Những quyết sách lớn của giáo dục
Những sự kiện vui buồn của ngành GD-ĐT năm 2013 chính là động lực để năm 2014 có những quyết sách đúng hướng hơn.
Nhiều sự kiện của giáo dục trong năm 2013 là tiền đề cho những đổi mới các năm sau – Ảnh: Đào Ngọc Thạch
Phát huy khả năng cá nhân
Ngày 4.11.2013, Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng đã ký ban hành Nghị quyết Hội nghị lần thứ 8, BCH T.Ư khóa XI (Nghị quyết số 29-NQ/TW) có nội dung về đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo.
Mục tiêu của đổi mới lần này là tạo chuyển biến căn bản, mạnh mẽ về chất lượng, hiệu quả giáo dục – đào tạo, giáo dục con người VN phát triển toàn diện và phát huy tốt nhất tiềm năng, khả năng sáng tạo của mỗi cá nhân.
Nghị quyết cũng đặt ra mục tiêu cho từng cấp học: hoàn thành phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ 5 tuổi vào năm 2015, miễn học phí mầm non trước năm 2020, hoàn thành việc xây dựng chương trình giáo dục phổ thông giai đoạn sau năm 2015, phấn đấu đến năm 2020 80% thanh niên trong độ tuổi đạt trình độ giáo dục THPT và tương đương…
Theo dự thảo đề án Đổi mới chương trình – sách giáo khoa sau năm 2015 đang được Bộ GD-ĐT xin ý kiến các chuyên gia, giai đoạn 2014 – 2015 phải hoàn thành việc xây dựng chương trình tổng thể và chương trình môn học thử nghiệm. Theo đó số môn học bắt buộc như hiện nay sẽ giảm đi, tăng cường các môn học, học phần tự chọn. Dạy học tích hợp ở các cấp học dưới và phân hóa mạnh mẽ ở cấp THPT. Sẽ dần tiến tới việc đa dạng sách giáo khoa để linh hoạt, phù hợp với từng vùng miền, đối tượng học sinh.
Động lực đổi mới từ “đấu trường” quốc tế
Năm 2013, đoàn VN tại cuộc thi Olympic toán học quốc tế diễn ra ở Colombia đã mang về 3 huy chương vàng và 3 huy chương bạc, xếp thứ 7 trong 97 quốc gia tham gia. Thứ hạng năm 2013 của VN đã tăng 2 bậc so với năm 2012. Năm 2013 là năm đầu tiên VN được xếp hạng khảo sát chất lượng quốc tế PISA đối với học sinh 15 tuổi ở 3 nội dung: toán, khoa học và đọc hiểu. Vị trí thứ 17/65 quốc gia là một bất ngờ lớn đối với VN. Tuy nhiên, nhiều ý kiến cho rằng điều này không có nghĩa VN lạc quan về bức tranh giáo dục nước nhà. Ngược lại, đây chính là lúc chúng ta nhìn lại những hạn chế, yếu kém để thúc đẩy đổi mới.
Video đang HOT
Nói về vấn đề này, Bộ trưởng Phạm Vũ Luận giải thích: “PISA (và các cuộc đánh giá khác) dù có chính xác và có độ tin cậy cao đến đâu, cũng chỉ là kết quả đánh giá một số khía cạnh của vấn đề, chứ không phải toàn bộ vấn đề, giống như đây là bức ảnh chân dung chứ không phải con người thật bằng xương bằng thịt. Cho nên, chúng tôi không chủ quan, tự mãn với kết quả này”.
Không bắt buộc thi “3 chung”, sửa đổi chính sách ưu tiên tuyển sinh
Luật Giáo dục ĐH quy định về việc giao quyền tự chủ cho các trường ĐH có hiệu lực từ đầu năm 2013. Ngày 12.12, Bộ GD-ĐT cũng công bố dự thảo quy định về tự chủ tuyển sinh của các trường ĐH, CĐ áp dụng cho năm 2014. Theo đó, các trường có thể tổ chức tuyển sinh riêng tối đa 2 lần trong năm vào thời gian do Bộ quy định. Các trường còn có thể tổ chức tuyển sinh riêng từng phần cho một số khoa, ngành. Những khoa, ngành tuyển sinh riêng không sử dụng kết quả kỳ thi chung.
Để giúp các trường chưa thực hiện tuyển sinh riêng, trong vòng 3 năm tới, Bộ tiếp tục tổ chức kỳ thi tuyển sinh “3 chung”. Những trường tổ chức tuyển sinh riêng sẽ tự lựa chọn phương thức thi tuyển được Bộ xác nhận là đáp ứng các yêu cầu quy định. Trong đó, Bộ nhấn mạnh yêu cầu: tạo điều kiện thuận lợi tối đa cho thí sinh, không để phát sinh tiêu cực, đảm bảo công bằng, công khai, minh bạch. Đây sẽ là tiền đề để Bộ chính thức thay đổi kỳ thi tuyển sinh ĐH, CĐ sau năm 2015.
Cũng vào cuối năm 2013, Bộ công bố dự thảo sửa đổi, bổ sung quy chế tuyển sinh ĐH, CĐ năm 2014. Trong đó, chính sách ưu tiên khu vực sửa đổi theo hướng chỉ ưu tiên cho học sinh những vùng khó khăn thật sự. Bộ cũng điều chỉnh chính sách ưu tiên đối tượng. Theo các chuyên gia giáo dục, việc điều chỉnh này là hợp lý và hợp với thực tế, đúng với tinh thần loạt bài Ưu tiên tuyển sinh thế nào để công bằng? do Báo Thanh Niên dày công thực hiện từ giữa tháng 7 và kéo dài 17 số báo.
Theo TNO
Trường mầm non nơi lưng chừng núi
Năm nay, Lào Cai đã đạt chuẩn phổ cập giáo dục mầm non trẻ em 5 tuổi. Để đạt được thành quả này, ngoài sự đầu tư lớn của nhà nước còn nhờ sự nỗ lực, góp sức của người dân địa phương.
Hiến đất xây trường
Năm học 2013 - 2014, lần đầu tiên cô trò điểm trường thôn Nà Lặc, Trường Mầm non Trịnh Tường, huyện Bát Xát, tỉnh Lào Cai được dạy học trong một ngôi trường mới xây kiên cố, khang trang, có đủ phòng học, bếp ăn, sân chơi ngoài trời, phòng hội đồng, nhà công vụ.
Trường tọa lạc trên một bãi đất phẳng rộng 1.700m2 ở lưng chừng núi - nơi trước đây vốn dĩ là mảnh ruộng bậc thang của gia đình ông Vù A Dùa, bí thư Đảng ủy xã Trịnh Tường. Năm ngoái, khi chưa có trường, cô trò điểm trường thôn Nà Lặc học nhờ trong Tiểu học số 2 Trịnh Tường.
Năm nay không chỉ có "cơ ngơi" riêng mà điểm trường Nà Lặc còn được tách ra thành Trường Mầm non số 2 Trịnh Tường, xung quanh có sáu điểm trường vệ tinh cũng vừa được xây mới hoàn toàn.
Các cô giáo Trường Mầm non số 2 Trịnh Tường rửa chân cho học sinh trước khi các em vào lớp. ảnh: Nguyễn Trọng Hoàn
Trên địa bàn Trường Mầm non số 1 Trịnh Tường cũng vừa mới được xây thêm 5 điểm trường vệ tinh. Như vậy, chỉ riêng trong năm học 2012 - 2013, cả xã Trịnh Tường được xây mới 12 điểm trường - một kỷ lục chưa bao giờ có ở xã vùng cao biên giới này.
Chia sẻ lý do hiến đất xây trường, ông Vù A Dùa cho biết: "Các cháu cần chỗ học mà khu vực này chẳng có nơi nào xây trường thích hợp hơn mảnh đất của tôi!".
Mảnh đất đó vốn là thửa ruộng lúa bậc thang trước đây đủ cung cấp gạo cả năm cho hai vợ chồng ông. Hiến đất xây trường rồi, nhà ông lại tìm khu đất khác xa hơn để lại khai phá ruộng bậc thang.
Theo ông Dùa, xã Trịnh Tường nằm ở địa bàn phức tạp, là vùng núi cao nhưng lại nhiều sông suối, tìm được một mặt bằng có nền đất chắc chắn, không bị đe dọa bởi lũ quét lại đảm bảo đủ nguồn nước sinh hoạt để xây trường là cực kỳ khó. "Ở nhà giờ còn mỗi hai vợ chồng, con cái đi học đều được nhà nước nuôi, giữ đất làm gì khi mà các cháu nhỏ trong thôn không có chỗ học", ông Dùa tâm sự.
Ở Lào Cai, nhiều gia đình đã tự nguyện hiến đất xây dựng trường lớp. Hiện tại, toàn tỉnh có 13.260m2 đất trường học do dân đóng góp. Ở Trịnh Tường, ngoài ông Vù A Dùa còn có ông Tẩn Lão San ở thôn Tùng Chỉn 1, ông Phàn Lò Dờ ở thôn Lao Chải cũng hiến đất xây trường.
Không chỉ dân mà ngay cả nhiều cán bộ ngành giáo dục cũng hăng hái hiến đất. Một chuyên viên Phòng GD&ĐT Bát Xát khoe: "Chị Thông, phó phòng của tôi cũng hiến mảnh đất trên xã Cốc Mỳ (nơi trước đây chị ấy từng công tác) để xây điểm trường mầm non. Dù chỉ 200m2 thôi nhưng ở trung tâm xã nên khá giá trị (khoảng 40 triệu đồng)".
"Góp gạo thổi cơm chung"
"Ở nhà giờ còn mỗi hai vợ chồng, con cái đi học đều được nhà nước nuôi, giữ đất làm gì khi mà các cháu nhỏ trong thôn không có chỗ học" _ Ông Dùa tâm sự
Chúng tôi đến Trường Mầm non số 2 Trịnh Tường đúng ngày phụ huynh được huy động đến giúp trường dọn dẹp, trang hoàng cho trường mới. Trong lớp các cháu đang học. Ngoài sân, một nhóm phụ huynh kẻ vẽ tranh trên tường. Còn ngoài vườn một nhóm khác đang trồng rau. Hỏi chuyện một phụ nữ còn khá trẻ địu con trên lưng thì chị cho biết, chị tên là Già Thị Di, người ở thôn Nà Lặc.
Chị Di có hai cháu, cháu gái lớn là Lý Thị Nòng hiện học lớp mẫu giáo 3 tuổi, cháu nhỏ mới 9 tháng nên vẫn ở nhà với mẹ. Chỉ vào cháu nhỏ địu sau lưng, chị Di nói bằng một thứ tiếng Kinh ngượng nghịu: "Cháu Nòng thích đi học lắm, vì được chơi rất vui, được ăn ngon. Cháu bé này bao giờ các cô nhận, tôi cũng cho đi học cùng với con chị. Phải đi học thì nó mới khôn, mới nói giỏi tiếng Kinh được".
Mấy hôm trước, chị Di được thông báo là đến giúp nhà trường trồng rau. Cây con do các cô giáo mua, các phụ huynh trồng. Mọi năm dù chưa có trường (phải đi học nhờ), các phụ huynh cũng đã tham gia việc trồng rau để các cháu có rau xanh ăn hằng ngày. Hàng tháng, mỗi phụ huynh góp khoảng 2 - 3 kg gạo/cháu, cộng thêm 3 - 4 bó củi.
Ngoài ra phụ huynh phân công nhau hằng ngày đến trường cùng các cô giáo nấu cơm cho các cháu. Hôm đó cũng chính chị Di là người được phân công nấu ăn.
Cả hai trường mầm non số 1, số 2 Trịnh Tường thì chỉ có điểm trường chính trường số 1 ở thôn Phố Mới là có một chị nhân viên văn phòng kiêm tạp vụ kiêm luôn cả việc nấu ăn cho các cháu. Còn lại, 11 điểm trường, việc tổ chức ăn bán trú cho các con đều do các mẹ "góp gạo thổi cơm chung".
Theo cô Vũ Thị Mai Hương, Hiệu trưởng Trường Mầm non Trịnh Tường thì các cô dùng khoản trợ cấp của nhà nước (120.000 đồng/tháng) để mua thức ăn cho các cháu. Tính ra chưa đến 6.000 đồng/bữa nên nhà trường cũng phải cố gắng để đảm bảo một tuần các con được ăn vài ba bữa thịt, còn lại ăn trứng, đậu, lạc... và những thực phẩm rẻ tiền khác.
Sữa - thứ thực phẩm bổ dưỡng mà các phụ huynh ở Hà Nội vẫn ép con mình uống hằng ngày - là một "xa xỉ phẩm" mà hầu hết trẻ em Trịnh Tường chưa hề được một lần nếm thử. "Chúng tôi đã tổ chức ăn bán trú cho các cháu từ năm học 2009 - 2010. Khi đó trẻ mẫu giáo 3 - 4 tuổi chưa được Chính phủ hỗ trợ tiền ăn nên để các cháu có thức ăn gia đình phải đóng góp.
Nhưng phụ huynh vùng cao nghèo lắm nên bữa ăn rất đạm bạc, nhiều khi cô giáo phải bớt ra mà lo cho các cháu. Sau đó nhờ chương trình "Cơm có thịt" do ông Trần Đăng Tuấn khởi xướng nên bữa ăn của các cháu được cải thiện. Từ năm ngoái, nhà nước hỗ trợ cho cả trẻ 3 - 4 tuổi nên các cháu không phải nhận thức ăn từ thiện nữa", cô Hương nói.
Theo TNO
Rộng cửa tuyển thẳng vào ĐH, CĐ 2013 Tính đến thời điểm này đã có hàng chục trường ĐH, CĐ thuộc hàng tốp trên như Học viện Ngoại Giao, Học Viện Công nghệ Bưu chính viễn thông, ĐH Quốc Gia Hà Nội, ĐH Ngoại thương... công bố điều kiện tuyển thẳng, xét tuyển vào trường. Theo đó, năm nay rất nhiều trường đã "nới lỏng" điều kiện xét tuyển nhằm tạo...