Những sinh viên không thể ra trường
Học khá, điểm thi đầu vào cao nhưng không có nghĩa là dễ dàng tốt nghiệp đại học nếu không học tập nghiêm túc. Nhiều sinh viên đã ngậm ngùi rời giảng đường.
Theo thống kê của nhiều trường ĐH, dù đã chuyển đổi sang hình thức đào tạo tín chỉ nên sinh viên (SV) có thể tốt nghiệp chậm nhưng qua những đợt xét tốt nghiệp hằng năm, có hàng trăm SV không thể ra trường do nợ quá nhiều môn học.
Niềm vui trong lễ tốt nghiệp của SV Trường ĐH Tự nhiên TPHCM. Để có niềm vui ấy, họ đã cố gắng học tập trong những năm ngồi trên ghế giảng đường. (Ảnh: Tấn Thạnh)
Giỏi, chưa chắc được tốt nghiệp
T.L.M, SV Khoa Báo chí Trường ĐH KHXH-NV TPHCM, theo đúng hạn phải ra trường từ năm 2008. Tuy nhiên, cho đến thời điểm này, bằng tốt nghiệp của M. vẫn treo lơ lửng bởi M. còn nợ một môn chuyên ngành. Một giảng viên Khoa Báo chí – Truyền thông của trường, cho biết: “Nếu đúng nguyên tắc thì SV này đã bị hủy kết quả học tập. Tuy nhiên, xét đến hoàn cảnh thì việc giải quyết linh hoạt bằng hình thức chuyển loại hình đào tạo từ chính quy sang tại chức thì có thể”. Theo vị giảng viên này, từ năm 2006 trở về trước (năm trường đào tạo theo hệ niên chế), mỗi năm có không dưới 5 SV khoa này không thể tốt nghiệp.
Một trường hợp khác là G.A, cũng là SV khoa báo chí với điểm thi đầu vào khá cao (20,5 điểm) . Quá trình học tập năm đầu của G.A được giáo viên đánh giá tốt, bạn bè ngưỡng mộ thông qua những bài viết cộng tác trên các báo nhưng cũng từ đó, SV này bỏ bê học tập bắt đầu bằng việc không đến lớp, bỏ thi. Đến năm thứ 3 thì G.A không thể theo được nữa, bởi số môn học còn nợ quá nhiều. SV khoa báo chí vẫn nhắc đến “huyền thoại” G.A “nhầy” vì bắt gặp G.A trong những tiệm game online, những cuộc nhậu thâu đêm và đi bụi.
Học giỏi và mê đua xe mô hình là những gì SV Khoa Công nghệ thông tin Trường ĐH Khoa học Tự nhiên TPHCM nhắc đến P.C.H. Dù nổi tiếng với phần mềm được giải thưởng cấp TP nhưng H. cũng không thể tốt nghiệp do ham làm… quên học. H. cho biết: “Ngày đó có một môn giảng viên tính điểm thông qua 2 lần kiểm tra, lần giữa kỳ và cuối kỳ. Tôi bỏ học nhiều nên mất hẳn phần điểm giữa kỳ. Thi cuối kỳ dù có cao thế nào cũng không đủ điểm tổng kết và thi lại hoài không được”.
“Phao” tín chỉ vẫn không thoát
Video đang HOT
Th.S Nguyễn Nguyễn Anh Đức, Trưởng Phòng Công tác HS-SV Trường ĐH Sư phạm Kỹ thuật TPHCM, cho biết: “Trong đợt xét tốt nghiệp vào ngày 30-8 vừa qua, có khoảng 28 SV không đủ điều kiện, những SV này nếu có nguyện vọng sẽ được chuyển hình thức đào tạo sang hệ tại chức, áp dụng theo Quy chế 43, cho đến khi nào trả nợ hết môn thì được cấp bằng tốt nghiệp. Nguyên nhân do SV vừa đi học vừa đi làm nên không theo kịp chương trình”.
Được chuyển loại hình đào tạo từ chính quy sang tại chức có thể xem là cái “phao” cứu nhiều SV thoát khỏi “cửa tử”. Tuy vậy, không phải SV nào cũng muốn được chuyển. TS Phạm Tấn Hạ, Trưởng Phòng Đào tạo Trường ĐH KHXH-NV TPHCM, cho rằng khi đi học thì người học đã xác định mục đích, động cơ nên nếu không như mong muốn thì họ bỏ hoặc sẽ chuyển sang học trường khác chứ ít SV muốn chuyển qua hệ tại chức.
Lãnh đạo một trường ĐH thừa nhận việc chuyển đổi loại hình đào tạo vừa là ưu cũng là nhược điểm của hệ đào tạo tín chỉ. Có nghĩa là dù thế nào SV cũng có thể tốt nghiệp nhưng làm cho chất lượng đầu ra bị thả nổi. Thêm thông tin gần đây nhiều địa phương nói không với hệ tại chức đã khiến không ít SV hoang mang.
Tại Trường ĐH Nông Lâm TPHCM, ThS Trần Đình Lý, Trưởng Phòng Đào tạo, cho biết: “Số lượng SV bị buộc thôi học do quá thời gian đào tạo tại trường chủ yếu rơi vào SV hệ vừa làm vừa học (mỗi năm khoảng 15-20 SV/năm),một số khác là SV hệ CĐ chính quy (khoảng 8-10 SV). Nguyên nhân chủ yếu là SV không thể tiếp tục theo học do áp lực công việc. Một số trường hợp SV làm việc trong các công ty, đơn vị không đòi hỏi bằng cấp nên sao nhãng việc học”.
Theo TS Nguyễn Kim Quang, Trưởng Phòng Đào tạo Trường ĐH Khoa học Tự nhiên TPHCM: “Mặc dù hình thức đào tạo theo tín chỉ đã mở lối cho nhiều SV có điều kiện tốt nghiệp hơn hệ niên chế, dù chậm. Tuy nhiên, mỗi năm tại trường vẫn có một lượng không nhỏ SV “rơi rụng”. Trong đó có trường hợp bị phân tâm do hoàn cảnh mà SV muốn chuyển đổi ngành nghề có SV vừa học vừa làm nên không có thời gian học. Nhiều SV rơi vào trạng thái vỡ mộng khi lý tưởng về ngành học một đằng còn thực tế lại khác. Cũng có SV hoang mang do sự biến động ngành nghề. Ví dụ có năm nghề đó “hot”, năm sau không còn hoặc bị bão hòa nên SV lo lắng về việc làm. Điều đó cho thấy công tác hướng nghiệp ở bậc phổ thông là hết sức cần thiết”.
Lãng phí Ở góc độ tâm lý, TS Võ Văn Nam, Trường ĐH Sư phạm TPHCM, cho rằng môi trường học tập đối với SV là cực kỳ quan trọng. “Niềm hứng thú với học tập là yếu tố quyết định chất lượng đầu ra của SV. Nếu có đam mê thì mới không chán học, kích thích SV tìm tòi, sáng tạo, nghiên cứu khoa học. Ngược lại, nếu không hứng thú, rơi vào tình trạng vỡ mộng vì học sai ngành thì rất nguy hiểm. Chỉ có hướng nghiệp đúng đắn, định hướng nghề nghiệp dựa trên năng lực, sở thích, tiềm năng của bản thân thì mới giải quyết căn bản được tình trạng SV chán học. TS Lê Thị Thanh Mai, Trưởng Ban Công tác SV – ĐH Quốc gia TPHCM, cho biết: Việc SV phải chọn nguyện vọng 2 để vào ĐH cũng nói lên mong ước của SV đã phải “hạ chuẩn” nên niềm say mê, hứng thú ngành học, trường học cũng giảm đi một bậc, làm ảnh hưởng không nhỏ đến việc học tập. Tình trạng nhiều SV không thể ra trường không chỉ gây lãng phí cho nhà trường mà còn cho xã hội.
Theo Đặng Trinh
Người Lao Động
Tốt nghiệp nhưng không có bằng cấp?
Ra trường đi làm nhưng nhiều người vẫn chưa chính thức nhận bằng tốt nghiệp. Các trường đưa ra nhiều lý do trong đó có những nguyên nhân lại không xuất phát từ phía người học.
Dù Bộ GD-ĐT có quy định về thời gian cấp bằng tốt nghiệp nhưng trên thực tế nhiều trường không tuân thủ đúng quy định.
30 ngày thành 1 năm
Quy định hiện hành về quản lý văn bằng, chứng chỉ giáo dục phổ thông, THCN, ĐH và sau ĐH yêu cầu đối với chứng chỉ, bằng tốt nghiệp THCN, CĐ, ĐH, bằng thạc sĩ, bằng tiến sĩ chậm nhất sau 30 ngày cơ quan cấp văn bằng, chứng chỉ có trách nhiệm hoàn tất các thủ tục để cấp văn bằng. Thế nhưng đa số các trường ĐH, CĐ, TCCN thường phát bằng trong khoảng thời gian 3 tháng vì phải chờ SV các khoa cùng tốt nghiệp. Thậm chí có rất nhiều trường hợp phải sau 6 tháng, 1 năm hay lâu hơn nữa.
Chị Võ Thị Phương Hoa - cán bộ công tác tại Bệnh viện Hùng Vương TP.HCM, bức xúc: Chị học ngành Điều dưỡng (khóa 2006 - 2008), bậc trung cấp trường ĐH Y Dược TP.HCM và nhận giấy chứng nhận tốt nghiệp vào tháng 12.2008 nhưng mãi đến tháng 4.2010 mới được cấp bằng tốt nghiệp chính thức. "Tôi và các bạn đã đến phòng đào tạo của trường hơn 10 lần nhưng nhà trường cứ hứa hẹn... Tôi không thể vào biên chế công tác được vì không có bằng tốt nghiệp. Một số đồng nghiệp còn nghi ngờ tôi mua bằng" - chị Hoa tâm tư.
Mới đây, vào ngày 9.11, trong lễ tốt nghiệp khóa 2006 - 2010 của trường ĐH Công nghệ thông tin Gia Định, gần 20 học sinh trung cấp của trường gây áp lực với hiệu trưởng, phòng đào tạo để được cấp bằng. Những học sinh này của khóa trước, đã tốt nghiệp vào tháng 6.2009 nhưng không hiểu sao vẫn chưa được cấp bằng.
Tốt nghiệp hơn một năm, các SV học lớp ĐH ngoài chính quy (khóa 2005 - 2009) trường ĐH Công nghệ Sài Gòn chỉ mới nhận bằng trong tháng 11 năm nay sau nhiều lần kiến nghị.
K., cựu SV trường CĐ Xây dựng số 2, tốt nghiệp hơn 1 năm mới được nhận bằng, bức xúc: "Thi tốt nghiệp gần 3 tháng mới có điểm. Đã vậy, điểm dán lên bị sai, sau đó lại điều chỉnh bằng bảng điểm khác".
H.T.T, cựu SV lớp ngoài chính quy (khóa 2005 - 2010) trường ĐH Luật TP.HCM, tốt nghiệp hơn 5 tháng mới nhận được bằng. "Tôi cũng cảm thấy khá lâu nhưng vì đã có công việc ổn định, chỉ chờ có bằng là nâng ngạch lương nên cũng không gấp gáp" - T. cho biết. Còn theo Đ.T.B - SV ngoài chính quy (khóa 2005 - 2010) ngành Xây dựng trường ĐH Giao thông vận tải TP.HCM, thì phải mất hơn 6 tháng mới nhận được bằng.
Đa số các trường ĐH, CĐ, TCCN thường phát bằng trong khoảng thời gian 3 tháng vì phải chờ SV các khoa cùng tốt nghiệp. (Ảnh minh họa).
Chưa có bằng vì tín chỉ?
Phạm Duy Linh, cựu SV ĐH Khoa học tự nhiên (ĐH Quốc gia TP.HCM), kể lại: "Năm 1998, tôi trúng tuyển vào khoa Công nghệ thông tin của trường. Khi nhập học, nhà trường tổ chức buổi thông báo và trao đổi về quy chế học chế tín chỉ (TC) cho khóa đào tạo năm 1998, yêu cầu SV phải học đủ 210 TC mới được tốt nghiệp.
Trong 210 TC có một số TC tự chọn. Đại diện trường cũng đã giải thích về TC tự chọn là SV chọn đăng ký học thêm các môn học khác ngoài môn quy định bắt buộc, để tích lũy đủ 210 TC". Vừa đi học vừa đi làm nên thời gian học của Linh kéo dài 6 năm (thay vì 4 năm như thông thường) nhưng vẫn đủ thời hạn quy định. Linh giải thích thêm: "Tôi đã tích lũy được 211 TC gồm đủ các TC quy định bắt buộc và một số TC tự chọn.
Nhà trường cũng đã cấp phiếu điểm và xếp loại điểm trung bình chung học tập là 5,98. Theo đúng thời hạn quy định, tôi đã gửi đơn xin xét tốt nghiệp. Sau đó, khi danh sách duyệt tốt nghiệp được công bố (năm 2005), tôi không thấy tên mình trong đó. Tôi lên gặp và được một cán bộ phòng đào tạo giải thích là do tôi thiếu 1 TC tự chọn, nghĩa là phải 212 TC mới được tốt nghiệp! Ngay sau đó, tôi làm đơn gửi lên thầy hiệu trưởng để xin được xét tốt nghiệp, nhưng vị cán bộ phòng đào tạo từ chối nhận với lý do: "Không ai xem xét đơn này đâu!".
Những năm sau đó, tôi và cha tôi lại tiếp tục gửi đơn lên trường để xin cấp bằng nhưng lãnh đạo trường giải thích là "đã hết thời gian quy định xin cấp bằng" và hướng dẫn tôi làm đơn gửi lên ĐH Quốc gia TP.HCM. Tôi lại tiếp tục lên ĐH Quốc gia để xin giải quyết nhưng vẫn chỉ nhận được câu trả lời: Thời hạn xin giải quyết cấp bằng đã hết".
Lỡ cơ hội xin việc
Thi tốt nghiệp từ ngày 20.6.2010 thế nhưng cho đến nay hàng trăm SV khóa 7 Học viện Hành chính (cơ sở phía Nam) vẫn chưa nhận được bằng tốt nghiệp. Theo phản ảnh của SV, họ chỉ có được giấy xác nhận do trưởng phòng đào tạo ký với nội dung đã hoàn thành chương trình học, có đủ điều kiện công nhận tốt nghiệp. Một SV bức xúc kể rằng anh đang cần phải nộp hồ sơ để tuyển công chức vào một tổ chức chính trị xã hội của địa phương. Tuy nhiên, tổ chức này yêu cầu phải có bằng tốt nghiệp mới được dự thi vì đã gần 5 tháng ra trường, không có lý do gì lại không có bằng tốt nghiệp.
Nhiều SV khác đang muốn xin vào làm việc trong các ngành công an, thanh tra... cũng phải ngồi chờ vì những đơn vị này yêu cầu phải có bằng tốt nghiệp. Các SV cho biết, họ cũng đã liên hệ với nhà trường để hỏi nhưng trường chỉ trả lời là phải chờ phôi bằng của Bộ GD-ĐT.
Có quy định nhưng không thực hiện Năm 2007, khi ban hành văn bằng, chứng chỉ của hệ thống giáo dục quốc dân, Bộ GD-ĐT có quy định: Từ năm học 2008-2009, cơ sở giáo dục ĐH có trách nhiệm công bố thông tin về cấp văn bằng, chứng chỉ trên trang thông tin điện tử của mình; văn bằng, chứng chỉ phải có đầy đủ các nội dung như sổ gốc văn bằng, chứng chỉ quy định...; bảo đảm dễ dàng quản lý, truy nhập, tìm kiếm. Thông tin phải được cập nhật thường xuyên và lưu trữ lâu dài trên trang thông tin điện tử. Thế nhưng cho đến nay, quy định này vẫn chưa được thực hiện ở hầu hết các trường.
24H.COM.VN (Theo Thanh niên)
Làn sóng tẩy chay hệ ĐH tại chức Sau các tỉnh Quảng Nam, Hà Nam, Nam Định, Đà Nẵng... thì Quảng Bình cũng đã có quyết định không tuyển dụng người có bằng tốt nghiệp hệ tại chức (tức hệ vừa làm vừa học). Tại chức đang đi không đúng đường vì quan điểm chỉ coi tại chức là "nồi cơm" của các trường và kiểm soát không chặt. Xóa tại...