Những sự việc ở biển Đông đi ngược lại luật pháp quốc tế
Phát biểu trước Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc và các lãnh đạo ASEAN, Cố vấn an ninh quốc gia Mỹ hôm qua tái khẳng định quan điểm Washington phản đối hành vi ngăn cản các hoạt động kinh tế hợp pháp trên biển, không tôn trọng chủ quyền, quyền chủ quyền của các nước và luật pháp quốc tế ở biển Đông.
Tại hội nghị cấp cao ASEAN – Mỹ diễn ra ở Thái Lan, Cố vấn an ninh quốc gia Mỹ Robert O’Brien đồng thời là đặc phái viên của Tổng thống Donald Trump, nói rằng những hành động như vậy ngăn cản các quốc gia khai thác tài nguyên ngoài khơi và đi ngược lại các quy định của luật pháp quốc tế.
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc dự Hội nghị Cấp cao ASEAN-Hoa Kỳ lần 7 Ảnh: VGP
Cố vấn an ninh quốc gia O’Brien chuyển lời của Tổng thống Trump mời lãnh đạo các nước ASEAN thăm Mỹ trong năm 2020. Tổng thống Trump khẳng định Mỹ luôn mong muốn các nước ASEAN đề cao đoàn kết, kìm chế, giải quyết hòa bình các tranh chấp, đồng thời tôn trọng Tuyên bố về cách ứng xử của các bên ở biển Đông (DOC) và sớm xây dựng Bộ Quy tắc ứng xử ở biển Đông (COC) phù hợp với luật pháp quốc tế, nhất là Công ước Liên Hợp Quốc về Luật Biển (UNCLOS) 1982. Ông cũng khẳng định cam kết của Mỹ đối với khu vực, đồng thời hoan nghênh ASEAN triển khai Tầm nhìn ASEAN về Ấn Độ – Thái Bình Dương.
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh Mỹ là một trong những đối tác lâu đời nhất của ASEAN. Thủ tướng hoan nghênh những cam kết của Mỹ với ASEAN, mong muốn Mỹ thể hiện trách nhiệm, ủng hộ vai trò trung tâm của ASEAN trong định hình cấu trúc khu vực dựa trên luật lệ.
Thủ tướng nêu rõ tầm quan trọng của biển Đông, trách nhiệm của các nước đối với đường biển huyết mạch của thế giới, với 3.400 tỷ USD lưu lượng hàng hóa vận chuyển hàng năm. Nhắc lại lập trường nguyên tắc của ASEAN về biển Đông được các ngoại trưởng ASEAN tái khẳng định tháng 7 vừa qua, Thủ tướng khẳng định các nước, các bên đều có trách nhiệm đóng góp bảo vệ hòa bình, củng cố ổn định, thúc đẩy đối thoại, tăng cường hợp tác, cùng nhau xây dựng khu vực biển Đông hòa bình, hợp tác và phát triển thịnh vượng.
Video đang HOT
Thủ tướng hoan nghênh và khuyến khích các nhà đầu tư Mỹ tham gia các dự án phát triển hạ tầng và năng lượng tại ASEAN. Cùng các nước ASEAN khác, Thủ tướng ghi nhận lời mời của Tổng thống Donald Trump.
Với tư cách là Chủ tịch ASEAN tiếp theo, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cam kết Việt Nam sẽ tiếp tục thúc đẩy để quan hệ ASEAN – Mỹ tiếp tục phát triển vì hòa bình, ổn định và hợp tác khu vực.
Cố vấn O’brien cho biết, để góp phần hỗ trợ các nước tham gia sâu rộng hơn vào tiến trình hội nhập khu vực, Mỹ đề xuất sáng kiến “Mạng lưới các điểm xanh” (Blue Dot Network). Theo đó những nước dẫn dắt sẽ đề ra các tiêu chí, tiêu chuẩn để các nước khác dựa vào đó tham gia các dự án cơ sở hạ tầng chất lượng cao. Mỹ cũng đồng thời cam kết sẽ tham gia sâu hơn, phối hợp chặt chẽ hơn với ASEAN trong các cơ chế do ASEAN thành lập và dẫn dắt.
Những sự việc gây quan ngại
Chiều 4/11 Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc dự Hội nghị cấp cao Đông Á (EAS) lần thứ 14.
Các nước đánh giá EAS là cơ chế hàng đầu đối thoại về an ninh, chiến lược ở khu vực; đánh giá tình hình thế giới diễn biến phức tạp, biến động nhanh chóng, thuận lợi thách thức đan xen.
Hội nghị đánh giá ý nghĩa Tài liệu Tầm nhìn ASEAN về Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương, thể hiện tầm nhìn, nguyên tắc và các lĩnh vực hợp tác ưu tiên của ASEAN trong hợp tác với các đối tác. Các đối tác bày tỏ mong sớm thấy các hoạt động hợp tác cụ thể thời gian tới.
Dành nhiều thời gian thảo luận về tình hình biển Đông, đa số các nước kêu gọi kiềm chế, không làm phức tạp tình hình, tôn trọng luật pháp quốc tế, trong đó có Công ước Liên Hợp Quốc về Luật Biển (UNCLOS) 1982. Các nước cũng nhấn mạnh tầm quan trọng của việc thực hiện đầy đủ DOC, sớm xây dựng COC giữa ASEAN và Trung Quốc hiệu lực, hiệu quả phù hợp với luật pháp quốc tế, trong đó có UNCLOS 1982.
Phát biểu tại hội nghị, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh tầm quan trọng của EAS, đề cao tuân thủ luật pháp quốc tế, thúc đẩy hình thành các chuẩn mực ứng xử và khuôn khổ quan hệ dựa trên luật lệ giữa các quốc gia trong khu vực.
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nêu rõ tình hình biển Đông chưa thật sự bền vững, vẫn còn những sự việc gây quan ngại, đi ngược lại luật pháp quốc tế, có thể ảnh hưởng hòa bình, ổn định và an ninh, an toàn tự do hàng hải, hàng không. Thủ tướng đề nghị các nước đẩy mạnh đối thoại, xây dựng lòng tin, hình thành và chia sẻ các chuẩn mực ứng xử, thực hiện nghiêm túc DOC và xây dựng COC hiệu lực, hiệu quả, phù hợp với luật pháp quốc tế vì biển Đông hòa bình, hợp tác và phát triển thịnh vượng.
BÌNH GIANG
Theo TPO
Tổng thống Donald Trump vắng mặt, Mỹ trấn an ASEAN
Cố vấn An ninh quốc gia Mỹ Robert O'Brien hôm 4-11 lên án hành động đe dọa của Trung Quốc trên biển Đông nhằm ngăn cản các nước trong khu vực khai thác tài nguyên.
Phát biểu tại Hội nghị Thượng đỉnh ASEAN - Mỹ ở Thái Lan hôm 4-11, ông O'Brien nhấn mạnh: "Bắc Kinh sử dụng hành động đe dọa để tìm cách ngăn cản các quốc gia ASEAN khai thác tài nguyên xa bờ, tiếp cận trữ lượng dầu mỏ và khí đốt trị giá đến 2.500 tỉ USD. Chiến thuật này đi ngược lại những quy định về sự tôn trọng, công bằng và luật pháp quốc tế".
Trong bài phát biểu dài 8 phút, ông O'Brien cũng trấn an các lãnh đạo ASEAN về cam kết vững chắc của Mỹ bằng lời nói và hành động đối với bạn bè, đồng minh và đối tác trong khu vực. Cố vấn An ninh quốc gia Mỹ khẳng định Washington đã đóng vai trò quan trọng trong việc giúp các nước ASEAN giữ vững chủ quyền thông qua những biện pháp hỗ trợ an ninh và tập trận hải quân chung.
Cố vấn An ninh quốc gia Mỹ Robert O'Brien (giữa) tại Hội nghị Cấp cao ASEAN - Mỹ ở thủ đô Bangkok - Thái Lan hôm 4-11 Ảnh: Reuters
Trong động thái cho thấy Washington không nói suông, ông O'Brien đã thay mặt Tổng thống Donald Trump đọc thư mời lãnh đạo các nước ASEAN đến Mỹ dự hội nghị thượng đỉnh đặc biệt trong quý I/2020. "Đây sẽ là một cơ hội tuyệt vời để chúng ta tăng cường hợp tác sâu rộng trong nhiều vấn đề quan trọng đối với gần 1 tỉ người mà Mỹ và các nước ASEAN đại diện" - nội dung bức thư nêu rõ.
Ngoài ông O'Brien, Mỹ còn cử Bộ trưởng Thương mại Wilbur Ross dự Hội nghị Cấp cao ASEAN và các hội nghị cấp cao liên quan tại Thái Lan trong bối cảnh ông Donald Trump vắng mặt. Phát biểu tại một diễn đàn kinh doanh bên lề hội nghị hôm 4-11, ông Ross khẳng định Washington vẫn "gắn bó chặt chẽ" với châu Á ngay cả khi nhà lãnh đạo Mỹ quyết định ở nhà. Bộ trưởng Ross cũng bác bỏ những chỉ trích cho rằng Washington quay lưng với các đồng minh châu Á và khẳng định nước này sẽ tiếp tục thương thảo về thỏa thuận thương mại với các nước ở khu vực.
Để chứng minh cho những cam kết của Mỹ đối với khu vực, theo tờ South China Morning Post (Hồng Kông), ông Ross chỉ ra những con số phá kỷ lục về quan hệ kinh tế Mỹ và khu vực Ấn Độ - Thái Bình Dương, từ thương mại hai chiều đến đầu tư trực tiếp nước ngoài. Quan chức này nói thêm rằng thương mại song phương giữa Mỹ và khu vực Ấn Độ - Thái Bình Dương tăng 6% lên mức kỷ lục 2.000 tỉ USD hồi năm ngoái, con số vượt xa kim ngạch thương mại Mỹ - châu Âu 1.500 tỉ USD và giữa Mỹ với khu vực Nam và Trung Mỹ (1.200 tỉ USD). Đáng chú ý, khu vực ASEAN là điểm đến hàng đầu về đầu tư của Mỹ ở khu vực Ấn Độ - Thái Bình Dương. Ngoài ra, ông Ross nhấn mạnh chính quyền ông Trump sẽ tiếp tục duy trì các giá trị quan trọng ở Ấn Độ - Thái Bình Dương, như tôn trọng chủ quyền của tất cả quốc gia, giải quyết tranh chấp bằng con đường hòa bình, một môi trường thương mại mở với các thỏa thuận minh bạch khuyến khích đầu tư và kết nối, đồng thời tuân thủ luật pháp quốc tế, trong đó có tự do hàng hải và hàng không.
Xuân Mai
Theo Nguoilaodong
Mỹ đánh giá cao lập trường nhất quán của Việt Nam về Biển Đông Chính quyền Mỹ khẳng định ủng hộ tự do hàng hải, hàng không và tôn trọng luật pháp quốc tế, đánh giá cao lập trường nhất quán của Việt Nam về Biển Đông. Sáng ngày 4/11, Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Bình Minh có buổi tiếp Cố vấn an ninh quốc gia Robert O'Brien, Đặc phái viên Tổng thống, Trưởng...