Những nữ ‘thủ lĩnh’ Công đoàn năng động
Dẫu không “sức dài, vai rộng” như cánh đàn ông, nhưng các nữ thủ lĩnh Công đoàn vẫn ngược xuôi, ngang dọc trong suốt mùa dịch COVID-19 lần thứ 4 bùng phát, kịp thời chia lửa với công nhân, người lao động, lực lượng nơi tuyến đầu phòng, chống dịch.
Các chị không chỉ căng mình để phòng, chống dịch mà còn vận động, tiếp nhập hỗ trợ, có lúc kiêm luôn cả chế biến, phân chia, vận chuyển, cung cấp lương thực, thực phẩm thiết yếu đến từng nhà, từng điểm cách ly, phong tỏa trong tâm dịch, các hộ nghèo, có hoàn cảnh khó khăn, cùng chính quyền địa phương vừa phòng, chống dịch, vừa đảm bảo an sinh xã hội.
Chị Nguyễn Thị Bạch Yến (phải), Chủ tịch Liên đoàn Lao động quận Gò Vấp cùng lực lượng tình nguyện chuẩn bị “Suất ăn nghĩa tình Công đoàn Gò Vấp” cho người lao động đang thực hiện giãn cách xã hội. Ảnh: TTXVN phát
“Làm dâu trăm họ”
Giữa tháng 5/2021, quận Gò Vấp là một trong những địa phương bùng phát dịch đầu tiên ở Thành phố Hồ Chí Minh và trở thành “điểm nóng” do có nhiều ca mắc COVID-19 và lây lan nhanh ra khắp cộng đồng. Chị Nguyễn Thị Bạch Yến, Chủ tịch Liên đoàn Lao động quận Gò Vấp đang tất bật, đôn đáo chăm lo cho công nhân, người lao động thì bất ngờ ngày 29/5 khu vực nhà chị bị phong tỏa do có ca mắc COVID-19. Đến ngày 31/5, toàn quận Gò Vấp thực hiện giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16 của Thủ tướng để phòng, chống dịch. Địa phương liên tục có nhiều ca nhiễm, ảnh hưởng không nhỏ đến việc làm, đời sống của hàng chục nghìn công nhân lao động. Chị Yến chia sẻ: Đang trong lúc nước sôi, lửa bỏng thì sự việc đột ngột phải “bó chân” ở yên một chỗ khiến tôi đứng ngồi không yên. Do yêu cầu cấp bách, nên tôi phải điều hành mọi công việc qua điện thoại.
Ngay khi khu vực nhà được gỡ phong tỏa, chị Yến đã lập tức trực tiếp đi tặng quà cho công nhân lao động đang phải cách ly. Chị cùng các cô giáo Trường Mầm non Nhật Quỳnh, nhóm thiện nguyện “Nụ Cười Việt” và các đơn vị tài trợ tổ chức nấu hàng chục ngàn “Suất ăn nghĩa tình Công đoàn Gò Vấp” cung cấp cho lực lượng tuyến đầu, người lao động, tổ công nhân tự quản, khu vực bị phong tỏa, tạm ngừng việc và cho cả người dân gặp khó khăn do đại dịch.
Sự năng động, tích cực của chị Yến được nhiều đơn vị, doanh nghiệp tâm huyết đồng hành cùng tổ chức Công đoàn, nhiều người lao động và đồng nghiệp quý mến; quyết tâm vượt qua khó khăn, chung sức sớm đẩy lùi dịch COVID-19.
Đồng hành cùng với nữ thủ lĩnh Công đoàn quận Gò Vấp, Hiệu trưởng Trường Mầm non Nhật Quỳnh Nguyễn Ngọc Uyên Thương cho biết: Sự quan tâm, gần gũi, chia sẻ, sống hết mình với công nhân, người lao động của chị Yến là điểm mạnh. Cái hay của chị còn nói và làm ngay nên thuyết phục mọi người làm theo.
Không chỉ tích cực chăm lo công nhân, người lao động ở địa phương, chị Yến cùng các anh em trong cơ quan còn hăng hái thực hiện hỗ trợ kinh phí, đi chợ giúp công nhân; triển khai các gói hỗ trợ của Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam, Liên đoàn Lao động, Trung tâm công tác xã hội Công đoàn thành phố. Chị Yến cùng cơ quan đã tiếp nhận, vận chuyển hơn 70 tấn rau củ quả, cá biển; vận động trao tặng hàng chục ngàn phần quà gồm các nhu yếu phẩm chăm lo cho đoàn viên Công đoàn, người lao động tự do trong các khu cách ly, khu phong tỏa…
Khẳng định những việc làm nói trên là công sức đóng góp của các anh chị em, của tổ chức Công đoàn, chị Yến tâm sự: Việc hỗ trợ khẩn cấp trong thời điểm đó không chỉ giúp giải quyết về nhu cầu đời sống, đảm bảo an sinh xã hội, mà còn giúp công nhân, người lao động yên tâm “ai ở đâu, ở yên đó” để phòng, chống dịch; thể hiện sự quan tâm của các cấp ngành, chính quyền và tổ chức Công đoàn luôn đồng hành, sát cánh, chăm lo người lao động”,
Video đang HOT
Chị Phạm Ngọc Lan, Chủ tịch Liên đoàn Lao động quận Tân Phú trao hỗ trợ cho lực lượng tuyến đầu chống dịch. Ảnh: Thanh Vũ/TTXVN
Vì việc chung
Chị Phạm Ngọc Lan, Chủ tịch Liên đoàn Lao động quận Tân Phú, chia sẻ: Chị từng phải cách ly y tế do trở thành F1, nên rất hiểu những khó khăn, vất vả, thiếu thốn của công nhân, người lao động. Nhờ anh em trong cơ quan nỗ lực, nhiệt tình và làm đều tay nên việc hỗ trợ, chăm lo người lao động trên địa bàn quận cơ bản khá tốt…
Từ các chính sách hỗ trợ của Trung ương, Thành phố, tổ chức Công đoàn, địa phương, chị Lan luôn nỗ lực triển khai nhanh nhất, tạo điều kiện thuận lợi để không chỉ chăm lo người lao động mà còn hỗ trợ doanh nghiệp giữ chân người lao động; lập danh sách chuyển đoàn viên, người lao động thực hiện cách ly, bị ảnh hưởng dịch COVID-19 về nơi đăng ký ban đầu để được hỗ trợ theo quy định.
Ông Phạm Hưng Quốc Bảo – Phó Bí thư thường trực Quận ủy Tân Phú đánh giá: Chị Lan là người nhiệt tình, tâm huyết với công việc. Trăm công nghìn việc đổ dồn vào cùng thời điểm, song chị Lan cùng đội ngũ cán bộ Công đoàn đã chủ động, sáng tạo, linh hoạt trong công tác; xử lý kịp thời những tình huống phát sinh từ thực tiễn; tham gia hỗ trợ các lao động có hoàn cảnh khó khăn ở ngoài khu vực quản lý, người lao động ở khu vực phi kết cấu…
Chị Phạm Ngọc Lan, Chủ tịch Liên đoàn Lao động quận Tân Phú trao tặng sổ bảo hiểm xã hội cho đoàn viên các nghiệp đoàn quận Tân Phú. Ảnh: Thanh Vũ/TTXVN
Suốt gần 3 tháng cao điểm phòng, chống dịch và giãn cách xã hội, Liên đoàn Lao động quận Tân Phú đã vận động và trao tặng hàng trăm tấn gạo, rau, củ, quả, hàng nghìn hộp sữa, đồ bảo hộ y tế, khẩu trang y tế, găng tay y tế trị giá gần chục tỷ đồng. Chị Lan cho biết, để chăm lo, hỗ trợ hơn 25.000 đoàn viên Công đoàn, công nhân lao động, người dân và lực lượng tuyến đầu chống dịch, tất cả cán bộ Công đoàn của quận gần như không có ngày nghỉ. Ngoài ra, mỗi cán bộ Công đoàn còn tận dụng tất cả các mối quan hệ, vận động doanh nghiệp, nhà hảo tâm ủng hộ; luôn nắm chắc cơ sở để kịp thời chăm lo những trường hợp khó khăn, không để ai bị thiếu đói.
Điều chị Lan cảm thấy áy náy nhất là trong thời gian thực hiện cách ly không thể trực tiếp chăm sóc con phải nhập viện điều trị bệnh. Chị xúc động nói: “Mọi việc phải nhờ đến các anh chị em trong cơ quan, tổ chức Công đoàn chăm thay. Rất may là có các đồng nghiệp hỗ trợ nên mọi việc rồi cũng ổn. Mình đại diện Công đoàn lo chăm lo đoàn viên, người lao động; nay tổ chức lại chăm lo cho mình. Tôi cảm thấy hạnh phúc, tình cảm của Công đoàn thật sự ấm áp như một gia đình”.
Dịch COVID-19 tác động không nhỏ đến đời sống xã hội, khiến nhiều lao động càng thêm chật vật. Tại nhiều địa phương, các cấp Công đoàn cùng các tổ chức, cá nhân không chỉ góp công, góp sức, hết mình cho “cuộc chiến” phòng, chống dịch COVID-19 mà còn có nhiều việc làm thiết thực, kết nối tinh thần đoàn kết, đồng lòng.
Ông Hồ Xuân Lâm, Phó Chủ tịch Liên đoàn Lao động Thành phố Hồ Chí Minh cho biết, hoạt động ở các cấp Công đoàn trong thời gian qua rất sôi nổi. Nhiều tổ chức Công đoàn đã năng động, sáng tạo, chủ động phối hợp với các cấp chính quyền thực hiện nhiều chương trình, hoạt động thiết thực; vận động doanh nghiệp, các tỉnh, thành khác cùng chung mục tiêu hướng đến những trường hợp khó khăn, người yếu thế trong xã hội, đoàn viên công đoàn, người lao động ở khu vực phi kết cấu bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh.
Trong những nỗ lực chung ấy, những nữ “thủ lĩnh” Công đoàn như chị Yến, chị Lan đã không quản ngai khó khăn, nguy hiểm, vừa gánh vác công việc gia đình, vừa hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ, trách nhiệm của công tác đoàn thể. Để làm được điều đó, các chị đã nỗ lực rất nhiều, tạm gác việc riêng, thể hiện rõ vai trò đại diện, bảo vệ chăm lo đoàn viên, người lao động, góp phần quan trọng trong việc thực hiện chính sách an sinh xã hội của thành phố trong việc phòng, chống, đẩy lùi dịch COVID-19….
Thiết thực chăm lo cho người lao động ở lại tỉnh Bình Dương
Trước tình hình dịch COVID-19 diễn biến phức tạp, để công nhân lao động thực hiện nghiêm Chỉ thị số 16, theo tinh thần "Ai ở đâu ở đấy", không di chuyển ra khỏi nơi cư trú từ sau ngày 31/7 cho đến khi hết thời giãn cách, tỉnh Bình Dương đã triển khai nhiều kế hoạch thiết thực chăm lo cho người lao động ở lại tỉnh.
Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh Bình Dương phối hợp với các sở, ngành triển khai chi hỗ trợ cho đối tượng công nhân đang ở trọ bị mất việc tại phường Phú Lợi, thành phố Thủ Dầu Một.
An tâm ở lại
Nhiều người lao động ở trọ tại Bình Dương cho biết sẽ không về quê tránh dịch, yên tâm ở lại. Chị Nguyễn Thị Mai Anh, làm việc tại Khu công nghiệp Đại Đăng, thành phố Thủ Dầu Một (Bình Dương), quê ở Bình Thuận, đang thuê nhà trọ trên địa bàn phường Phú Mỹ chia sẻ, trước tình hình dịch bệnh diễn biến phức tạp như hiện nay, vợ chồng chị dự tính về quê chờ dịch bệnh qua đi sẽ quay trở lại Bình Dương làm việc.
Những ngày qua, từ những thông tin tuyên truyền, vận động của chính quyền địa phương và Công đoàn Công ty, chị Mai Anh hiểu được nếu về quê lúc này rất có thể mang theo mầm bệnh trong người, nguy cơ lây nhiễm bệnh cho người thân. Trong khi đó, ở lại có gặp khó khăn chị được các cấp chính quyền, đoàn thể hỗ trợ nhu yếu phẩm và được tiêm vaccine phòng COVID-19... Do vậy, vợ chồng chị đã quyết định ở lại, tuân thủ tốt các quy định phòng, chống dịch bệnh tại nơi cư trú và chờ ngày Công ty thông báo đi làm trở lại. "Những ngày qua, vợ chồng tôi được cán bộ khu phố phát10 kg gạo, rau củ quả tươi sạch và phát phiếu đi chợ 2 lần/tuần để đi mua nhu yếu phẩm cần thiết... Vợ chồng tôi rất an tâm khi ở lại"- chị Mai Anh chia sẻ.
Bà Nguyễn Kim Loan, Chủ tịch Liên đoàn Lao động tỉnh Bình Dương cho biết, hiện có khoảng 500.000 công nhân lao động ở lại Bình Dương. Các cấp chính quyền, tổ chức đoàn thể và Liên đoàn Lao động tỉnh đã triển khai nhiều kế hoạch chăm lo công nhân lao động, đặc biệt là những công nhân lao động ở các khu vực bị phong tỏa, cách ly. Ủy ban nhân dân tỉnh đã thống nhất các chính sách đối với toàn bộ công nhân, người lao động không về quê mà ở lại Bình Dương trong thời gian giãn cách xã hội, phòng chống dịch COVID-19 sẽ được tiêm vaccine, hỗ trợ tiền nhà trọ và nhu yếu phẩm.
Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh Bình Dương phối hợp với các sở, ngành triển khai chi hỗ trợ cho đối tượng công nhân đang ở trọ bị mất việc tại phường Phú lợi, thành phố Thủ Dầu Một. Ảnh: TTXVN phát
Liên đoàn Lao động tỉnh đã gửi các văn bản chỉ đạo Công đoàn các cấp, Tổ an toàn COVID-19 tại các doanh nghiệp để triển khai tuyên truyền, vận động công nhân lao động trong đơn vị, công ty thực hiện nghiêm các biện pháp phòng, chống dịch tại nơi làm việc, nơi cư trú, không rời khỏi nơi cư trú để về quê tránh dịch. Các hình thức tuyên truyền phong phú, trực tiếp, chia sẻ qua mạng xã hội (Facebook, nhóm Zalo công đoàn) đã góp phần lan tỏa những thông tin về phòng, chống dịch, kế hoạch tiêm vaccine cho toàn người dân, người lao động, kể cả người lao động tạm trú. Đồng thời, Công đoàn các cấp triển khai nhiều hoạt động chăm lo đời sống để công nhân lao động an tâm, chấp hành nghiêm các quy định phòng, chống dịch và không di chuyển khỏi nơi cư trú để bảo đảm an toàn sức khỏe cho chính mình, người thân và cộng đồng. Các cấp Công đoàn đã thông tin, chia sẻ số điện thoại đường dây "nóng" 1022 (gọi di động 0274.1022) của tỉnh và của Công đoàn Bình Dương (0889.287.287) để được hỗ trợ công nhân lao động kịp thời.
Cùng với đó, Liên đoàn Lao động tỉnh và các cấp Công đoàn đã liên tục tổ chức các chuyến xe nghĩa tình, trao hỗ trợ cho người lao động khó khăn trong các khu cách ly, phong tỏa bị ảnh hưởng nặng nề của dịch COVID-19. Đến nay, gần 150.000 tấn hàng hóa nhu yếu phẩm đã được chuyển đến người lao động. Liên đoàn Lao động tỉnh Bình Dương đã hỗ trợ 6.230 người là công nhân, người lao động bị ảnh hưởng, liên quan đến dịch COVID-19 với số tiền trên 10 tỷ đồng từ nguồn ngân sách Công đoàn. Những ngày tới, khi tiếp nhận được quà từ các đơn vị tài trợ, Liên đoàn Lao động tỉnh sẽ tiếp tục tổ chức các chuyến xe nghĩa tình để kịp thời hỗ trợ công nhân.
Liên đoàn lao động tỉnh Bình Dương đang hỗ trợ nhu yếu phẩm cho công nhân, người lao động bị ảnh hưởng, liên quan đến COVID-19. Ảnh: Huyền Trang/TTXVN
Nhiều hoạt động chăm lo thiết thực
Được sự đồng ý của Ủy ban nhân dân tỉnh Bình Dương, hiện nay, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc tỉnh đang phối hợp với các sở, ngành gấp rút chuẩn bị triển khai chi hỗ trợ cho đối tượng công nhân đang ở trọ bị mất việc, ngừng việc do ảnh hưởng của dịch COVID-19. Ông Nguyễn Văn Lộc, Chủ tịch Ủy ban Mặt trận Tổ quốc tỉnh cho biết, nhằm góp phần động viên công nhân, người lao động đang bị mất việc, ngừng việc ở các khu trọ an tâm, từ đó chấp hành tốt Chỉ thị 16 và chung sức cùng tỉnh thực hiện tốt công tác phòng, chống dịch, mỗi lao động đang ở trọ sẽ được hỗ trợ 500.000 đồng, gồm một phần quà là các nhu yếu phẩm thiết yếu phục vụ nhu cầu sinh hoạt hàng ngày trị giá 300.000 đồng và tiền mặt. Hiện Mặt trận Tổ quốc các cấp và các tổ chức thành viên đang tập trung triển khai để nhanh chóng trao quà hỗ trợ đến tận tay những người thuộc diện được hỗ trợ tại các khu nhà trọ. Dự kiến, đợt này tỉnh sẽ chi hỗ trợ cho khoảng 500.000 lao động đang ở trọ trên địa bàn với tổng số tiền khoảng 260 tỷ đồng.
Để chia sẻ khó khăn với công nhân, người lao động, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc thành phố Thủ Dầu Một đã kêu gọi 848 chủ nhà trọ với gần 9.800 phòng miễn, giảm tiền thuê trên 4 tỷ đồng cho các công nhân lao động khó khăn.
Theo ước tính, toàn tỉnh có hơn 40.000 người bán vé số, người không có hợp động lao động gặp khó khăn trong đợt dịch bệnh thứ 4.
Hầu hết là những người từ các tỉnh khác đến lập nghiệp, thuê nhà trọ sinh sống.
Theo Sở Lao động - Thương binh và Xã hội tỉnh Bình Dương, đến nay số đối tượng không có giao kết hợp đồng lao động trên địa bàn được hỗ trợ là 20.722 người, số tiền đã giải ngân gần 32 tỷ đồng (đạt 51,3% kế hoạch. Việc hỗ trợ những người hành nghề bán vé số trên địa bàn cơ bản hoàn tất. Về chính sách giảm mức đóng bảo hiểm tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp,14.359 đơn vị được giảm với hơn 1 triệu lao động được giảm, tổng số tiền giảm mức đóng 12 tháng (từ 1/7/2021 - 30/6/2022) ước tính trên 393 tỷ đồng.
Liên đoàn lao động tỉnh Bình Dương hỗ trợ nhu yếu phẩm cho công nhân, người lao động bị ảnh hưởng, liên quan đến COVID-19. Ảnh: Huyền Trang/TTXVN
Hiện nay, nhóm doanh nghiệp hoạt động theo phương án "3 tại chỗ" có rất đông lao động không tham gia được do vướng bận gia đình.
Người lao động không thực hiện sản xuất "3 tại chỗ", đồng nghĩa với việc họ bị nghỉ việc do dịch bệnh nhưng lại không thuộc nhóm lao động ở công ty phải tạm dừng hoạt động theo yêu cầu của cơ quan nhà nước. Trong khi đó, số lượng lao động bị ảnh hưởng này rất lớn.
Theo thống kê của Liên đoàn Lao động tỉnh, 1.041 doanh nghiệp (tổng số 405.000 lao động) có tổ chức Công đoàn cơ sở thực hiện phương án 3 tại chỗ nhưng chỉ có 188.000 lao động vào nhà máy làm việc; hơn 210.000 lao động nghỉ việc ở nhà. Thực tế, họ là lao động bị ngừng việc do dịch bệnh nhưng không đáp ứng được điều kiện nhóm 4 trong Nghị quyết 68.
Phó Giám đốc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội tỉnh Bình Dương Phạm Văn Tuyên cho biết, đơn vị đã phát hiện ra những bất cập trên trong thực hiện Nghị quyết 68. Ông Tuyên nhận định, nếu căn cứ trong điều kiện này, sẽ rất ít lao động nhóm 4 (hỗ trợ đào tạo nghề cho người lao động; hỗ trợ người lao động tạm hoãn hợp đồng, nghỉ việc không hưởng lương; hỗ trợ người lao động chấm dứt hợp đồng lao động không đủ điều kiện hưởng bảo hiểm thất nghiệp; hỗ trợ hộ kinh doanh tại Bình Dương) nhận được chính sách hỗ trợ kịp thời. Sở đang rà soát các trường hợp này để kiến nghị lên Trung ương. Đến thời điểm này, nhóm 4 chưa phát sinh hồ sơ đề nghị hỗ trợ, chưa có doanh nghiệp nào làm hồ sơ cho người lao động hưởng hỗ trợ.
Mô hình làm làm kinh tế giỏi của phụ nữ Lai Châu Phong trào phụ nữ vượt khó vươn lên phát triển kinh tế, làm giàu do Hội Liên hiệp Phụ nữ tỉnh Lai Châu phát động được phụ nữ trong tỉnh tích cực hưởng ứng và đạt nhiều kết quả. Bà Nguyễn Thị Bé, tổ 15, phường Tân Phong, thành phố Lai Châu thu hoạch bưởi. Nhiều phụ nữ làm kinh tế giỏi, có...