Nỗi ám ảnh của thầy cô vùng cao sau Tết
Sau mỗi kỳ nghỉ Tết Nguyên đán, nhiều trường vùng cao lại vào chiến dịch vận động học sinh trở lại trường học. Tết này, nhiều thầy cô đã phải tự lên trường sớm, đến gõ cửa từng nhà đón học sinh.
Nỗi ám ảnh của thầy cô
Đã nhiều năm công tác tại vùng cao, nhưng chưa năm nào cô Đỗ Thị Ngọc – Hiệu trưởng Trường Mầm non Lao Và Chải (Yên Minh, Hà Giang) có một cái tết trọn vẹn mà không phải thấp thỏm với “chiến dịch” vận động học sinh của mình trở lại trường sau tết. Cô Ngọc cho biết: “Đồng bào Mông thường nghỉ tết rất dài, thường hết tháng Giêng trẻ em mới được bố mẹ đưa đến trường”.
Chính vì vậy, mặc dù ngành giáo dục địa phương đã linh động cắt nghỉ hè còn 2 tháng để tăng thời gian nghỉ tết từ 23 tháng Chạp đến 16 tháng Giêng, nhưng chưa hết tết cô Ngọc đã phải lặn lội từ Nam Định lên Hà Giang cùng các giáo viên đi vận động học sinh đến lớp đúng lịch học. Tuy nhiên, theo cô Ngọc, số lượng học sinh đến trường “đúng hẹn” bao giờ cũng ngót đi quá nửa. “Toàn trường có sĩ số 453 học sinh, giờ mới đến lớp được khoảng 50%, phải sau vài tuần mới có thể hồi lại như ban đầu. Có nhiều lớp sau tết chỉ được chưa đến 10 học sinh, các cô phải dồn lớp để dạy” – cô Ngọc nói.
Nhiều lớp học vùng cao thưa học sinh sau kỳ nghỉ tết – Ảnh minh họa
Video đang HOT
Còn cô Sùng Thị Say – Hiệu trưởng Trường Mầm non Cán Chu Phìn (Mèo Vạc, Hà Giang) thì cho biết: “Các giáo viên trong trường “ra quân” đến từng nhà vận động từ ngày 9 tháng Giêng nhưng có khi chỉ nhận được câu trả lời thủng thẳng của phụ huynh: “Tao chưa cho nó đi học đâu, còn chưa hết tết mà…”.
Tại Yên Bái, theo thống kê của Sở GDĐT, tính đến ngày 21/2 (12 tháng Giêng), tỷ lệ học sinh đến lớp của nhiều trường mới chỉ đạt hơn 60%. Số lượng học sinh nghỉ học nhiều nhất chủ yếu tập trung ở các huyện vùng cao Văn Chấn, Trạm Tấu, Mù Cang Chải… Không chỉ học sinh mầm non, các trường tiểu học, THCS, THPT và trường phổ thông dân tộc nội trú nhiều học sinh vẫn chưa đến trường.
Quyết liệt kéo học sinh đến lớp
Lường trước tình trạng học sinh vùng cao bỏ học sau tết sẽ xảy ra, nhiều trường, ngành giáo dục các huyện vùng cao đã nỗ lực lên kế hoạch hạn chế từ đầu năm.
Thầy Nguyễn Văn Hồi – Hiệu trưởng Trường THPT Quan Hoá (Quan Hoá, Thanh Hoá) cho biết: “Hàng năm, số lượng học sinh nghỉ học sau tết rất nhiều, nhà trường thường xuyên phải tuyên truyền vận động các em nên năm nay đã có chuyển biến. Sĩ số những ngày đầu của trường tương đối tốt, chỉ có một số lượng nhỏ các em nghỉ học có lý do chính đáng”.
Cũng theo thầy Hồi, một phần do kỳ nghỉ tết năm nay kéo dài nên học sinh… chán ở nhà; mặt khác cũng do trường quyết liệt đánh vào hạnh kiểm những học sinh nghỉ học những ngày đầu năm.
Sở GDĐT Yên Bái ngay sau tết đã thành lập nhiều đoàn công tác đến kiểm tra tình hình chuyên cần của tất cả các trường trên địa bàn. Tỉnh này đã vận động cán bộ xã tham gia đưa trẻ tới trường.
Còn ông Vũ Văn Sử – Phó Giám đốc Sở GDĐT Hà Giang thì cho biết: “Để không làm ảnh hưởng đến tiến độ dạy học, Sở đã linh động điều chỉnh lịch học của học sinh. Cụ thể, các trường đều được khai giảng từ tháng 8, chỉ nghỉ hè 2 tháng để thời gian nghỉ tết sẽ kéo dài gần 1 tháng”. Tuy nhiên, ông Sử cũng cho biết: “Các phương án điều chỉnh trên không thể có hiệu quả nếu như không thay đổi được nhận thức của đồng bào vùng cao trong việc tạo điều kiện cho con em đến trường”.
Theo Tùng Anh – Nguyễn Hà (Dân Việt)
Trò vùng cao về trường
Khác với mọi năm, năm nay hầu hết học sinh vùng cao, vùng đồng bào dân tộc ở Cao Bằng và Nghệ An... quay trở lại trường học tập sau kỳ nghỉ Tết đúng lịch.
Tại Nghệ An, Sở GD&ĐT chỉ đạo các phòng giáo dục làm việc với các huyện, các thôn bản, các tổ chức đoàn thể hỗ trợ xe chở các em học sinh các huyện miền núi cao như Quế Phong, Kỳ Sơn, Tương Dương, Con Cuông, Quỳ Châu, Quỳ Hợp trở về trường.
Tại huyện Trùng Khánh, tỉnh Cao Bằng dù các lễ hội truyền thống của đồng bào dân tộc thiểu số vẫn còn diễn ra ở khắp các địa phương, nhưng ngay ngày đầu tiên học sinh quay trở lại trường học sau kỳ nghỉ Tết, hơn 8.200 học sinh từ bậc mầm non đến THCS đều trở lại trường, hàng nghìn học sinh đã ra quân Tết trồng cây. Nhà trường chủ động hỗ trợ các em. Nếu có nhu cầu các cô vào tận nơi đón học sinh ra. Các em cũng đã thực hiện đúng quy định không đốt pháo, an toàn trường học... Theo lãnh đạo Sở GD&ĐT, đây là một điều rất đáng mừng.
Cô trò vùng cao
Tuy vậy vận động học sinh vùng cao trở lại lớp sau đợt nghỉ Tết dài ngày không dễ. Đó là thực trạng tết này ở Yên Bái. Trong mấy ngày học đầu năm mới, tỉ lệ học sinh đến lớp của nhiều trường chỉ đạt hơn 60% do đồng bào dân tộc thiểu số vẫn còn tập tục ăn Tết qua Rằm tháng Giêng. Ở đây lại mưa và rét đậm kéo dài, chưa kể điều kiện đi lại khó khăn và lại đang vào mùa vụ sản xuất nông nghiệp, nhiều học sinh ở nhà phụ giúp gia đình. Giải pháp vẫn là các trường bố trí, huy động các thầy cô giáo xuống từng thôn, bản cùng chính quyền địa phương đến từng nhà học sinh chưa đến lớp để vận động cho con em trở lại lớp theo lịch học.
Trong cách giáo dục mới ở nhiều trường thành phố, miền xuôi nói chung, trẻ em được giúp đỡ để biết mình là ai, mình có mục đích, có ước mơ gì trong cuộc sống, biết dung hòa giữa cái tôi và cái ta, trẻ có những lựa chọn và quyết định đúng trước những biến cố do cuộc sống mang đến. Nhiều em có điều kiện, được quan tâm còn được học ý thức về giá trị bản thân, sự thấu cảm với người khác, kỹ năng giao tiếp hiệu quả, ra quyết định...
Ở vùng cao, chỉ lo đủ lương thực thực phẩm bảo đảm sức khỏe chống chọi với thời tiết khắc nghiệt, với giao thông trắc trở.. đã là quá khó, nói chi tới hưởng thụ cách giáo dục mới. Nhưng nói cho cùng, càng ở những nơi khó khăn, càng cần cách dạy mới bởi cứ cách dạy cũ theo kiểu rao giảng suông, truyền đạt kiến thức suông không làm thay đổi được hành vi. Học sinh mải vui, mải làm, "quên học" sau nghỉ tết là chuyện quá xưa. Mừng vì học sinh vùng cao sau tết trở lại trường nhiều hơn năm qua, nhưng lo vì điều kiện lâu dài để chất lượng giáo dục vùng cao kịp miền xuôi lại chưa có gì vui.
Theo TN (Đại đoàn kết)
2 trường hợp tuyển thẳng vào Trung học phổ thông Theo Thông tư 02/2013/TT - BGDĐT của Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành Quy chế tuyển sinh trung học cơ sở (THCS) và trung học phổ thông (THPT), kể từ ngày 22/3/2013, sẽ có 2 đối tượng học sinh được tuyển thẳng vào THPT. Ảnh minh họa. Đây là điểm mới của Thông tư 02 so với quy định hiện hành...