Nỗ lực ngăn chặn tội phạm mua bán người
Nếu như trước đây, chúng ta chỉ biết đến mua bán người vì mục đích cưỡng bức lao động, mại dâm thì bây giờ còn các hình thức khác như: mang thai hộ; mua bán bào thai; cho và nhận con nuôi; giới thiệu việc nhẹ lương cao; kết hôn với người nước ngoài với các phương thức, thủ đoạn ngày càng tinh vi, khó phát hiện, đấu tranh.
Trước thực trạng trên, Công an các địa phương đã quyết liệt triển khai các biện pháp nghiệp vụ để đấu tranh và phòng ngừa có hiệu quả với loại tội phạm này.
Cảnh báo thủ đoạn của tội phạm trên không gian mạng
Đầu tháng 4/2024, chị N.T.C (SN 1996), trú tại xã Quảng Lưu, huyện Quảng Xương, tỉnh Thanh Hoá đến cơ quan Công an để trình báo sự việc: Vào lúc 4h ngày 29/3/2024, em trai chị là Nguyễn Công Minh đem theo hành lý cá nhân đi từ nhà đến xã Quảng Lộc, huyện Quảng Xương, tỉnh Thanh Hoá lên ôtô khách của nhà xe Hải Hà đi đến TP Hồ Chí Minh. Đến 8h sáng 30/3/2024, khi đến bến xe Ngã Tư Ga ở TP Hồ Chí Minh, Minh được một người đàn ông lạ mặt đi xe ôtô đến trả tiền vé xe và chở Minh đi. Tiếp đó, ngày 5 và 6/4/2024, gia đình Minh nhận được tin nhắn qua tài khoản Zalo của Minh với nội dung Minh đã bị lừa bán sang Campuchia, đồng thời có nhiều cuộc gọi đến số điện thoại của chị C yêu cầu chuyển 250.000.000 đồng để chuộc người.
Công an tỉnh Thanh Hóa đã bắt giữ đối tượng Phạm Thị Hằng để điều tra tội mua bán người dưới 16 tuổi.
Đây là vụ việc điển hình mà nguyên nhân xuất phát từ việc các thanh niên có nhu cầu tìm việc làm có thu nhập cao, ít nặng nhọc đã lên mạng tìm kiếm hoặc thông qua người lạ quen biết trên mạng xã hội giới thiệu. Lợi dụng vào đó, bọn tội phạm mua bán người đã giăng bẫy để dụ dỗ, đưa các nạn nhân đến hang ổ của chúng sau đó khống chế bắt tham gia các hoạt động lừa đảo qua mạng hoặc đòi tiền chuộc từ gia đình các nạn nhân.
Mới đây, qua công tác nắm tình hình trên không gian mạng, Công an TP Thanh Hóa phát hiện hội nhóm “Gia đình hiếm muộn xin nhận con nuôi” có một số đối tượng có dấu hiệu hoạt động chuyển giao, mua bán người dưới 16 tuổi với thủ đoạn nhận con nuôi nên đã xác lập chuyên án đấu tranh. Quá trình điều tra, Công an TP Thanh Hóa phát hiện Phạm Thị Hằng là đối tượng đã có tiền án về tội “Làm giả giấy tờ” cũng tham gia hội nhóm “Gia đình hiếm muộn xin nhận con nuôi”.
Bản thân Hằng đang có giao dịch bán con gái (5 ngày tuổi) của một phụ nữ ở huyện Võ Nhai, tỉnh Thái Nguyên cho một gia đình ở xã Hóa Quỳ, huyện Như Xuân (Thanh Hóa) với giá 45 triệu đồng. Bằng các biện pháp nghiệp vụ, chiều 11/6/2024, Công an TP Thanh Hóa đã bắt quả tang Phạm Thị Hằng khi đang giao dịch và bán cháu gái 5 ngày tuổi tại nhà nghỉ Thu Hà, đường Tô Vĩnh Diện, phường Điện Biên, TP Thanh Hóa. Theo kết quả điều tra, do hoàn cảnh khó khăn nên chị N.T.M đang mang thai con gái tháng thứ 9 có lên hội nhóm trên không gian mạng “Gia đình hiếm muộn xin nhận con nuôi” để liên hệ tìm người nuôi con sau khi sinh.
Sau khi liên hệ với tài khoản Facebook “Hang pham” của Phạm Thị Hằng, chị M nói nguyện vọng của bản thân muốn tìm người nuôi con sau sinh nên Hằng đồng ý. Hằng hứa hẹn sẽ trả toàn bộ viện phí và chi phí cho chị M bắt xe từ Thái Nguyên vào Thanh Hóa. Sau đó, Hằng đã liên hệ và bán cháu bé cho một gia đình hiếm muộn ở huyện Như Xuân với giá 45 triệu đồng.
Trung tá Đỗ Tân Phú, Đội trưởng Đội Cảnh sát hình sự, Công an TP Thanh Hoá cho biết, thủ đoạn của Phạm Thị Hằng là lợi dụng các trang mạng xã hội để đăng tải thông tin, thu gom những người mang thai ngoài ý muốn, sau đó mang về nhà lo ăn uống, sinh hoạt. Khi đến thời kỳ sinh nở thì đối tượng lo viện phí và sau khi sinh con xong thì đối tượng làm giấy tờ giả và liên hệ trên mạng xã hội với những gia đình hiếm muộn con.
Video đang HOT
Từ thực tế điều tra của lực lượng Công an cho thấy, nạn nhân mà các đối tượng buôn người nhắm tới thường là thanh niên ở vùng sâu, vùng xa, nhận thức pháp luật còn hạn chế; phụ nữ bị tổn thương về tình cảm; các cháu gái ở độ tuổi mới lớn, chưa có nhiều kinh nghiệm sống… Đáng chú ý là phương thức, thủ đoạn hoạt động của các đối tượng này rất tinh vi với quy mô ngày càng phức tạp. Thay vì tiếp cận nạn nhân trực tiếp như trước kia, hiện nay, các đối tượng lại lợi dụng mạng xã hội để tiếp cận nạn nhân và đưa ra nhiều “bẫy” hấp dẫn như: Dụ dỗ đi làm việc nhẹ lương cao; lập các nhóm kín để nhận con nuôi, mang thai hộ; đưa phụ nữ ra nước ngoài lấy chồng…
Trung tá Nguyễn Trung Kiên, Đội trưởng Đội Cảnh sát hình sự, Công an huyện Thường Xuân, cho biết: “Qua công tác phòng ngừa, đấu tranh, chúng tôi thấy rằng số người dân sang Campuchia làm ăn, hầu như đều bị các đối tượng đưa vào hoạt động trong các sòng bạc hoặc đưa vào làm trong các nhóm liên quan đến lừa đảo. Đối với phụ nữ hoặc trẻ em gái có thể đưa vào hoạt động trong các ổ nhóm mại dâm. Hằng ngày các đối tượng quản lý chặt chẽ, thậm chí là sử dụng vũ lực để quản lý số nạn nhân này. Nếu muốn giải thoát thì các đối tượng có thể cho liên lạc với gia đình và đưa ra số tiền chuộc rất lớn.
Thượng tá Phạm Đức Thiêm, Phó trưởng Phòng Cảnh sát hình sự, Công an tỉnh Thanh Hoá cho biết thêm: Thời gian gần đây, Công an tỉnh Thanh Hoá đã tập trung tuyên truyền, nâng cao cảnh giác cho người dân trong việc nhận diện và phòng ngừa tội phạm mua bán người. Đồng thời, lực lượng Cảnh sát hình sự Công an tỉnh đã tập trung nắm tình hình, địa bàn, đối tượng, chủ động điều tra các tuyến, địa bàn, lĩnh vực, đặc biệt là điều tra trên các hội nhóm trên không gian mạng liên quan đến hoạt động mua bán người; tham mưu cho các sở, ban, ngành đoàn thể có liên quan phối hợp đấu tranh, phòng ngừa; xác lập các chuyên án, đấu tranh triệt phá các đường dây, mắt xích hoạt động mua bán người… Chỉ tính từ đầu năm 2024 đến nay, Công an tỉnh Thanh Hoá đã phát hiện, bắt giữ và khởi tố 3 vụ, 4 bị can về tội mua bán người trong đó có 2 vụ mua bán trẻ em dưới 16 tuổi.
Đấu tranh hiệu quả với tội phạm mua bán người qua tuyến biên giới
Thời gian qua, với phương châm “không trẻ em nào bị bỏ lại phía sau trong cuộc chiến phòng, chống mua bán người”, Công an Tây Ninh đã triển khai quyết liệt các biện pháp nghiệp vụ để đấu tranh phòng, chống hiệu quả với tội phạm mua bán người theo chỉ đạo của Bộ Công an.
Công an xã Định Tăng, huyện Yên Định, tỉnh Thanh Hóa ngăn chặn kịp thời một cháu bé bị dụ dỗ đi làm “việc nhẹ lương cao”.
Điển hình, qua công tác nghiệp vụ, vào ngày 10/7, tại Cửa khẩu quốc tế Mộc Bài, Phòng Cảnh sát hình sự Công an tỉnh Tây Ninh phối hợp cùng Bộ đội Biên phòng tỉnh Tây Ninh đã bắt giữ Phạm Thị Kim Anh (SN 2003, ngụ Đồng Nai) và giải cứu thành công 2 nữ sinh bị mua bán, gồm: G.M.Đ. (SN 2007, ngụ Bình Dương) và V.V.T. (SN 2007, ngụ An Giang).
Tại cơ quan Công an, Kim Anh bước đầu khai nhận, lợi dụng mạng xã hội Facebook và Telegram để lừa, dụ dỗ và lôi kéo người Việt Nam đưa sang lao động ở khu Đông Thái, TP Bavet, tỉnh Svay Rieng, Campuchia. Khi nạn nhân dính bẫy, Kim Anh bán cho các công ty ở Campuchia với giá 300 USD/người. Kim Anh đã bán được 3 người thì bị bắt giữ.
Thượng tá Nguyễn Văn Tâm, Phó Trưởng phòng Cảnh sát hình sự Công an tỉnh Tây Ninh, cho biết: Để đấu tranh hiệu quả với tội phạm mua bán người, Công an tỉnh Tây Ninh tham mưu UBND tỉnh chỉ đạo các lực lượng Công an và Biên phòng triển khai đợt cao điểm tấn công, trấn áp tội phạm mua bán người. Các ban, ngành, đoàn thể, UBND các huyện, thị xã, thành phố theo chức năng nhiệm vụ được phân công phối hợp triển khai các giải pháp phòng, chống tội phạm mua bán người.
Qua công tác phối hợp, Công an tỉnh Tây Ninh và Bộ đội Biên phòng tỉnh đã xác lập 2 chuyên án đấu tranh với nhóm đối tượng mua bán người sang Campuchia qua cửa khẩu Mộc Bài. Kết quả, lực lượng chức năng đã bắt giữ, khởi tố 7 đối tượng về hành vi mua bán người, giải cứu 9 nạn nhân, trong đó có 1 nạn nhân từ Malaysia. Ngoài ra, lực lượng chức năng còn phối hợp tiếp nhận, xác minh hơn 1.400 công dân Việt Nam do lực lượng chức năng Campuchia trao trả về nước. Qua đó, phát hiện 3 đối tượng truy nã, 22 đối tượng truy tìm của Công an các tỉnh, thành phố trong cả nước. Công an tỉnh Tây Ninh và Bộ đội Biên phòng tỉnh còn phối hợp tuần tra biên giới phòng, chống tội phạm trên tuyến biên giới và xuất, nhập cảnh trái phép.
Riêng Phòng Cảnh sát hình sự Công an tỉnh Tây Ninh cũng đã chủ động phối hợp với Bộ đội Biên phòng tỉnh và lực lượng chức năng Campuchia bắt, khởi tố 2 vụ, 10 đối tượng về hành vi mua bán người, lừa đảo chiếm đoạt tải sản trên không gian mạng. Trong đó, 2 đối tượng cầm đầu tuyển chọn người Việt Nam đưa sang Campuchia bán vào các công ty lừa đảo của người Trung Quốc để hoạt động phạm tội
Tăng cường bảo vệ trẻ em trước tội phạm mua bán người
Đảng, Nhà nước ta đã ban hành nhiều chủ trương, chính sách pháp luật, chương trình, kế hoạch chỉ đạo các bộ, ngành, địa phương triển khai quyết liệt đồng bộ các nhiệm vụ, giải pháp về phòng, chống tội phạm mua bán người.
Trong đó tập trung hiệu quả 9 nhóm nhiệm vụ, giải pháp, từng bước đẩy lùi tội phạm này ra khỏi đời sống - xã hội.
Báo cáo của Cơ quan phòng, chống tội phạm mua bán người tại Việt Nam cho thấy, từ đầu năm 2024 đến nay, tình hình tội phạm mua bán người ở nước ta có diễn biến phức tạp, đòi hỏi cần có nhiều giải pháp, nỗ lực hơn nữa trong công tác này, theo đó 6 tháng đầu năm 2024, số vụ mua bán người được phát hiện, khởi tố mới tăng 21,2% so với cùng kỳ năm 2023.
Bên cạnh thủ đoạn truyền thống với hình thức gặp gỡ để tiếp xúc làm quen trực tiếp với nạn nhân, tội phạm mua bán người đang có xu hướng thay đổi phương thức hoạt động "từ truyền thống sang hiện đại", các đối tượng lợi dụng nền tảng mạng xã hội Facebook, Zalo, Viber, Wechat... để dụ dỗ, lừa gạt nạn nhân. Ngoài ra, các đối tượng tiếp tục lợi dụng hoạt động tư vấn, môi giới hôn nhân với người nước ngoài, cho nhận con nuôi, du lịch, thăm thân, người có nhu cầu xuất khẩu lao động... để tuyển chọn, dụ dỗ, lôi kéo sau đó lừa bán nạn nhân...
Cơ quan Công an lấy lời khai đối tượng Cụt Thị Mùi về tội "Mua bán trẻ em".
Trước tình hình trên, Đảng, Nhà nước ta đã ban hành nhiều chủ trương, chính sách pháp luật, chương trình, kế hoạch chỉ đạo các bộ, ngành, địa phương triển khai đồng bộ, quyết liệt các nhiệm vụ, giải pháp về phòng, chống tội phạm mua bán người, trong đó tập trung triển khai quyết liệt, hiệu quả 9 nhóm nhiệm vụ, giải pháp trong Chương trình phòng, chống mua bán người của Chính phủ giai đoạn 2021 - 2025, định hướng đến năm 2030.
Theo đó, công tác phòng ngừa, nhất là công tác tuyên truyền, truyền thông về phòng, chống mua bán người được đặc biệt chú trọng, triển khai tích cực với nhiều hình thức, nội dung phong phú, đa dạng, hướng về cơ sở và các đối tượng có nguy cơ cao bị mua bán. Việc điều tra, truy tố, xét xử các vụ án mua bán người được lực lượng chức năng tích cực triển khai thực hiện, nhiều đường dây mua bán người ra nước ngoài, trong nội địa được triệt phá và đưa ra xét xử nghiêm minh trước pháp luật.
Trong 6 tháng đầu năm 2024, lực lượng chức năng đã phát hiện, điều tra 98 vụ, 234 đối tượng; xác định 247 nạn nhân. Điển hình, cơ quan chức năng tỉnh Lào Cai phát hiện, điều tra 1 vụ, 3 đối tượng lừa 6 nạn nhân sang Lào; tại tỉnh Nghệ An, vào tháng 7/2024, Công an huyện Tương Dương đã khởi tố vụ án, khởi tố bị can, bắt tạm giam Cụt Thị Mùi (SN 1991), trú tại huyện Thanh Chương (Nghệ An) về tội "Mua bán trẻ em", đồng thời đã giải cứu thành công nạn nhân C.T.K. (SN 2002), trú tại huyện Tương Dương và 2 nạn nhân khác khi mở rộng điều tra vụ án.
Trước đó, chiều11/6, Công an TP Thanh Hóa, tỉnh Thanh Hóa đã bắt quả tang Phạm Thị Hằng (SN 1986), trú tại thị xã Nghi Sơn (Thanh Hoá) khi đang giao dịch và bán cháu gái 5 ngày tuổi tại nhà nghỉ Thu Hà, TP Thanh Hóa. Tiến hành kiểm tra nơi ở của đối tượng, cơ quan Công an phát hiện Hằng đang nuôi 3 phụ nữ mang thai, sau khi sinh, đối tượng sẽ liên hệ làm thủ tục cho con nuôi và trả mỗi người 10 triệu đồng.
Công tác xác minh, xác định, giải cứu, bảo vệ và hỗ trợ nạn nhân bị mua bán được thực hiện nhanh chóng, bảo đảm quyền của nạn nhân. 6 tháng đầu năm 2024, các cơ quan chức năng đã tiếp nhận, xác minh, giải cứu, hỗ trợ 11 nạn nhân, đưa về nước 9 nạn nhân.
Việc hợp tác quốc tế tiếp tục được các bộ, ngành, địa phương đẩy mạnh thực hiện với nhiều hoạt động hợp tác song phương, đa phương, mang lại hiệu quả thiết thực. Qua đó, các nước, các tổ chức quốc tế đánh giá tích cực và nhìn nhận khách quan hơn, thể hiện rõ nét ở việc Việt Nam được nâng lên nhóm 2 trong Báo cáo đánh giá tình hình mua bán người trên thế giới của Hoa Kỳ.
Ngoài ra, để phòng ngừa tội phạm lợi dụng không gian mạng dụ dỗ nạn nhân, nhất là trẻ em, Cục Cảnh sát hình sự, Bộ Công an phối hợp cùng các đơn vị tham gia xây dựng phần mềm: "Người trợ lý ảo" trong phòng, chống xâm hại trẻ em và người dưới 18 tuổi cài trên App điện thoại. Ứng dụng phần mềm này được thiết kế các bộ câu hỏi liên quan đến lĩnh vực: Xâm hại trẻ em, bạo lực học đường, phòng, chống ma tuý, căn cước công dân, an toàn giao thông..., các hình ảnh hướng dẫn kỹ năng phòng, chống xâm hại trẻ em.
Đặc biệt ứng dụng phần mềm được cài đặt chức năng tổng đài khẩn cấp, đường dây nóng của các đơn vị. Ví dụ: Tổng đài quốc gia bảo vệ trẻ em 111; Cảnh sát 113; Phòng cháy 114; Y tế 115 và những câu chuyện liên quan đến tình huống xâm hại trẻ em nhằm trực quan hoá các kiến thức, kỹ năng tự bảo vệ, phòng ngừa trước các loại tội phạm. Có thể nói, phần mềm "Người trợ lí ảo" là ứng dụng đầu tiên tại Việt Nam chuyên về vấn đề bảo vệ trẻ em trên môi trường mạng. Theo Cục Cảnh sát hình sự, đến nay đã có 20.000 lượt cài và truy cập.
Từ những kết quả nêu trên, thể hiện sự nỗ lực, quyết tâm của Chính phủ Việt Nam, các bộ, ngành, địa phương và toàn dân đối với công tác phòng, chống mua bán người. Qua đó, từng bước ngăn chặn và đẩy lùi tội phạm mua bán người ra khỏi đời sống xã hội, góp phần thực hiện mục tiêu "bảo vệ an ninh con người" theo tinh thần Nghị quyết Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng và thiết thực hưởng ứng chủ đề hành động của năm 2024 "Không để trẻ em nào bị bỏ lại phía sau trong cuộc chiến phòng, chống mua bán người".
Thời gian tới, dự báo cuộc chiến phòng, chống tội phạm mua bán người sẽ tiếp tục có diễn biến phức tạp, có xu hướng gia tăng khi nhu cầu tìm việc làm để ổn định đời sống của người dân tăng cao; sự phát triển mạnh mẽ của Internet và các trang mạng xã hội mang lại nhiều tiện ích cho việc trao đổi thông tin, song cũng là phương tiện để tội phạm mua bán người lợi dụng hoạt động, lừa gạt dụ dỗ, mua bán, nhất là đối với nạn nhân là trẻ em và người dưới 16 tuổi.
Do vậy, cần sự tiếp tục vào cuộc của các cấp ủy Đảng, chính quyền, các tổ chức chính trị - xã hội, đoàn thể quần chúng, các ban, ngành và toàn dân từ Trung ương đến địa phương cùng nhau cam kết và biến cam kết thành hành động. Để mỗi thành viên trong cộng đồng phải là một thành viên tích cực trong cuộc chiến chống nạn mua bán người.
Liên hợp quốc xác định mua bán người là một trong bốn loại tội phạm nguy hiểm nhất thế giới và đưa vào chương trình phòng, chống tội phạm toàn cầu kể từ năm 2013, cũng như chọn ngày 30/7 là Ngày thế giới phòng, chống mua bán người.
Ngày 10/5/2016, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành quyết định lấy ngày 30/7 hàng năm là Ngày toàn dân phòng, chống mua bán người.
Từ năm 2016, Ban Chỉ đạo 138/CP chủ trì hoạt động kỷ niệm Ngày toàn dân phòng, chống mua bán người nhằm phát huy sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị và toàn dân tham gia phòng ngừa, ngăn chặn, tiến tới đẩy lùi tội phạm mua bán người.
Chủ đề Ngày thế giới phòng, chống mua bán người năm 2024 là "Không trẻ em nào bị bỏ lại phía sau trong cuộc chiến phòng, chống mua bán người"
Thiếu phụ hai lần phạm tội mua bán người Tội phạm mua bán người đã và đang bị lên án gay gắt, trở thành loại tội phạm nguy hiểm trong xã hội. Thế nhưng, vì tiền mà nhiều đối tượng đã nhẫn tâm dùng những lời lẽ dụ dỗ, hứa hẹn tìm việc làm lương cao, công khai ngã giá, rủ rê nạn nhân đi lấy chồng nước ngoài. Đáng nói, có...