Những tín hiệu tích cực từ đổi mới sách giáo khoa lớp 1
Sau những bỡ ngỡ từ đổi mới sách giáo khoa (SGK) lớp 1 vào đầu năm học và những “hạt sạn” trong một số bộ SGK được “nhặt” từ những đóng góp của cả cộng đồng, chương trình giáo dục phổ thông mới đang dần cho thấy những hiệu quả tích cực, những phản hồi hài lòng, phấn khởi từ phụ huynh và giáo viên.
Những ngày qua, ai có con đang học lớp 1 đều tròn xoe đôi mắt mỗi khi nghe con tự đọc những câu chữ trong nhà, những bảng hiệu trên đường phố, một mẫu báo hay quyển truyện tranh. Bởi khó ai tin được, một em học sinh lớp 1 chỉ vừa học xong học kỳ I đã có thể đọc thông, viết thạo.
Chị Nguyễn Thị Anh Thy (có con đang học lớp 1, Trường Tiểu học Nguyễn Du, phường Mỹ Bình, TP. Long Xuyên, An Giang) không ngờ con mình có thể tiến bộ nhanh đến vậy. Chị Thy chia sẻ: “Tôi không cho con học chữ trước khi vào lớp 1, đầu năm học tôi e ngại với chương trình mới, phần rèn luyện chữ nhiều con sẽ không viết kịp, không nhớ hết mặt chữ, vậy mà đến giờ con đã đọc được mà không cần phải đánh vần từng chữ. Điều mà hồi nhỏ tôi nhớ đến lớp 2 mình mới thạo”.
Tương tự, chị Nguyễn Thanh Giang (có con đang học tại Trường Tiểu học Lê Quý Đôn, phường Mỹ Long, TP. Long Xuyên) cũng ngạc nhiên với con mình, bởi ban đầu con còn viết chậm, tay cầm viết yếu mà phần rèn viết và bài tập về nhà lại nhiều, chị phải thường xuyên nhắc nhở, kèm con học thêm vào buổi tối. Vậy mà đến khi chuyển sang dùng viết mực, con lại viết nhanh, đọc thông thạo và viết đúng chính tả.
Kết thúc học kỳ I, học sinh lớp 1 đã đọc thạo nội dung bài học và truyện tranh.
Cô Nguyễn Lê Ngọc (giáo viên chủ nhiệm lớp 1B, Trường Tiểu học Lê Quý Đôn) nhìn nhận về chương trình giáo dục phổ thông mới: “Quả thật, điều thay đổi gì ban đầu cũng rất khó được phụ huynh, giáo viên đồng lòng chấp thuận. Bởi ở chương trình mới, học sinh phải học nhiều nội dung, giáo viên vất vả hơn. Đó là ở các khâu tập huấn về SGK từ đầu năm, thay đổi phương pháp giảng dạy, chuyển phương pháp đánh giá kết quả học tập theo tinh thần Thông tư số 22 sang Thông tư số 27.
Giáo viên phải năng động, sáng tạo trong soạn giáo án, giáo án điện tử để minh họa cho một số nội dung trừu tượng, nhiều loại sổ sách hơn để đánh giá kết quả học tập, rèn luyện của học sinh, làm đồ dùng dạy học thường xuyên để phù hợp nội dung bài giảng mới.
Video đang HOT
Cả học kỳ I, các giáo viên rất vất vả nhưng với sự đồng lòng, định hướng từ nhà trường, sự phối hợp tốt với phụ huynh, việc giảng dạy và học tập của các cô trò trở nên nhịp nhàng hơn. Các em học sinh quen được nền nếp nên chương trình học kỳ II sắp tới sẽ không quá khó”.
Hiệu trưởng Trường Tiểu học Lê Quý Đôn Đặng Hoàng Nam đánh giá, chương trình giáo dục phổ thông mới thật sự rất hay và mang lại hiệu quả, làm thay đổi phương pháp giảng dạy, đánh giá học sinh. Giáo viên đánh giá được năng lực chung, năng lực cốt lõi (tính thẩm mỹ, tính toán, thể chất, ngôn ngữ), giúp học sinh tự tin hơn trong học tập, giao tiếp với thầy cô, phụ huynh phát huy được vai trò động viên, quan tâm con em nhiều hơn.
Kết quả bước đầu cho thấy học sinh thuộc đa số các âm vần có thể đọc và viết câu dài, tính toán nhanh hơn so với chương trình cũ. Tuy nhiên, cũng phải thừa nhận rằng nội dung bài học và yêu cầu từng phần đôi khi quá dài, quá tải đối với học sinh, gây khó cho giáo viên bố trí thời lượng giảng dạy. Giáo viên phải linh hoạt hơn, phân bổ thời lượng bài học, tận dụng thời gian trống môn khác để hướng dẫn các em thêm, nhờ các bạn học khá giỏi chia sẻ thêm cho các em trung bình.
Từ thực tế nêu trên, thầy Đặng Hoàng Nam mong muốn rằng, để giáo viên có sự chuẩn bị, đầu tư tốt cho chương trình giảng dạy ở lớp 2 sắp tới, giáo viên phải được tập huấn sớm, đồng thời được triển khai ngay SGK, sách giáo viên ngay thời điểm tập huấn. Từ đó, giáo viên sẽ hiểu rõ từng nội dung, yêu cầu của bài học, phương pháp giảng dạy cũng như đánh giá kết quả học tập của học sinh. Bên cạnh đó, có những góp ý nội dung không phù hợp (nếu có) ngay từ đầu năm học để ngành giáo dục có những điều chỉnh hợp lý hơn, đảm bảo hiệu quả hơn cho chương trình giảng dạy.
Học sinh hứng khởi thăm di tích lịch sử và văn hóa trong hoạt động trải nghiệm
Sau gần một học kỳ triển khai Chương trình GDPT mới, các trường tiểu học trên địa bàn TP Cần Thơ đã chủ động bắt nhịp chương trình, đa dạng hoạt động trải nghiệm cho học sinh.
HS Trường Tiểu học Võ Trường Toản, quận Ninh Kiều (TP Cần Thơ) tham gia hoạt động trải nghiệm An toàn giao thông tại sân trường.
Linh động
Hoạt động trải nghiệm với lớp 1 trong Chương trình GDPT 2018 được ngành Giáo dục TP Cần Thơ quy định 3 mạch nội dung: Hoạt động hướng vào bản thân, xã hội và tự nhiên. Với lớp 2, lớp 3, lớp 4, lớp 5 sẽ có 4 mạch nội dung, gồm hoạt động hướng đến bản thân, xã hội, tự nhiên và hướng nghiệp.
Trao đổi về công tác triển khai hoạt động trải nghiệm ở cấp tiểu học, ông Lê Thanh Long, Trưởng phòng Giáo dục Tiểu học (Sở GD&ĐT TP Cần Thơ) cho biết: Từ đầu năm học 2020 - 2021, Sở đã có văn bản hướng dẫn các trường thực hiện chương trình trên.
Theo đó, các trường tổ chức theo Chương trình GDPT mới với 3 tiết/tuần, được thực hiện thông qua 4 loại hình hoạt động chủ yếu: Sinh hoạt dưới cờ (nhóm lớn, quy mô trường); sinh hoạt chủ nhiệm (nhóm lớn, quy mô lớp học); hoạt động giáo dục theo chủ đề (quy mô lớp học, nhóm lớp học) và hoạt động câu lạc bộ, trong đó câu lạc bộ là loại hình tự chọn.
Ngoài ra, Sở GD&ĐT TP Cần Thơ cũng chỉ đạo các cơ sở giáo dục, đặc biệt là trường tiểu học chủ động xây dựng kế hoạch triển khai theo lộ trình. Tổ chức thực hiện chương trình hoạt động trải nghiệm trong và ngoài lớp học, trên cơ sở bảo đảm các điều kiện đáp ứng nội dung, thời lượng.
Bên cạnh đó, ngành cũng khuyến khích tổ chức hoạt động trải nghiệm ngoài nhà trường với các cơ sở giáo dục có đủ điều kiện, nhưng cần có mục tiêu giáo dục và an toàn cho HS; khuyến khích phụ huynh và Ban đại diện cha mẹ HS tham gia tổ chức, quản lý cùng GV chủ nhiệm lớp và nhà trường.
Theo thầy Lê Kinh Đô - Hiệu trưởng Trường Tiểu học Nguyễn Du (quận Ninh Kiều, TP Cần Thơ), nhà trường thực hiện 3 tiết trải nghiệm/tuần, gồm sinh hoạt dưới cờ, hoạt động và sinh hoạt tập thể. Ngoài ra, trong các môn học khác, HS còn được trải nghiệm khám phá để hình thành và vận dụng kiến thức: Trong môn Toán, các em sẽ thực hành nhận biết vị trí, định hướng, ước lượng tính toán...
Ở môn Tiếng Việt, các em được học chủ đề gần gũi như: Bé và bà, đi chợ, kỳ nghỉ, thể thao, đồ chơi... giúp HS khai thác kinh nghiệm, ngôn ngữ vốn sống, qua đó phát triển phẩm chất căn bản và năng lực cần thiết cho bản thân.
Chú trọng giáo dục kỹ năng
Cuối học kỳ I cũng là lúc các trường tiểu học tổ chức nhiều hoạt động trải nghiệm cho HS. Ảnh: TG
Trong Chương trình GDPT mới, hoạt động trải nghiệm đã có hướng dẫn, quy định cụ thể. Căn cứ theo bài học, tiết học trong thời khoá biểu, GV linh động tổ chức giảng dạy phù hợp tình hình thực tế, điều kiện của trường, lớp. Theo chia sẻ của các trường, hoạt động trải nghiệm ngoài trường học được xây dựng kế hoạch ngay từ đầu năm, trong đó có sự phối hợp của cha mẹ HS với nhà trường.
Theo thầy Lê Kinh Đô, sau khi HS có vốn kiến thức và kỹ năng nhất định ở học kỳ I, đến học kỳ II, nhà trường sẽ chỉ đạo thực hiện các hoạt động trải nghiệm, chú trọng trang bị kỹ năng tự phục vụ, giao tiếp, làm việc nhóm, nhận biết và giải quyết vấn đề qua các hình thức tổ chức như khám phá, tương tác, cống hiến và nghiên cứu. Đồng thời, để tổ chức các hoạt động trải nghiệm hiệu quả, nhà trường đã phân phối thời gian và thiết kế các hoạt động phù hợp với sở thích, lứa tuổi của HS, phối hợp hỗ trợ của quản lý nhà trường, đội, cha mẹ HS, tổ chức, cá nhân, xã hội.
Từ đầu năm học, Phòng GD&ĐT quận Bình Thủy (TP Cần Thơ) cũng tăng cường chỉ đạo các trường tập trung củng cố kiến thức cơ bản cho HS ở học kỳ I. Sau khi kết thúc đánh giá sơ kết, trường sẽ đẩy mạnh các hoạt động giáo dục trải nghiệm nhằm đáp ứng phát triển năng lực của HS, phù hợp với điều kiện nhà trường trên tinh thần tự nguyện tham gia của các em... Chương trình GDPT mới cũng quy định nội dung của hoạt động trải nghiệm tích hợp giáo dục địa phương gồm những vấn đề cơ bản hoặc thời sự về văn hoá, kinh tế, xã hội, môi trường, hướng nghiệp...
Theo bà Lê Thị Hường, Phó trưởng phòng GD&ĐT quận Bình Thủy (TP Cần Thơ), Phòng đã chỉ đạo và hướng dẫn các trường tiểu học trên địa bàn tổ các hoạt động trải nghiệm. Hoạt động phải gắn liền với giáo dục truyền thống lịch sử của địa phương, di tích lịch sử và văn hoá trên địa bàn. "Vừa qua, các trường đã tổ chức một số hoạt động cho HS như thăm mộ Thủ khoa Bùi Hữu Nghĩa, Đình Bình Thủy, Nhà cổ Bình Thủy, Khu di tích Vườn Mận, qua đó giúp HS phát huy năng lực, đồng thời tạo điều kiện cho các em có cơ hội được gặp gỡ giao lưu, phát triển kỹ năng", bà Hường cho biết.
Tránh tình trạng các trường tổ chức hoạt động trải nghiệm theo kiểu phong trào, đối phó, Sở chỉ đạo Phòng GD&ĐT hướng dẫn trường tiểu học xây dựng kế hoạch giáo dục phù hợp với điều kiện cụ thể. Đưa nội dung giáo dục trải nghiệm vào thời khoá biểu hợp lý, trên cơ sở vừa bảo đảm chương trình giáo dục chính khóa, nhu cầu giáo dục phát triển năng lực cá nhân HS. Đồng thời, phải giám sát, kiểm tra, hỗ trợ từng trường thực hiện hiệu quả, giúp HS "mỗi ngày đến trường là một ngày vui". Ông Lê Thanh Long
Học sinh nhí Hà Tĩnh chinh phục "Trạng nguyên Tiếng Anh" toàn quốc Nỗ lực học tập và rèn luyện, Phan Lê Khánh Huyền (lớp 5D, Trường Tiểu học Nguyễn Du, TP Hà Tĩnh) là 1 trong 20 bạn nhỏ đạt danh hiệu "Trạng nguyên tiếng Anh" tại vòng chung kết Festival Trạng nguyên tiếng Anh toàn quốc 2020 vừa qua. Clip: Phan Lê Khánh Huyền tự tin thuyết trình bằng tiếng Anh về chùa Hương...