Những tập tục hôn nhân lạ trên đỉnh Ngọc Linh
Với người Xê Đăng ở vùng núi Ngọc Linh (xã Trà Linh) giáp ranh giữa Quảng Nam và Kon Tum, cho đến bây giờ, nhiều luật tục hôn nhân vẫn được gìn giữ nguyên vẹn. Ở nơi đó có những tập tục hôn nhân lạ lẫm nhưng được người dân nơi đây rất mực tôn trọng.
Chiếc vòng cầu hôn
Sau một chặng đường dài gần 300km từ Đà Nẵng ngược lên vùng sâm Ngọc Linh nổi tiếng thế giới với những vệt bùn lầy bắn vương vãi khắp người, chúng tôi vào nhà anh Hồ Văn Lon (thôn 3). Người Xê Đăng nơi đây rất mến khách. “Mấy khi có người Kinh ( Juan) lên chơi với mình! Phải tiếp đãi chu đáo chứ!” – anh Lon bảo thế khi chúng tôi ngồi quây quần bên chén rượu cần được ủ mấy tháng.
Anh Lon đã có vợ và 3 đứa con, mặc dù anh mới có 23 tuổi. Anh “gãi đầu” khi tôi bảo thế là lấy vợ sớm đấy.
Người Xê Đăng nơi đây đàn ông và đàn bà đều thích uống rượu. Vợ của anh Lon là chị Hồ Thị Mây cũng uống cùng khách. Nhìn cổ tay trắng muốt của cô sơn nữ 3 con có một chiếc vòng rất đẹp, tôi tò mò định mượn lấy xem, nhưng một thanh niên ngồi bên cạnh vội ngăn lại và giải thích: “Đó là vòng C’râu la (vòng hôn ước) đấy. Trai gái ở đây ai lấy vợ lấy chồng đều được già làng thay mặt Yàng đeo vào, coi như đó là lời nguyền với trời đất. Ai không phải chồng hay người yêu thì không được chạm tay vào vòng ấy đâu! Nếu không sẽ bị làng phạt vạ đấy!”.
Tôi giật mình vì suýt nữa chỉ vì tính tò mò mà phạm vào luật làng, một điều rất cấm kỵ của người dân miền núi.
Chị B’linh và câu chuyện luật tục chan chứa tình người
Già làng Hồ Văn Chính giải thích, chiếc vòng đeo C’râu la ở tay bằng bạc hoặc đồng hay được làm bằng ngà voi, sừng thú, gỗ quý có một ý nghĩa rất quan trọng trong đời sống, sinh hoạt tâm linh của cộng đồng buôn làng Xê Đăng xưa. Chiếc vòng khi đeo vào đôi tay sẽ như cầu nối để đấng bề trên ban sức khỏe, niềm vui, sự may mắn cho người đeo. Không phải ngẫu nhiên mà trong tâm thức của buôn làng luôn coi chiếc vòng C’râu la là vật thiêng được trao tặng trong các buổi lễ tế thần linh, cầu thần rừng, thần núi và là kỷ vật vô giá nếu ông bà, cha mẹ truyền lại.
Ngoài giá trị tâm linh thì chiếc vòng C’râu la còn đóng vai trò như “chiếc vòng cầu hôn”, “vòng đính ước” của lứa đôi trai gái Xê Đăng thay cho lời thề nguyền thủy chung, son sắt. Nếu một chàng trai hay một cô gái Xê Đăng mà đã tự mình đeo vào tay người bạn khác giới chiếc vòng tẻ thì coi như họ đã trao tặng cho đối phương cả cuộc đời mình… và với dân làng, người đó đã được coi là có chồng, có vợ rồi. Những thanh niên khác nếu nhìn thấy chiếc vòng trên tay người con trai con gái Xê Đăng thì cũng biết là không nên tán tỉnh nữa. Chiếc vòng chính là “tờ hôn thú” trước luật làng của người dân bởi đã được Yàng chứng giám rồi.
Đeo vòng C’râu la trên tay có một thời đã trở thành tiêu chuẩn để cộng đồng người Xê Đăng căn cứ vào đó đánh giá mỗi cá nhân. Chẳng thế mà trong quan niệm đã rất xa xưa ở buôn làng thì ai không đeo khuyên tai, không mang vòng tức là đã dám đi ngược với phong tục, là thách thức với thần linh và sẽ bị cộng đồng chê trách, phản ứng; khó cưới được vợ; không được đi ngang hàng với mọi người trong buôn làng và khi chết thì “hồn” không được về với tổ tiên, ông bà ở thế giới bên kia.
Vòng C’râu la thường làm bằng các chất liệu từ gỗ, chì, đồng, bạc, vàng, ngà voi… tùy theo điều kiện kinh tế của mỗi gia đình. Những người Xê Đăng giàu có, thường đeo C’râu la làm bằng ngà voi, mỗi cặp như vậy trị giá bằng cả con trâu mộng hoặc một chiếc ché cổ. Với người nghèo, C’râu la để đeo có thể bằng gỗ, hoặc ai đó học sang thì đeo bằng ngà voi giả làm từ củ sắn phơi khô, trông xa y như ngà thật.
Không phân biệt là phụ nữ hay đàn ông, người Xê Đăng chỉ đeo vòng C’râu la những khi rảnh rỗi, lúc làm việc trong nhà, khi đi ra đường hoặc lúc dự lễ hội của buôn làng, còn hễ đã lên rẫy, vào rừng lao động hay làm việc nặng nhọc thì C’râu la phải được cất ở nhà, vì nếu mất sẽ bị phạt rất nặng…
Video đang HOT
Đời sống hôn nhân độc đáo của người Xê Đăng
Tôi chú ý nhìn vào cổ tay già Chính thấy cũng đeo một cái, già cười bảo: “Lệ làng là vậy, con gái lên 9, lên 10 đã phải theo mẹ vào rừng trồng lanh, tước lanh để mang về dệt vải. Vải dệt xong dùng để may váy áo cho bản thân, may chăn để biếu cha mẹ già khi đi lấy chồng rồi biếu chăn cho bố mẹ chồng. Từ lúc biết dệt cho đến khi lấy chồng, các cô phải may ít nhất là 5 cái chăn.
Ngoài ra, các cô còn phải tự tay làm cho mình một đôi vòng để ngày cưới đặt lên bàn thờ cho thầy mo cúng, rồi già làng sẽ đeo vào tay như một chứng nhận về cuộc sống vợ chồng của họ đã bắt đầu. Theo tục lệ thì cô gái sẽ theo chồng về nhà chồng ở 3 năm, sau đó chàng trai lại theo cô gái về nhà vợ ở 3 năm, cứ như vậy luân phiên cho đến lúc bố mẹ khuất núi thì thôi”.
Anh Lon bế đứa con mới sinh của mình để vợ ngồi uống rượu với mọi người
Nghe già Chính kể đến đây, chúng tôi ngơ ngác nhìn nhau ra ý thắc mắc, già liền bảo: “Tục này có từ xưa rồi. Làm như vậy để cả vợ và chồng đều có trách nhiệm với hai bên bố mẹ. Ở làng này, từ bao đời nay không có chuyện con trai, con gái ngoại tình vì với người Xê Đăng chúng tôi đó là trọng tội.
Ngoài bị phạt trâu bò, rượu, vải để cúng Yàng thì người phạm lỗi còn bị đuổi ra khỏi làng, vĩnh viễn không được quay về nên nếu như có ai lấy phải người không vừa ý cũng không dám đi ngoại tình”.
Trai gái đến tuổi kết hôn, làng có riêng một khu đất, trên đó dựng rất nhiều lều để họ thoải mái hẹn hò nhau. Nhưng tuyệt đối không được đi quá giới hạn, đôi nào “ăn cơm trước kẻng” dù có cưới nhau, làng cũng phạt vạ! Luật lệ nghiêm khắc nhưng vẫn chan chứa tình người. Với những thủ tục khắt khe về hôn nhân như vậy, những tưởng làng sẽ không có ai dám phạm luật nhưng vẫn có người lách luật.
Chúng tôi theo chân già Chính đi xuống cuối làng nơi có khu rừng thiêng một năm chỉ mở cửa một lần để cúng thần rừng. Nơi ấy gia đình chị B’linh đang sống. Lúc chúng tôi đến, chị đang lúi húi vun đống lá khô để đốt xua muỗi. Thấy khách lạ, chị hơi rụt rè nhưng sau khi nghe già Chính giới thiệu, chị mời chúng tôi vào nhà.
Căn nhà sàn đơn sơ, ngay giữa nhà là một khung cửi to nhẵn bóng màu bồ hóng. Chị B’linh năm nay 42 tuổi. Chị lấy chồng từ thuở 15, chồng chị là người cùng làng, hơn chị 2 tuổi. Lấy nhau được hai năm thì anh đi bộ đội, chị ở nhà làm rẫy, dệt vải và cứ 3 năm một lần, chị lại thay chồng về ở với bố mẹ đẻ.
Chiến tranh kết thúc, chị nhận được tin báo chồng chị sẽ trở về trong vài ngày nữa. Nhưng khi anh về, ngoài chiếc ba lô trên vai, anh còn dắt theo một bé trai có khuôn mặt giống anh như đúc. Mắt chị mờ đi khi khóc vì buồn và vì sợ có tội với làng.
Với người Xê Đăng trên đỉnh Ngọc Linh, đàn ông và phụ nữ đều rất thích uống rượu
Chuyện anh Binh, chồng chị có con riêng với người phụ nữ khác như một tiếng sét của Yàng làm chấn động cả làng. Già Chính lúc đó là Trưởng buôn đã vội vã họp các cụ cao niên trong làng, rồi một hình phạt đã được sắp sẵn. Tối hôm đó, bên đống lửa đốt giữa sân nhà rông, anh Binh nghẹn ngào kể lại lý do sự có mặt của cậu con trai.
Vào bộ đội, anh đóng quân ở Đắk Nông và bị thương trong một lần tìm diệt Phul-rô. Những ngày tháng ở bệnh viện dã chiến, anh đã phải lòng cô y tá người Bana. Anh biết làm như vậy là trái với luật làng nhưng không cưỡng lại được lý lẽ của con tim. Cô y tá người Bana chấp nhận chuyện anh đã có vợ và họ đã hứa sẽ về làng tạ tội với vợ anh và chịu mọi hình phạt của làng. Thế nhưng, người phụ nữ ấy đã ra đi vì sốt rét rừng khi chỉ còn vài ngày nữa là anh nhận được giấy ra quân.
Nghe xong câu chuyện của anh, cả làng lặng đi, không biết phải làm thế nào thì chị B’linh đã quỳ xuống khóc xin cho anh Binh vì dẫu sao đó cũng là con của anh, và cũng vì hoàn cảnh nên anh mới phải làm thế. Chị sẵn sàng chấp nhận đứa trẻ, chấp nhận bị làng phạt vạ, chỉ xin cho chị và anh Binh được ở lại làng cho dù bị tách biệt với mọi người cũng được. Sau hai ngày họp bàn, các già đã quyết định vì hoàn cảnh nên anh Binh đã vi phạm lệ làng nhưng xét vì nhiều lý do nên làng sẽ đồng ý cho vợ chồng anh ở lại nhưng với điều kiện phải dọn ra ở cạnh bìa rừng.
Nghe già Chính kể chuyện của mình nãy giờ, chị B’Ho lúc này mới lên tiếng: “Lúc đầu cũng buồn lắm, nhưng càng nghĩ càng thương, giờ đã là vợ là chồng, bỏ sao được, mà đứa trẻ nó đã mất mẹ, nếu nó không cha nữa thì sống làm sao!”. Bây giờ đứa trẻ ấy đã khôn lớn, chuẩn bị lấy vợ nhưng lúc nào cũng rất coi trọng hai vợ chồng chị. Chị cũng lấy đó làm niềm vui.
Nghe câu chuyện về cuộc đời và những luật tục hôn nhân ở đây, tôi thấy dẫu đó là những luật tục khắc nghiệt nhưng những con người có nụ cười đôn hậu nơi đây vẫn cư xử bằng tình người với nhau. Phải chăng vì họ luôn biết đặt chữ tình trong mọi hoàn cảnh nên mọi tình huống trong cuộc sống luôn được họ giải quyết một cách nhẹ nhàng và đầy tình người đến thế.
Theo Dantri
Người phụ nữ dân tộc Hơ Rê 5 lần vinh dự được gặp Bác Hồ
Tới đầu ngõ 275, đường Trường Chinh, phường An Khê, quận Thanh Khê, TP. Đà Nẵng hỏi từ cụ già đến em nhỏ, ai cũng biết bà Từ Thị Công Lễ, sinh năm 1940, người dân tộc Hơ Rê, quê ở Sơn Thủy, huyện Sơn Hà, tỉnh Quảng Ngãi...
nguyên là diễn viên Đoàn Văn công Quân khu 5, người phụ nữ dân tộc thiểu số đã được vinh dự gặp Bác Hồ 5 lần.
1. Vào những ngày giữa tháng 5 lịch sử, khi cả nước đang hân hoan tổ chức nhiều hoạt động kỷ niệm 122 năm ngày sinh nhật Bác Hồ (19/5/1890-19/5/2012), trong cái nắng nóng đến ngột ngạt của những ngày đầu mùa hè, chúng tôi tìm đến gặp người nữ nghệ sỹ già Đại úy Từ Thị Công Lễ - nguyên diễn viên của đoàn Văn công Quân khu 5. Tiếp chúng tôi trong căn nhà nhỏ, bà Lễ run run lần giở từng trang của cuốn nhật ký bằng hình ảnh mà bà đã cất giữ từ rất lâu và luôn coi đó là báu vật của đời mình. Tuy đã hơn 70 tuổi và hơn 50 năm kể từ lần đầu tiên được gặp Bác Hồ, nhưng bà Lễ vẫn nhớ như in những khoảnh khắc đầy vinh dự, tự hào đó. Từng kỉ niệm chợt ùa về như những thước phim chiếu chậm được bà kể lại vanh vách như mới xảy ra hôm qua.
Sinh trưởng trong gia đình tham gia hoạt động cách mạng từ thời chống Pháp, năm 1954, cô bé Từ Thị Công Lễ vừa tròn 14 tuổi và được cử ra miền Bắc học tập theo đoàn học sinh miền Nam. Trước khi ra Bắc, cô bé đã được cha mẹ và bà con người dân tộc Hơ Rê trong làng nhắn nhủ, gửi gắm niềm tin: "Con ra Bắc học tập cho thật giỏi và phải thật ngoan để có cơ hội được gặp Bác Hồ. Nếu được gặp Người thì con phải ngắm thật kỹ để còn về kể lại cho bà con dân làng nghe nhé!" Rồi đích thân vị già làng còn trực tiếp giao "nhiệm vụ" cho cô bé Lễ: "Con ra miền Bắc gặp Bác Hồ thì chuyển lời của bà con Hơ Rê mình với Người rằng: Bà con dân tộc Hơ Rê luôn tin tưởng theo Đảng, theo Cách mạng và theo Bác Hồ đến cùng. Quyết tâm giết thật nhiều giặc, để sớm giải phóng miền Nam, đón Bác vào thăm. Mà con phải tận tay sờ được vào người của Bác xem Người có phải là người bình thường hay là người Trời con nhé!"
Bà Từ Thị Công Lễ thời trẻ
Mang theo lời dặn dò của dân làng Hơ Rê, trong 2 năm học tập tại trường học sinh miền Nam tại Gia Lâm, Hà Nội cô bé Từ Thị Công Lễ đã phấn đấu không ngừng, luôn đạt danh hiệu học sinh ngoan, trò giỏi. Tết Trung thu năm 1956, với những thành tích xuất sắc, cô bé Lễ đã vinh dự có mặt trong đoàn giáo viên, học sinh đến Phủ Chủ tịch để gặp Bác Hồ. Bà Lễ bồi hồi nhớ lạ lần đầu tiên gặp Bác: "Sáng sớm ngày 10/9/1956, tôi và hơn 50 giáo viên, học sinh miền Nam ở các trường trên địa bàn Hà Nội được vào gặp Bác Hồ. Xe vừa dừng lại trước Phủ Chủ tịch chúng tôi chạy ào lên cầu thang dẫn lên phòng khách. Tuy nhiên, Bác Hồ lại đi vòng từ phía sau Phủ Chủ tịch ra đón chúng tôi. Tôi nghe cô giáo chủ nhiệm hô "Bác Hồ đã đến, Bác Hồ đến rồi các em ơi, Bác ở phía sau các em đây, các em mau quay lại để gặp Bác." Tôi đã chờ đợi phút giây này từ rất lâu nên khi gặp Bác, tôi cố sức chen đến tận nơi để được ngắm nhìn Người rõ hơn.
Bác Hồ dẫn các cháu đến chân cầu thang rồi ra hiệu cho chúng tôi cùng ngồi xuống bên Bác. Tôi được vinh dự ngồi ngay sát cạnh Bác Hồ. Khi Bác hỏi, cháu nào bắt được nhịp bài hát "Kết đoàn", lập tức cả một rừng tay giơ lên. Bác ân cần hỏi tiếp: "Thế cháu nào là người dân tộc thiểu số?", có khoảng 7-8 cánh tay giơ lên, trong đó có tôi. Có lẽ vì ngồi gần nhất nên tôi được Bác ưu tiên chỉ định, thế là tôi vừa hươ tay bắt nhịp cho mọi người cùng hát vừa nhìn ngắm Bác mà hát. Chúng tôi hát rất say sưa, vui vẻ. Rồi Bác hỏi: "Các cháu có ăn kẹo không?" - "Dạ có ạ!" - Tất cả đồng thanh đáp. Bác lại bảo: "Các cháu có thích xem phim không? Bác sẽ chiêu đãi các cháu 1 bộ phim nhé!" - "Dạ có ạ!" cả hội trường đồng thanh đáp lời Bác.
Trong thời gian chờ được phát kẹo và xem phim, tôi tranh thủ nắm thật chặt tay Bác Hồ và nói: "Cháu là con em đồng bào dân tộc thiểu số ở miền Nam. Trước khi cháu được ra Bắc học tập, đồng bào có căn dặn, ra miền Bắc phải học tập cho thật tốt để còn được gặp Bác Hồ. Bà con kính yêu Bác Hồ lắm! Bác cho cháu cầm tay Bác thật lâu nhé, cho cháu vuốt chòm râu, cho cháu ngắm Bác Hồ cười...". Bác khẽ gật đầu, đôi mắt Người rưng rưng, nhìn tôi âu yếm. Hôm ấy, Phủ Chủ tịch chiếu phim gì tôi cũng không biết, bởi suốt cả buổi tôi chỉ mải mê ngắm nhìn Bác. Những gói kẹo Bác cho, chúng tôi không ai dám ăn, giữ gìn nâng niu như một báu vật.
2. "Ngày 5/10/1956, Trung đoàn 120 bộ đội Tây Nguyên tập kết ra Bắc, đóng quân tại TP.Vinh, tỉnh Nghệ An thành lập đội Văn công (tiền thân của đoàn Văn công Quân khu 5). Các chú bộ đội có về trường tôi đang học để tuyển diễn viên. Do tôi là người dân khu 5, có vóc dáng xinh xắn lại biết múa, hát nên được chọn vào đội Văn công. Cũng kể từ đấy tôi trở thành chiến sỹ trong Quân đội Nhân dân Việt Nam" - Bà Lễ nhớ lại ngày đầu bước chân vào con đường binh nghiệp.
Công tác ở đội Văn công chưa được bao lâu, năm 1957, Bác Hồ về Vinh nói chuyện với các đơn vị bộ đội miền Nam tập kết ra Bắc, cô diễn viên trẻ Từ Thị Công Lễ lại vinh dự được gặp lại Người lần thứ 2. Nhưng lần này, cô chỉ được đứng từ xa nhìn Bác.
Cuối năm 1961, Bác Hồ về thăm quê lần thứ 2, tôi cùng một nữ văn công nữa của đoàn được chọn ôm hoa đi đón Bác ở sân bay Vinh. Hôm ấy Bác mặc bộ đồ màu nâu giản dị. Sau khi tặng hoa cho Bác, tôi được Người ôm vào lòng. Thấy chiếc quần của Bác đang mặc có 2 dây giẻ rút dài lòng thòng, tôi đánh bạo hỏi Người: "Bác là Chủ tịch nước sao lại ăn mặc bình dị thế này để về quê?" Bác xoa đầu tôi và giải thích: "Ở quê Bác mọi người vẫn mặc loại quần này. Khi Bác về quê thì phải mặc thế này để hòa đồng cùng mọi người, không nên quan cách cháu ạ." Tôi chợt hiểu ra, cho dù là một người lãnh đạo đứng đầu quốc gia nhưng không nên xa cách với quần chúng và phải yêu quê hương mình từ những việc làm bình dị nhất!". Cũng trong đợt về thăm quê lần này, ngày 8/12/1961, Bác Hồ đã đến nói chuyện với cán bộ, chiến sĩ Bộ Tư lệnh Quân khu 4 và đây cũng là lần thứ 4 bà Lễ được gặp Người. Lần này, bà cũng chỉ được đứng từ xa nhìn Bác.
Vợ chồng bà Từ Thị Công Lễ
"Tuy nhiên, lần gặp để lại trong tôi nhiều ấn tượng nhất đó là vào năm 1967, đoàn Văn công bộ đội Liên khu 5 vinh dự được vào Phủ Chủ tịch biểu diễn phục vụ Bác Hồ." - kể đến đây giọng bà Lễ hồ hởi hẳn lên. Trên tường Hội trường trong Phủ Chủ tịch có gắn nhiều tấm gương lớn, chúng tôi chăm chú nhìn vào gương ngắm Bác Hồ. Khi xem tiết mục tấu hài "Tổng ngốc sa lầy" (đả kích Tổng thống Mỹ Nixơn sa lầy trong cuộc chiến tranh Việt Nam), Bác Hồ cười rất sảng khoái, chúng tôi ai nấy cũng vui lây. Tiếp đến là màn múa "Tay chài tay súng" do tốp nữ của đoàn biểu diễn, trong đó có tôi. Do mải ngắm nhìn Bác, tôi quên chưa búi tóc. Khi nhạc nổi lên, chồng tôi (cũng là một diễn viên trong đoàn) nhắc to: Tóc, tóc! Tôi quýnh quáng búi vội mái tóc dài. Suốt thời gian biểu diễn, tôi cứ lo mái tóc bị xổ ra, nếu thế có lẽ tôi sẽ ân hận suốt đời vì không làm tròn nhiệm vụ. Rất may mọi chuyện diễn ra thật tốt đẹp, tiết mục được Bác Hồ vỗ tay khen ngợi. Sau buổi biểu diễn, Bác nói: "Các cháu diễn hay lắm. Các cháu có đói không? Các cháu ăn phở nhé!". Rồi Bác quay sang nhà thơ Tố Hữu đứng cạnh, dặn dò: "Chú Hữu nhớ cho các cháu ăn thật no, thật ngon vào rồi mới để các cháu về đấy nhé!". Trước khi ra về, cả đoàn được chụp ảnh cùng Bác. Lần này tôi cũng chen được vào đứng cạnh Bác. Lúc này sức khỏe Người đã xuống, chúng tôi phải đỡ Bác đứng dậy. Đây cũng là lần cuối tôi được gặp Bác Hồ" - bà Lễ vừa kể vừa lau nước mắt.
3. Năm 1968, cô diễn viên Từ Thị Công Lễ được biên chế về làm giáo viên dạy múa tại trường nghệ thuật quân đội. Ngày 19/5/1969, khi hay tin Bác Hồ mất, bà đã khóc như một đứa trẻ lên 3 đến sưng húp cả 2 mắt.
Sau khi giải phóng hoàn toàn miền Nam - Thống nhất đất nước, theo nguyện vọng, vợ chồng bà được cấp trên điều về công tác tại Đoàn Văn công Quân khu 5. Nghỉ hưu năm 1982 với quân hàm Đại úy, Đội trưởng đội múa, những năm qua bà Lễ cùng chồng là Trung tá Lê Tôn Sùng, nguyên Phó trưởng Đoàn Văn công Quân khu 5, luôn tham gia tích cực các hoạt động xã hội, là diễn viên, biên đạo múa của đội văn nghệ Câu lạc bộ Thái Phiên Đà Nẵng. Bà bảo: "Những lúc dàn dựng hay biểu diễn các tiết mục hát múa về Bác Hồ, trong tôi luôn trào dâng niềm xúc động sâu xa. Nhờ có Đảng, có Bác Hồ kính yêu, tôi mới có cuộc sống hôm nay. Suốt đời tôi luôn đinh ninh phải sống xứng đáng là con cháu của Người". Ngoài ra bà còn dạy 2 cậu con trai, hiện là sĩ quan quân đội phải luôn phấn đấu để xứng đáng trở thành người lính "Bộ đội Cụ Hồ".
Trước khi chia tay, người nữ nghệ sỹ già Từ Thị Công Lễ bộc bạch: "Nếu ai có hỏi cuộc đời tôi có may mắn nào đặc biệt nhất, tôi sẽ không ngần ngại trả lời đó là 5 lần vinh dự được gặp Bác Hồ".
Theo Dantri
Mánh khóe "móc túi" khách hàng của tài xế taxi Để ăn gian tiền cước của khách đi xe, lái xe taxi đã gắn chíp vào đồng hồ tính cước rồi sử dụng điện thoại để điều khiển.... - ông Hoàng Văn Mạnh, Phó Chánh Thanh tra Sở Giao thông Vận tải (GTVT) Hà Nội nhận định. Dùng điện thoại để điều khiển tiền cước taxi Thời gian vừa qua, tại Hà Nội...