Những người thầy đặc biệt
Không chỉ ngày hai buổi đến trường dạy con chữ, những giáo viên ở Cơ sở Bảo trợ, chăm sóc trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt tỉnh còn đảm nhiệm vai trò như người cha, người mẹ.
Bằng tình yêu thương, lòng yêu nghề, họ đã tận tình chỉ bảo, chăm lo cho trẻ từng miếng ăn, giấc ngủ, cho các em một gia đình, bù đắp cho những khiếm khuyết, định hướng tương lai, vun đắp cho những ước mơ dần trở thành hiện thực.
“Cô, thầy như thể mẹ, cha”
Cô giáo Vũ Thị Lan cùng học trò giao tiếp với nhau bằng ngôn ngữ ký hiệu trong lớp học.
Cô giáo Vũ Thị Lan (33 tuổi) đến nay đã có 12 năm gắn bó với Cơ sở Bảo trợ, chăm sóc trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt tỉnh. Không giống với các trường học bình thường, học sinh trong lớp học của cô có nhiều độ tuổi khác nhau, từ 6-18 tuổi, đặc biệt, không khí học tập luôn diễn ra trong bầu yên lặng. Không có tiếng giảng bài, tiếng trò chuyện, giáo viên và học trò giao tiếp với nhau bằng ánh mắt, bằng những ký hiệu từ đôi tay. Ở lớp học ấy, chỉ có tiếng viết bảng, tiếng học sinh ú ớ muốn nói mà không thể phát ra thành lời. Đó là lớp học dành cho trẻ em khiếm thính.
Học sinh của cô giáo Lan không phải mỗi năm lên một lớp như thông thường, mà phải 10 năm hoặc hơn thế nữa, các em mới học xong chương trình của 5 năm tiểu học. Độ tuổi đầu vào lớp 1 cũng không phải 6 tuổi, có những em 17-18 tuổi mới bắt đầu nhập học, bắt đầu từ con số 0. Bởi thế mà 12 năm đứng lớp, cô Lan mới tiễn được 2 lứa học sinh tốt nghiệp.
Chuyện này không có gì đáng ngạc nhiên ở một cơ sở giáo dục dành cho trẻ em đặc biệt như nơi đây, khi mà giáo viên phải đảm nhiệm cả vai trò làm bố, làm mẹ, không chỉ truyền cho các em kiến thức, kỹ năng sống, mà còn chăm lo cho các em cả cuộc sống hằng ngày.
“Từ chỉ bảo cho các con các kỹ năng tự phục vụ, tự chăm sóc bản thân, đến giải thích, hướng dẫn các bé gái đến tuổi dậy thì lúng túng, không biết phải xử trí thế nào, đều do các bố, mẹ ở Cơ sở thực hiện. Nhiều con 16-17 tuổi mới được gia đình gửi đến học tại Cơ sở, chưa hề biết tự phục vụ bản thân. Điều này sẽ rất khó khăn cho các con trong cuộc sống sau này, bởi dù có nhiều khiếm khuyết trên cơ thể, nhưng các con rồi sẽ phải ra đời, sống tự lập, ai dám chắc bố mẹ có thể đồng hành cùng con cho đến cuối cuộc đời” – Cô giáo Vũ Thị Lan tâm sự.
Chị Nguyễn Thị Mai chăm sóc cho trẻ mồ côi, trẻ khuyết tật đặc biệt.
Không đứng lớp như cô giáo Vũ Thị Lan, nhưng chị Nguyễn Thị Mai (Phó trưởng Phòng Quản lý, chăm sóc của Cơ sở) cũng đảm nhiệm một công việc vô cùng đặc biệt, là hằng ngày trực tiếp chăm sóc trẻ mồ côi, trẻ khuyết tật đặc biệt. Đó là những trẻ bại não, não úng thủy, chậm phát triển, khuyết bộ phận trên cơ thể, trẻ bị bỏ rơi, trẻ mồ côi không nơi nương tựa, trẻ là nạn nhân của mua bán người… Mỗi trẻ mỗi hoàn cảnh khác nhau được Cơ sở cưu mang bằng chính tình yêu thương của những người mẹ như chị Lan, chị Mai…
Video đang HOT
Chị Mai có 2 con đẻ, nhưng lại có rất nhiều “con nuôi” ở Cơ sở. Chị đã dành cho trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt cả thời gian, sức khỏe, sự nhiệt huyết. Sự nhẹ nhàng, ân cần, kiên nhẫn của chị đã làm dịu đi nỗi đau cả thể xác và tinh thần cho những đứa trẻ vốn thiệt thòi. Hơn chục năm gắn bó với công việc này, chị vẫn luôn xúc động khi được gọi là “mẹ”, là “cô giáo”.
Các anh, chị lớn đi học về sẽ phụ các mẹ dạy học cho các em nhỏ hơn.
Tạo hành trang vào đời
Cơ sở thường xuyên duy trì chăm sóc, nuôi dưỡng hơn 100 trẻ các lứa tuổi: Mồ côi, trẻ khuyết tật, bị buôn bán qua biên giới. Các trường hợp khuyết tật nặng được chăm sóc, nuôi dưỡng theo chế độ đặc biệt, đảm bảo an toàn tuyệt đối…
Mặc dù chưa được công nhận là cơ sở giáo dục chuyên biệt, nhưng kể từ khi thành lập đến nay, các cán bộ, giáo viên ở Cơ sở vẫn làm việc miệt mài, hăng say và đầy nhiệt huyết, chẳng màng đến quyền lợi thực sự chưa đảm bảo.
Đối với những trẻ có hoàn cảnh đặc biệt sinh sống tại Cơ sở, có nhận thức và sự phát triển bình thường, được đến trường như những bạn bè cùng trang lứa. Cơ sở luôn phối hợp chặt chẽ với các nhà trường để theo dõi tình hình học tập của các con, nhất là trẻ cá biệt, học lực kém, trẻ mới tiếp nhận, để có những biện pháp giáo dục kịp thời. Từ năm 2007 đến nay, Cơ sở đã tổ chức dạy văn hóa cho 7 khóa với gần 150 trẻ theo chương trình chuyên biệt bậc tiểu học dành cho trẻ khiếm thính.
Biểu diễn văn nghệ trong Lễ khai giảng năm học 2021-2022 tại Cơ sở Bảo trợ, chăm sóc trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt tỉnh.
Bà Hoàng Thị Quyên, Phó Giám đốc Cơ sở, chia sẻ: “Bên cạnh các chương trình học văn hóa, các con được tham gia học kỹ năng sống, cờ vua, dân vũ… Mặc dù không được ở gần bố mẹ, người thân, nhưng các con đều nhận được sự quan tâm chăm sóc rất chu đáo, cẩn trọng từ các bố, các mẹ ở Cơ sở”.
Song song với công tác chăm sóc, nuôi dưỡng và phục hồi chức năng cho trẻ, Cơ sở đẩy mạnh hướng nghiệp dạy nghề, thông qua kết nối với các trường dạy nghề, các doanh nghiệp, giúp các em có việc làm, thu nhập, tự tin hòa nhập cộng đồng. Các nghề được khuyến khích, phù hợp với trẻ ở Cơ sở là làm tóc, làm đẹp; phục vụ tại khách sạn, nhà hàng; sửa chữa cơ khí… Năm học 2020-2021 Cơ sở có 3 em tốt nghiệp THPT đều được định hướng và tìm được cho mình hướng đi phù hợp.
“Khi được đưa vào đây, mỗi em có một hoàn cảnh khác nhau, nhưng đều là sự khiếm khuyết cả về thể xác lẫn tinh thần. Nhiều bé còn đỏ hỏn, bị thiếu hụt một bộ phận trên cơ thể, nhìn thương xót vô cùng. Có những em vì hoàn cảnh mà được tiếp nhận khi đang ở độ tuổi mới lớn, nhưng lại vô cùng từng trải, thậm chí còn dính vào tệ nạn xã hội. Với mỗi đối tượng, chúng tôi có cách quản lý, chăm sóc khác nhau. Ngày ngày, nhìn các con khôn lớn, tự chăm sóc được bản thân, vui vẻ, hoạt bát, đó chính là động lực để các thầy, cô vượt qua khó khăn tiếp tục gắn bó với nghề, tiếp tục là chỗ dựa cho các con vượt qua mặc cảm, vươn lên trong cuộc sống” – Bà Hoàng Thị Quyên chia sẻ.
Có một 'Nguyễn Ngọc Ký' ở miền Tây
Em Nguyễn Minh Trung (Cần Thơ) đã vượt qua khiếm khuyết bản thân, nỗ lực viết chữ bằng chân để theo đuổi sự học.
Nguyễn Minh Trung, học sinh lớp 10C11 trong lớp học.
Em Nguyễn Minh Trung là học sinh lớp 10C11, Trường THPT Trung An, huyện Cờ Đỏ (TP Cần Thơ).
Luyện chữ bằng chân
Từ khi mới sinh ra Nguyễn Minh Trung chẳng may đã bị liệt cả 2 tay, cha em đã bỏ đi từ đấy cho đến nay. Mẹ em hiện đang đi làm công nhân xí nghiệp tại tỉnh Đồng Nai. Trung ở nhà của ông bà ngoại và được ông bà chăm sóc. Hoàn cảnh gia đình của ông bà ngoại cũng khó khăn, còn phải nuôi và chăm sóc một người con năm nay 38 tuổi bị sốt bại não nằm một chỗ.
Ông Trần Công Quyến, ông ngoại của Nguyễn Minh Trung cho biết, gia đình đã chạy chữa cho Trung nhưng chỉ giữ được đôi chân của cháu. Chân cũng không được khỏe, bản thân Trung đã phải trải qua nhiều lần phẫu thuật chuyển cơ, vật lý trị liệu. "Bác sĩ đã hướng dẫn, tập cháu đứng từ từ. Nhiều khi không có mình, cháu tự đi, bị té hoài. Mỗi khi đến trường, tôi đều bế cháu đến tận lớp học. Mãi đến khi học hết lớp 4, lớp 5, Trung mới tự đi vững được", ông Quyến kể lại.
Mặc dù bản thân bị liệt cả 2 tay nhưng Trung không mặc cảm khiếm khuyết mà luôn nỗ lực tập luyện viết bằng chân. Trải qua nhiều gian nan, vất vả, hiện em có thể tự làm được một số việc trong sinh hoạt hằng ngày, nhưng có một số việc em phải nhờ sự trợ giúp của ông, bà như tắm, thay đồ, ăn, đi học...
Nguyễn Minh Trung tâm sự: "Lần đầu cầm viết rất khó, viết được vài chữ thì rớt viết, run và đau chân lắm! Việc lật sách, tập cũng rất khó. Nhờ chịu khó, chịu đau, sau 3 tháng tập luyện, em cũng tập tành viết được những chữ cái đầu tiên. Mặc dù viết vẫn rất chậm so với các bạn viết bằng tay nhưng em vẫn quyết tâm để đến trường cùng với bạn bè".
Một cô giáo ở gần nhà Trung đã hỗ trợ thêm và vận động gia đình cho em đến trường. Lúc đầu ông bà cũng băn khoăn lo lắng, sợ em mặc cảm, nên chỉ mua vài quyển tập, bút viết cho em đi học thử. Thế nhưng, khi thấy Trung học được, đam mê đến trường, ông bà đã cố gắng chăm lo cho cháu mình học đến nơi, đến chốn.
Nguyễn Minh Trung tập luyện viết chữ bằng đôi chân.
Tấm gương về nghị lực
Ý thức học tập của Trung rất tốt. Thầy Lê Thái Toàn, giáo viên chủ nhiệm của em cho biết từ khi tiếp nhận lớp và nắm được hoàn cảnh của Trung, thầy quan tâm và thường xuyên để ý đến em.
"Dù bản thân bị khiếm khuyết và hoàn cảnh gia đình gặp khó khăn nhưng Trung vẫn sống tích cực, lạc quan. Em rất chăm học và chịu khó, ý thức trong học tập của em rất cao. Em rất lễ phép, hiểu chuyện và hòa đồng với bạn bè. Trung xứng đáng là một tấm gương điển hình về nghị lực và ý chí vượt khó, vươn lên trong cuộc sống, trong học tập", thầy Toàn chia sẻ.
Bùi Quốc Thịnh, học sinh 10C11, cùng lớp với Trung cho hay Trung viết bằng chân nhưng viết bài cũng nhanh và theo kịp các bạn. Em học được tinh thần vượt khó, sự quyết tâm vượt qua nghịch cảnh của bạn, để có động lực phấn đấu hơn trong học tập.
Từ khi Trung bắt đầu đi học đến nay, ông ngoại là tài xế riêng đưa đón em đến trường. Trong lớp, nhà trường trang bị cho Trung 1 bộ bàn ghế riêng để em có thể tự ngồi viết bài. Chữ viết của em rất gọn gàng và dễ đọc.
"Từ năm lớp 1 đến nay mưa gió gì tôi cũng phải đưa đón cháu. Nhận cuốc xe ôm nào tôi cũng phải tính toán thời gian để tranh thủ kịp giờ đến đón. Tôi quyết tâm lo cho cháu được ngày nào hay ngày đó. Cháu sống mà lo được tương lai, lo cho cuộc sống của bản thân thì mình ra đi cũng thanh thản", ông Quyến tâm sự.
Trung luôn cố gắng học tập để sau này có được công việc phù hợp tự lo cho bản thân.
Thầy cô đùm bọc
Theo ông Quyết thì thấu hiểu hoàn cảnh và nghị lực của cháu mình, các thầy cô đều chăm lo hỗ trợ cháu hơn người nhà. Mùa dịch Covid vừa rồi, từ sách vở thiết bị hỗ trợ học tập trực tuyến Trung đều được thầy cô đem đến tận nhà cho cháu.
Thầy Lê Trung Nghĩa, giáo viên của Trường THCS Trung Thạnh, huyện Cờ Đỏ cho biết năm ngoái thầy tiếp nhận danh sách lớp 9 khi trong thời gian thực hiện Chỉ thị 16 phòng chống Covid-19. Biết được hoàn cảnh của Trung dùng 2 chân để sử dụng điện thoại học trực tuyến, nhiều khi bệnh không học được, nên thầy cũng thường xuyên mang bài đến tận nhà để giúp em vượt qua năm lớp 9 với học lực trung bình và hạnh kiểm tốt. Thấy em có nguyện vọng tiếp tục học lớp 10, thầy cũng vận động gia đình ủng hộ và hỗ trợ em tiếp tục con đường học tập.
Còn thầy Võ Thanh Phong, Trường THPT Trung An cho biết đầu năm học khi nhận bàn giao từ trường THCS, nhà trường phát hiện Trung viết bằng chân và đây cũng là trường hợp đầu tiên của nhà trường. "Trường phân công thành viên tổ tư vấn học đường là tôi trực tiếp hỗ trợ em. Gia đình em hoàn cảnh khó khăn, ông ngoại chạy xe ôm, còn bà ngoại chăm sóc người con 38 tuổi bị bại não. Nhà trường đã có những đề xuất hỗ trợ học bổng để tiếp thêm điều kiện cho em đến trường, chủ động liên hệ với trường THCS sắp xếp chỗ ngồi, tạo điều kiện cho em học tập trên lớp, đồng thời miễn một số môn học cho em như giáo dục thể chất", thầy Phong chia sẻ.
Con đường học tập phía trước của chàng trai viết bằng chân vẫn còn nhiều thử thách và em vẫn chưa dám ước mơ nhiều. "Khiếm khuyết bản thân là không thể thay đổi, nên dự định tốt nghiệp 12, em sẽ tìm kiếm công việc phù hợp để có thể tự kiếm sống và chăm lo cho bản thân, gia đình mình", Trung chia sẻ.
Chắp cánh đến trường cho học sinh, sinh viên khuyết tật Cơ thể khiếm khuyết khiến cho việc sinh hoạt, học tập gặp rất nhiều khó khăn nhưng các em học sinh, sinh viên khuyết tật vẫn luôn nỗ lực vươn lên. Học bổng Tiếp bước học sinh, sinh viên khuyết tật vượt khó đến trường giống như 'đôi cánh', góp phần giúp cho con đường đến trường của các em bớt gian nan....