Những sai lầm của cha mẹ khi con bị bệnh sởi
Ngày 3/10, ThS. BS Huỳnh Minh Thu, Trưởng phòng Kế hoạch tổng hợp, Bệnh viện Nhi đồng 2, TP.HCM cho biết trong tháng 7, 8 vừa qua tình hình bệnh sởi nội trú và ngoại trú đều gia tăng, đều tăng so với cùng kỳ năm ngoái. Hiện đang có từ 10-20 ca điều trị nội trú tại khu cách ly của khoa nhiễm.
Bác sĩ Trần Ngọc Lưu, khoa Nhiễm BV Nhi đồng 2 cho biết, khi con bị bệnh sởi nhiều phụ huynh thường mắc các sai lầm khi áp dụng phương pháp dân gian như giữ con trong phòng kín, tránh gió, nước, không được tắm. Thậm chí là cắt, lể chỗ ban làm tăng nguy cơ nhiễm trùng huyết.
Theo bác sĩ Lưu khi trẻ bị bệnh sởi cần được vệ sinh thân thể sạch sẽ để đề phòng các biến chứng. Nếu trẻ ở trong phòng tối cha mẹ sẽ không quan sát được diễn tiến của bệnh, trẻ có thể viêm giác mạc và ảnh hưởng đến thị lực của trẻ.
Trẻ bị sởi nằm trong phòng cách ly.
“Một số phụ huynh lại có xu hướng dẫn con đến thầy lang để cắt, lể chỗ ban. Đó là hành động rất nguy hiểm vì việc cắt, lể đó vừa khiến cho trẻ đau, tăng nguy cơ nhiễm trùng cho bé. Thậm chí có những trường hợp nhiễm trùng huyết từ những vết cắt, lể trên da”, bác sĩ Lưu nhấn mạnh.
Bác sĩ Lưu cho biết, nếu bệnh không được chẩn đoán, điều trị sớm sẽ để lại nhiều biến chứng nặng nề như gây viêm phổi, não, viêm tai giữa, loét giác mạc, suy dinh dưỡng kéo dài do biến chứng của tiêu chảy, nặng có thể gây tử vong.
Bệnh diễn tiến qua 4 giai đoạn.
- Giai đoạn ủ bệnh, chưa có triệu chứng rõ rệt nhưng vẫn có thể lây lan mầm bệnh.
Video đang HOT
- Giai đoạn khởi phát bệnh nhân sẽ sốt, viêm lông hô hấp bệnh nhân bị đỏ mắt, giác mạc, ho, sổ mũi.
- Giai đoạn toàn phát, nổi ban điển hình của sởi, sẽ nổi lên từ sau tai đến mặt xuống ngực, bụng. Khi bệnh kết thúc ban cũng sẽ lặn theo thứ tự đó.
- Giai đoạn hồi phục ban sẽ thâm và lặn.
Bác sĩ Lưu khuyến cáo khi nghi ngờ trẻ bị bệnh sởi, nên đưa đến các cơ sở y tế để bác sĩ đánh giá giai đoạn, diễn tiến bệnh, cần thiết phải nhập viện hay không. Khi trẻ có biểu hiện ho, sổ mũi… ở dạng nhẹ phụ huynh có thể chăm sóc trẻ tại nhà bằng cách vệ sinh đường hô hấp của trẻ với nước muối sinh lý, không sử dụng các chế phẩm không rõ nguồn gốc làm tăng nguy cơ viêm loét giác mạc của bé.
Cha mẹ, người chăm sóc nên cho trẻ uống nhiều nước, mặc đồ thoáng, đề bé ở phòng có đủ ánh sáng để quan sát. Bệnh sởi có thể phòng ngừa được bằng vắc xin thường được chích khi trẻ 9 tháng.
NGUYỄN OANH
Theo thegioitiepthi
TPHCM: 3 loại bệnh truyền nhiễm nguy hiểm tăng nhanh
Các loại bệnh truyền nhiễm nguy hiểm gồm tay chân miệng, sởi, sốt xuất huyết trong 3 tuần qua đang gia tăng nhanh, tập trung ở nhóm trẻ nhỏ tuổi. Dự báo, thời gian tới dịch bệnh tiếp tục diễn biến khó lường, cộng đồng cần tăng cường các biện pháp phòng ngừa.
Sởi và tay chân miệng hoành hành, sốt xuất huyết ở mức cao
Thời tiết đi sâu vào mùa mưa, trẻ bước vào năm học mới, diễn biến dịch bệnh theo tính chu kỳ... đang là những yếu tố kết hợp tạo thành mối nguy hiểm cho người dân trên cả nước nói chung đặc biệt là tại TPHCM.
Bệnh truyền nhiễm đang tấn công nhóm trẻ nhỏ tuổi
Thống kê của Trung tâm Y tế Dự phòng ngày 2/10 cho thấy, sau khi dịch bệnh có mức tăng "nóng" trong những tuần trước thì tuần qua nhiều loại bệnh tiếp tục "leo thang". Theo đó, thống giám sát các loại bệnh truyền nhiễm của thành phố ghi nhận 587 trường hợp mắc sốt xuất huyết, giảm 16% so với trung bình của 4 tuần trước nhưng bệnh vẫn ở mức cao.
Hiểm họa rất lớn đang rình rập cộng đồng, đặc biệt tập trung ở nhóm trẻ nhỏ là bệnh sởi và bệnh tay chân miệng. Tuần qua, tiếp tục ghi nhận tốc độ tăng "nóng" của bệnh tay chân miệng với 347 ca mắc bệnh (tăng 49%) so với trung bình của 4 tuần trước. Bệnh sởi cũng tăng vọt từ 17 ca lên 32 ca, số ca bệnh tích lũy từ đầu năm đến nay là 111 trường hợp.
Nhiều trẻ bệnh nặng phải hỗ trợ thở máy
Nếu thời điểm đầu năm, số ca bệnh chỉ xuất hiện lẻ tẻ ở các quận huyện thì đến đầu tháng 10/2018, bệnh sởi đã bao phủ toàn bộ 24 quận huyện của thành phố. Các quận huyện đang bị sởi tấn công dữ dội là Thủ Đức, quận 12, Tân Phú, Bình Tân. Dự báo, mức độ lây lan của sởi trên địa bàn thành phố sẽ tiếp tục tăng rất mạnh theo tính chu kỳ của bệnh trong thời gian tới.
Chủ động bảo vệ sức khỏe, tính mạng nhóm trẻ nhỏ tuổi
Trung tâm Y tế Dự phòng nhận định, trong 3 tuần qua trên địa bàn thành phố các bệnh truyền nhiễm đặc biệt là tay chân miệng và sởi đang tập trung vào nhóm trẻ nhỏ tuổi. Để bảo vệ con trẻ trước sự tấn công của các loại bệnh nguy hiểm trên, Trung tâm Y tế Dự phòng thành phố khuyến cáo các bậc phụ huynh, người trông giữ trẻ, các nhóm trẻ gia đình, trường mầm non cần thực hiện nhiều biện pháp phối hợp.
Phụ huynh phải cảnh giác trước những dấu hiệu bệnh của trẻ để kịp thời đưa bé đến bác sĩ khi cần
Với bệnh tay chân miệng: thường xuyên rửa sạch bàn tay của trẻ và người giữ trẻ bằng nước và xà phòng; che miệng, che mũi khi ho, hắt hơi bằng khăn giấy, bỏ khăn giấy vào thùng rác, rửa tay ngay sau khi thực hiện các thao tác trên; vệ sinh đồ chơi của trẻ hàng ngày bằng nước và xà phòng, sử dụng dung dịch khử khuẩn (chloramin B, nước javel) ngâm rửa đồ chơi của trẻ hàng tuần.
Nếu trẻ có triệu chứng sốt cao, nổi mụn nước ở lòng bàn tay, bàn chân, mông, miệng phải đưa trẻ đến cơ sở y tế thăm khám, không cho trẻ đến trường, nơi đông người cho tới khi hoàn toàn hết bệnh. Trẻ mắc tay chân miệng nếu có dấu hiệu giật mình, đi đứng loạng choạng, li bì, mê sảng... là những biểu hiện nặng, phụ huynh cần đưa trẻ đến bệnh viện có chuyên khoa nhi để điều trị kịp thời, tránh nguy hiểm có thể xảy ra.
Cần chủ động thực hiện các biện pháp dự phòng, hạn chế nguy cơ nhiễm bệnh ở trẻ
Với bệnh sởi: Ngoài những biện pháp rửa tay bằng xà phòng dưới vòi nước sạch, che miệng mũi khi hắt hơi... nếu thấy trẻ có triệu chứng sốt, ho, mắt đỏ, phát ban phụ huynh cần đưa trẻ đến ngay các cơ sở y tế để được thăm khám. Bệnh sởi đã có vắc xin chủng ngừa, phụ huynh cần chủ động đưa con em đi tiêm từ khi 9 tháng tuổi theo chương trình tiêm chủng mở rộng quốc gia. Những gia đình có trẻ dưới 5 tuổi nhưng chưa được tiêm sởi, tiêm chưa đầy đủ hoặc không nhớ đã tiêm hay chưa cần liên hệ với phường xã nơi cư ngụ để được tư vấn.
Với bệnh sốt xuất huyết: cộng đồng cần chủ động thực hiện các biện pháp vệ sinh môi trường quanh khu vực sinh sống, trút bỏ nước, đậy kín hoặc lật úp các vật chứa để triệt tiêu môi trường sinh sản của muỗi gây bệnh. Mỗi gia đình cần sử dụng bình xịt côn trùng, kem chống muỗi, ngủ mùng thường xuyên để không bị muỗi chích.
Vân Sơn
Theo Dân trí
Chuyên gia Nhật Bản trình diễn 5 ca mổ nội soi bệnh lý tiêu hóa khó tại Bệnh viện E Ngày 1/10 tại Bệnh viện E Hà Nội, chuyên gia Nhật Bản cùng các bác sĩ Trung tâm tiêu hóa (BV E) đã thực hiện 5 ca mổ nội soi bệnh lý tiêu hóa, với kỹ thuật tiên tiến nhất đến từ đất nước mặt trời mọc. GS.TS Lê Ngọc Thành, Giám đốc Bệnh viện E cho biết, những những tiến bộ y...