Những nước ‘ra rìa’ trong cuộc tranh giành vật tư y tế
Khi Mỹ và châu Âu đang giành giật khẩu trang, đồ bảo hộ y tế chống Covid-19, các nước nghèo hơn không thể cạnh tranh nổi với họ.
Các nhà sản xuất nói với những nhà khoa học ở châu Phi và Mỹ Latin rằng họ không thể nhận đơn đặt hàng vì hầu hết kit xét nghiệm sẽ được chuyển cho Mỹ hoặc châu Âu. Tất cả mặt hàng đều được báo giá tăng chóng mặt, từ kit xét nghiệm cho đến khẩu trang.
Thợ may may khẩu trang tại Belo Horizonte, Brazil ngày 8/4. Ảnh: AFP.
Nhu cầu lớn về khẩu trang và sự hỗn loạn của thị trường đã buộc một số nước đang phát triển phải xin sự trợ giúp từ UNICEF. Eussyva Kadilli, người giám sát nguồn cung tại cơ quan, cho biết họ đang cố gắng mua 240 triệu khẩu trang để hỗ trợ 100 quốc gia, nhưng mới chỉ tìm được khoảng 28 triệu chiếc.
“Một cuộc chiến đằng sau hậu trường đang diễn ra”, Catharina Boehme, giám đốc điều hành Tổ chức Chẩn đoán Sáng tạo mới, hợp tác với WHO để giúp đỡ các nước nghèo, nói.
Tại châu Phi, Mỹ Latin và một phần của châu Á, nhiều quốc gia đang gặp bất lợi do hệ thống y tế thiếu nguồn cung tài chính và thiết bị. Một số nước nghèo chỉ có một giường chăm sóc tích cực trên một triệu người.
Các nước đang phát triển hiện ghi nhận ít ca nhiễm và tử vong do nCoV hơn các nước phát triển, nhưng nhiều chuyên gia lo ngại Covid-19 có thể tàn phá các nước nghèo vì họ không thể chống đỡ nếu dịch bùng phát mạnh.
“Tình trạng thiếu hóa chất xét nghiệm vốn chưa bao giờ xảy ra”, Doris-Ann Williams, giám đốc điều hành của Hiệp hội Chẩn đoán Ống nghiệm của Anh, đại diện cho các nhà sản xuất và phân phối kit xét nghiệm nCoV, nói. “Nếu chỉ một quốc gia ghi nhận dịch thì mọi thứ sẽ ổn, nhưng tất cả nước lớn trên thế giới đều đang có nhu cầu cùng một lúc”.
Từ việc chặn lô hàng ở sân bay cho đến trả giá cao hơn để “hớt tay trên”, các quốc gia đang giành giật nguồn cung vật tư y tế hạn chế. Các lãnh đạo quốc gia gọi riêng cho các giám đốc công ty để có hàng nhanh chóng. Một số chính quyền còn điều máy bay riêng để chở vật tư y tế.
Trong khi đó, máy bay riêng là thứ quá xa xỉ với Amilcar Tanuri, người điều hành phòng thí nghiệm công ở Đại học Liên bang Rio de Janeiro, Brazil. Họ đang hết hóa chất xét nghiệm nhưng không thể làm được gì vì mặt hàng họ cần đang được chuyển đến các nước giàu hơn.
“Nếu không có kit xét nghiệm đáng tin cậy thì bạn giống như bị mù vậy”, ông nói. “Tôi lo ngại hệ thống y tế công cộng sẽ sớm bị quá tải”.
Brazil là quốc gia chịu ảnh hưởng nặng nề nhất ở Mỹ Latin, với hơn 10.000 ca nhiễm và cần xét nghiệm ít nhất 23.000 trường hợp nghi nhiễm. Đây cũng là đất nước gây tranh cãi nhất khu vực vì Tổng thống Jair Bolsonaro nhiều lần bày tỏ hoài nghi về mức độ nghiêm trọng của nCoV.
Video đang HOT
Tuy nhiên, đằng sau tranh cãi về chính trị, các nhà khoa học Brazil đang cố gắng tăng cường năng lực xét nghiệm. Trong vài tuần, Tanuri cuống cuồng gọi cho các công ty ở ba châu lục để tìm hóa chất cần thiết cho 200 mẫu thử mà phòng thí nghiệm của ông nhận được mỗi ngày. Nhưng ông nhận được câu trả lời rằng Mỹ và châu Âu đã đặt mua hết số hàng được sản xuất trong vài tháng tới.
“Nếu chúng tôi đặt mua mà 60 ngày mới có hàng thì quá muộn”, ông nói. “Virus nhanh hơn chúng tôi”.
Tình trạng tương tự diễn ra với một số nước châu Phi. Sau khi ghi nhận ca tử vong vì nCoV đầu tiên ngày 27/3, Nam Phi áp lệnh phong tỏa và đã xét nghiệm 47.000 người. Nam Phi có hơn 200 phòng thí nghiệm công, nhiều hơn một số nước giàu như Anh vì họ phải đối phó HIV và lao.
Tuy nhiên, giống như Brazil, họ phụ thuộc vào nguồn cung hóa chất và những thiết bị khác từ các nhà sản xuất quốc tế để thực hiện xét nghiệm. Francois Venter, chuyên gia về bệnh truyền nhiễm, cho biết việc thiếu hụt những mặt hàng này đang gây nguy hiểm cho công tác ứng phó dịch nói chung của đất nước.
“Chúng tôi có khả năng xét nghiệm trên quy mô lớn, nhưng chúng tôi đã bị tê liệt vì thiếu hóa chất”, ông nói. “Chúng tôi không giàu có, không có nhiều máy thở, không có nhiều bác sĩ, hệ thống y tế đã trong tình trạng bấp bênh từ trước khi dịch bùng phát. Chúng tôi đang rất lo lắng”.
Giới chuyên gia nói rằng không có quá nhiều công ty sản xuất kit xét nghiệm. “Các nhà sản xuất không chỉ muốn cung cấp cho các nước giàu”, Paul Molinaro, người đứng đầu bộ phận cung ứng và hậu cần cho WHO, nói. “Họ muốn đa dạng hóa, nhưng các quốc gia đã ganh đua với nhau”.
“Khi thị trường biến thành cuộc cạnh tranh khốc liệt với giá cả tăng chóng mặt, các quốc gia thu nhập thấp và trung bình sẽ bị tụt lại phía sau”, ông nói thêm.
Tuần trước, Tổng thống Mỹ Trump kích hoạt Đạo luật Sản xuất Quốc phòng để cấm xuất khẩu khẩu trang và yêu cầu các công ty Mỹ tăng cường sản xuất vật tư y tế. Hãng khẩu trang 3M cảnh báo về “tác động nhân đạo” nếu họ ngừng cung cấp hàng cho Mỹ Latin và Canada. Tuần này, công ty và chính quyền Trump đã đạt được thỏa thuận cho phép 3M tiếp tục xuất khẩu sang các nước đang phát triển, đồng thời cung cấp cho Mỹ 166 triệu khẩu trang trong vài tháng tới.
Tháng trước, châu Âu và Trung Quốc cũng ra lệnh hạn chế xuất khẩu kit xét nghiệm và đồ bảo hộ.
Tuy nhiên, một số công ty tư nhân đang đặt lợi nhuận sang một bên để giúp các nước đang phát triển. Hãng Mologic của Anh nhận được tài trợ của chính phủ để phát triển kit xét nghiệm nCoV tại nhà trong 10 phút. Nếu được phê duyệt, một kit chỉ có chi phí sản xuất chưa đến một USD và sẽ không phụ thuộc vào phòng thí nghiệm, điện hay nguồn cung đắt tiền từ nước ngoài.
Mologic đồng ý chia sẻ công nghệ với Viện nghiên cứu Pasteur de Dakar, phòng thí nghiệm hàng đầu của quốc gia Tây Phi Senegal, để giúp sản xuất kit xét nghiệm nhằm kiềm chế dịch ở châu Phi.
Nhưng với các nước nghèo, vấn đề không chỉ xoay quanh kit xét nghiệm. Quốc gia Đông Phi Zambia đang chật vật săn sùng khẩu trang cũng như que lấy mẫu thử và hóa chất, theo Charles Holmes, từ Trung tâm nghiên cứu bệnh truyền nhiễm ở Zambia. Khi Zambia cố gắng đặt hàng khẩu trang N95, bên môi giới hét giá gấp 5-10 lần giá thông thường, mặc dù hàng đã hết hạn vào năm 2016.
“Các nước khó thương lượng được với nhà sản xuất khi các quốc gia giàu hơn cũng làm điều tương tự”, ông nói. “Bên trả giá cao nhất sẽ được ưu tiên, kinh doanh là vậy”.
Các hãng sản xuất nói với các quan chức Zambia rằng họ không thể đảm bảo giao hàng đúng ngày như giao kèo vì hầu hết hàng đã “bị Mỹ và châu Âu chộp lấy”.
Khó có thể chỉ trích chính phủ các quốc gia giàu có này, bởi họ cũng chỉ đang cố gắng chăm sóc cho người dân trong bối cảnh Mỹ và châu Âu đang là những vùng dịch lớn nhất thế giới. Nhưng các chuyên gia y tế tin rằng toàn cầu đều hưởng lợi nếu các nước nghèo hơn được giúp đỡ.
“Virus có khả lăng lây lan nhanh ở bất cứ đâu trên thế giới, khiến tất cả quốc gia đều chịu rủi ro cao”, Holmes nói. “Nước giàu không chỉ cần có trách nhiệm quan tâm đến các quốc gia chịu ảnh hưởng nặng mà cũng cần đảm bảo các nước đang phát triển kiềm chế được đại dịch”.
Phương Vũ
Tổng thống Brazil 'đổ dầu vào lửa' đại dịch
Bolsonaro nói tự cách ly là "giam cầm hàng loạt", gọi Covid-19 là "cảm nhẹ", thắc mắc tại sao đóng cửa trường học khi nguy cơ cao ở người già.
Trong bối cảnh Covid-19 đã xuất hiện tại gần 200 quốc gia và vùng lãnh thổ, Jair Bolsonaro, Tổng thống Brazil, đất nước lớn nhất khu vực Mỹ Latin, kêu gọi người dân trở lại nơi làm việc, các không gian công cộng và hoạt động thương mại. Bất chấp diễn biến phức tạp, ông vẫn giữ nguyên quan điểm từ giai đoạn đầu dịch bệnh, công kích giới truyền thông và các đối thủ chính trị.
"Hầu hết hãng truyền thông đang làm phản. Họ lan truyền cảm giác sợ hãi bằng cách ưu tiên đưa ra số nạn nhân lớn ở Italy. Đó là kịch bản hoàn hảo dùng để truyền bá sự kích động", Bolsonaro phát biểu trước toàn quốc qua truyền hình hôm 24/3.
"Cụ thể như trường hợp của tôi, với quãng thời gian từng làm vận động viên, tôi không cần phải lo lắng nếu nhiễm virus. Tôi sẽ không cảm thấy bất cứ điều gì. Ngay cả khi ảnh hưởng nặng hơn, nó cũng chỉ như một cơn cảm cúm nhẹ", Tổng thống 65 tuổi nói thêm.
Tổng thống Brazil Jair Bolsonaro đeo khẩu trang trong cuộc họp báo tại Brasilia hôm 20/3. Ảnh: Reuters.
Thay vì xoa dịu cơn hoảng loạn và hoang mang, những phát ngôn của Bolsonaro được cho là chỉ "đổ thêm dầu vào lửa". Brazil đang dẫn đầu khu vực Mỹ Latin cả về số ca nhiễm và tử vong vì nCoV, với hơn 2.500 bệnh nhân và khoảng 60 người chết.
Bộ trưởng Y tế Brazil Luiz Henrique Mandetta hôm 20/3 cảnh báo hệ thống chăm sóc sức khỏe của nước này có nguy cơ sụp đổ vào cuối tháng 4. "Bạn có thể sở hữu nhiều tiền, có chuyên cơ riêng, cũng có thể xin được lệnh từ tòa án. Nhưng bạn sẽ không tìm được phòng bệnh cho mình", ông nói.
Tuy nhiên, trong mắt Tổng thống Brazil, tình hình không tệ đến mức đó. Ông cho rằng những biện pháp mà các thống đốc bang đang triển khai nhằm kiềm chế tốc độ lây lan của dịch bệnh, như cách biệt cộng đồng, đóng cửa các nhà thờ, trung tâm thương mại và trường học, là làm quá vấn đề một cách không cần thiết.
"Mọi thứ sẽ sớm qua đi. Cuộc sống của chúng ta phải tiếp tục. Công việc nên được duy trì", Bolsonaro phát biểu hôm 24/3, đồng thời kêu gọi doanh nghiệp và trường học hoạt động trở lại.
Bolsonaro dường như đang đặt cược lớn, bất chấp cảnh báo của giới chuyên gia về viễn cảnh thương vong hàng loạt và hệ thống y tế gục ngã, khiến nền kinh tế không thể vận hành. Theo các nhà phân tích, cách ứng phó của Tổng thống Brazil khá giống người đồng cấp Mỹ Donald Trump.
"Bolsonaro tìm những lý lẽ chính đáng bằng cách mô phỏng các bài phát biểu của Trump. Tuy nhiên, ông ấy quên rằng Brazil không có nguồn tài chính tương tự Mỹ, nên không thể nói trước một số điều nhất định. Hai đất nước hoàn toàn khác nhau", Fernanda Magnotta, nhà khoa học chính trị ở Sao Paulo, nhận xét.
Brazil là một trong những quốc gia bất bình đẳng nhất thế giới. Hơn 40 triệu người, chiếm gần 20% dân số, làm việc trong các lĩnh vực kinh tế không chính thức. Họ dọn nhà thuê, bán đồ ăn vặt hoặc bán hàng rong trên các bãi biển. Sự nghèo khổ buộc họ phải chen chúc trong những khu ổ chuột ở Rio de Janeiro và Sao Paulo.
Tình trạng đông đúc và thiếu vệ sinh tại các khu ổ chuột có nguy cơ khiến nCoV lây lan rộng hơn ở Brazil. Trong khi đó, gần như tất cả người dân thuộc những tầng lớp thấp hơn đều phụ thuộc vào hệ thống y tế cộng đồng, nơi vốn đã chạm đến giới hạn và hỗn loạn trước cả khi Covid-19 bùng phát.
Giới chức từng đề xuất hỗ trợ những người lao động không chính thức bị mất thu nhập do đại dịch 40 USD mỗi tháng. Tuy nhiên, Tổng thống Bolsonaro sau đó đề xuất cho phép doanh nghiệp giữ lại các khoản thanh toán theo hợp đồng từ nhân viên của họ trong tối đa 4 tháng. Kế hoạch này vấp phải sự phẫn nộ trên toàn quốc khiến ông phải rút lại.
Bolsonaro còn đối mặt với việc mất dần đồng minh. Những thống đốc từng ủng hộ ông đang đi theo con đường của riêng họ. Chủ tịch Thượng viện Brazil Davi Alcolumbre, người bị nhiễm nCoV và là đồng minh của Bolsonaro, cũng thừa nhận Tổng thống đang đặt đất nước vào nguy hiểm.
"Trong tình huống trầm trọng này, đất nước cần sự lãnh đạo nghiêm túc, có trách nhiệm, cũng như cam kết bảo vệ cuộc sống và sức khỏe của người dân", Alcolumbre cho biết sau bài phát biểu hôm 24/3 của Bolsonaro. "Chúng tôi cho rằng quan điểm công khai của Tổng thống hôm nay gây tổn hại nghiêm trọng đến các biện pháp ngăn chặn Covid-19".
"Tổng thống Brazil đã bỏ lỡ thời cơ trong cuộc khủng hoảng và đang bị hiện thực tấn công. Ông ấy chống lại cả thế giới bằng cách đặt cược gấp đôi rằng đại dịch cuối cùng sẽ không khiến quá nhiều người chết", Carlos Melo, giáo sư khoa học chính trị tại Viện Nghiên cứu và Giảng dạy Sao Paulo, nhận định.
Các chuyên gia y tế còn cảnh báo về những thông tin sai lệch nghiêm trọng mà Bolsonaro tiếp tục lan truyền. Theo Hiệp hội Dịch tễ học Brazil, việc ông so sánh Covid-19 với bệnh "cảm nhẹ" đang gây "ấn tượng sai lầm với người dân rằng những biện pháp kiểm dịch là không phù hợp".
Những cuộc biểu tình phản đối thái độ thờ ơ của Bolsonaro ngày càng gia tăng. Hơn một tuần qua, các thành phố trên khắp Brazil tối nào cũng vang vọng tiếng khua xoong chảo từ những cửa sổ và ban công, trong bối cảnh hàng triệu người vốn nghèo khổ giờ đây lại phải đối mặt với nhiều tuần không có thu nhập và nạn đói chực chờ bùng nổ.
Với Eduardo Alfradique de Oliveira, một cư dân tại khu Copacabana ở Rio de Janeiro, hoạt động sẽ bắt đầu vào đúng 20h28 mỗi tối. Sau khi một hàng xóm gần đó bắt đầu gõ, anh ngay lập tức cầm chiếc xoong của mình lên.
"Đây không phải vấn đề chính trị", người đàn ông 32 tuổi nói. "Đây là vấn đề của nhân loại. Ông ấy là tổng thống của đất nước. Chúng tôi phải phản kháng dưới bất cứ hình thức nào có thể. Mọi người đang chết dần".
Ánh Ngọc
Mỹ Latin ghi nhận ca nhiễm Covid-19 đầu tiên Bộ Y tế Brazil thông báo một người đàn ông 61 tuổi bị chẩn đoán nhiễm Covid-19, ca nhiễm đầu tiên được ghi nhận tại khu vực Mỹ Latin. "Bây giờ, chúng ta sẽ xem Covid-19 diễn ra như thế nào tại một quốc gia nhiệt đới vào giữa mùa hè" - Bộ trưởng Y tế Brazil Luiz Henrique Mandetta nói tại một...