Những ‘thiên thần’ Thái Bình Dương gốc Việt
Tham gia chương trình hỗ trợ nhân đạo PACANGEL ( Thiên thần Thái Bình Dương) 2018 do Lực lượng Không quân Thái Bình Dương của Mỹ thực hiện tại Quảng Nam, có không ít gương mặt là những người con xa xứ của nước Việt.
Nha sĩ Uyên Nguyễn (phải). ẢNH: NVCC
Trung tá Trịnh Gia Vinh thuộc Phi đoàn viễn chinh số 13 của Không quân Thái Bình Dương – Mỹ, không phải là gương mặt xa lạ trong các chương trình hỗ trợ nhân đạo PACANGEL. Trước khi đảm nhận vai trò Tổng chỉ huy PACANGEL 2018, trung tá Vinh từng 7 lần đến Việt Nam, bắt đầu từ năm 2009, trong các sứ mệnh của chương trình này hoặc chương trình Quan hệ đối tác Thái Bình Dương.
Mỗi lần về Việt Nam là một dịp học tiếng Việt
Trung tá Hoàng P.Kim trao đổi với báo chí Việt Nam về hoạt động PACANGEL. ẢNH: THỤY MIÊN
“Ban đầu tôi tham gia khâu lên kế hoạch hậu cần và trải qua nhiều năm trước khi tiếp nhận vị trí chỉ huy một sứ mệnh”, trung tá Vinh kể và cho biết ông làm tổng chỉ huy lần đầu tiên vào năm 2016 cho sứ mệnh tại Campuchia và kế đến là tại tỉnh Quảng Nam năm 2018. Theo ông, trong xu hướng tăng cường hợp tác nhiều mặt giữa Việt Nam và Mỹ, khả năng nói được tiếng mẹ đẻ và hiểu biết về văn hóa quê hương trở thành lợi thế giúp người Mỹ gốc Việt đóng góp nhiều hơn trong quân đội.
Đối với trung tá Vinh, mỗi lần về Việt Nam là một dịp học thêm nhiều từ tiếng Việt, và ngày càng nói trôi chảy hơn trước. Tổng chỉ huy PACANGEL đặc biệt có duyên với trẻ con. “Tôi chụp hình với các em và về khoe vợ sau mỗi chuyến đi”, ông nói. Cũng chính trong một lần về Việt Nam tham gia PACANGEL mà ông đã gặp tình yêu của đời mình. “Tôi lập gia đình vào năm 2011. Con gái của tôi được chào đời trên quê cha đất tổ vào năm 2013. Tôi thường mang vợ con quay về Việt Nam”, theo vị chỉ huy gốc Việt. Vì gặp vợ mình tại Việt Nam và con gái cũng được sinh ra tại đây, ông hãnh diện khoe: “Con bé là thiên thần Thái Bình Dương thực sự”.
Video đang HOT
Có thêm nhiều bạn địa phương
Một chỉ huy khác có mặt trong đoàn là trung tá Hoàng P.Kim, người đứng đầu đội quân y – y tế gồm cả quân nhân lẫn nha sĩ dân sự. Nguyên quán tại Đà Nẵng, trung tá Kim từ nhỏ đã được cha mẹ kể về Việt Nam. “Thật là một đặc ân khi được giúp đỡ quê hương trong vai trò tham dự PACANGEL”, nữ trung tá chia sẻ.
Tổng chỉ huy Trịnh Gia Vinh chụp ảnh với học sinh Quảng Nam. ẢNH: THỤY MIÊN
Kể lại quyết định tòng quân, trung tá Kim cho hay mọi chuyện bắt đầu từ việc nhận học bổng của quân đội Mỹ trong lúc theo đuổi ngành nha, đổi lại điều kiện là phải phục vụ trong quân đội 2 năm sau khi tốt nghiệp. Sau đó, cô cảm thấy thích hợp với cuộc sống quân ngũ và tiếp tục theo đuổi sự nghiệp này suốt 16 năm qua.
Khác với trung tá Kim, Uyên Nguyễn là một nha sĩ không hề dính dáng gì với quân đội. Cô làm việc tại bệnh viện nha khoa dành cho trẻ em có tên Tooth Doctor for Kids tại thành phố Phoenix (bang Arizona, Mỹ). Sau khi tốt nghiệp năm 2007, mỗi tháng, cô lại dành vài ngày khám chữa răng miễn phí cho những người vô gia cư và cựu chiến binh. Tình cờ biết về PACANGEL, cô Uyên lập tức tìm cách liên lạc với chương trình để có thể quay về Việt Nam, góp phần giúp đỡ các bệnh nhân không có điều kiện. “Đây là năm thứ hai tôi tham gia PACANGEL và cũng là năm thứ hai quay lại Quảng Nam. Mỗi lần lại biết thêm và kết bạn với nhiều người địa phương. Người Quảng rất nhiệt tình và hiền hòa”, cô Uyên vui vẻ nói.
Về vấn đề tài chính khi tham gia chương trình, cô cho hay phải tự làm mọi thứ, như liên lạc đăng ký, chi trả mọi kinh phí liên quan gồm vé máy bay, khách sạn… Tuy nhiên, tất cả đều đáng giá khi có thể khám chữa răng cho những người dân ở quê hương.
Khởi động từ năm 2007, PACANGEL do Lực lượng Không quân Thái Bình Dương của Mỹ tổ chức và đã 7 lần được tổ chức tại Việt Nam, với 2 lần mới nhất đều đến Quảng Nam.
Sứ mệnh tại Quảng Nam từ ngày 10 – 15.9 là một trong 4 chương trình hỗ trợ nhân đạo PACANGEL diễn ra trong năm 2018, sau Timor Leste, Vanuatu và Sri Lanka. Tổng cộng 180 quân nhân, bao gồm 65 thành viên quân đội Mỹ phối hợp với các lực lượng Singapore, Úc, Campuchia và Lào, với sự hỗ trợ của phía Việt Nam
đã triển khai nhiều hoạt động với mục tiêu tăng cường hợp tác giữa các bên, đồng thời hỗ trợ nhân đạo và phòng chống thiên tai tại 4 huyện của tỉnh.
Theo thanhnien.vn
Để tiếng Việt không bị lãng quên
Dù không có trường lớp dạy tiếng Việt, nhưng nhiều gia đình Việt kiều ở Ai Cập đã thành công trong việc dạy con em tiếng Việt.
Cộng đồng người Việt Nam tại Ai Cập chụp ảnh lưu niệm nhân dịp Tết 2019.
Dạy tiếng Việt cho con em thực sự là bài toán rất khó với nhiều gia đình Việt kiều, nhất là ở những cộng đồng ít người Việt Nam như ở Ai Cập. Nhưng không vì vậy mà các cháu không biết tiếng Việt. Dù không có trường lớp dạy tiếng Việt, nhưng nhiều chị em Việt kiều ở Ai Cập đã thành công trong việc dạy con em tiếng Việt để ngôn ngữ, bản sắc văn hóa đất mẹ không bị lãng quên.
Hai con nhỏ của chị Tạ Thị Quỳnh Vân, chồng quốc tịch Pháp có thể nghe hiểu và nói tiếng Việt, thậm chí các cháu còn thuộc nhiều bài hát tiếng Việt. Không chỉ hiểu những lời mẹ nói mà các cháu còn có thể nói, đọc và viết được tiếng Việt, tiếng Pháp và cả tiếng Anh.
Gia đình chị Tạ Thị Quỳnh Vân.
Chị Tạ Thị Quỳnh Vân chia sẻ, tiếng Việt là bản sắc của dân tộc Việt Nam, chị muốn các con của mình biết tiếng Việt để có thể giữ được truyền thống và các mối quan hệ với gia đình ở Việt Nam và để làm được điều này phải có sự kiên trì. Chị chia sẻ: "Như cháu nhỏ nhà tôi năm nay 4 tuổi, khi cháu còn nhỏ tôi đã dạy cháu tiếng Việt. Cháu có hỏi là tại sao mẹ bắt con nói tiếng Việt trong khi mọi người xung quanh nói tiếng Anh và tiếng Pháp.
Tôi giải thích cho con rằng, ông bà ngoại, anh chị ở Việt Nam đều nói tiếng Việt nếu con không biết tiếng Việt thì về Việt Nam con không thể nói chuyện được. Như thế mọi người sẽ buồn và nếu con không muốn mẹ buồn con cần học tiếng Việt bởi điều đó rất quan trọng đối với mẹ. Từ đó cháu hiểu và thích học tiếng Việt. Nhưng bản thân tôi luôn tự nhủ rằng phải nói tiếng Việt với các cháu".
Chị Hoàng Lý và gia đình dự Tết cộng đồng ở Đại sứ quán Việt Nam tại Ai Cập.
Chị Hoàng Lý - một Việt kiều khác thì cho rằng dù các cháu mang quốc tịch gì, lớn lên ở đâu cũng đều phải biết tiếng Việt bởi đó là ngôn ngữ của mẹ đẻ, như vậy các con sẽ gần gũi với mẹ, với bên ngoại hơn. Chị Hoàng Lý đã nói chuyện với con bằng ngôn ngữ tiếng Việt ngay từ khi mang bầu và chỉ nói tiếng Việt khi ở nhà. Bên cạnh đó, chị mua nhiều loại sách tiếng Việt về dạy cho các con từ bảng chữ cái tới tập đánh vần, ghép con chữ và tạo điều kiện cho các con về Việt Nam nghỉ hè. Có như vậy các cháu có sự gắn kết hơn với mẹ và tiếng Việt cũng ngày càng giỏi hơn.
Chị Hoàng Lý chia sẻ: "Mình nên sử dụng tiếng mẹ đẻ từ khi mình mang thai con. Như vậy nó sẽ thẩm thấu tình yêu thương giữa mẹ và con, có sự gắn kết bằng ngôn ngữ mẹ đẻ. Từ lúc cháu còn nhỏ mình dạy cháu tiếng Việt, nhất là trong sinh hoạt hàng ngày, nhất là lúc gia đình ăn cơm. Lúc đó là lúc con tập trung nhất. Khi con hiểu được ngôn ngữ, con sẽ hiểu văn hóa Việt hơn".
Như bao chị em khác, điều thôi thúc đối với chị Bùi Thu Huyền dạy con tiếng Việt bởi đó là ngôn ngữ của mẹ, nó bao gồm cả văn hóa Việt Nam. Không chỉ dạy con nói tiếng Việt, chị Huyền còn dạy con cả đọc và viết tiếng Việt để sau này con có thể về Việt Nam thăm gia đình, nói chuyện với mọi người, đọc sách để hiểu nền văn hóa Việt Nam.
Gia đình chị Bùi Thu Huyền chụp ảnh chung với Đại sứ Việt Nam tại Ai Cập - ông Trần Thành Công.
Chị Bùi Thu Huyền tâm sự: "Khó khăn là cộng đồng bên này ít. Khoảng cách xa nên mọi người gặp nhau cũng ít, chỉ có các dịp Quốc khánh hay Tết nên con không có môi trường để giao tiếp. Vì thế, mình càng phải nỗ lực dạy và nói chuyện với con ở nhà nhiều hơn, dạy con cách đọc, cách viết thường xuyên hơn để con không quên tiếng Việt. Năm nay cháu 10 tuổi, nhưng cháu có thể đọc, viết và giao tiếp bằng tiếng Việt".
Dạy con tiếng Việt chính là sự kết nối bền chặt trong các gia đình Việt kiều ở nước ngoài và cũng là để văn hóa Việt Nam ngày càng hội nhập quốc tế. Tiếng Việt sẽ không bị lãng quên trong thế hệ thứ hai, thứ ba người Việt Nam ở nước ngoài khi mỗi gia đình, mỗi bà mẹ bằng tình yêu và sự kiên trì dạy bảo để một ngày gặt hái những trái ngọt hạnh phúc và giản đơn khi con nói "Con yêu mẹ" bằng chính tiếng Việt./.
Ngọc Thạch/VOV-Cairo
Lớp học chữ Việt trên đất Lào Nhằm giữ gìn gốc gác, hàng trăm học sinh ở tỉnh Savannakhet (Lào) hàng ngày vẫn học tiếng Việt với giáo viên đến từ Quảng Trị. Thấy cô Trần Thị Thanh Huyền đến cửa lớp, cả lớp 6 trường THCS Hữu nghị Lào - Việt (thành phố Kaysone Phomvihane, tỉnh Savannakhet, Lào) bật dậy, nói lớn "Chúng cháu chào cô ạ!". Đặt chiếc...