Những thuyền viên Indonesia bị ném xác xuống biển từ tàu cá Trung Quốc
“Tim tôi tan nát khi nghe tin em trai bị ném xuống biển”, Rika nói và không cầm được nước mắt. Em trai cô, Sepri, là một trong ba thuyền viên Indonesia chết trên tàu Long Xing 629.
Sepri chưa bao giờ đi biển trước khi anh nghe một người bạn nói về cơ hội làm việc trên một tàu đánh cá của người Trung Quốc. Số tiền anh được hứa hẹn vượt xa mọi thứ mà chàng trai 25 tuổi có thể mơ tới tại ngôi làng anh ở trên đảo Sumatra của Indonesia.
“Em ấy rất hào hứng về việc đột nhiên có thể kiếm được số tiền lớn như vậy cho chúng tôi”, chị gái anh, Rika Andri Pratama, nhớ lại.
Với sự đảm bảo về đào tạo và mức lương 400 USD một tháng, anh lên tàu Long Xing 629 cùng với một nhóm gồm 22 người Indonesia hồi tháng 2/2019.
“Trước khi em đi, em mượn một ít tiền từ tôi”, Rika nói. “Em nói đây sẽ là lần (mượn tiền) cuối cùng vì em sẽ trở về với nhiều tiền hơn và cuối cùng chúng tôi có thể sửa lại ngôi nhà của gia đình”.
Tuy nhiên Sepri đã không bao giờ có thể về nhà. Cũng không có đồng nào được gửi về. Và Rika không bao giờ có thể nói chuyện với em trai mình một lần nữa.
Không thể nói lời tạm biệt
Đầu tháng 1, cô nhận được một lá thư. Em trai đã chết trên biển, thi thể của em bị ném xuống biển Thái Bình Dương.
“Tim tôi tan nát khi nghe tin em ấy bị ném xuống biển”, cô nói và không cầm được nước mắt.
Lòng cô tràn đầy cảm giác tội lỗi. “Trước khi mẹ chúng tôi qua đời, những lời cuối cùng của bà là ‘con phải chăm lo cho em trai mình’”.
Hai thuyền viên Indonesia khác cũng qua đời trên tàu Long Xing 629. Sepri và một người đàn ông khác chết chỉ cách nhau vài ngày vào tháng 12, chỉ sau 10 tháng trên biển. Trong khi Ari, người cùng làng với Sepri, chết vào tháng 3 năm nay, ngay trước khi các thuyền viên còn lại được giải cứu.
Sepri (trái) và Ari đều chết trên biển. Họ là người cùng làng ở Indonesia. Ảnh: BBC.
Giống như Sepri, thi thể họ được quấn lại bằng vải và bị ném xuống biển. Giống gia đình của Sepri, gia đình họ cũng sẽ không bao giờ có cơ hội để nói lời tạm biệt.
Một người khác cũng mắc bệnh, Efendi Pasaribu, còn sống để lên bờ, nhưng sau đó cũng qua đời.
Có thể tất cả những câu chuyện này đã không được ai biết đến – chỉ đơn giản là thêm một vài cái chết trên biển – nếu việc “an táng” qua loa được quay lại bằng điện thoại di động không được đưa ra ánh sáng, và dẫn đến làn sóng giận dữ và chỉ trích công khai ở Indonesia.
Thay vào đó, đoạn video đã dẫn đến cuộc tranh luận mới về sự ngược đãi mà thuyền viên phải chịu trên các tàu nước ngoài ở Đông Nam Á.
Video đang HOT
Câu chuyện về cuộc sống trên tàu Long Xing 629 rất quen thuộc, xảy ra chỉ 5 năm sau khi khoảng 4.000 thuyền viên nước ngoài, chủ yếu đến từ Myanmar, được giải cứu khỏi các đảo xa xôi ở Indonesia; một số đã bị bóc lột lao động như nô lệ trong suốt nhiều năm.
Khi đó, Indonesia tuyên bố sẽ chiến đấu để chấm dứt tình trạng đánh bắt không được quản lý và bóc lột thuyền viên trên các tàu nước ngoài.
Khi những người sống sót trên Long Xing 629 bắt đầu kể lại câu chuyện của họ, một điều trở nên rõ ràng là không có nhiều thứ thay đổi.
Rika cầm lá thư nói rằng em trai cô đã qua đời. Ảnh: BBC.
“Tất cả những gì chúng tôi có thể làm là tắm rửa cho họ và cầu nguyện”
Các thuyền viên còn sống, những người yêu cầu viết tắt tên họ, cho biết họ thường bị đánh và đá vào người. Họ không thể hiểu những gì chủ tàu người Trung Quốc nói và điều đó dẫn đến sự nhầm lẫn và bực mình.
Một người nói với BBC Indonesia thi thể bạn bè anh đã sưng phồng lên trước khi họ chết.
Một người khác cho biết họ bị buộc phải làm việc 18 tiếng trong nhiều ngày và chỉ được cho cá làm mồi để ăn
“Họ [thuyền viên người Trung Quốc] được uống nước khoáng, trong khi chúng tôi chỉ được đưa cho nước biển kém chất lượng”, NA, 20 tuổi, nói.
Khi biết rõ bệnh tình của Sepri và những người khác, NA nói họ đã cầu xin thuyền trưởng đưa họ vào đất liền để chữa trị.
Sau khi ba người đàn ông chết, các thuyền viên Indonesia đã xin giữ thi thể họ trong thùng lạnh để có thể được chôn cất họ theo phong tục Hồi giáo khi họ được đưa vào bờ.
Song thuyền trưởng nói với họ rằng không ai muốn như vậy.
“Ông ấy cho rằng mọi quốc gia đều sẽ từ chối tiếp nhận thi thể họ”, NA nói. “Tất cả những gì chúng tôi có thể làm là tắm rửa thi thể theo luật Hồi giáo, cầu nguyện và sau đó thả họ xuống biển”.
Thuyền trưởng cuối cùng đã đồng ý chuyển các thuyền viên Indonesia còn lại sang một tàu Trung Quốc khác sẽ cập cảng Busan, Hàn Quốc. Efendi Pasaribu đang nguy kịch, nhưng anh vẫn còn sống.
Đoạn video quay lại cảnh ném xác xuống biển, gây phẫn nộ tại Indonesia. Ảnh: BBC.
“Ra đi vì tương lai tốt đẹp hơn”
Mẹ của anh, Kelentina Silaban, có thể gọi video cho con trai mình khi anh đanh nằm tại bệnh viện ở Busan. Bà gần như không thể nhận ra Efendi, chàng trai 21 tuổi khỏe mạnh nói lời chia tay với bà chỉ hơn một năm trước.
“Tôi nói xin con hãy về nhà với mẹ, mẹ sẽ chăm sóc cho con tại làng mình”, bà nói.
Song cuối cùng bà chỉ nhận được thi thể con trai. Họ được thông báo rằng anh đã chết vì suy thận và viêm phổi.
Trước khi rời làng năm ngoái, anh từng đăng một bức ảnh lên mạng xã hội, tự hào kéo chiếc vali, với dòng chú thích: “Tôi sẽ ra đi để tạo ra tương lai tốt đẹp hơn”.
Efendi được chôn cất gần ngôi nhà của anh ở vùng nông thôn Sumatra.
“Chúng tôi hy vọng rằng cái chết của em trai chúng tôi sẽ giúp vạch trần cảnh nô lệ trên các tàu cá nước ngoài. Chúng tôi hy vọng rằng chuyện này sẽ được điều tra đầy đủ”, anh trai Rohman nói.
Efendi khỏe mạnh khi rời làng. Ảnh: BBC.
Câu trả lời – không phải tiền
Các nhóm về quyền của di dân đang kêu gọi chính phủ làm nhiều hơn nữa để bảo vệ công dân của họ trước nguy cơ trở thành “nô lệ”.
Chính phủ Indonesia cho biết những người sống sót trên tàu Long Xing 269 – không ai trong số họ nhận được đầy đủ tiền lương – là một phần của nhóm 49 thuyền viên, tuổi từ 19 đến 24, đã bị ép buộc làm việc trong điều kiện tồi tệ trên ít nhất bốn thuyền đánh cá thuộc sở hữu của cùng một doanh nghiệp Trung Quốc, Công ty Đánh bắt Đại dương Đại Liên.
Công ty từ chối bình luận về các cáo buộc khi được BBC liên lạc, nói rằng họ sẽ đưa ra một tuyên bố trên website. Không có phản hồi nào được công bố.
Cả hai nước đều hứa hẹn đưa ra câu trả lời cho các gia đình. Jakarta nói cách đối xử với các thuyền viên Indonesia là “vô nhân đạo”, trong khi Đại sứ quán Trung Quốc tại Jakarta cho rằng đây là một “sự vụ đáng tiếc”.
Họ cho hay họ đang hợp tác với Indonesia tiến hành một “cuộc điều tra toàn diện”.
Thuyền viên Indonesia tàu Long Xing 629. Ảnh: BBC.
Tại Indonesia, ba người đàn ông đã bị bắt trong cuộc điều tra đối với các công ty tuyển dụng các chàng trai trẻ. Họ có thể phải đối mặt với án tù 15 năm nếu bị kết tội theo luật chống buôn người.
“Chúng tôi sẽ đảm bảo rằng công ty phải đáp ứng các quyền của thuyền viên chúng tôi”, Ngoại trưởng Retno Marsudi nói trong một cuộc họp trực tuyến.
“Dựa trên thông tin từ các thuyền viên, công ty đã vi phạm nhân quyền”, bà nói thêm.
Liên hiệp cơ quan ngư dân Indonesia (IFMA) nói rằng có rất nhiều công ty chưa đăng ký đã tuyển dụng thuyền viên mà không có sự giám sát của chính phủ.
“Có rất nhiều yêu cầu từ các tàu nước ngoài, các công ty này chỉ làm các tài liệu cần thiết và cho những người này đi. Không có sự sàng lọc từ phía Indonesia”, phó chủ tịch IFMA, Tikno, nói.
Trước áp lực của công chúng, chính phủ Indonesia cho biết họ đang xem xét áp dụng lệnh cấm sáu tháng đối với thuyền viên Indonesia sẽ làm việc cho các tàu nước ngoài.
“Điều này sẽ giúp chúng tôi có thời gian để cải thiện sự giám sát của chúng tôi, nhờ đó chúng tôi có thể triển khai hệ thống một kênh nơi chúng tôi có tất cả dữ liệu cần thiết để có thể giám sát và đảm bảo quyền lợi của thuyền viên được bảo vệ”, Zulficar Mochtar, quan chức bộ ngư nghiệp, nói.
Trong khi đó, công ty tuyển dụng đã thuê anh trai của Rika, Sepri, đã hứa sẽ trả cho cô khoản tiền bồi thường 250 triệu rupiah (18.000 USD). Song cô ấy muốn câu trả lời, không chỉ là tiền.
“Chúng tôi cần biết những gì đã xảy ra trên con tàu đó,” cô nói. “Hãy để chúng tôi là gia đình cuối cùng phải trải qua chuyện này”.
Thuyền viên Indonesia liên tục bị ngược đãi trên tàu cá Trung Quốc
Từ tháng 11/2019 đến 6/2020 có 7 người chết, 3 người mất tích và 20 người sống sót trong các vụ ngược đãi thuyền viên trên các tàu cá Trung Quốc.
Theo báo cáo ngày 8/6 của Cơ quan giám sát đánh bắt cá hủy diệt của Indonesia, có hơn 30 vụ ngược đãi thuyền viên Indonesia xảy ra trên các tàu cá Trung Quốc trong vòng 8 tháng qua.
Ông Abdi, Điều phối viên của Cơ quan giám sát đánh bắt cá hủy diệt của Indonesia cho biết, từ tháng 11 đến tháng 6/2020 có 7 người chết, 3 người mất tích và 20 người sống sót trong các vụ ngược đãi thuyền viên trên các tàu cá Trung Quốc.
Họp báo liên quan đến vụ 2 thuyền viên Indonesia trên tàu cá Trung Quốc nhảy xuống biển. (Nguồn: medialaskar.com)
Gần đây nhất, ngày 6/6/2020, 2 thuyền viên Indonesia đã phải nhảy xuống biển để trốn thoát khỏi sự cưỡng bức lao động như nô lệ trên tàu cá treo cờ Trung Quốc mang tên Lu Qian Yua Yu 901 khi đi qua eo biển Malacca.
Theo báo cáo của Trung tâm Ngư dân Indonesia, hai thuyền viên này đã trôi nổi trên biển trong suốt 7 giờ và được ngư dân tại Tanjung Balai Karimun, quần đảo Riau cứu vớt. Họ đã tố cáo chủ tàu cá và các thuyền viên Trung Quốc khác thường xuyên đe dọa, thực hiện các hành vi bạo lực và không được trả tiền lương.
Chủ tịch Hội đồng Lãnh đạo thuyền viên khu vực Bắc Sulawesi, ông Anwar Dalewa cho biết, 2 thuyền viên này là nạn nhân của một tổ chức buôn người liên quan đến các đại lý quản lý bất hợp pháp trong nước và các mạng lưới quốc tế.
Cơ quan giám sát đánh bắt cá hủy diệt của Indonesia đã yêu cầu chính phủ Indonesia thực thi pháp luật đối với những người trực tiếp hoặc gián tiếp tham gia vào các hành vi phạm tội buôn bán người và các hành vi vi phạm luật lao động khác. Đồng thời tổ chức này yêu cầu chính phủ quốc gia vạn đảo ban hành lệnh cấm gửi thuyền viên Indonesia ra nước ngoài, đặc biệt là làm việc trên các tàu cá Trung Quốc cả hợp pháp và bất hợp pháp.
Ông Abdi, Điều phối viên của Cơ quan giám sát đánh bắt cá hủy diệt của Indonesia đề nghị Cảnh sát Quốc gia ngay lập tức tiến hành một cuộc điều tra liên quan đến các cáo buộc buôn người theo Luật số 21/2007 về Xóa bỏ buôn bán người. Ông cũng lưu ý rằng, trên con tàu Lu Qian Yua Yu 901 hiện đang ở vùng biển Singapore vẫn còn 10 thuyền viên Indonesia cũng được cho là nạn nhân của các vụ ngược đãi và buôn bán người.
Trước đó, ngày 7/5, Bộ Ngoại giao Indonesia đã đưa vấn đề các thuyền viên nước này bị ngược đãi trên các tàu cá Trung Quốc ra Hội đồng Nhân quyền Liên Hợp Quốc, đồng thời yêu cầu phía Trung Quốc làm rõ về các cáo buộc liên quan đến việc có ít nhất 4 người trong số 46 thuyền viên bị ngược đãi trên 4 tàu cá Trung Quốc đã thiệt mạng. Trong đó, thi thể của 3 ngư dân bị ném xuống biển. Phía Trung Quốc cam kết sẽ điều tra vụ việc song tới nay vẫn chưa có kết quả./.
Indonesia điều tra cái chết của 4 công dân trên tàu Trung Quốc Indonesia đã triệu tập nhà ngoại giao của Trung Quốc để làm rõ về cái chết của 4 thủy thủ người Indonesia trên 2 tàu mang cờ Trung Quốc. Ngoại trưởng Indonesia Retno Marsudi (Ảnh: Reuters) Reuters đưa tin, Bộ Ngoại giao Indonesia ngày 7/5 cho biết họ đã triệu tập Đại sứ Trung Quốc tại nước này, Xiao Qian, để làm rõ...