Ninh Bình triển khai các hoạt động trọng tâm đầu năm học mới
Phòng GD&ĐT thành phố Ninh Bình yêu cầu Hiệu trưởng các trường học chỉ đạo, triển khai thực hiện một số việc về tăng cường thực hiện tốt việc quản lý, chăm sóc, tổ chức các hoạt động cho học sinh đầu năm học mới.
Ảnh minh họa
Theo đó, yêu cầu tăng cường công tác tuyên truyền, giáo dục tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, văn hóa học đường trong các cơ sở giáo dục.
Cụ thể sẽ tổ chức các hoạt động giáo dục thiết thực trước thềm năm học mới, tạo tâm thế phấn khởi cho học sinh chuẩn bị bước vào năm học mới; các hoạt động thông tin, tuyên truyền giới thiệu truyền thống nhà trường với học sinh một cách chọn lọc, đạt hiệu quả giáo dục cao;
Phổ biến các quy định nền nếp, các quy tắc ứng xử, văn hóa học đường tới cán bộ, giáo viên, nhân viên, phụ huynh và học sinh; trang trí các khẩu hiệu tuyên truyền, bảng tin giáo dục phù hợp với các hoạt động giáo dục của học sinh trong khuôn viên trường, lớp.
Tăng cường xây dựng và tổ chức các câu lạc bộ văn hóa, văn nghệ, thể dục, thể thao, kỹ năng sống, tư vấn pháp luật… nhằm đáp ứng cho học sinh có nhu cầu, sở trường năng lực, thiên hướng khác nhau; xây dựng kế hoạch hoạt động câu lạc bộ cụ thể, có phân công nhiệm vụ cho từng thành viên.
Tăng cường hoạt động giáo dục thể lực học sinh thông qua tổ chức hoạt động tập thể (tập thể dục hoặc vận động vui chơi nhảy dân vũ, khiêu vũ, nhảy aerobic tập thể, trò chơi dân gian…)
Tiếp tục chủ động phòng chống dịch bệnh, đảm bảo công tác chăm sóc sức khỏe học sinh, an toàn trường học.
Triển khai thực hiện tốt công tác phối hợp với cơ quan y tế địa phương để thực hiện Kế hoạch linh hoạt, thích ứng an toàn trong phòng, chống dịch Covid-19 và các quy định của ngành y tế trong tình hình mới; động viên đôn đốc cán bộ, giáo viên, nhân viên, học sinh thực hiện tiêm chủng vắc xin phòng Covid-19 đúng, đủ liều, góp phần miễn dịch cộng đồng theo mục tiêu của tỉnh đề ra.
Video đang HOT
Xây dựng Kế hoạch phối hợp giữa nhà trường và lực lượng Công an địa phương để quản lý giáo dục học sinh, đặc biệt là các đối tượng học sinh cá biệt (hay bỏ giờ, nghỉ học, nghiện game, vi phạm trật tự an toàn giao thông, đánh nhau, chửi bậy, vô lễ với cha mẹ và giáo viên…);
Ký cam kết thực hiện quy định pháp luật về an ninh trật tự, trật tự an toàn giao thông, phòng chống ma túy và các tệ nạn xã hội, nội quy của nhà trường; bố trí giáo viên trực ban, đội thanh niên, thiếu niên tự quản cùng với nhân viên Bảo vệ nhà trường giám sát học sinh các thời điểm đầu và cuối tất cả các buổi học để phát hiện và ngăn chặn kịp thời các vi phạm mất an ninh trật tự, vi phạm an toàn giao thông, bạo lực học đường tại khu vực cổng trường.
Tăng cường đầu tư bố trí thêm các thiết bị hỗ trợ vui chơi, tập luyện thể dục, thể thao phù hợp với bậc học như: cầu trượt, xà đơn, xà kép, xà chuyền, thang xích, đu giữ thăng bằng… để học sinh vận động thường xuyên nâng thể lực, chiều cao, sức khỏe; bố trí các thùng rác và chậu rửa tay có xà phòng để học sinh rửa tay sạch sau giờ thể dục, lao động, dọn vệ sinh…
Tăng cường các biện pháp, giải pháp đảm bảo đủ nước sinh hoạt, nước uống, các khu vệ sinh luôn sạch sẽ cho cán bộ, giáo viên, nhân viên và học sinh đạt tiêu chí an toàn, văn minh, đúng quy định.
Ngoài ra, các cơ sở giáo dục thực hiện rà soát toàn bộ các yếu tố cơ sở vật chất gây nguy cơ mất an toàn để kịp thời khắc phục (như: bảo dưỡng hệ thống điện phòng học, phòng chức năng, phòng làm việc, trang thiết bị đồ chơi, cây xanh…); các bếp ăn cho học sinh học bán trú đảm bảo quản lý sát sao việc lựa chọn thực phẩm, chế biến, xây dựng khẩu phần ăn đủ dinh dưỡng, an toàn vệ sinh thực phẩm đúng quy định. Triển khai thực hiện tốt công tác bảo hiểm Y tế theo đúng quy định; quan tâm thực hiện tốt công tác chăm sóc sức khỏe ban đầu cho học sinh đúng quy định.
Giúp trẻ dân tộc thiểu số tự tin vào lớp 1
Với trẻ dân tộc thiểu số, việc học tiếng Việt khá khó khăn khi các em đã quen giao tiếp, trò chuyện bằng tiếng mẹ đẻ.
Để học sinh tự tin bước vào lớp 1, giáo viên tổ chức nhiều hoạt động, trò chơi giúp các em 'học mà chơi' và mạnh dạn hơn khi bước vào năm học mới.
Giáo viên đưa ra các câu hỏi, tổ chức trò chơi để giúp học sinh mạnh dạn, tự tin hơn.
Làm quen với trường lớp
7 giờ sáng, lớp học của cô Nguyễn Thị Hà, giáo viên chủ nhiệm lớp 1A4, Trường Tiểu học Kim Đồng (huyện Đăk Hà, Kon Tum) văng vẳng tiếng ê a đọc bài, hăng hái giơ tay phát biểu.
Trên lớp, cô Hà viết bảng chữ cái và dãy số từ 0 - 10 để trò tập đếm. Nhiều em mạnh dạn phát biểu, những bạn khác cũng không kém phần sôi nổi khi giơ tay nhận xét. Khi học sinh trả lời đúng, cô Hà không quên nhắc cả lớp tuyên dương bạn bằng một tràng pháo tay.
"Đối với học sinh lớp 1, tôi luôn khuyến khích các em nhận xét bài đọc, bài làm của bạn. Đồng thời khi các em giơ tay phát biểu luôn được cả lớp cổ vũ, tuyên dương bằng những tràng pháo tay. Mặc dù chỉ là hành động nhỏ nhưng sẽ giúp học sinh mạnh dạn, tự tin hơn", cô Hà tâm sự.
Nhằm giúp học sinh quen với môi trường, lớp học, thầy cô và bạn bè mới, cô Hà phổ biến cho các em thời gian đến lớp và ra về. Cô cũng không quên nhắc nhở và hướng dẫn học sinh phải biết tự phục vụ bản thân, như: Treo mũ bảo hiểm, để đồ dùng học tập, sách vở... đúng nơi quy định. Cô cũng đưa ra một số ký hiệu riêng để học sinh ghi nhớ, tuân thủ đúng quy định của trường, lớp. Khi quen với môi trường mới, cô Hà để các em tự giới thiệu về bản thân, gia đình nhằm giúp học trò biết cách trình bày ý kiến, tự tin, mạnh dạn hơn.
Cô Nguyễn Thị Mỹ Liên hướng dẫn lại cho học sinh cách cầm bút, phấn viết bảng.
Với cô Chung Thị Thương, giáo viên lớp 1A, Trường Tiểu học - THCS Đăk Ui (xã Đăk Ui, huyện Đăk Hà) những ngày đầu học sinh đến trường được tự giới thiệu về bản thân và gia đình. Bên cạnh đó, cô và trò cùng tìm hiểu về nền nếp, nội quy trường lớp thông qua những đoạn video clip.
"Lớp có 22/30 học sinh là người dân tộc thiểu số Nùng, Giẻ Triêng, Xơ Drá... Đa số khi ở nhà các em trò chuyện với gia đình, người thân bằng tiếng mẹ đẻ. Do đó, bước vào lớp 1, các em rất bỡ ngỡ, xa lạ với cả thầy cô, bạn bè và ngại nói tiếng phổ thông. Nhiều em chưa quen thời gian học tập nên 1 - 2 ngày đầu còn khóc đòi về. Chính vì vậy, 2 tuần đầu tiên rất quan trọng để trò quen với trường lớp và nội quy", cô Thương nói.
Để học sinh mạnh dạn hơn, cô Thương cho các em xem những đoạn clip ghi lại hình ảnh sinh hoạt, đọc và học bài của anh chị lớp lớn. Qua đó, học sinh sẽ ghi nhớ, học hỏi và thực hành theo.
"Đối với học sinh lớp 1 người dân tộc thiểu số, việc dạy tiếng phổ thông rất quan trọng và đòi hỏi giáo viên phải kiên trì, nhẫn nại. Bởi đa số các em nhút nhát, ngại giao tiếp với người lạ. Do đó, giáo viên phải gần gũi, sẻ chia và thấu hiểu để giúp các em mở lòng, giao tiếp với cô và bạn nhiều hơn", cô Thương bộc bạch.
Giáo viên Trường Tiểu học Kim Đồng ôn tập lại bảng chữ cái, số thứ tự để học sinh tự tin bước vào lớp 1.
Học tiếng Việt thông qua các trò chơi
"Để tăng cường tiếng Việt cho học sinh, việc duy trì sĩ số rất quan trọng và cần thiết. Bởi nếu trò yêu thích, hào hứng khi đi học sẽ dễ dàng, thuận lợi hơn trong việc tiếp thu kiến thức. Những ngày đầu học sinh đến trường, tôi cũng hướng dẫn cho các em cách cầm bút, phấn viết bảng để khỏi bỡ ngỡ. Trải qua vài buổi làm quen, phần lớn trẻ mạnh dạn và hào hứng hưởng ứng", cô Liên cho biết.
Năm học 2022 - 2023, cô Nguyễn Thị Mỹ Liên - giáo viên Trường Tiểu học Đăk Hà (huyện Tu Mơ Rông, Kon Tum) phụ trách 23 học sinh lớp 1. Đa số các em là người dân tộc thiểu số Xơ Đăng nên tuần học đầu tiên cô Liên tập trung hướng dẫn nền nếp ra vào lớp, chào hỏi. Bên cạnh đó, tạo không khí vui vẻ để các em hứng thú khi đến trường.
Mấy ngày qua, giúp trẻ tự tin, mạnh dạn và nâng cao vốn tiếng Việt khi bước vào lớp 1, Trường Tiểu học xã Pờ Ê (huyện Kon Plông, Kon Tum) tổ chức nhiều hoạt động "học mà chơi". Thầy Lê Tấn Trường Anh, Hiệu trưởng nhà trường, cho hay, năm học này toàn trường có 204 học sinh, trong đó có 58 em lớp 1. Đa số học sinh là người dân tộc thiểu số H'Rê và M'Nông nên trước ngày tựu trường giáo viên đến từng làng, nhà vận động gia đình đưa con em ra lớp.
"Nhà trường tăng cường giáo viên từ lớp 2 đến lớp 5 đón và đưa học sinh từ nhà đến lớp nhằm duy trì sĩ số và tạo sự gần gũi giữa cô - trò. Bên cạnh đó, tổ chức các hoạt động để trẻ vừa học, vừa chơi, từ đó giúp trẻ làm quen yêu cầu môi trường học tập mới", thầy Trường Anh chia sẻ.
Trải qua vài buổi lên lớp, để củng cố và nâng cao vốn tiếng Việt cho trẻ lớp 1, giáo viên Trường Tiểu học xã Pờ Ê tổ chức các trò chơi đoán chữ cái, con vật và rau củ... thông qua những đoạn clip. Từ đó, giúp học sinh dễ dàng tiếp thu, ghi nhớ mặt chữ cái, con số.
"Giáo viên đưa ra các hình ảnh quả chuối, con bò... để giúp học sinh nhớ mặt chữ: Q, C, B... Với những hình ảnh nhiều màu sắc và trò chơi thú vị sẽ kích thích sự tò mò, khám phá của các em. Đến nay, sau mấy ngày làm quen học sinh đã mạnh dạn, tự tin hơn và sẵn sàng bước vào năm học mới. Ngoài ra, nhà trường cũng phối hợp, tuyên truyền đến phụ huynh thường xuyên giao tiếp với trẻ bằng tiếng phổ thông nhằm nâng cao vốn tiếng Việt", thầy Trường Anh bộc bạch.
Chị Y Viên (huyện Tu Mơ Rông, Kon Tum) có 3 người con, đứa út năm nay vừa vào lớp 1. Những năm qua, mặc dù được đến trường học chữ nhưng khi về nhà con và gia đình thường trao đổi với nhau bằng tiếng bản địa. Do đó khi bước vào lớp 1 con chị có phần nhút nhát, ngại giao tiếp bằng tiếng phổ thông. "Sau khi được thầy, cô tuyên truyền, bản thân nhận thức được việc nói chuyện với con bằng tiếng phổ thông rất quan trọng và cần thiết. Thông qua việc trao đổi hàng ngày sẽ tập cho con thói quen nói tiếng Việt. Từ đó dễ dàng ghi nhớ và mạnh dạn hơn trong giao tiếp với mọi người", chị Y Viên bộc bạch.
Cùng học sinh nghèo biên giới chuẩn bị đến trường Nhân dịp chuẩn bị khai giảng năm học mới 2022-2023, những ngày qua, cán bộ, chiến sĩ các đơn vị Biên phòng trên hai tuyến biên giới của tỉnh Nghệ An đã tổ chức nhiều hoạt động để cho các em học sinh đón năm học mới. Các đơn vị đã phối hợp với địa phương, nhà trường dọn dẹp, tu sửa trường...