Những vị phụ huynh… trời ơi
Trong khi đời sống các gia đình đã khấm khá hơn rất nhiều, hầu hết các bậc phụ huynh đều chăm lo cho con cái đầy đủ, đặc biệt là ở thành thị, thì vẫn có những cha mẹ không bao giờ nghĩ rằng hành xử vô tâm của mình ảnh hưởng tới tâm lý, cảm xúc của các con như thế nào.
Chị Thu Hà chia sẻ: “Ngày trước mình cũng như nhiêu mẹ, nghĩ rằng phụ huynh ai ai cũng thánh thiên làm gương cho trẻ nhỏ lắm, nhưng rôi càng ngày càng thât vọng với mây vị phụ huynh… trời ơi”.
Chị kể, năm con học lớp 6 ở trường trung tâm thành phố, các gia đình hầu hết khá giả. Chị đi họp phụ huynh cho con thì bị ấn tượng bởi một “quý bà” ăn mặc sang trọng, trang sức đầy người kiên quyết không đóng quỹ hội phụ huynh vì con chị “không cần lãnh phần thưởng, cũng không ăn liên hoan chung với lớp. Ây thê mà, hôm tông kêt, chị ây cũng có mặt, bảo con tranh lây… 2 phân ăn cho chị ây ăn luôn. Đên lúc phát thưởng, chị ây cãi nhau ỏm tỏi đòi phân thưởng cho con mình…” – chị kể và đặt câu hỏi: “Với những phụ huynh như thế thì phải làm thế nào để khỏi ảnh hưởng đến các cháu?”
Ảnh minh họa.
Câu chuyện của phụ huynh Jemai cũng tương tự. Lớp con chị có một bà nội, lần nào họp phụ huynh cũng giành đi, trong khi con dâu bà thì đứng chầu chực ngoài cửa lớp. Vì theo chị ấy thì không bao giờ đi họp về mà bà phổ biến lại toàn bộ nội dung cuộc họp, cũng không đề xuất những ý kiến mà cả nhà muốn nói với cô giáo. Trong giờ họp thì bà ý kiến liên tục về các khoản thu. “Khoản thu nào đối với bà cũng bất hợp lý, và luôn yêu cầu giảm bớt, giống kiểu đi chợ trả giá vậy”.
Chị Jemai cho biết, cô giáo đã nói rõ là nếu gia đình khó khăn thì có thể xin giấy xác nhận thì sẽ được giảm. Ban đầu chị tưởng gia đình họ khó khăn thật nhưng theo cô con dâu thì “bố mẹ chồng đã về hưu, lương hưu mỗi người trên 15 triệu, chồng đang tại chức”, nhà có mấy chiếc xe tải cho thuê… “Mới đây, trường in cho các cháu 5 cái bảng tên, giá 22.000 đồng, bà cũng ý kiến là làm 5 cái nhiều quá, sao năm ngoái làm có 3 cái thu 15.0000 đồng mà, cò kè mãi mới chịu đóng”.
Còn một ông bố khác thì chị để ý ngay từ ngày đầu đưa con đi nhận lớp 1. “Mới 7h sáng anh ta đã có mùi rượu, và đứng ngoài cửa lớp hút thuốc như kéo bễ vậy. Bất kỳ khoản nào, cô giáo nói một câu là anh ta cũng phải đứng dậy nói 10 câu, cứ cắt ngang người ta luôn”. Sau buổi họp thì anh này không chịu đóng 3 khoản: quỹ lớp, quỹ khuyến học và tiền trang bị chén bát đầu năm của các bé bán trú, vì “không tin tưởng hội phụ huynh sẽ chi đúng những khoản này”.
Video đang HOT
Trong khi có nhiều phụ huynh thậm chí sẵn sàng đóng thêm 1, 2 suất để bù cho những em có hoàn cảnh khó khăn không đóng tiền mỗi khi có dịp ngoại khóa, thì vẫn có những phụ huynh cố tình lờ đi mỗi lần kêu gọi đóng góp tự nguyện.
“Em nhớ mãi có lần đóng góp tự nguyện làm chương trình dã ngoại cho các cháu, phụ huynh bình thường đóng 100.000 đồng, có anh chị đóng 500.000 đồng. Có người lên đưa 5.000 đồng rồi ký tên đi về, thậm chí có người không đóng gì cả (sau đó con vẫn tham gia). Lớp bình thường, không phải lớp nghèo. Cho nên, luôn luôn phải đưa ra mức tối thiểu”.
Hay như một phụ huynh tâm sự, tổ chức gì mà kêu gọi đóng góp tự nguyện thì chỉ 1/3 nộp thôi, 2/3 còn lại lờ đi luôn không góp đồng nào mặc dù bố mẹ con cái vẫn tới tham gia như thường. “Ban phụ huynh kiểm lại thấy hụt nhiều quá đành phải thông báo lại là đóng góp bắt buộc và chia đều. Nói chung làm gì đến đoạn thu tiền mệt lắm, người lớn cả rồi mà không có ý thức tập thể tý nào đâu” – phụ huynh này phàn nàn.
Trong khi nhiều người chỉ trích những ông bố bà mẹ thiếu trách nhiệm thì chị Mai Hoa lại có cái nhìn khác, hướng về những đứa trẻ vô tội. “Bố mẹ xử sự không đúng, kể cả như trường hợp của bà nội trong câu chuyện của chị Jemai, thì đấy cũng đâu phải lỗi của các em. Trường mẫu giáo là nơi các em tâm hồn còn non nớt nhất, bố mẹ không đóng tiền, vậy là lỗi của các em sao? Hơn nữa các em có những người bà, những người bố như trong bài viết của chị thì các em lại càng đáng thương” – chị Hoa lập luận.
Theo TNO
Quỹ lớp, quỹ trường: Thu chi tiền tỷ
Vừa đi họp phụ huynh cho con về, anh Vũ Mạnh H, ở Ba La (Hà Đông, Hà Nội) chìa các khoản thu cho vợ, rồi "báo cáo" thêm: "Còn khoản tiền 250.000 tiền quỹ lớp, quỹ trường/học kỳ nữa nhé, khoản này đóng riêng. Vị chi cả năm là 500.000 đồng".
Giật mình vì tiền tỷ
Anh H kể: "Quỹ lớp quy định không quá 150.000 đồng, thì ban phụ huynh thu đúng 150.000 đồng; Quỹ trường, ban phụ huynh thu 100.000 đồng; tổng là 250.000 đồng/học kỳ. Lớp con mình có 59 cháu, tổng quỹ cả năm là gần 30 triệu đồng. Trường có 30 lớp, hơn 1.500 học sinh, riêng tiền quỹ lớp, quỹ trường là hơn 800 triệu đồng. Năm nào cũng thấy chị hội trưởng hội phụ huynh kêu thiếu".
Nghe nói tới khoản tiền quỹ lớp, quỹ trường 500.000 đồng, chị Nguyễn Thị Hằng ở 27T2, Trung Hòa - Nhân Chính, Hà Nội thở dài: "Đấy là trường ngoại thành mới có mức thu "bèo" thế, ở trường con tôi, tiền 2 loại quỹ này là 1,2 triệu đồng/năm.
Nhà tôi có 2 con đang học ở đó, riêng tiền quỹ đã là 2,4 triệu đồng. Nhiều lúc phụ huynh chúng tôi ngồi họp nhẩm tính mà giật cả mình vì không ngờ quỹ nhiều đến thế: trường có hơn 1.000 cháu, số tiền quỹ lên tới hơn 1,2 tỷ đồng, không biết chi kiểu gì mà hết nhiều thế".
Một trường tiểu học nổi tiếng khác ở Hà Nội là trường Đoàn Thị Điểm, phụ huynh công khai luôn khoản thu quỹ đầu năm học là 2 triệu đồng/học sinh/năm. Chị Lê Thị H. có con gái học lớp 4 trong trường bày tỏ: "Phụ huynh cả lớp nhất trí thì mình cũng phải đồng tình. Nói chung thì trường cũng có nhiều hoạt động, cần có quỹ".
Nhiều phụ huynh ngỡ ngàng vì khoản quỹ lớp, quỹ trường (Ảnh minh họa)
Trên nhiều diễn đàn làm cha mẹ, các khoản chi đầu năm cũng được đưa ra bàn thảo sôi nổi, trong đó có khoản quỹ lớp, quỹ trường. Nhiều phụ huynh cho biết, dường như có mức "sàn" đóng quỹ bởi "không hẹn mà gặp", ở nhiều trường- ban phụ huynh các lớp đều thống nhất thu khoảng 500.000 -600.000 đồng/năm. Không chỉ học sinh tiểu học, THCS mà tới cả học sinh lớp ...mầm, chồi, lá của mẫu giáo cũng đóng tới 300.000 đồng/học sinh/năm.
Mông lung các khoản chi
Một trong nhiều thắc mắc của phụ huynh là "quỹ lớp, quỹ trường chi vào việc gì mà nhiều thế?", chị Vũ Thị Mai - Hội trưởng phụ huynh lớp 3 trên địa bàn huyện Từ Liêm cho biết: "Cuối năm học, bao giờ chúng tôi cũng công khai các khoản chi, tiền quỹ lớp của các con được chi cho các khoản quà cho cô giáo chủ nhiệm, cô giáo bộ môn, Ban giám hiệu nhân ngày 20.10; 20.11, 8.3 và ngày bế giảng. Ngoài ra, tiền quỹ còn chi phần thưởng học sinh Giỏi, tiên tiến cho các con (bao gồm vở, màu), bữa liên hoan cuối năm".
Theo chị Mai, với những khoản chi này thì thu quỹ lớp 150.000 đồng/học sinh/kỳ vẫn còn thiếu.
Cô Lê Thu Hà- Giáo viên tiểu học trên địa bàn huyện Từ Liêm (Hà Nội) chia sẻ, ở cấp tiểu học, THCS, Hội trưởng Hội phụ huynh lớp thường là người cầm Quỹ lớp; Đại diện Ban phụ huynh cấp trường cầm quỹ trường. "Giáo viên không liên quan gì tới khoản thu chi quỹ này"- cô Hà nói. Chính vì thế, họp phụ huynh, đến khoản thu chi quỹ hội là cô giáo đi ra ngoài, cho đỡ "nhạy cảm".
Tuy nhiên, nhiều phụ huynh có con học cùng lớp con chị Mai thắc mắc: "Quỹ lớp chi những khoản đó, vậy quỹ trường chi khoản tiền gì?" thì được chị Mai đọc một danh sách dài các khoản chi quỹ trường, trong đó cũng có khoản mua quà cho Ban giám hiệu, tặng quà cho trẻ nghèo, có hoàn cảnh khó khăn, chi tổ chức các hoạt động đoàn, đội, chưa kể tiền mua đồng phục đánh trống, mua trống.
Một phụ huynh khác cắc cớ đứng dậy hỏi tiếp: "Quỹ lớp cũng có tiền chi cho Ban Giám hiệu, quỹ trường cũng chi cho ban giám hiệu, liệu có chồng chéo; các khoản khác đã có tiền cơ sở vật chất, sao lại lấy quỹ ra chi?". Chị Mai trả lời qua quýt: "Tiền quà cho Ban giám hiệu của quỹ lớp đáng bao nhiêu đâu. Các khoản khác là chi thêm".
Một phụ huynh khác cũng có "chân" trong Hội phụ huynh thì tiết lộ, quà cho Ban giám hiệu ở các lớp nhân ngày lễ được các cô giáo ... nhắc thường xuyên bởi: "Ở trường, Hiệu trưởng có quyền sinh quyền sát, lớp khác có quà cho BGH mà lớp mình không có quà, cô giáo lo lắm, thường phải gợi ý hội phụ huynh chi. Phụ huynh thì tặc lưỡi vì chi thêm 300.000-500.000 đồng cho hiệu trưởng thì cũng không quá lớn". Tuy nhiên, cũng theo vị này, nếu 1 trường có khoảng 20-30 lớp, mỗi lớp có "quà" 500.000 đồng, cộng với "quà" từ quỹ trường thì mỗi ngày lễ, BGH cũng có khoản thu đáng kể.
"Tất nhiên, nhiều cô giáo không để ý khoản này, có cô từ chối không nhận. Nhiều khi phụ huynh vì chiều cô nên tặng quà cho BGH. Thành ra các lớp cũng đua nhau"- chị nói.
Anh Nguyễn Mạnh Hùng- một phụ huynh bày tỏ: "Đóng vài đồng tiền quỹ cho con cũng chẳng ai tiếc. Nhất là để cho các con liên hoan, bánh trái vui vẻ với bạn bè một tý. Nhưng thu chi quỹ chúng tôi thấy cảm tính quá, cũng không giám sát nổi".
Theo TNO
"Bi kịch" họp phụ huynh Trong mỗi năm học, các nhà trường thường tổ chức họp phụ huynh HS vào dịp đầu năm, sơ kết học kỳ và tổng kết năm học. Thông qua cuộc họp này các bậc phụ huynh sẽ nắm được tình hình học tập, rèn luyện, tu dưỡng của con em mình, từ đó giúp phát huy những điểm mạnh, uốn nắn khắc phục...