Những sĩ tử không áp lực trước kỳ thi
Trong khi phần đông thí sinh căng thẳng ôn luyện cho kỳ thi tốt nghiệp THPT ngày 9-10/8, Phạm Minh Châu học trong tâm thế thoải mái.
13h ngày 4/8, Minh Châu, quê Sơn La, học sinh lớp 12N1 trường THPT Trí Đức (Hà Nội) lên lớp tự học với các bạn. Đây là ca thứ hai của Châu trong ngày. Buổi tối, em vẫn lên lớp theo đúng lịch học và tự học để chuẩn bị cho kỳ thi tốt nghiệp THPT 2020 do trường sắp xếp. Dù phải lên lớp 10 tiếng mỗi ngày, Châu không hề căng thẳng. Cận kề kỳ thi, em chỉ hệ thống lại kiến thức các môn và dành thời gian hỗ trợ bạn trong lớp ôn luyện.
Châu là học sinh nổi bật của K21 trường THPT Trí Đức. Với điểm tổng kết lớp 10 là 9,3; lớp 11 và học kỳ I lớp 12 là 9,1; điểm trung bình môn Toán cả năm kỳ dao động 9,5-9,9, môn Lý 9,1-9,3 cùng IELTS 6.5, Châu đã trúng tuyển Đại học Ngoại thương và Học viện Ngoại giao theo phương thức xét tuyển kết hợp.
Chỉ cần đủ điểm xét tốt nghiệp THPT, Châu chắc chắn sẽ nhập học ngành Kinh doanh quốc tế chất lượng cao của Đại học Ngoại thương. “Đỗ đại học sớm giúp em không phải lo lắng như nhiều bạn khác. Lúc này, em chỉ mong kỳ thi diễn ra đúng kế hoạch để không phải chờ đợi lâu hơn nữa”, Châu nói.
Minh Châu trong giờ tự học trên lớp ngày 3/8. Ảnh: Ngọc Thành.
Nữ sinh cho biết từ năm lớp 10 đã được cô giáo chủ nhiệm và giáo viên tiếng Anh chia sẻ có chứng chỉ IELTS sẽ rất lợi thế bởi chỉ cần IELTS 4.0 là được quy đổi thành 10 điểm bài Ngoại ngữ thi tốt nghiệp THPT, chưa kể rất nhiều trường sử dụng phương thức xét tuyển kết hợp học bạ với IELTS để tuyển sinh. Vì vậy, em đã đặt mục tiêu phải có được chứng chỉ này.
Sớm có kế hoạch học IELTS, Châu đầu tư học hai kỹ năng đọc và viết trước. Vì THPT Trí Đức là trường nội trú, không cho phép học sinh sử dụng điện thoại và máy tính cá nhân, Châu phải nhờ giáo viên tiếng Anh tư vấn, hỗ trợ việc học kỹ năng nghe và nói. Em thường học theo nhóm để luyện nói, tranh thủ hai tiết học trên thư viện điện tử của trường để sử dụng máy tính, đồng thời tận dụng thời gian hè, nghỉ giai đoạn (sau mỗi 1-2 tháng học sinh được nghỉ 3-4 ngày) được về nhà sẽ luyện thêm. Kết quả, hè năm lớp 11, em đạt 6.5 IELTS.
Từ trường hợp của bản thân, Châu nghĩ học sinh khóa sau cũng nên đầu tư thi chứng chỉ quốc tế để mở rộng thêm cơ hội trúng tuyển đại học, giảm bớt áp lực trước kỳ thi lớn như thi tốt nghiệp THPT.
Cùng trường với Châu, Trần Ngọc Trung, quê Điện Biên, học sinh lớp 12N5, đã trúng tuyển vào trường Swinburne Việt Nam nhờ có điểm tổng kết kỳ I năm lớp 12 đạt 8,5 và vượt qua kỳ thi tiếng Anh đầu vào ở bốn kỹ năng nghe, nói, đọc, viết. “Chỉ cần tốt nghiệp THPT, em đủ điều kiện nhập học vào trường này. Đây cũng là trường em rất thích vì khá năng động, đúng với định hướng của em và có thể giúp em có cơ hội học tập ở nước ngoài”, Trung nói.
Dù vậy, ở kỳ thi tốt nghiệp THPT, Trung vẫn đăng ký xét tuyển bằng tổ hợp D01 (Toán, Văn, Anh) vào trường Đại học Kinh tế quốc dân. Đã ôn tập kỹ lưỡng ba vòng theo kế hoạch của trường gồm hệ thống kiến thức, luyện đề, chốt kiến thức, Trung nghĩ đạt khoảng 7 điểm ở mỗi môn trong tổ hợp xét tuyển.
Video đang HOT
Cũng có kỳ vọng đỗ Kinh tế quốc dân nhưng việc trúng tuyển một trường đại học theo sở thích giúp Trung thoải mái hơn. Điều em lo ngại nhất chỉ là công tác phòng chống dịch. “Em sợ nhỡ ngồi cùng phòng với các bạn F1, F2 thì rất nguy hiểm. Nhưng sau khi biết Bộ Giáo dục và Đào tạo yêu cầu rà soát, để các bạn thuộc diện này thi ở đợt sau, em bớt lo lắng hơn”, Trung nói, hy vọng kỳ thi diễn ra đúng kế hoạch để việc học đại học của em không bị chậm trễ.
Lê Lan Khanh, cựu học sinh trường THPT chuyên Hà Nội – Amsterdam, trong bộ ảnh truyền thống của trường. Ảnh: Nhân vật cung cấp.
Một tháng trước kỳ thi tốt nghiệp THPT, Lê Lan Khanh, cựu học sinh lớp 12 Hóa 1, trường THPT chuyên Hà Nội – Amsterdam (Hà Nội), đã nhập học online Đại học Vassar, bang New York (Mỹ). Trong đợt tuyển sinh sớm của các đại học Mỹ vào tháng 12/2019, nữ sinh đã giành học bổng của Đại học Vassar với mức hỗ trợ tài chính 63.000 USD một năm (hơn 1,5 tỷ đồng).
Theo kế hoạch, Lan Khanh sẽ đến Mỹ và nhập học vào tháng 8. Tuy nhiên, tình hình Covid-19 ở Mỹ chưa ổn định, trường cho sinh viên học online kỳ mùa thu, tức hết tháng 1/2021. Khi mới nhận thông báo, Khanh cân nhắc thi đại học tại Việt Nam hay chấp nhận học online. Sau khi nhận lời khuyên từ người thân và giáo viên, nữ sinh quyết định vẫn theo đuổi môi trường học tập của Mỹ.
Từ đầu tháng 7, Khanh đã tham dự các lớp học online do Đại học Vassar tổ chức, dạy kiến thức cơ bản của một số môn đồng thời giới thiệu về văn hóa, truyền thống và các hoạt động của trường. Các lớp học này giúp sinh viên quốc tế làm quen với giảng viên, bạn bè và cách học tại đại học trước khi học kỳ chính thức bắt đầu. Mỗi ngày, em tham gia 1-3 lớp, tổng thời gian học 2-6 tiếng.
Do đã trúng tuyển đại học Mỹ, việc ôn tập để thi tốt nghiệp THPT với Lan Khanh tương đối nhẹ nhàng. Em không đi học thêm, dành thời gian tự học ở nhà. Ngoài thời gian học online theo chương trình của Đại học Vassar, nữ sinh thường xem livestream giảng bài của các thầy cô và hướng dẫn kỹ năng khi làm bài. “Do không còn áp lực việc phải đạt kết quả cao trong kỳ thi tốt nghiệp THPT sắp tới, tinh thần của em rất nhẹ nhõm”, Khanh nói.
Trần Ngân Hằng, cựu học sinh lớp chuyên Văn, trường THPT chuyên Biên Hòa, Hà Nam. Ảnh: Nhân vật cung cấp.
Trần Ngân Hằng, cựu học sinh lớp chuyên Văn, trường THPT chuyên Biên Hòa (Hà Nam), cũng đã nghỉ các lớp học thêm Toán từ 4-5 tháng trước, chủ động tự học tại nhà. Từ khi học lớp 11, trong cuộc thi Khoa học Kỹ thuật quốc gia năm 2018, Hằng đã giành giải nhì với đề tài Nâng cao nhận thức cộng đồng với trẻ mắc hội chứng Down. Nhờ vậy, em được Đại học Kinh tế quốc dân chấp nhận tuyển thẳng, chỉ yêu cầu qua điểm sàn 18.
Tuy nhiên, Ngân Hằng cho rằng điểm 18 cũng không phải quá thấp, nếu chủ quan vẫn có thể trượt. Cùng với đó, em vẫn muốn cố gắng hết sức để đạt kết quả tốt, khép lại quãng đời học sinh một cách trọn vẹn nhất. Hiện nữ sinh vẫn học buổi sáng ở trường, chiều và tối tự học, đặt mục tiêu đạt 24-25 điểm và tin nhất với môn Văn do được học chuyên từ lâu.
Hằng cho rằng nhờ tinh thần thoải mái nên tiếp thu bài tương đối tốt, học cũng không thấy vất vả. Điều này giúp em đón nhận kỳ thi sắp tới một cách nhẹ nhàng và bớt áp lực hơn so với các bạn. “Em mong kỳ thi được tổ chức suôn sẻ, không bị hủy hoặc lùi thêm nữa vì càng chờ đợi sẽ càng lo hơn”, Hằng nói.
Kỳ thi tốt nghiệp THPT năm nay sẽ được tổ chức thành hai đợt. Đợt một ngày 8-10/8 theo đúng kế hoạch. Đợt hai dành cho các thí sinh ở Đà Nẵng, một số nơi đang giãn cách xã hội ở Quảng Nam và các thí sinh thuộc diện F1, F2. Thời gian thi do các địa phương đề xuất, khi đã kiểm soát được Covid-19.
Thí sinh dự thi tốt nghiệp THPT sẽ phải làm ba bài bắt buộc gồm Toán, Ngữ văn, Ngoại ngữ và một bài tự chọn là Khoa học tự nhiên hoặc Khoa học xã hội. Trừ Ngữ văn, các bài thi còn lại đều được ra dưới hình thức trắc nghiệm. Kết quả thi được dùng để xét công nhận tốt nghiệp THPT và là cơ sở để xét tuyển đại học.
Những nữ sinh Học viện Ngoại giao tốt nghiệp loại giỏi
Khánh Vy, Phương Mai, Khánh Linh là 3 nữ sinh nổi bật của Học viện Ngoại giao. Họ đạt nhiều thành tích trong học tập và tham gia các hoạt động ngoại khóa.
Trần Khánh Vy (22 tuổi, Nghệ An) được nhiều người biết tới qua biệt danh "hot girl 7 thứ tiếng". Trong một vlog gần đây, Khánh Vy chia sẻ cô từng đi học muộn, rớt môn, thi lại, được học bổng song tự hào vì 7 kỳ môn Tiếng Anh chuyên ngành đều loại A, tốt nghiệp loại giỏi khoa Quan hệ Quốc tế.
Trong 4 năm đại học, Khánh Vy tham gia cộng tác với nhiều chương trình truyền hình lớn nhỏ, tổ chức các dự án, hoạt động riêng, làm vlog... Cô bạn được biết tới nhiều hơn khi là MC bản tin thời sự quốc tế trên đài VTC1, các chương trình học thuật tiếng Anh như VTV7 IELTS Face-off, Crack'em up, Follow us.
Khánh Vy từng nhận đề cử giải VTV Awards 2016 ở hạng mục Nhân vật ấn tượng của năm, đại diện thanh niên Việt Nam tham dự Hành trình tiểu vùng sông Mê Kông lần thứ 13. Cô cũng nhận được học bổng 200 triệu đồng du học 2 tuần tại New York, Mỹ.
Ngô Khánh Linh (21 tuổi), sinh viên năm cuối lớp Ngôn ngữ Anh, Học viện Ngoại giao. Nữ sinh đăng quang hoa khôi Học viện Ngoại giao 2016. Khánh Linh có thành tích 12 năm liền đạt học sinh giỏi, khả năng nói tiếng Anh lưu loát.
Không chỉ học giỏi, Khánh Linh còn thường xuyên tham gia các hoạt động xã hội và các CLB trong trường để tích lũy kinh nghiệm. Cô làm việc tại một tổ chức định hướng du học và phát triển tiếng Anh tại trường chuyên Sư phạm Hà Nội, thành viên ban giám khảo tại hoạt động The Breakfast CSP, tham gia CLB Lễ tân Ngoại giao, CLB Guitar của Học viện Ngoại giao.
Khả năng ngoại ngữ tốt giúp Khánh Linh đại diện cho 3.000 sinh viên giao lưu với tỷ phú Jack Ma trong ngày 6/11/2017. Hiện tại, Linh sở hữu shop quần áo và spa cho riêng. Ngoài ra, cô còn thử sức ở vị trí MC cho một số chương trình.
Trần Phương Mai, 23 tuổi, là cựu sinh viên ngành Quan hệ quốc tế, Học viện Ngoại giao. 9X là thủ khoa của học viện năm 2019, tốt nghiệp với GPA đạt 3.87/4, bằng xuất sắc.
Mới đây, Mai ứng tuyển 6 chương trình thạc sĩ và đều được trao học bổng toàn phần gồm 100% học phí, tiền sinh hoạt và các chi phí phát sinh khác. Trong đó, 9X được Liên minh châu Âu trao học bổng Erasmus Mundus - được coi là danh giá bậc nhất châu Âu.
Bốn năm đại học, Phương Mai vừa đảm bảo thành tích học tập tốt, vừa đặt chân tới 14 quốc gia, có nước đi 4-6 lần để tham dự các hoạt động giao lưu quốc tế. Cô gái 23 tuổi xác định sẽ trở về Việt Nam sau khi du học để theo đuổi công việc ngoại giao tại các bộ, ngành hoặc bộ phận đối ngoại của doanh nghiệp.
Trường ĐH Mở TP.HCM công bố điểm chuẩn xét học bạ Hội đồng tuyển sinh Trường ĐH Mở TP.HCM vừa thông báo kết quả xét tuyển theo phương thức ưu tiên xét tuyển Học sinh Giỏi, Ưu tiên xét tuyển Chứng chỉ ngoại ngữ và xét tuyển học bạ. Ảnh minh họa Theo đó, trường xét tuyển tất cả Học sinh Giỏi và thí sinh có chứng chỉ ngoại ngữ đủ điều kiện (trừ...