Nở rộ các lớp tiền tiểu học
Hà Nội đang lên kế hoạch cho phép trẻ mầm non đi học trở lại sau nhiều tháng học trực tuyến để phòng dịch Covid-19.
Nhiều lớp tiền tiểu học thu hút được sự quan tâm của phụ huynh. Ảnh: INT
Nắm bắt được thông tin này, một số cơ sở giáo dục và giáo viên đã đăng tin tuyển sinh các lớp tiền tiểu học.
Tận dụng “thời gian vàng”
Cô Nguyễn Thị Dung – giáo viên một trường tiểu học ở huyện Hoài Đức (Hà Nội) – chia sẻ: Năm học vừa qua, học sinh lớp 1 phải học trực tuyến trong thời gian dài đã ảnh hưởng rất nhiều đến kết quả học tập. Việc học trực tuyến chỉ hiệu quả khi gia đình theo sát con, hướng dẫn con trong suốt quá trình. Nhưng đáng buồn, nhiều gia đình lại không làm được như vậy.
“Trong mùa dịch, nhiều phụ huynh đã có nhu cầu gửi tôi kèm các cháu lớp 1 tại nhà dưới hình thức 1 kèm 1 để phòng chống dịch bệnh. Nay thành phố cho phép một số lớp mở cửa trở lại, phụ huynh đề xuất cô giáo mở thêm lớp để dạy học sinh đọc, viết thành thạo. Tâm lý của phụ huynh cũng hy vọng, con được học trực tiếp vẫn tốt hơn nhiều so với học trực tuyến, nhất là năm đầu triển khai sách giáo khoa mới”, cô Dung bày tỏ.
Mong muốn cho con được đi học thêm tiền lớp 1, chị Trần Minh Hoa ở quận Hoàng Mai bày tỏ: Tình hình dịch bệnh diễn biến phức tạp đã khiến học sinh phải học trực tuyến quá lâu, điều này ảnh hưởng lớn đến việc tiếp nhận kiến thức của các cháu. Nếu như những năm trước tại các trường mầm non, trẻ được làm quen với con số, chữ cái thì năm nay lại toàn phải ở nhà. Lên lớp 1 tiếp tục phải học trực tuyến chắc chắn cháu sẽ không theo kịp chương trình. Do đó, gia đình rất mong trường học sớm mở cửa trở lại. Nếu có giáo viên nhận dạy, gia đình chắc sẽ đăng ký để cháu theo học.
Trên mạng xã hội gần đây, các diễn đàn Hành trang cho con vào lớp 1, Lớp tiền tiểu học, Giúp con vững tin vào lớp 1, Đồng hành cùng học sinh lớp 1 được quan tâm với hàng chục nghìn thành viên tham gia. Qua diễn đàn, không khó để bắt gặp những bài viết chia sẻ tài liệu dạy tiền tiểu học, kinh nghiệm chọn trường, lớp cùng bài viết nhận dạy viết chữ, làm toán cho các học sinh chuẩn bị vào lớp 1.
Là giáo viên nhiều năm dạy lớp 1, cô giáo Nguyễn Ngọc Huyền tại quận Long Biên chia sẻ về lớp học dành riêng cho lứa “khỉ vàng” 2016 sắp vào lớp 1: Đến với khóa học, các con sẽ được cô rèn chữ, hướng dẫn cách đọc, phát âm, đánh vần theo chương trình mới, viết cỡ chữ nhỡ, chữ hoa chuẩn, hạ chữ nhỏ.
Video đang HOT
Cùng với đó là các dạng toán lớp 1, cách viết chữ số, so sánh nhiều hơn, ít hơn, dấu lớn, dấu bé, phép cộng, phép trừ, số chẵn, số lẻ. Các con cũng được hướng dẫn cách ngồi học bài để chống cận thị, cách tập trung nghe giảng và phương pháp tự học trong quá trình học trực tuyến cũng như học trực tiếp.
Cô Nguyễn Kim Chi – giáo viên ở quận Hà Đông – cho rằng, việc hướng dẫn cho trẻ các kỹ năng, kiến thức cần thiết trước khi vào lớp 1 rất quan trọng, nhất là trong tình hình dịch bệnh phức tạp hiện nay. Giáo viên cần tranh thủ tối đa thời gian vàng để hướng dẫn học sinh, chuẩn bị tâm thế cho các em bước vào con đường học tập phía trước.
Đến với lớp tiền tiểu học, học sinh được hướng dẫn tư thế ngồi, cách để vở, tay cầm bút đúng chuẩn, học phát âm bảng chữ cái tiếng Việt; nhận biết, viết các chữ số từ 0 đến 10 và thực hiện phép tính cộng trừ trong phạm vi 10. Khi được học trước những điều này sẽ giúp trẻ rất nhiều trong quá trình học tập sau này.
Trẻ mầm non được học tập và trải nghiệm trong những lớp tiền tiểu học khi chưa có dịch. Ảnh: INT
Tạo môi trường cho học sinh trải nghiệm
Cùng với những khóa học của các cô giáo lớp 1, nhiều trường tiểu học ngoài công lập và các trung tâm giáo dục kỹ năng sống cũng đã mở những lớp hành trang vào lớp 1 nhằm thu hút học sinh.
Cô Lê Thị Thúy Ngà – Hiệu trưởng Trường Tiểu học Song ngữ Wellspring – thông tin: “Con đã sẵn sàng” là khóa học hành trang của trường dành cho các bé 5 tuổi chuẩn bị vào lớp 1 nhằm đem lại cho trẻ một trải nghiệm tiền tiểu học. Lớp học sẽ khơi gợi cảm xúc yêu thích đến trường, đồng thời trang bị những kỹ năng và kiến thức cần thiết để sẵn sàng vào lớp 1.
Nhà trường đã xây dựng một khóa học kết hợp, linh hoạt thay đổi với tình hình dịch bệnh như hiện nay, bảo đảm cho các em vẫn có cơ hội được trải nghiệm và chuẩn bị cho bản thân trước khi bước vào cấp tiểu học. Khi thành phố quyết định cho học sinh đến trường, nhà trường sẽ chuyển đổi khóa học sang hình thức học trực tiếp.
Ngay sau khi được phép mở cửa trở lại, nhà trường sẽ tổ chức lớp học tiền tiểu học cho học sinh với mục đích giúp các em sẵn sàng vào học tập trong một không gian sáng tạo và thân thiện. Chia sẻ điều này, cô Hoàng Thị Bích Nga – Hiệu trưởng Trường Tiểu học May Academy (quận Hoàng Mai) – cho hay: Tại khóa học, các bạn nhỏ sẽ được rèn kỹ năng tự phục vụ bản thân như: Tự vệ sinh cá nhân, đi vệ sinh đúng nơi quy định. Các kỹ năng về học tập, để đồ đúng nơi quy định, mạnh dạn bày tỏ ý kiến, tôn trọng và hợp tác với bạn bè, nhận biết cảm xúc của người khác, kỹ năng giao tiếp.
Các cô giáo cũng cung cấp một số kiến thức nền tảng cho trẻ như hiểu biết về chữ số và một số phép biến đổi đơn giản, cách tạo tập hợp, mối quan hệ số lượng giữa các nhóm đồ vật, định hướng trong không gian, biểu tượng về hình dạng và kích thước… Từ đó, phát triển kỹ năng quan sát, ghi nhớ, so sánh, cảm nhận không gian, suy luận, tưởng tượng và diễn đạt cho trẻ.
Theo bà Đào Thị Thùy Dương – Giám đốc Trung tâm Giáo dục Trí tuệ Việt (Long Biên, Hà Nội), từ nhiều năm nay, phụ huynh đặc biệt quan tâm đến việc tạo hành trang cho các con trước khi bước vào lớp 1 và gửi con theo học tại Trung tâm rất nhiều. Những khóa học này đã đem lại các kiến thức bổ ích cho các con trước khi bước vào môi trường học tập mới. Năm nay, khi tình hình dịch bệnh được kiểm soát, Trung tâm mở nhiều lớp tiền tiểu học nhằm trang bị kiến thức nền tảng cho trẻ, rèn luyện 4 kỹ năng cơ bản: Nghe – nói – đọc – viết, giúp trẻ được làm quen với chữ số. Cùng với đó, trẻ còn được tham gia các hoạt động vận động nhằm tăng cường thể chất, tạo hứng thú trong quá trình học tập.
Phụ huynh Hà Nội vất vả đưa đón con những ngày đầu trở lại trường
Từ ngày 10/2, học sinh từ lớp 1 đến lớp 6 của các huyện, thị xã ngoại thành Hà Nội được trở lại trường học trực tiếp.
Dự kiến, ngày 21/2 tới Hà Nội sẽ cho toàn bộ học sinh lớp 1 đến lớp 6 các quận nội thành đi học. Tuy nhiên, hiện các trường chỉ học 1 buổi/ngày, kết hợp với học trực tuyến khiến phụ huynh, học sinh bị xáo trộn hơn trong thời gian đầu.
Phụ huynh, học sinh Hà Nội những ngày đầu trở lại trường học. (Ảnh minh họa)
Loay hoay vừa học trực tiếp vừa học online
Trước đây, học sinh tiểu học được học 2 buổi/ngày thì nay áp dụng phương án phòng, chống dịch bệnh, các trường chỉ tổ chức dạy học 1 buổi/ ngày, nhà trường không tổ chức bán trú. Ngay khi học sinh trở lại trường, nhiều phụ huynh đã than "quay cuồng", vợ chồng chia nhau nghỉ làm để đi đón con học ở các cấp khác nhau.
Nhiều phụ huynh cho rằng, nếu đã cho học sinh đi học trực tiếp thì nên cho học cả 2 buổi thay vì đan xen trực tiếp, trực tuyến như hiện nay. Họ cũng xác định, việc đi học trở lại chắc chắn sẽ có rủi ro, nhưng học sinh đã được tiêm 2 mũi vaccine phòng Covid-19 nên nguy cơ mắc bệnh cũng giảm thiểu đáng kể. Do đó, việc học 1 hay 2 buổi không phải là yếu tố tăng nguy cơ lây nhiễm dịch bệnh nhưng ngược lại, điều này gây nhiều khó khăn cho cả học sinh và phụ huynh.
Anh Vũ Khắc Ngọc - một phụ huynh cho rằng, việc không tổ chức bán trú và chỉ học một buổi tại trường, một buổi trực tuyến gây khó khăn cho phụ huynh và khiến trẻ vất vả. Gia đình anh Ngọc sống tại quận Hai Bà Trưng nhưng con lại học trường ở Đông Anh. Không chỉ con anh, nhiều học sinh khác cũng sống xa trường, đặc biệt với những gia đình cho con học trường tư. Anh Ngọc tính, nếu con di chuyển bằng xe tuyến, 6h30 con đã phải lên xe, 8h đến trường, 11h đi về, ăn cơm, lại vào học online lúc 13h. Như vậy, trẻ rất mệt mỏi.
Theo đó, trước đây, con đi học sớm rồi ăn sáng tại trường. Nay nếu không tổ chức bán trú, trường có tiếp tục lo bữa sáng hay không cũng là vấn đề. Do đó, anh Ngọc đánh giá việc không tổ chức bán trú và chỉ học một buổi tại trường, một buổi trực tuyến gây khó khăn cho phụ huynh và khiến trẻ vất vả. "Học nửa buổi, không bán trú gây phiền toái rất lớn cho các gia đình. Trường cũng loay hoay. Lẽ ra, 10/2, các con trở lại lớp. Tuy nhiên, vì nhiều phụ huynh ở xa chưa sắp xếp được, trường đang lùi ngày mở cửa sang tuần sau nhưng chưa có gì chắc chắn", anh Ngọc bày tỏ.
Ngoài ra, theo anh Ngọc, một khi học sinh đã đến trường, tiếp xúc với nhau, học 1 buổi hay 2 buổi không có sự khác biệt nhiều về nguy cơ mắc Covid-19. Việc mở cửa trường học trở lại là một trong những điều kiện để xã hội trở về trạng thái bình thường. Tuy nhiên, phụ huynh không thể nào đảm bảo năng suất làm việc khi còn phải phân tâm đưa đón, lo ăn uống cho con.
Cô Nguyễn Thị Hiền, Trường Đoàn Thị Điểm cũng bày tỏ quan điểm, Hà Nội quy định "không tổ chức bán trú, học trực tiếp 1 buổi/ngày để đảm bảo phòng, chống dịch Covid-19" nhiều bất cập và gây khó khăn cho phụ huynh. Bởi học 1 buổi hay 2 buổi, nguy cơ lây nhiễm là như nhau. Theo cô Hiền, Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội, cần tính toán lại quy định này để phụ huynh, nhà trường và học sinh không vất vả khi thích ứng trạng thái bình thường mới.
Làm thế nào ứng phó phù hợp?
Tại Hải Phòng, ngay sau kỳ nghỉ Tết Nguyên đán 2022 (ngày 7/2/2022), 100% các trường THCS, THPT, GDTX đón học sinh trở lại học trực tiếp. Các quận, huyện thực hiện rà soát, kiểm tra các điều kiện để mở cửa đón học sinh mầm non, tiểu học trở lại học trực tiếp, chậm nhất vào ngày 14/2/2022.
Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn và Đoàn công tác của Bộ Giáo dục và Đào tạo đã về kiểm tra hoạt động dạy học trực tiếp đảm bảo an toàn phòng chống dịch trong các cơ sở giáo dục và làm việc với UBND thành phố Hải Phòng về công tác giáo dục và đào tạo. Tại đây, Đoàn đã đến khảo sát thực tế tại Trường Tiểu học Minh Tân, Trường THCS Kênh Giang, Trường THPT Ngô Quyền.
Đánh giá cao sự thận trọng của nhà trường khi thực hiện mở cửa từng bước, tổ chức giãn lớp, chia ca để dạy học, Bộ trưởng cũng nhắc lại khuyến cáo của các chuyên gia y tế khi cho rằng, việc học sinh đến trường học một buổi hay bán trú cả ngày về mặt phòng dịch là không khác nhau nhiều. Do đó, để tạo thuận lợi cho phụ huynh yên tâm làm việc và đưa đón con cái, cũng như sinh hoạt của học sinh được nền nếp thì việc đưa học sinh quay trở lại học tập trực tiếp nên thực hiện đầy đủ và thống nhất.
"Chúng ta nên thực hiện đầy đủ, làm sao vừa đảm bảo việc dạy học của các cháu, vừa thuận lợi cho chăm sóc, đưa đón của phụ huynh. Tạo điều kiện cho cha mẹ học sinh yên tâm trong công việc, từ đó tạo thuận lợi cho phát triển kinh tế - xã hội", Bộ trưởng nói.
Đồng thời, nhấn mạnh với các thầy, cô giáo Trường THPT Ngô Quyền, ngoài lưu ý nhà trường cần tiếp tục trạng thái bình thường mới trên tinh thần không lo lắng thái quá nhưng cũng không chủ quan để có sự ứng phó tốt nhất, Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn mong muốn các thầy, cô giáo sẽ trao đổi, hỗ trợ để các em học sinh có thái độ bình tĩnh, lấy hiểu biết, kiến thức các kỹ năng phòng chống dịch làm đầu để tránh hoang mang, ảnh hưởng đến chất lượng giáo dục. Ứng phó với dịch bệnh bình tĩnh, không hoảng hốt, thể hiện rõ sự hiểu biết.
Trước thực trạng một số trường bố trí cho học sinh học 1 buổi/ngày khiến cho việc chăm sóc, đưa đón của phụ huynh bị xáo trộn, Bộ trưởng đề nghị thành phố Hải Phòng nhất quán, thống nhất trong việc bố trí học sinh, với những trường có điều kiện bán trú nên tổ chức cho học sinh học bán trú. "Chúng ta vẫn lấy đảm bảo an toàn sức khỏe của học sinh, giáo viên làm đầu nhưng phải có sự ứng phó phù hợp. Đã thấy yên tâm đưa các cháu đến trường và đáp ứng các yêu cầu phòng, chống dịch thì cần đảm bảo đầy đủ các hoạt động học tập trực tiếp", Bộ trưởng nhấn mạnh.
Học sinh tiểu học và lớp 6 ngoại thành Hà Nội đi học sau gần 10 tháng ở nhà Sáng nay (10/2), học sinh từ lớp 1 đến lớp 6 ở 18 huyện, thị ngoại thành Hà Nội đến trường học trực tiếp sau gần 10 tháng nghỉ. Theo kế hoạch của UBND thành phố Hà Nội, sáng nay, học sinh từ lớp 1 đến lớp 6 của 18 huyện, thị ngoại thành đến trường học trực tiếp, trừ những khu vực...