Nơi cổng trời Mường Lống có một người thầy tận tụy với sự nghiệp trồng người như thế
Trong chuyến đồng hành cùng Quỹ trao tặng yêu thương Hà Nội đến với vùng cao Mường Lống, huyện Kỳ Sơn, tỉnh Nghệ An. PV Pháp Luật Plus đã ghi lại được những cảm xúc đặc biệt về một nhà giáo tâm huyết, tận tụy trong sự nghiệp trồng người, ở vùng đất xa xôi, còn nhiều khó khăn, việc học vẫn là điều xa lạ với người dân. Đó là thầy Lầu Bá Tu, Hiệu trưởng trường Tiểu học Mường Lống 2.
Hành trình từ người giáo viên đến người hiệu trưởng tận tâm đưa con chữ đến với trẻ em người Mông
Sau khi tốt nghiệp khoa tiểu học của trường Cao đẳng sư phạm Nghệ An, thầy Lầu Bá Tu đã có 14 năm công tác tại trường Tiểu học Nậm Cắn – 1 ngôi trường chất lượng top đầu của huyện Kỳ Sơn, đạt chuẩn quốc gia mức độ 1 năm 2014 (mức độ 2 năm 2017).
Tiếp đó, thầy Lầu Bá Tu được Phòng GD&ĐT huyện Kỳ Sơn điều động về chức vụ hiệu phó chuyên môn với nhiều khó khăn thiếu thốn cả về vật chất lẫn chất lượng giáo dục của ngôi trường này.
Sau 9 năm làm hiệu phó phụ trách chuyên môn, thầy Lầu Bá Tu nhận được sự tín nhiệm của cấp trên cũng như đội ngũ giáo viên tại ngôi trường thầy đang giảng dạy, thầy Tu tiếp tục được bổ nhiệm làm hiệu trưởng trường Tiểu học Mường Lống 2, một ngôi trường của vùng sâu vùng xa của huyện Kỳ Sơn, tỉnh Nghệ An.
Mường Lống là xã vùng sâu, vùng xa, chủ yếu là thung lũng, địa hình hiểm trở cheo leo bên cạnh những vách núi đá nằm cách trung tâm huyện Kỳ Sơn 50 km. Người dân sinh sống trong xã Mường Lống chủ yếu là người dân tộc Mông nên việc cho con em đến với con chữ còn nhiều khó khăn gian khổ vì nhận thức của đồng bào dân tộc Mông còn hạn chế.
Đây chính là sự trăn trở của một người hiệu trưởng luôn đau đáu một ước mơ đưa con chữ và kiến thức của mình cũng như tập thể, đội ngũ giáo viên đến với những bản làng nơi vùng cao của Tổ quốc.
Đường đến trường của những đứa trẻ người Mông thật sự gian nan vất vả, cheo leo trên những vách đá, nhiều bản các em băng rừng lội suối để đến trường, mọi cơ sở vật chất như lớp bán trú, công cụ phục vụ cho công tác giảng dạy còn nhiều thiếu thốn, các thầy cô tại ngôi trường tiểu học Mường Lống và thầy hiệu trưởng luôn đau đáu một ước mơ: “Khi thấy mô hình trường học bán trú từ các trường bạn hiệu quả tôi đã quyết tâm kêu gọi những chương trình từ thiện xây nhà bán trú học sinh, nhằm đưa các em học sinh ở điểm bản xa hàng chục km như các bản Tham Hang, Tham Hốc, Xám Xúm, Tham Lực, Mò Nừng về ăn, ở, học tại trường. Chỉ mong sao việc học với các em sẽ bớt vất vả, có nhiều thời gian cho việc học hơn…”.
Với vai trò là hiệu trưởng nhưng thầy Tu đã trực tiếp cùng với các thầy cô giáo di chuyển trên những con đường đất, đá quanh co bên sườn núi đá để vào các điểm bản lẻ, bản xa nắm bắt tâm tư nguyện vọng của học sinh, phụ huynh… thầy kể: “ Tôi muốn g ặp trực tiếp các em học sinh gia đình hoàn cảnh, khó khăn dẫn đến thường xuyên vắng học để có giải pháp giúp đỡ, động viện các em đi học chuyên cần, hiệu quả, hướng tới tương lai tốt đẹp sau này”.
Cũng nhờ đó, chất lượng dạy và học tại Mường Lống dù chưa được như mong muốn cao nhất của thầy nhưng chỉ với gần 7 tháng làm hiệu trưởng, mọi thứ đều đã có hiệu quả trông thấy rõ rệt.
Trái ngọt từ người thầy hiệu trưởng có trái tim và tình thương yêu vô bờ với các em học sinh nơi vùng cao xứ Nghệ
Thầy Lầu Bá Tu (đứng giữa) hạnh phúc khi nhận quà từ Quỹ trao tặng yêu thương
Video đang HOT
Suốt thời gian công tác, thấy mô hình trường học bán trú của các trường bạn hiệu quả, chính thầy Tu đã quyết định sẽ đứng ra viết thư ngỏ kêu gọi chương trình từ thiện, làm nhà bán trú học sinh nhằm đưa các em học sinh lớp 3,4,5 ở xa về điểm trường, để các em nhận được chế độ bán trú của Nhà nước.
Điều này không chỉ giúp các em có môi trường học tập tốt hơn mà còn giúp tiết kiệm ngân sách nhà nước nhờ giảm được các lớp học dàn trải.
Khi thầy Lầu Bá Tu cũng như đội ngũ giáo viên đưa ra kế hoạch kêu gọi các nhà hảo tâm ủng hộ chương trình xóa nghèo con chữ để xây dưng ngôi trường bán trú nhiều bậc phụ huynh đã không nghĩ thầy Tu sẽ làm được điều này.
Trong cuộc họp phụ huynh ngày 8/1/2019 nhiều phụ huynh không đồng ý cho con ra ở bán trú vì cho rằng nhà trường không xây được nhà bán trú cũng như lo lắng con nhỏ không ai chăm sóc.
Đặc biệt còn có phụ huynh dùng lời lẽ thô tục, nạt thầy Tu cùng thầy phó hiệu trưởng Xồng Bá Chư.
Nhưng thầy Tu không bao giờ lùi bước trước những khó khăn, vẫn quyết tâm, mạnh dạn đề xuất chương trình kêu gọi xây nhà bán trú cho học sinh nghèo hiếu học với chính quyền địa phương, Phòng GD&ĐT huyện Kỳ Sơn.
Được sự ủng hộ của Phòng GD&ĐT huyện Kỳ Sơn cũng như chính quyền địa phương thầy đã viết tâm thư kêu gọi các nhà hảo tâm chung tay xóa nghèo con chữ đến nay trường Mường Luống 2 và thu được nhiều trái ngọt.
Sau khi biết được tâm nguyện của vị hiệu trưởng nơi vùng cao toàn nắng và đá, các nhà hảo tâm đã chung tay tài trợ 2 đợt lớn đến từ Quỹ trao tặng yêu thương Hà Nội và thầy Nguyên Quang trụ trì chùa Đông Yên, huyện Quỳnh Lưu với số tiền ủng hộ lên đến 180 triệu đồng để giúp nhà trường xây dựng ngôi trường bán trú và thay mới một số thiết bị phục vụ công tác dạy và học của thầy cô nơi đây.
Quỹ Trao tặng yêu thương tặng bánh kẹo cho thầy và trò trường tiểu học Mường Lống 2
Nhưng nhờ thành công trong việc xin tài trợ và làm xong nhà bán trú ngay trong dịp hè. Đến nay, cả 100% phụ huynh đã đồng ý đưa con ra điểm trường để ở bán trú. Trong đó phụ huynh phản đối quyết liệt nhất lần trước thì ngày đưa con ra ở bán trú cả 2 vợ chồng đều có mặt và tiếp xúc vui vẻ, thân thiện nhất với các thầy, cô giáo . “Đây là món quà từ thiện tiền mặt lớn nhất từ xưa đến nay tại địa bàn xã Mường Lống nói riêng, huyện Kỳ Sơn nói chung và là món quà không chỉ ý nghĩa trong trường, trong xã mà nó còn có ý nghĩa trong toàn huyện Kỳ Sơn. Từ đó bản thân tôi cảm thấy vui mừng, phấn khởi nhiều lắm” - Thầy Lầu Bá Tu tâm sự.
Không phụ công người thầy tận tâm, hiện nay, kết quả đánh giá chất lượng học sinh cuối năm học 2018-2019 của trường đạt 97,5% cao hơn hẳn so với những năm học trước. Riêng học sinh giỏi huyện năm học 2018-2019 đạt 5/12 em, trong đó năm học 2017-2018 chỉ là 2/12 em. Về phần học sinh lớp 5 thi đạt vào học trường PTDTNT THCS huyện Kỳ Sơn năm học 2018-2019 là 1/4 em, tỷ lệ 25%, trong đó năm học 2017-2018 đạt 0/4 em, tỷ lệ 0%.
Qua nhiều năm công tác, thầy đã nhiều lần đạt chiến sĩ thi đua cấp huyện, được Liên đoàn lao động các cấp khen thưởng. Đây quả thực là những động lực to lớn để thầy Tu nỗ lực cống hiến cho sự nghiệp giáo dục nói chung cũng như sự nghiệp giáo dục tỉnh Nghệ An nói riêng.
Sau 6 tháng cùng Quỹ trao tặng yêu thương Hà Nội tới với điểm trường Mường Lống 2. Đến nay, khi gặp lại thầy Lầu Bá Tu, cảm nhận rõ trên khuôn mặt rạng rỡ sự mãn nguyện, hạnh phúc trong từng nụ cười luôn nở trên môi người thầy giáo tận tâm, tận tụy với nghề và với chính những em học sinh mà thầy coi như con của mình. Ấn tượng với phóng viên không chỉ là không khí ấm cúng của chuyến xe thiện nguyện vượt hơn 500 km từ Hà Nội đến Kỳ Sơn mà còn là khoảnh khắc hạnh phúc của người thầy giáo hiền lành, mến khách nơi vùng cao xứ Nghệ.
Đối với phụ huynh và học sinh trường Tiểu học Mường Lống 2, hình ảnh người thầy hiệu trưởng đi vận động từng nhà, kêu gọi từng học sinh đến lớp, xin tài trợ xây nhà bán trú, quần áo, sách vở cho học trò sẽ mãi là một phần của hình ảnh núi rừng, của những bản làng người Mông, ở Kỳ Sơn, Nghệ An. Thầy Lầu Bá Tu chia sẻ với chúng tôi những mong ước rất thực tế: “Chắc chắn rằng, mỗi chúng ta ai cũng đều có nhiều kỳ vọng tốt, ý tưởng hay nhưng hiện tại bản thân tôi hi vọng rằng chúng ta sẽ từng bước tháo gỡ được khó khăn cho trường Tiểu học Mường Lống 2. Và giáo dục xã Mường Lống, giáo dục huyện Kỳ Sơn sẽ ngày càng chất lượng hơn nữa”.
Biết rằng hành trình đem cái chữ đến với vùng cao vẫn còn nhiều khó khăn, những vất vả gian nan sẽ còn chờ đợi tập thể thầy, cô giáo và các em học sinh trường Tiểu học Mường Lống 2.
Thế nhưng với đam mê nghề nghiệp, tận tâm, tận tụy cùng chương trình chung tay xóa nghèo con chữ, nhiều người dân địa phương nói chung và đoàn thiện nguyện nói riêng tin chắc rằng thầy Tu sẽ tiếp tục nỗ lực không ngừng, bám bản làng và nuôi dưỡng ước mơ cho con em đồng bào Mông, nơi vùng cao của Tổ quốc đến với ước mơ xóa nghèo con chữ để thay đổi cuộc đời cũng như thay đổi bản làng nơi đây.
Mỵ Châu – Thành Công
Theo phapluatplus
Gửi tình yêu thương vào mùa giáp hạt
Hơn 30 năm gắn bó với sự nghiệp trồng người thì cũng là từng ấy năm cô giáo Nguyễn Thị Duyên, Trường Tiểu học Muổi Nọi, huyện Thuận Châu (Sơn La) giảng dạy tại trường vùng 3 - vùng đặc biệt khó khăn của tỉnh Sơn La.
Cô giáo Nguyễn Thị Duyên (trái) và đồng nghiệp bên học trò trong chương trình Rung chuông vàng. Ảnh nhân vật cung cấp
Thấu hiểu hơn ai hết cảnh nghèo khó, vất vả của học sinh vùng cao, cô đã chắt chiu, tiết kiệm từ khoản thu nhập của gia đình để hàng năm hỗ trợ gạo, cứu đói cho các em học sinh trong trường.
Chở gạo cứu đói mùa giáp hạt
Ra trường năm 1987, cô Duyên về công tác ở Trường Tiểu học Chiềng Khoang, huyện Quỳnh Nhai, tỉnh Sơn La. Từ năm 2001 cô chuyển công tác về Trường Tiểu học Muổi Nọi, huyện Thuận Châu.
Muổi Nọi khi ấy có khoảng 300 học sinh từ lớp 1 đến lớp 5. Mỗi khối 2 lớp. Sĩ số lớp từ 20 - 35 em. Ở đây, cứ đến mùa giáp hạt, các em phải bỏ học lên nương nên số học sinh cứ giảm dần theo ngày tháng. Tình trạng này liên tục xảy ra trong nhiều năm qua khiến các nhà quản lý giáo dục không khỏi đau đầu. Hầu hết các thầy cô và Ban Giám hiệu nhà trường luôn trong tình trạng" đứng ngồi không yên" vì thực trạng này đã trở thành nỗi lo, là bài toán nan giải.
Những lần đến thăm nhà học sinh mùa giáp hạt, trong lòng cô Duyên không khỏi xót xa. Nhiều em học sinh phải ăn cơm độn ngô, độn sắn, thậm chí còn chẳng có cơm độn mà ăn. Cái đói hiển hiện khắp nơi, trong những ngôi nhà trống tăm tối, trong lớp học và trên những gương mặt gầy gò, xanh xao của các em thơ trên khắp các miền núi cao khiến cho tháng Ba ở đây như dài vô tận...
Thương học trò, cô Duyên trăn trở phải làm gì đó để giúp các em học sinh, để con đường đến với con chữ của học trò nghèo nơi đây không bị gián đoạn, bớt gian nan, gập ghềnh hơn.
Năm 2004, cô Duyên đã bàn bạc với gia đình trích một phần thu nhập để giúp đỡ các em. Không ngờ, chồng cô rất tán thành và ủng hộ quyết định của cô. Từ năm 2004 - 2009, cứ vào tháng 3 hàng năm - tháng thường xuyên xảy ra đói giáp hạt, vợ chồng cô lại cho xe chở một tấn gạo lên Muổi Nọi giúp đỡ các em học sinh trong trường. Số gạo này cô đã chia ra thành hơn 200 trăm suất quà, tương ứng với số học sinh nghèo của trường.
Một món quà tuy không lớn nhưng vô cùng ý nghĩa trong những ngày đói giáp hạt. Quan trọng hơn, từng hạt gạo trắng trong, thơm thảo còn chứa đựng cả tấm lòng bao dung, chia sẻ và tình yêu thương của gia đình cô giáo Duyên. Tình cảm đó cũng đủ lớn để các bậc phụ huynh học sinh cảm nhận được, từ đó động viên con em mình đến trường đều đặn hơn, quan tâm tới việc học của con cái hơn.
Cô Duyên tâm sự, nhìn những ánh mắt trong veo của các em học sinh, những khuôn mặt còn lấm lem bụi đất vẫn rạng rỡ nụ cười hồn nhiên khi đón nhận món quà nhỏ khiến trong lòng cô trào dâng niềm hạnh phúc, thương mến.
Khơi dậy ngọn lửa yêu thương
Việc làm của cô giáo Duyên đã khơi dậy ngọn lửa yêu thương trong lòng các thầy cô giáo trong nhà trường. Chi bộ, Ban Giám hiệu nhà trường đã đưa ra rất nhiều giải pháp nhằm ngăn chặn học sinh bỏ học, giúp đỡ các em học sinh nghèo trong mùa giáp hạt. Nhiều tấm chăn, quần áo, sách vở, đồ dùng học tập và cả những thùng mì tôm... của các thầy cô giáo trong nhà trường được trao tặng cho các em.
Không những thế, cô Duyên cùng các đồng nghiệp của mình đã đến từng bản, gặp gỡ từng nhà, rà từng học sinh để vận động phụ huynh cho con em mình ra lớp. Gia đình học sinh ở vùng cao còn nhiều khó khăn, cái ăn chưa đủ nên không phải phụ huynh nào cũng coi trọng việc học. Nhờ được tuyên truyền, nhiều người dân đã dần hiểu được tầm quan trọng của việc học chữ, giúp con em họ có kiến thức để sau này có cơ hội thoát nghèo.
Sự tâm huyết của cô và các đồng nghiệp đã được nhiều người dân thấu hiểu và ghi nhận. Tình cảm ấy đã lay động suy nghĩ của nhiều bậc phụ huynh học sinh. Nhiều gia đình dù hoàn cảnh khó khăn đã có ý thức cho con đến trường không nỡ bắt các em ở nhà lao động, quan tâm hơn, nhắc nhở các em đến trường nhiều hơn...
Những nỗ lực trong việc "gieo" con chữ cho học sinh vùng cao của cô giáo Duyên và nhà trường đã được bù đắp xứng đáng. Nếu như những năm trước, mỗi năm số học sinh Trường Tiểu học Muổi Nọi bỏ học lên tới mấy chục em, thì từ năm 2005 con số này ngày càng giảm dần. Năm học 2008 - 2009, cả trường chỉ còn 1 học sinh bỏ học. Đến nay, hàng năm trường không còn học sinh nào bỏ học nữa. Trong thành quả chung đó có đóng góp không nhỏ của cô Duyên. Cô giáo Duyên đã cùng với các đồng nghiệp giúp học sinh vượt qua những ngày tháng gian khổ, đói rét, thiếu thốn để giờ đây nhà trường là nơi thu hút con em dân tộc thiểu số vùng cao hăm hở đến lớp.
Cô giáo Nguyễn Thị Duyên trở thành nhân vật trong bài viết "Những hạt gạo thơm mùa giáp hạt" của tác giả Nguyễn Thanh Bình, Trường THPT Chu Văn Thịnh, huyện Mai Sơn, tỉnh Sơn La đạt giải Nhì trong cuộc thi "Những kỉ niệm sâu sắc về thầy/cô và mái trường mến yêu" năm 2018 do Bộ GD&ĐT tổ chức.
Lê Đăng
Theo GDTĐ
Xây dựng và phát triển khu dân cư khuyến học Nhận thức sâu sắc giá trị tư tưởng, lời dạy của Bác Hồ "Vì lợi ích trăm năm trồng người", những năm qua, phong trào khuyến học, khuyến tài (KHKT) ở TP. Châu Đốc phát triển mạnh mẽ. Các cấp, ngành cùng nhân dân hưởng ứng tích cực, đóng góp nhiều của cải vật chất, tinh thần phục vụ cho sự nghiệp KHKT....