Nợ xấu phát sinh, Ngân hàng Nhà nước có soi?
Kết quả kinh doanh quý III-2019 của các ngân hàng (NH) đều tốt hơn so với cùng kỳ, mức tăng trưởng cao.
Đồng nhịp với kết quả này là báo cáo của NH Nhà nước (NHNN) trước kỳ họp của Quốc hội thứ 8 khóa XIV về tỷ lệ nợ xấu nội bảng giảm mạnh còn 1,98%, nếu tính cả nợ xấu đã bán cho Công ty Quản lý tài sản của các tổ chức tín dụng Việt Nam (VAMC) chỉ 4,84%, thấp hơn mức 7,36% (2017), 5,85% (2018). Liệu đây là con số có phản ánh thực chất của nợ xấu, khi thị trường có phát sinh mới?
Các cam kết ngoại bảng, rủi ro tiềm tàng
Hoạt động tín dụng của NH không chỉ phản ánh dựa trên tín dụng khách hàng hay đầu tư nắm giữ trái phiếu đến ngày đáo hạn, mà là những nội dung liên quan đến khoản mục ngoại bảng. Những cam kết này bao gồm bảo lãnh vay vốn, cam kết trong nghiệp vụ L/C, bảo lãnh khác, cam kết khác… Đáng nói là giá trị của những cam kết, bảo lãnh ngoại bảng này của nhiều NH còn cao hơn cả khoản tín dụng NH cho khách hàng vay.
Đây chính là những khoản nợ tiềm tàng có rủi ro còn cao hơn cả những khoản tín dụng được quy định khắt khe từ NHNN. Thế nhưng, nó lại ít được đề cập đến trong các báo cáo nợ xấu của hệ thống NH. Thực hư cho chất lượng nợ phát sinh từ những hoạt động cam kết, bảo lãnh này hiện không được diễn giải trong các thuyết minh báo cáo tài chính, cũng như không được thống kê phân tích từ phía cơ quan quản lý nhà nước.
Xét trong số các khoản mục của báo cáo ngoại bảng, ngoài nghiệp vụ “bảo lãnh khác”, khoản mục “cam kết khác” chiếm một giá trị khá lớn ở một số NH như: VPBank có khoản mục “các cam kết khác” trên tổng mức cam kết ngoại bảng lên đến 111.622/204.413 tỷ đồng, TCB với 194.824/431.202 tỷ đồng. Thậm chí khi so sánh với mức dư nợ tín dụng cho khách hàng thì tỷ lệ này quá lớn, thậm chí vượt quá mức tín dụng cho vay (bảng 1).
Những phát sinh mới từ thị trường
Cuối năm 2018, Chính phủ ban hành Nghị định 163/2018/NĐ-CP về phát hành trái phiếu doanh nghiệp (TPDN), quy định này được đánh giá như một sự mở đường cho kênh huy động vốn mới của DN. Điều này đã đưa đến một sự nở rộ về tình hình phát hành TPDN trong năm 2019, đặc biệt khi Chính phủ chỉ đạo hạn chế dòng vốn cho vay vào thị trường bất động sản (BĐS) trong hoạt động cho vay của hệ thống NH thương mại (NHTM). Theo đó, các DN BĐS là đơn vị tiên phong trong hoạt động phát hành TPDN. Đọc qua báo cáo tài chính của một số công ty niêm yết trên thị trường chứng khoán dễ thấy quy mô của việc phát hành TPDN dài hạn (bảng 2).
Video đang HOT
Theo SSI Retail Research, đến nay có 44 DN BĐS phát hành TPDN với 139 đợt phát hành, giá trị phát hành lên đến 47.800 tỷ đồng. Tỷ lệ phát hành thành công 77,3%, thấp hơn các nhóm DN khác. Phải chăng các DN mà đặc biệt là DN BĐS phát hành trái phiếu huy động vốn là đều thành công?
Nhìn từ góc độ vốn, một yếu tố quan trọng gần như quyết định chính để phát hành TPDN thành công phải có bàn tay của NH. Bàn tay của NH không phải là người mua trái phiếu này, mà là người phân phối và bảo lãnh phát hành, thậm chí là bảo lãnh thanh toán cho lô TPDN. Chúng tôi xin lược qua nghiệp vụ này bằng một diễn giải ngắn gọn như sau:
Những người đang gửi tiền vào NH nhận được lời tư vấn từ nhân viên rằng, thay vì gửi tiền vào NH với mức lãi suất tiết kiệm 7%/năm, khách hàng có 2 cách lựa chọn: hoặc là rút tiền ra mua TPDN (lãi suất 10%) được chính NH bảo lãnh thanh toán với mức lãi suất bằng lãi suất tiền gửi (7%) nếu DN phát hành không thanh toán; hoặc khách hàng có thể thế chấp sổ tiết kiệm để vay vốn NH (lãi suất 9%) mua TPDN (lãi suất 11%) do NH bảo lãnh.
Hình thức thứ 2 NH được lợi cho cả chỉ tiêu huy động lẫn tăng trưởng tín dụng. Người gửi tiền cũng đạt được lãi suất tiền gửi và chênh lệch lãi suất trái phiếu với lãi suất đi vay. Nhưng cả hai hình thức này đều đẩy hệ thống NH vào cùng một bản chất, nhưng lại không được kiểm soát trong sự giám sát của NHNN. Hoạt động từ nghiệp vụ này được tách ra khỏi bảng cân đối kế toán, thay vì NH trực tiếp cho DN BĐS vay từ tiền gửi của khách hàng. Thông qua hình thức này, các số liệu được thống kê về cho NHNN theo Thông tư 02 không phản ánh đúng bản chất, đó là lý do cho báo cáo của NHNN khi đề cập đến nợ xấu nội bảng.
Liên hệ đến TPDN
Khi một DN phát hành trái phiếu có sự bảo lãnh của một NH hoặc một công ty chứng khoán thuộc sở hữu ngân hàng, sẽ đảm bảo rủi ro cho các nhà đầu tư khi mua TPDN. Với nhà đầu tư, thay vì gửi tiền vào NH đó có thể mua TPDN do NH bảo lãnh, về bản chất thì như nhau nhưng lại được hưởng lãi suất cao hơn. Và khi một NH đứng ra bảo lãnh thanh toán cho một DN khi phát hành lô trái phiếu, NH sẽ theo dõi khoản mục bảo lãnh này ngoài bảng cân đối kế toán và được ghi chép vào mục “bảo lãnh khác” trên bảng cân đối ngoại bảng của NH.
Nếu một DN vay vốn trực tiếp ở NH phải tuân thủ những quy định về hoạt động tín dụng khắt khe, và khi DN không trả nợ đúng hạn NH sẽ phải chuyển nhóm nợ cũng như trích lập dự phòng. Trong khi đó, việc bảo lãnh thanh toán cho một DN phát hành TPDN không cần thiết tuân thủ các quy định của hoạt động tín dụng, và khi DN không trả nợ đúng hạn cho người mua TPDN có bảo lãnh, thì NH cũng chẳng phản ánh chất lượng nợ của con nợ phát hành TPDN, trừ phi tòa án tuyên án trách nhiệm chi trả từ phía NH bảo lãnh cho những người mua TPDN.
Nhìn vào bảng 3 thống kê một số NHTM có giá trị các cam kết “bảo lãnh khác” lên đến hàng chục ngàn tỷ đồng, thậm chí gia tăng so với giá trị đầu năm. Điều này càng nói lên sự nở rộ phát hành TPDN trong thời gian qua cũng như khi thị trường TPDN phát triển. Và khi Chính phủ siết tín dụng vào BĐS thì các DN BĐS càng gia tăng phát hành TPDN. Để đảm bảo cho việc phát hành TPDN thành công, các DN ngoài việc phát hành trái phiếu có đảm bảo bởi tài sản cũng cần đến sự bảo lãnh thanh toán từ phía NH. Nhưng nhiều DN BĐS khó có tài sản đảm bảo đủ cho giá trị vay nợ thì việc lệ thuộc vào thư bảo lãnh của NH càng lớn.
Chính vì vậy, không loại trừ khi theo dõi thị trường TPDN thời gian qua với giá trị “bảo lãnh khác” trên bảng cân đối ngoại bảng của NH. Vậy liệu NHNN có nên theo dõi và báo cáo thông tin này đến các cơ quan giám sát để đánh giá thực chất bức tranh nợ xấu của hệ thống NH?
Theo TS. LÊ ĐẠT CHÍ Khoa Tài chính, UEH
Sài Gòn đầu tư tài chính
Gánh nặng nợ ở VDB
Việc Ngân hàng Phát triển Việt Nam (VDB) đang lỗ lũy kế gần 5.000 tỷ đồng và có nợ xấu lên tới hơn 46.000 tỷ đồng có nguy cơ làm tăng gánh nặng cho ngân sách Nhà nước.
VDB chỉ mang tiền ngân sách đi cho vay, được Chính phủ bảo lãnh thanh toán, lại không phải nộp thuế, nhưng vẫn bị thua lỗ lớn, nợ xấu cao, khiến nhiều người vô cùng khó hiểu.
Tổng tài sản và dư nợ tín dụng của VDB
Khó khăn chồng chất
Kết luận kiểm toán VDB của Kiểm toán Nhà nước (KTNN) cho biết, hoạt động tín dụng thời gian qua của VDB gặp rất nhiều khó khăn, kết quả chênh lệch thu chi năm 2018 của ngân hàng này âm hơn 866 tỷ đồng. Đáng chú ý, lỗ lũy kế của VDB đến 31/12/2018 lên tới hơn 4.800 tỷ đồng và nợ xấu hơn 46.100 tỷ đồng, chiếm 17,2% tổng dư nợ.
Trong khi đó, việc trích lập dự phòng rủi ro của VDB là 5.790 tỷ đồng, chỉ bằng 12,5% tổng nợ xấu. Theo KTNN, việc trích dự phòng rủi ro quá thấp đã và đang tiềm ẩn rủi ro lớn trong tổ chức hoạt động của ngân hàng này. Đặc biệt, hiện nay chênh lệch lãi suất mà ngân sách Nhà nước phải cấp bù cho VDB tại thời điểm 31/12/2018 rất lớn, lên tới 13.496 tỷ đồng.
Liên quan tới khoản vay không có khả năng thu hồi, KTNN đã chuyển hồ sơ 02 vụ việc có dấu hiệu vi phạm pháp luật hình sự sang Cơ quan Cảnh sát điều tra để xử lý theo quy định của pháp luật qua kết quả kiểm toán tại VDB.
46.100
tỷ đồng là tổng số nợ xấu ở Ngân hàng Phát triển Việt Nam tính đến cuối năm 2018, chiếm tới 17,2% tổng dư nợ của VDB.
Đó là CTCP Tập đoàn Thái Hòa Việt Nam có dấu hiệu lập khống hồ sơ mua bán hàng hóa giữa Công ty mẹ và Công ty con để hợp thức hóa hồ sơ vay vốn ngân hàng nhằm đảo nợ các khoản vay dẫn đến không trả được nợ gốc và lãi vay đến 30/4/2019 là 342,7 tỷ đồng. Tiếp theo là Công ty TNHH Xây dựng Phúc Hưng cũng vay vốn từ VDB, nhưng đến nay không trả được nợ gốc và lãi vay đến 30/4/2019 là 32 tỷ đồng.
Đáng chú ý, trong số 12 dự án ngàn tỷ đồng đắp chiếu của ngành Công thương, VDB cho vay tới 16.800 tỷ đồng trên tổng số 41.800 tỷ đồng.
Thách thức xử lý nợ
Theo KTNN, đối với trường hợp VDB, việc xử lý nợ xấu vô cùng khó khăn vì không thể áp dụng theo Nghị quyết số 42/2017/QH14, bởi VDB là ngân hàng chính sách đang trong giai đoạn tái cơ cấu gắn với xử lý nợ xấu theo chỉ đạo của Chính phủ. Trong khi đó, tình hình tài chính của VDB hiện rất khó khăn, không có khả năng tự cân đối nguồn để bù đắp khi thực hiện các giải pháp cơ cấu nợ cho các dự án không còn khả năng trả nợ.
Bà Phan Thị Thu Hiền- Vụ trưởng Vụ Tài chính các Ngân hàng và Tổ chức tài chính-Bộ Tài chính, cho biết trong thời gian qua, Chính phủ đã ban hành cơ chế chính sách tháo gỡ khó khăn cho các dự án như đạm Ninh Bình, nhà máy gang thép Thái Nguyên giai đoạn 2, nhà máy đóng tàu Dung Quất,... Tuy nhiên, các chính sách này chỉ tập trung tháo gỡ khó khăn, xử lý nợ tại các ngân hàng thương mại, chưa có giải pháp xử lý nợ xấu từ VDB.
Bộ Tài chính cũng đã vào cuộc rất tích cực để xử lý các khoản nợ xấu ở VDB. Tuy nhiên, do vướng cơ chế chính sách, nên cần có sự tháo gỡ của Chính phủ. Nếu xử lý nợ xấu ở VDB, cũng chỉ thu được một phần vì phần lớn các dự án mà VDB cho vay đều đã rơi vào tình trạng thua lỗ, trong khi nguồn dự phòng rủi ro của VDB là rất ít.
Một chuyên gia cho rằng, nếu VDB không xử lý được hàng chục nghìn tỷ đồng nợ xấu nói trên, thì Nhà nước sẽ lại phải đứng ra gánh, bởi theo quy định hiện hành, VDB được Nhà nước cấp bù lãi suất, bảo lãnh thanh toán và cho vay theo chỉ định của Chính phủ. Điều này không chỉ chất thêm gánh nặng cho ngân sách Nhà nước, mà còn gây áp lực lớn đối với nợ công.
Cơ chế "không giống ai"
Dù có vốn điều lệ 30.000 tỷ đồng, nhưng nguồn vốn hoạt động cũng như dòng tín dụng chảy qua ngân hàng này rất lớn khi đứng ra cho vay theo chính sách tín dụng đầu tư của nhà nước; cho vay lại vốn vay nước ngoài của Chính phủ (ODA); nhận ủy thác, phát hành trái phiếu...
Số liệu từ Bộ Tài chính cho thấy, dư nợ tín dụng của VDB mỗi năm hơn 100.000 tỷ đồng. Ngoài ra, ngân hàng cũng phát hành hàng chục nghìn tỷ đồng trái phiếu. VDB đang nắm giữ và giải ngân khoảng 60% vốn ODA cho vay lại của Việt Nam. Tính đến thời điểm 31/8/2018, dư nợ vốn vay nước ngoài tại VDB lên tới 152.900 tỷ đồng...
Là ngân hàng, nhưng VDB không có đầy đủ chức năng hoạt động theo quy định của Luật Các tổ chức tín dụng và của NHNN. Có đến 70 - 80% tổng nguồn vốn huy động hàng năm của VDB dựa vào vốn phát hành trái phiếu Chính phủ bảo lãnh, hay nhận nguồn ODA để cho vay lại. Một trong những nguyên nhân chính khiến VDB hoạt động rủi ro nằm ở cơ chế "không giống ai". Đó là các quy định về tỷ lệ dự phòng rủi ro, dự trữ bắt buộc của VDB rất thấp, thiếu an toàn. Điều này cũng là một trong những nguyên nhân làm gia tăng rủi ro trong hoạt động của VDB.
Tuy nhiên, một chuyên gia cho rằng, VDB chỉ cho vay theo chỉ định của Chính phủ, được Nhà nước bảo lãnh thanh toán, không phải nộp thuế, mà vẫn thua l-ỗ hàng nghìn tỷ đồng, thì cần phải xem xét ngân hàng này có cho vay theo đúng đối tượng hay không, đồng thời xem xét việc minh bạch tài chính của ngân hàng này. Bởi vì, theo Nghị định số 81/2015/NĐ-CP, các doanh nghiệp Nhà nước phải công bố thông tin, báo cáo tài chính theo định kỳ. Tuy nhiên đến nay, VDB mới chỉ công bố báo cáo tài chính đến năm 2016. Điều này đang đặt ra dấu hỏi về việc minh bạch hoạt động của ngân hàng này.
Hà Phương
Theo Enternews.vn
Hàng triệu tỉ đồng đổ vào bất động sản Chỉ trong khoảng ba tháng qua, tín dụng trong toàn nền kinh tế đổ vào bất động sản đã tăng thêm khoảng 1 triệu tỉ đồng. Theo báo cáo vừa gửi đến Quốc hội, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Lê Minh Hưng cho biết cơ cấu tín dụng tiếp tục có sự điều chỉnh tích cực, trong đó tín dụng tập trung...