Những yếu điểm khiến người Việt trẻ ‘gục ngã’ tại thung lũng Silicon
Sinh viên Việt Nam rất tệ về ngoại ngữ, gần như không có kỹ năng mềm, không có kỹ năng hợp tác, tôn trọng đồng nghiệp, tôn trọng đối tác. Tuy nhiên nếu chuẩn bị được kỹ, chúng ta hoàn toàn có cơ hội sang thung lũng Silicon.
Muốn đi tây, phải học từ cách… giữ cửa, nhận quà
Chia sẻ trong một buổi talk show vừa được tổ chức tại Đại học Bách khoa Hà Nội, anh Hùng Trần – nhà sáng lập của Got IT cho biết, yếu điểm lớn nhất mà các sinh viên Việt Nam gặp phải là việc không có kỹ năng mềm. Không chỉ vậy, trình độ ngoại ngữ tệ, kiến thức nền tảng học không kỹ cũng là những khó khăn cản bước các kỹ sư Việt Nam bước chân ra thế giới.
Anh Hùng Trần – nhà sáng lập Got It chia sẻ về điểm yếu của các kỹ sư Việt Nam. Got It hiện được đánh giá là công ty do người Việt làm chủ thành công nhất tại thung lũng Silicon. Ảnh: Trọng Đạt
Theo anh Hùng, điểm đáng tiếc nhất của phần lớn kỹ sư Việt là các bạn quá dễ tính với chính mình, dễ dàng chấp nhận và cảm thấy hạnh phúc với thực tại, trong khi không nhìn thấy được tiềm năng của bản thân còn lớn hơn rất nhiều.
Cùng quan điểm với anh Hùng, thầy Tạ Hải Tùng – Viện trưởng Viện Công nghệ thông tin và truyền thông (Đại học Bách khoa Hà Nội) cho rằng, cái thiếu đầu tiên của các kỹ sư Việt Nam khi ra trường là trình độ ngoại ngữ. Theo thầy Tùng, rất nhiều kỹ năng mềm mà các bạn kỹ sư còn thiếu chỉ lộ diện khi họ ra làm việc ở môi trường nước ngoài.
Thầy Tùng lấy ví dụ về một kỹ sư Việt đang làm việc ở Mỹ. “Vào ngày sinh nhật, mọi người ở cơ quan tặng cho cậu ấy một chiếc bánh gato. Khi nhận được chiếc bánh, cậu ấy khoét phần ngon nhất để ăn thay vì chia đều nó cho tất cả mọi người. Điều này khiến cả cơ quan rất ngạc nhiên và ở Mỹ họ không làm như vậy”, thầy Tùng chia sẻ.
Theo thầy Tùng, văn hóa đợi thang máy cũng là một vấn đề khác, không chỉ vậy, người Việt cũng không biết cách giữ cửa cho người vào sau. Đây là điều mà các kỹ sư Việt cần phải rèn luyện hàng ngày nếu muốn bước ra môi trường nước ngoài.
Video đang HOT
Làm sao để người Việt có thể đặt chân đến thung lũng Silicon?
Theo anh Hùng Trần, một trong những lý do khiến các trường đại học top đầu trên thế giới duy trì được vị thế của họ nằm ở chính cộng đồng các cựu học sinh. Tại thung lũng Silicon hiện có khoảng 30 cựu sinh viên Đại học Bách Khoa. Đây chính là cầu nối để đưa các bạn sinh viên Việt Nam ra với thế giới.
Khả năng ngoại ngữ, kỹ năng làm việc nhóm và kỹ năng mềm là những điểm yếu chí tử cản trở các kỹ sư người Việt tiếp cận với thung lũng Silicon – nơi được mệnh danh là trung tâm công nghệ của thế giới. Ảnh: Trọng Đạt
Hiện nhóm của anh Hùng đang đào tạo kỹ năng và kiến thức cho khoảng 30 bạn sinh viên được tuyển chọn. Mục đích của nhóm là muốn đưa các sinh viên Việt Nam sang thực tập để thử sức tại thung lũng Silicon.
“Các bạn sinh viên Việt Nam gần như không có kỹ năng mềm, không có kỹ năng hợp tác, tôn trọng đồng nghiệp, tôn trọng đối tác. Tuy nhiên nếu chuẩn bị được các kỹ năng đó, chúng ta hoàn toàn có cơ hội sang thung lũng Silicon. Thực tế là đã có 2, 3 bạn sinh viên trong nhóm được các công ty Mỹ tiếp nhận.”, anh Hùng chia sẻ.
Theo anh Hùng, để đi ra được với thế giới, các kỹ sư Việt Nam phải có được cho mình kiến thức nền đủ tốt, bên cạnh đó là kỹ năng mềm và khả năng ngoại ngữ.
“Đó là những thứ giúp mình đi xa. Phải mơ lớn, đừng chỉ nghĩ đến việc đi làm outsourcing (gia công phần mềm) vì nó sẽ làm mất đi cả tương lai của mình”, anh Hùng Trần – nhà sáng lập của Got It và cũng là người Việt thành công nhất tại thung lũng Silicon nói.
Theo thầy Tạ Hải Tùng – Viện trưởng Viện Công nghệ thông tin và truyền thông (Đại học Bách khoa Hà Nội), muốn đi ra thế giới, các bạn sinh viên phải học được cách bỏ đi cái tôi to đùng của mình. “Trừ khi bạn là một người đặc biệt, đừng cố cãi lại với những gì được xem như chuẩn mực chung toàn cầu.”, thầy Tùng chia sẻ. Ảnh: Trọng Đạt
Góp ý vào câu chuyện, thầy Tạ Hải Tùng kể về việc một sinh viên Việt Nam từng phản ứng khi nhận được lời khuyên đừng đi tất trắng với giày đen. “Đây là điều cả thế giới không làm, nhưng cậu sinh viên đó nói rằng anh ta hoàn toàn có thể làm thế với lý do “Em thích.”.”.
Theo thầy Tùng, điều đầu tiên mà các kỹ sư Việt cần phải thích ứng trong quá trình học kỹ năng mềm là việc cởi mở về tư duy. Để làm được điều đó, phải biết tiết chế cái tôi của bản thân để lắng nghe những góp ý từ người khác.
Giống như anh Hùng Trần, thầy Tùng – người đứng đầu Viện Công nghệ thông tin và truyền thông Bách Khoa cũng nhấn mạnh vào một điểm yếu cố hữu của sinh viên Việt Nam, đó là việc thiếu một giấc mơ đủ lớn.
“Đỗ vào trường Đại học Bách Khoa là các bạn đã có tài năng. Tuy nhiên nếu chỉ làm outsourcing, các bạn sẽ bỏ lỡ một giấc mơ khác còn lớn hơn rất nhiều”, thầy Tùng nói.
Trọng Đạt
Theo vietnamnet
Hơn 24 nghìn sinh viên Việt Nam du học đóng góp gần 1 tỷ USD cho kinh tế Mỹ
Trong năm học 2018 - 2019, Việt Nam tiếp tục đứng thứ sáu trong danh sách những nước dẫn đầu về số lượng sinh viên du học tại Mỹ, với 24.392 sinh viên.
Theo báo cáo hàng năm Open Doors của Viện Giáo dục Quốc tế (IIE) được Đại sứ quán Mỹ thông báo trong ngày hôm nay, số lượng du học sinh Việt Nam bậc đại học tại Mỹ tăng 18 năm liên tiếp. Trong năm học 2018 - 2019, Việt Nam tiếp tục đứng thứ sáu trong danh sách những nước dẫn đầu về số lượng sinh viên du học tại Mỹ, với 24.392 sinh viên, tăng 0.3 phần trăm so với năm học 2017 - 2018. Sinh viên Việt Nam đóng góp gần 1 tỷ đô la cho nền kinh tế Mỹ.
Trong tổng số 24.392 sinh viên Việt Nam du học tại Mỹ, 69,9 phần trăm học đại học, 15,2 phần trăm sau đại học, 10,2 phần trăm tham gia thực tập không bắt buộc, và 4,6 phần trăm còn lại theo học các chương trình không cấp bằng.
Số liệu trong báo cáo cũng cho thấy Việt Nam đang trở thành điểm đến quen thuộc hơn của sinh viên Mỹ. Số lượng sinh viên Mỹ đến Việt Nam tăng 7,1 phần trăm, từ 1.147 trong năm học 2016-17, lên đến 1.228 trong năm học 2017-18.
Theo báo cáo, trong năm học 2018 - 2019, có 1.095.299 sinh viên quốc tế đang học tập tại các trường đại học và cao đẳng của Mỹ, tăng 0.05 phần trăm so với năm học 2017-2018.
Mỹ vẫn là lựa chọn hàng đầu của du học sinh, chiếm 21 phần trăm trong tổng số du học sinh bậc đại học trên toàn thế giới, gấp đôi số lượng du học sinh ở nước xếp thứ hai. Kỹ thuật, Toán học và Khoa học Máy tính, Kinh doanh và Quản trị vẫn là các ngành học được sinh viên quốc tế theo học nhiều nhất trong năm học 2018-19.
Số lượng sinh viên theo học ngành Nông nghiệp tăng nhanh nhất, với 10,3 phần trăm so với năm học 2017-18, tiếp theo là Toán học và Khoa học Máy tính, tăng 9,4 phần trăm so với năm học 2017-18. 10 bang có nhiều sinh viên quốc tế du học nhất gồm California, New York, Texas, Massachusetts, Illinois, Pennsylvania, Florida, Ohio, Michigan, và Indiana.
TRUNG MẾN
Theo BIZLIVE
Sinh viên Lào, Malaysia, Singapore, Myanmar sắp sang Việt Nam thi "Sinh viên với An toàn thông tin ASEAN 2019" Đến nay, theo thông tin từ Ban tổ chức cuộc thi "Sinh viên với An toàn thông tin ASEAN 2019", đã chắc chắn có 4 đội đại diện Lào, Malaysia, Singapore, Myanmar sẽ dự vòng thi chung khảo vào ngày 29/11 tới cùng 12 đội tuyển sinh viên Việt Nam. "Sinh viên với An toàn thông tin ASEAN 2019" là cuộc thi kiến...