, đó vẫn là ngôi trường mà cô nhớ. Nhưng với Grace thì không có gì còn giống như trước. Grace lo lắng các bạn học sẽ đối xử khác với cô, nhưng rồi rất bất ngờ khi một bạn cùng lớp chia sẻ rằng bạn cũng mất cha vì dịch COVID-19. Tính tổng cộng, ít nhất 20 học sinh ở trường trung học Eugene Delacroix đã mất người thân vì đại dịch trong năm 2020.
Các học sinh tại trường Eugene Delacroix đều nói rằng, các em có chung một gánh nặng: Nỗi sợ hãi mang COVID-19 về nhà, làm lây nhiễm cho người thân.
Trường trung học Eugene Delacroix ở Drancy, ngoại ô phía đông bắc Paris, nơi ít nhất 20 học sinh đã mất một người thân vì COVID-19.
Video đang HOT
Chính sách mở cửa trường học
Ngoài khoảng thời gian ngắn đóng cửa các nhà trường khi bắt đầu đại dịch, Pháp đã biến chính sách mở cửa trường học của mình thành một niềm tự hào, nhân danh tái mở cửa nền kinh tế và cung cấp dịch vụ xã hội (với những phụ huynh trông cậy nhà trường trông nom con cái).
Niềm tin của chính phủ là lợi ích của việc mở cửa trường học vượt xa những thiệt hại. “Đừng quên điều khiến chúng ta tự hào. Không một quốc gia nào khác trong Liên minh châu Âu mở cửa trường học như Pháp làm được”, Bộ trưởng Các vấn đề châu Âu, Clement Beaunne, đăng trên Twitter hồi tháng 3, chỉ một ngày trước khi Italy lại đóng cửa trường học do lây nhiễm tăng.
Pháp chỉ đóng cửa trường học tổng cộng 10 tuần kể từ khi bắt đầu đại dịch – mức thuộc loại thấp nhất tại châu Âu, so với 35 tuần tại Italy, 28 tuần ở Đức và 27 tuần ở Anh. Trong làn sóng dịch đầu tiên vào mùa Xuân năm ngoái, chính phủ Pháp đã đóng cửa các trường học vào tháng 3, rồi mở lại trong tháng 5 và 6.
Trong chuyến thăm một trường học ở ngoại ô đông bắc Paris vào tháng 5 năm ngoái, Tổng thống Pháp Emmanuel Macron nói: “Chúng tôi cần trẻ em trở lại lớp học bởi có nguy cơ chúng sẽ bị bỏ lại phía sau, lỗ hổng trong học tập sẽ xuất hiện và bất bình đẳng giáo dục ngày càng trầm trọng”.
Tấm biển ghi chữ viết tay về dịch COVID tại trường trung học Eugene Delacroix. Ảnh: CNN
Vì thế, vào tháng 9/2020, hơn 12 triệu học sinh Pháp đã trở lại lớp học. Các em từ 11 tuổi trở lên phải đeo khẩu trang, lớp học phải thông gió và đảm bảo giãn cách xã hội ở hàng lang, căng tin.
Nhưng không phải trường học nào cũng tuân thủ các quy tắc an toàn, đặc biệt là các trường ở những khu dân cư nghèo.
Cô giáo Colleen Brown dạy tiếng Anh tại trường trung học Eugene Delacroix, nói rằng các lớp học tiếng Pháp luôn được mở “bằng mọi giá” trong phần lớn thời gian diễn ra đại dịch. Những lớp học với 30 học sinh sẽ khó thực hiện những hạn chế phòng dịch vào đầu năm học. Cửa sổ không mở, một số em bỏ khẩu trang, thiếu nhân viên vệ sinh và hầu như không có bất kỳ xét nghiệm COVID-19 nào.
Colleen thẳng thắn: “Pháp có thể đặc biệt ở chỗ đã giữ cho các trường học mở bằng mọi giá, nhưng họ không đặc biệt trong việc hỗ trợ cho các trường để họ có thể làm điều đó một cách an toàn”.
Cô giáo Colleen Brown phản đối mở cửa trường học thiếu an toàn trước dịch bệnh. Ảnh: CNN
Những lời kêu gọi đóng cửa
Trong khi đó ở Vương quốc Anh, hầu hết trẻ em được học từ xa sau khi chính phủ áp đặt lệnh phong toả toàn quốc và các trường học bị đóng cửa khi biến thể B.1.1.7 dễ lây lan hơn hoành hành.
Khi biến thể này tấn công Pháp và các trường học, trong phong trào “Stylos Rouge” (Bút đỏ), tháng 3 vừa qua, 72.000 nhân viên ngành giáo dục đã kiện Bộ trưởng Giáo dục Jean-Michel Blanquer. Họ cáo buộc ông không bảo vệ giáo viên, nhóm luôn tiếp xúc gần với trẻ em – “những người lây lan virus”.
Theo Bộ Y tế Pháp, không nơi nào dịch lây lan mạnh hơn ở Seine-Saint Denis, từng là khu vực bị ảnh hưởng nặng nề nhất ở Pháp. Vào đỉnh điểm của làn sóng thứ ba, khi các ca nhiễm mới bắt đầu tăng đột biến tại trường Eugene Delacroix, tổng cộng 22 lớp học đã phải đóng cửa sau khi học sinh và giáo viên có kết quả xét nghiệm dương tính với COVID-19.
Chính sách của chính phủ là chỉ khi có ba học sinh có xét nghiệm dương tính thì một lớp học mới phải cách ly. Con số này giảm xuống còn một học sinh dương tính, từ đầu năm 2021.
Công đoàn Giáo viên đã gửi một bức thư ngỏ cho Tổng thống Macron và Bộ trưởng Giáo dục Blanquer chỉ trích tình hình hiện tại, kêu gọi “tạm đóng cửa ngay lập tức các trường trung học”.
Một lớp học đóng cửa tại trường Saint-Exupery ở ngoại ô Paris. Ảnh: CNN
Về phần mình, Bộ trưởng Giáo dục Blanquer bảo vệ chính sách mở cửa trường học của mình. Ông nói rằng ông đã lựa chọn có lợi cho bọn trẻ và tương lai của các em. “Trẻ em cần phải đến trường, không chỉ vì giáo dục và học tập, mà còn vì tương tác với những người khác và vì lý do tâm lý và sức khỏe. Trong cuộc khủng hoảng, bạn phải thể hiện giá trị đích thực của mình và điều thực sự quan trọng đối với chúng tôi là trường học”, ông Blanquer nói.
Chiến lược trên được phản ánh trong quyết định của Tổng thống Macron về việc ngừng phong toả nghiêm ngặt vào đầu năm 2021. Ông nói rằng đất nước cần phải xem xét tác động đến sức khỏe tâm thần và nền kinh tế khi đưa ra một phản ứng cân bằng với làn sóng thứ ba.
Bất chấp điều đó, nỗi sợ hãi lây COVID-19 đã trở thành một phần trong cuộc sống học đường của 2.400 học sinh ở Eugene Delacroix. Sau khi mất cha, Grace lo sợ mình sẽ mang virus về nhà. “Chúng cháu không lo lắng về việc nhiễm virus, nhưng điều gì sẽ xảy ra nếu cháu bị lây, mang virus về nhà, rồi lây cho một người em họ hoặc cháu trai? Cháu sẽ cảm thấy thật khủng khiếp dù không phải lỗi của mình”, Grace nói.
Các quan chức cho biết họ đang làm mọi thứ trong khả năng của mình để các trường học có thể mở cửa trở lại một cách an toàn, bao gồm triển khai xét nghiệm và tiêm chủng cho các giáo viên trên 55 tuổi – vốn chỉ chiếm 16% tổng số giáo viên. Các trường tiểu học và mẫu giáo đã mở cửa trở lại vào ngày 26/4 và các trường trung học, trung học cơ sở mở vào ngày 3/5.
Một số nhà dịch tễ học đã đặt câu hỏi về chính sách của chính phủ Pháp tiếp tục duy trì mở cửa trường học trong lúc tỷ lệ lây nhiễm tăng lên. Họ chỉ ra thực tế rằng trẻ em rõ ràng là một vật chủ trung gian truyền bệnh và việc đóng cửa lớp học chỉ khi có ca lây nhiễm xuất hiện là không đủ. Để ngăn chặn lây lan, toàn bộ trường học cần phải được đóng cửa.
Giới trẻ Hàn chịu áp lực nặng nề từ đại dịch
Tỷ lệ thanh thiếu niên gặp bế tắc trong cuộc sống gia đình, học tập giữa Covid-19 ở xứ kim chi ngày càng gia tăng, khiến nhiều người nảy sinh ý định tiêu cực.
Ngày 19/4, một khảo sát trên 5.669 học sinh Hàn Quốc trong độ tuổi 11-18 từ tháng 7 tới tháng 10/2020 do Viện chính sách Thanh niên Quốc gia cho thấy khoảng 27% thanh thiếu niên từng có ý nghĩ quyên sinh, theo Korea Times .
Tỷ lệ nữ sinh thừa nhận từng muốn tự sát cao hơn nam giới khoảng 1,7 lần, chạm mốc 35%.
Nguyên nhân chủ yếu khiến nhiều người trẻ nảy sinh suy nghĩ tiêu cực xuất phát từ các vấn đề liên quan tới học tập như áp lực điểm số, tương lai nghề nghiệp (25,5%), xung đột với bạn học (4,8%).
Áp lực học tập gia tăng là nguyên nhân chủ yếu khiến nhiều thanh niên 11-18 tuổi có suy nghĩ muốn quyên sinh. Ảnh: Koreabizwire.
Mặt khác, mâu thuẫn trong gia đình (16%) và khó khăn kinh tế giữa Covid-19 (1,7%) cũng khiến nhiều em rơi vào bế tắc.
Một khảo sát khác trên 8.623 học sinh, sinh viên cũng chỉ ra 27% người trả lời cảm thấy buồn chán, nản chí suốt năm qua do ảnh hưởng từ Covid-19, với 23,6% cho biết muốn nghỉ học.
Đáng nói, kết quả do Viện chính sách Thanh niên Quốc gia cho thấy tỷ lệ học sinh từ 11 tới 18 tuổi có nguy cơ tự sát chịu ảnh hưởng từ mức độ thu nhập của cá nhân, gia đình.
Theo đó, 43,6% thanh niên từ các gia đình có thu nhập cao có ý nghĩ tiêu cực, trong khi con số này ở nhóm thu nhập trung bình và thấp lần lượt là 39,3% và 29,3%.
Ấn Độ không phong tỏa toàn quốc để đối phó với làn sóng Covid-19 thứ 2 Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi cho biết, Ấn Độ sẽ không thực hiện các biện pháp phong tỏa trên toàn quốc mặc dù nước này đang phải đối phó với làn sóng thứ 2 của đại dịch Covid-19. Phát biểu trên Đài truyền hình Quốc gia Ấn Độ ngày 20/4, Thủ tướng Ấn Độ cho rằng, tình hình dịch bệnh hiện nay...