Những “shipper áo xanh” thầm lặng mang bài đến tận nhà cho học sinh miền núi
Trong thời gian nghỉ học dài ngày vì dịch Covid-19, các em học sinh vùng sâu vùng xa, đặc biệt khó khăn ở huyện miền núi Thanh Chương ( Nghệ An) chưa đủ điều kiện sử dụng cách học online.
Đoàn viên, thanh niên đã trở thành “shipper đặc biệt” với “món hàng” được giao tận nhà là bài tập cho học sinh.
Đoàn viên thanh niên xã Thanh Giang lội ra sông Lam phát bài tập cho các em ở làng chài
Trước tình hình dịch COVID-19 đang diễn biến phức tạp, cũng như nhiều tỉnh, thành trên cả nước, tỉnh Nghệ An đã phải cho học sinh nghỉ học. Trong thời gian này, các trường trên địa bàn tỉnh đã hướng dẫn học sinh học tập online qua các ứng dụng công nghệ. Tuy nhiên, tại các trường học vùng sâu vùng xa, miền núi, nông thôn ở huyện miền núi Thanh Chương còn khó khăn về cơ sở vật chất, nhiều em không có điều kiện được tiếp xúc với công nghệ thông tin, học trực tuyến nên nhà trường rất khó khăn trong việc giao bài tập về nhà cho học sinh.
Các tình nguyện viên nhận bài tập từ giáo viên.
Trước tình hình đó, Huyện đoàn Thanh Chương đã có sáng kiến phối hợp với Phòng GD – ĐT thực hiện kế hoạch hỗ trợ học sinh học tập trong thời gian tạm nghỉ học. Theo đó, đối với những HS ở nơi không có điều kiện tiếp cận công nghệ thông tin, giáo viên sẽ ra bài tập, photo, lập danh sách HS theo thôn, bản; các trường phối hợp với Đoàn xã tại địa phương chuyển trực tiếp bài tập đến từng HS.
Là người trực tiếp tham gia hành trình giao bài tập cho học sinh, chị Nguyễn Thị Liễu – Bí thư Đoàn xã Thanh Giang, huyện Thanh Chương cho biết: Toàn xã có 4 xóm, nhiều em học sinh có hoàn cảnh khó khăn, chưa có điều kiện tiếp cận với công nghệ thông tin nên việc học trực tuyến không dễ chút nào. Vì vậy, thời gian qua, Đoàn xã Thanh Giang đã thành lập đội thanh niên tình nguyện, có nhiệm vụ làm “shipper” mang bài tập đến tận tay các em học sinh.
Video đang HOT
Áo xanh đến từng thôn bản ship bài cho các em học sinh
Đội có 16 thành viên, được chia làm 8 nhóm đi “ship” bài tập cho các em trên địa bàn xã. Hàng tuần, đội tình nguyện viên Đoàn xã sẽ đến các trường học nhận bài tập từ các giáo viên, sau đó đi đến các thôn, xóm để phát tận tay các em học sinh. Tuần kế tiếp, “shipper” đến thu bài làm của các em và tiếp tục phát bài tập mới.
Ngoài việc giao bài, các tình nguyện viên còn trực tiếp hướng dẫn các em làm bài tập, đồng thời phối hợp với gia đình tuyên truyền phòng, chống dịch COVID-19 cũng như phối hợp quản lý chặt chẽ các em trong những ngày ở nhà.
Lan tỏa mô hình “shipper áo xanh”
Theo huyện đoàn Thanh Chương, ngay sau khi kế hoạch được triển khai, các địa phương đã khẩn trương thành lập đội thanh niên tình nguyện, cùng giáo viên của các trường hằng tuần mang bài tập phát đến tận tay các em HS. Tuần kế tiếp thu bài làm của HS ở các thôn, bản phụ trách và phát bài tập mới cho các em. Công việc này đã được triển khai từ ngày các em nghỉ học để phòng, chống dịch COVID-19 và sẽ duy trì cho đến khi học sinh quay trở lại trường học.
“Những shipper đặc biệt này cũng có trách nhiệm phối hợp với gia đình quản lý chặt chẽ học sinh trong những ngày các em ở nhà, theo dõi tình hình sức khỏe học sinh để báo cáo cáo về Ban Chỉ đạo phòng chống dịch bệnh COVID-19″, chị Nguyễn Thị Liễu – Bí thư Đoàn xã Thanh Giang, huyện Thanh Chương cho hay.
Shipper áo xanh lội nước đưa bài tập cho học sinh ở các làng chài
Mô hình “ship” bài tập cho các em học sinh của các đoàn viên thanh niên không chỉ có ở Thanh Chương mà còn lan rộng ra các huyện Diễn Châu, Quỳ Châu,… Bằng cách này các thầy, cô giáo không chỉ giúp cho học sinh củng cố được kiến thức trong thời gian nghỉ ở nhà do dịch bệnh mà còn giúp các em thấy được tinh thần chăm sóc quan tâm của cả cộng đồng đối với những trẻ em vùng khó khăn.
Bài tập đươc các đoàn viên thanh niên giao tận nhà cho các em học sinh.
Không chỉ dừng lại ở việc xung kích, tình nguyện mà áo xanh còn sáng tạo và hiện thực hoá những ý tưởng bằng nhiều mô hình, cách làm hay như: sáng kiến chống Covid-19 bằng “kính chắn giọt bắn”, “Tiếng kẻng học bài”, “Tái chế lốp xe thành bồn rửa tay”…
Với vai trò xung kích, tình nguyện của tuổi trẻ, với sự sáng tạo, không ngại gian khổ của thanh niên, hành trình hỗ trợ học sinh trong mùa dịch COVID-19, màu áo xanh tình nguyện của các bạn ĐVTN đã để lại ấn tượng đẹp đối với bà con nhân dân và học sinh những vùng khó khăn.
Đình Nguyên
Trường có 99% học sinh là người dân tộc: Tỷ lệ học online đạt 98%
Trường tiểu học số 3, xã Võ Lao, huyện Văn Bàn, tỉnh Lào Cai có 99% học sinh là người dân tộc thiểu số. Thế nhưng sau hơn 1 tháng triển khai, 98% học sinh của trường đã tham gia học trực tuyến thường xuyên.
Học sinh trường Tiểu học số 3, xã Võ Lao, Văn Bàn, Lào Cai học trực tuyến
Thầy Nguyễn Đức Nguyện, hiệu trưởng trường Tiểu học số 3 nói rằng, từ sau Tết Nguyên đán, do dịch COVID-19 nên học sinh không được đến lớp. Nhưng học sinh miền núi mà nghỉ học dài ngày, nhất là lớp 1 thì cái chữ, con số lại trả hết cho thầy cô; chất lượng giáo dục của nhà trường sẽ như thế nào?
Vì vậy, có thể làm được gì tốt nhất cho học sinh thì thầy cũng như giáo viên của trường đều cố gắng làm. Từ hoạt động trực tuyến tương tác công việc với giáo viên hằng ngày, thầy Nguyện nghĩ đến việc triển khai dạy trực tuyến cho học sinh. Thầy chỉ đạo tập huấn giáo viên. Khi có chủ trương của huyện, trường Tiểu học số 3 triển khai luôn. Chính vì vậy, đây cũng là một trong những đơn vị đầu tiên của Lào Cai tổ chức dạy học trực tuyến.
Nhưng nếu ở thành phố, việc triển khai học trực tuyến khó khăn một thì ở khu vực miền núi phải gấp 20 lần, thậm chí hơn thế; nhiều khi lực bất tòng tâm. Trường Tiểu học số 3 thuộc vùng khó khăn nhất của xã Võ Lao. Trường có 233 học sinh, trong đó 99% là người dân tộc thiểu số là (Tày, Xa Phó, Thái...) nên triển khai giáo dục trực tuyến vô cùng nan giải vì thiếu thiết bị, internet, nhất là đối với học sinh lớp ghép đang theo học tại điểm trường lẻ ở thôn xa. Theo tính toán của thầy Nguyện, khoảng 50% học sinh của trường hoàn toàn không có phương tiện để tham gia học trực tuyến (không máy tính, không wifi, không điện thoại có sóng 3G, 4G).
Đây là bài toán khó tìm được lời giải đối với thầy Nguyện và tập thể giáo viên trong trường. Quyết tâm khắc phục vượt khó, cán bộ, giáo viên nhà trường động viên nhau tìm mọi cách giúp học sinh. Thầy Nguyện lập danh sách điều kiện cụ thể từng gia đình học sinh. Thầy động viên những phụ huynh có điều kiện quan quan tâm. Lúc đó, một số phụ huynh mới đi mua máy tính hoặc điện thoại thông minh cho con em học trực tuyến.
Với những gia đình khó khăn, thầy Nguyện liên hệ với cửa hàng điện thoại tạo điều kiện cho phụ huynh. Gia đình nào chưa có tiền thì cho nợ. Một số gia đình khó khăn nữa, thầy Nguyện thương lượng với chủ cửa hàng cho mượn thiết bị để học sinh có phương tiện học. Khi nào học sinh đến trường học tập trung thì gia đình mang thiết bị ra trả lại. Theo thầy Nguyện, điều may mắn nhất là nhà trường có uy tín với các cửa hàng điện thoại ở quanh khu vực.
Thầy Nguyễn Đức Nguyện (ngoài cùng bên phải) cùng phụ huynh học sinh vui mừng vì có thiết bị hỗ trợ học trực tuyến
Thế nên khi thầy đứng ra "bảo lãnh" giúp phụ huynh thì đều được tạo điều kiện hết mức. "Trường chấp nhận sự rủi ro, cam kết với các cửa hàng. Nhà trường cũng dặn dò, hướng dẫn phụ huynh cách bảo quản thiết bị cho con em học. Chính vì vậy, phụ huynh tin tưởng nhà trường. Thực ra khi ta đặt niềm tin với họ, họ không bao giờ phụ lòng ta. Nhà trường tìm mọi cách giúp học sinh thì phụ huynh sẽ sẵn sàng bảo vệ nhà trường", thầy Nguyện nói.
Trái ngọt
Hiện nay, tại trường Tiểu học số 3, 30% phụ huynh có máy tính, điện thoại tham gia hỗ trợ việc học của con, 70% còn lại không có thiết bị đã có phương tiện cho con em tham gia học trực tuyến. Tỷ lệ học sinh tiếp cận được phương pháp học tập mới cũng như tỷ lệ chuyên cần trực tuyến của trường đạt 98%.
"Được học với thầy cô của mình qua internet học sinh rất vui vẻ và thích thú, riêng khối lớp 1 dù nhỏ tuổi nhất nhưng tỷ lệ tham gia đạt 100%", thầy Nguyện chia sẻ. Hiện nay, trong số 233 học sinh của trường, chỉ còn 2 em chưa tham gia học trực tuyến được do điều kiện đặc biệt. Qua tìm hiểu, các em thường theo bố mẹ lên nương 1 - 2 ngày mới về nhà. Trên nương cao không có sóng điện thoại hay sóng wifi. Chính vì vậy, giáo viên chỉ có thể giao bài tập và tương tác với các em khi nào các em bắt được sóng.
Thầy Nguyện cho biết, hằng ngày vẫn cập nhật, nắm bắt thông tin từ các thầy cô. Mới đây, các thầy cô phản ánh mạng yếu, tương tác không ổn định, thầy lại tiếp tục xã hội hóa, mua thêm hơn 10 sim D-Com 4G trang bị cho học sinh.
Ở tỉnh Lào Cai, tỷ lệ dạy học trực tuyến trung bình toàn tỉnh chỉ đạt 6%; tính tổng tất cả hình thức (bao gồm giao phát bài trực tiếp cho học sinh làm tại nhà trong mùa dịch) thì mới đạt 20%. Ngoài một số trường tại trung tâm thành phố duy trì được tỷ lệ học trực tuyến 100%, các trường ở trung tâm huyện đều gặp khó; hầu hết các trường ở vùng cao, vùng sâu, vùng xa đều phải nghỉ chờ hết dịch.
Nghiêm Huê
Những học trò "thay đổi" thầy cô Không có điện lưới, không sóng điện thoại, hoặc sóng yếu, đêm thắp đèn dầu... việc học từ xa đối với nhiều học sinh miền núi tưởng như không thể. Vậy mà chính các em đã truyền cảm hứng, "thay đổi" các thầy cô. Nơi nào có sóng, nơi đó là phòng học HS Giàng A Anh là người dân tộc Mông, ở...