Những thầy cô đầu tiên “đem ánh sáng văn hóa lên miền núi”
Họ là những người chắp cánh ước mơ cho các thế hệ học trò các dân tộc thiểu số, phát triển giáo dục vùng cao.
Năm 1959, hưởng ứng lời kêu gọi của Chủ tịch Hồ Chí Minh “đem ánh sáng văn hóa lên miền núi”, hơn 860 thầy cô giáo các tỉnh đồng bằng, trung du Bắc bộ đã xung phong lên công tác tại các tỉnh miền núi phía Bắc, tạo dựng nền móng cho sự nghiệp giáo dục các tỉnh Tây Bắc, Việt Bắc hôm nay, góp phần phát triển kinh tế, xã hội của khu vực còn nhiều khó khăn này của Tổ Quốc.
Thầy giáo, anh hùng lao động Nguyễn Văn Bôn năm nay đã ngoài 80 tuổi nhưng khi nói về những năm tháng công tác tại Mù Cả (huyện Mường Tè, tỉnh Lai Châu), nhiệt huyết năm xưa lại ùa về.
Thầy giáo, Anh hùng lao động Nguyễn Văn Bôn về thăm trường THCS xã Mường Tè (tỉnh Lai Châu) năm 2012.
Năm 1959, tốt nghiệp trường Sư phạm sơ cấp Trung ương (nay là Trường Cao đẳng sư phạm Trung ương) và đang công tác tại tỉnh Thái Bình, thầy giáo trẻ Nguyễn Văn Bôn đã viết đơn lên đường theo lời kêu gọi của Đảng và Bác Hồ.
Xã Mù Cả (huyện Mường Tè, tỉnh Lai Châu), khi đó thuộc khu tự trị Thái Mèo, nơi thầy giáo Nguyễn Văn Bôn được phân công công tác có hơn 500 nhân khẩu đều là người Hà Nhì, không ai biết chữ và nhiệm vụ của các thầy giáo, cô giáo cắm bản là phải tự tìm lấy trò, tự dựng trường để dạy học.
Thầy giáo Nguyễn Văn Bôn đã nhanh chóng học tiếng Hà Nhì, tìm hiểu phong tục tập quán của địa phương để tuyên truyền, vận động đồng bào cho con đến lớp. Khi đó, xã Mù Cả có 7 bản cách nhau cả ngày đường, thầy Bôn đã vận động các gia đình ở bản Mù Cả cho học sinh các bản khác ở nhờ, góp gạo ăn cùng gia đình như con em trong nhà. Mô hình “bán trú dân nuôi” đầu tiên đã ra đời từ cách làm sáng tạo của thầy giáo Nguyễn Văn Bôn.
“Không bút viết, tôi bảo các em tập viết trên không và đọc theo. Chưa có giấy viết, tôi bảo các em lấy lá chuối rừng, bỏ sống giữa, gấp lại gọn gàng mang đến lớp làm giấy viết. Nửa tháng sau, tôi mang tiền lương của tôi, nhờ mua giấy bút cho các em”, thầy Bôn nói.
Video đang HOT
Không chỉ dạy chữ cho các em nhỏ, thầy Bôn còn phát động phong trào cả bản, cả xã cùng học chữ và dạy chữ cho nhau. Nhờ sự cố gắng của cả thầy và trò, năm 1963, Mù Cả là xã đầu tiên của rẻo cao phía Bắc được ghi nhận xóa mù chữ. Thầy giáo Nguyễn Văn Bôn đã được Chủ tịch Hồ Chí Minh tặng danh hiệu Anh hùng Lao động đầu tiên của ngành giáo dục cả nước.
“Tôi là phu cõng chữ/ Về với bản mù sương/ Rẽ gianh gập ghềnh bước/ Ước mơ dựng mái trường…”
Những câu thơ trong bài “Lên non” của thầy giáo Phạm Lương Thơ ở xã Đại Hợp, huyện Kiến Thụy, Hải Phòng cũng là những gợi nhớ về 15 năm công tác tại vùng cao Bắc Hà, Lào Cai. Là hiệu trưởng Trường Cấp 1 Hoàng Thu Phố (huyện Bắc Hà), thầy Phạm Lương Thơ vừa là giáo viên cắm bản, vừa đảm nhận vai trò cố vấn công tác của xã. Để hoàn thành nhiệm vụ nặng nề này, chỉ 6 tháng sau khi nhận công tác, thầy Thơ đã thông thạo tiếng Mông và được đồng bào nơi đây coi như con em của bản.
Thầy giáo Phạm Lương Thơ có 15 năm công tác tại huyện vùng cao Bắc Hà (tỉnh Lào Cai).
“Khi tôi lên, tôi cử giáo viên lên các làng bản, vừa dạy phổ thông, vừa dạy bổ túc văn hóa cho dân. Mà xuống tận nương dạy, ăn ở cùng bà con dưới bản để dạy chữ. Tuy giáo viên ít, tôi vẫn hoàn thành xóa nạn mù chữ cho toàn xã. Tháng 3/1967, tôi về làm Hiệu trưởng Trường Đào tạo cán bộ huyện. Năm 1974, tôi lại được điều về làm Hiệu phó trường Thiếu niên Dân tộc vùng cao, bây giờ là trường Thanh niên dân tộc nội trú, tôi về xây dựng đầu tiên”, thầy Thơ nói.
Học sinh của thầy Thơ sau này có nhiều người thành đạt, như: Nguyên Chủ tịch Hội đồng Dân tộc của Quốc hội Tráng A Pao, Nguyên Chủ nhiệm, Bộ trưởng Ủy ban Dân tộc Giàng Seo Phử cùng nhiều cán bộ, lãnh đạo của tỉnh Lào Cai.
Trong đoàn giáo viên trẻ xung phong lên làm nhiệm vụ miền núi năm ấy có một cô gái Hà Nội mảnh mai, cô giáo Đào Tố Mai. Vượt gần 500 cây số đến với các em học sinh miền núi tỉnh Lào Cai, cô giáo Mai đã cùng dân bản và các em học sinh lợp lán dựng trường. Không chỉ dạy chữ, cô giáo Mai còn dạy nữ công gia chánh cho các em gái của bản. Trong hơn 10 năm làm nhiệm vụ tại vùng khó khăn của huyện Bát Xát, thị xã Cam Đường (Lào Cai), dù sức khỏe không được tốt nhưng cô Đào Tố Mai vẫn cố gắng đến thăm nhà, động viên tất cả các học sinh.
Cô giáo Đào Tố Mai, nguyên Phó Hiệu trưởng trường THPT chuyên Trần Phú (Hải Phòng) nói rằng: quãng thời gian công tác tại các huyện miền núi của tỉnh Lào Cai đã giúp cô trưởng thành hơn.
“Sống ở miền núi, nhưng chúng tôi yêu nghề hơn rất nhiều. Dù khó khăn nhưng mỗi lần về xuôi nghỉ hè, chúng tôi đều rủ đi mua sách để không ngừng nâng cao trình độ của mình. Bản thân tôi tuy sống ở biên giới Lào Cai 10 năm, song với tôi đó là những tháng năm đẹp, là nền tảng để sau này về xuôi, tôi vẫn phấn đấu không ngừng và luôn tự hào là mình đã đóng góp một phần để Lào Cai phát triển mạnh mẽ như ngày nay”, cô Mai chia sẻ.
Những giáo viên đầu tiên cắm bản, “cõng chữ lên non” giờ không ít người đã ở tuổi “xưa nay hiếm”, có cả những thầy giáo, cô giáo không còn nữa. Họ là những người chắp cánh ước mơ cho các thế hệ học trò các dân tộc thiểu số, phát triển giáo dục vùng cao, tạo sức bật cho các tỉnh miền núi trong những năm tháng khó khăn nhất./.
Theo VOV
Nơi non cao có những thầy cô như thế!
Chịu khó, chịu khổ để học sinh chịu đến lớp và dần yêu con chữ - những thầy cô cắm bản cũng chính là những người đang ươm mầm xanh trong điều kiện khắc nghiệt nhất với tất cả sự kiên trì, nhẫn nại và niềm hy vọng vào tương lai.
Bằng các chương trình, dự án của Nhà nước kết hợp với sự đầu tư của các địa phương... nhiều cơ sở giáo dục vùng DTTS và Miền núi đã được xây dựng khang trang. Tại những ngôi trường này, học sinh được học tập với trang thiết bị tương đối đầy đủ. Tuy nhiên, ở những xã vùng sâu, vùng xa thời tiết khắc nghiệt, giao thông cách trở, số lượng học sinh ít... đến nay vẫn còn duy trì nhiều điểm trường, đặc biệt là điểm trường mầm non học cùng các lớp 1, 2, 3. Với những điểm trường này, thầy cô được phân công lên dạy đa số đều ở lại cả tuần, cuối tuần mới "xuống núi" - họ được gọi bằng cái tên thân thương: Giáo viên cắm bản.
Lên với các điểm trường các thầy cô cắm bản dạy học là hành trình không đơn giản, bởi đa số điểm trường cách trung tâm xã vài chục ki-lô-mét, đường vừa xa vừa khó. Đây cũng chính là lý do để các thầy cô cắm bản ai cũng đi xe máy đường đèo dốc rất giỏi. Tuy nhiên, những ngày đầu, thầy cô nào cũng té ngã vài lần, xây xát, hỏng xe vài ba lần...
Đường dẫu khó, thầy cô vẫn kiên trì lên với bản làng, với học sinh
Quen đường rồi, các thầy cô phải tập làm quen với những đứa trẻ lấm lem, suy dinh dưỡng, không biết tiếng phổ thông... Không hiếm những ngày, nửa buổi học thấy thiếu các cháu, cô giáo đi tìm, vẫn thấy học sinh đang thơ thẩn chơi ở trên nương, bên mép ruộng. "Các cháu không biết tiếng phổ thông, tiếp thu lại chậm nên từ những kiến thức đơn giản nhất cũng phải nhắc đi, nhắc lại nhiều lần. Những buổi đầu nản trí lắm, nhưng mãi rồi cũng quen" - cô giáo Vũ Thị Hà - giáo viên Trường Dân tộc bán trú xã Bản Máy, huyện Hoàng Su Phì, tỉnh Hà Giang chia sẻ.
Có lớp học mới, cô vui, trò cũng chăm đến lớp
Từ những khó khăn ban đầu, dần dần, thầy cô cắm bản nào cũng thương các bé như con. "Thấy các cháu đến lớp mặc mỗi một bộ quần áo, tôi về trung tâm xã xin quần áo cũ, mang lên lớp để các bé mặc thêm những ngày giá rét. Mua bánh lên lớp ăn sáng, cô ăn 1 cái nhưng phải mua 5 cái để cắt ra chia cho các cháu. Bố mẹ mải đi nương, nhiều cháu mang bụng trống không tới lớp" - cô Lò Thị Hái, giáo viên ở điểm trường Chăm Hỳ (xã Mường Lèo, huyện Sốp Cộp, tỉnh Sơn La) ngậm ngùi.
Dạy học ở các điểm trường, các thầy cô cắm bản quá quen với việc nhiều phụ huynh coi việc học của con là việc của thầy, nên rất ít quan tâm. Thầy Lý A Phông - giáo viên Trường Dân tộc Bán trú xã Trung Sơn, huyện Yên Lập, tỉnh Phú Thọ kể: "Trên lớp, tôi dạy học sinh rất nhiều về việc ăn ở sao cho vệ sinh, nhưng về nhà có khi bố mẹ các cháu lại làm ngược lại. Không chỉ chậm nộp tiền quỹ cả năm, có phụ huynh nộp xong, mai lại lên xin vay lại vì... gia đình có việc".
Những câu chuyện thoạt nghe rất nhỏ, nhưng lại chính là những trở ngại với những thầy cô cắm bản trong công việc hàng ngày. Đáng trân trọng là, vượt lên những khó khăn, thiếu thốn, đa phần các thầy cô cắm bản vẫn cố gắng làm tốt công việc của mình, để cùng với thời gian, việc đến trường, đi học dần nhận được sự quan tâm nhiều hơn của các phụ huynh người DTTS.
Những mầm xanh nơi non cao rồi sẽ cứng cáp hơn bởi có những tấm lòng thầy cô như thế!
Hoàng Mai
Theo congthuong.vn
Chuyển biến trong giáo dục ở vùng dân tộc thiểu số và miền núi Trong những năm qua, hoạt động giáo dục và đào tạo (GD và T) vùng dân tộc thiểu số và miền núi (DTTS và MN) đã có những chuyển biến đáng kể. Hệ thống giáo dục chuyên biệt bao gồm trường phổ thông dân tộc nội trú (PTDTNT), trường phổ thông dân tộc bán trú (PTDTBT), trường dự bị đại học được quan...