Những món ăn cho đàn ông hiếm muộn
Theo lương y Vũ Quốc Trung, để cải thiện tình trạng tinh trùng số lượng ít và chất lượng kém có thể dùng món ăn hay bài thuốc:
- Dùng cật heo 1 cặp, cốt toái bổ 10g, muối vừa đủ. Cật heo bổ đôi làm sạch cắt miếng, hầm với cốt toái bổ khoảng 1 giờ, thêm muối gia vị. Ăn cả xác lẫn nước, ngày một lượng như thế sẽ có tác dụng: ôn thận tráng dương, cải thiện tình trạng tinh trùng bất thường do thận yếu.
– Dùng 250g thịt dê loại ngon, đông trùng hạ thảo 5g, hoài sơn 30g, câu kỷ tử 15g, gừng tươi 4g, táo Tàu 4 quả, gia vị vừa đủ. Thịt dê cắt miếng luộc qua để khử mùi, cho vào nồi chung với các vị thuốc, thêm nước hầm lửa nhỏ khoảng 2 giờ, thêm gia vị, chia ăn 2 lần dùng trong ngày. Món này có tác dụng ôn bổ gan thận, ích tinh tráng dương, chủ trị hoạt tinh, nhược dương, tinh trùng ít dẫn tới vô sinh.
- Dùng 100g pín bò (dương vật bò), 200g tủy xương heo, câu kỷ tử 15g, lộc giác giao 30g, bóng cá 30g, đậu đen 20g, một ít muối và bột ngọt. Pín bò ngâm cho nở làm sạch cắt miếng, tủy xương cắt khúc, đậu đen ngâm nước nóng mềm. Cho pín, tủy, đậu đen, kỷ tử, lộc giác giao, bóng cá vào nồi đất thêm lượng nước hầm chín, nêm nếm gia vị, chia làm 2 lần dùng trong ngày. Món này có tác dụng bổ thận ích tinh, chủ trị vô sinh do tinh dịch ít hoặc loãng.
- Dùng cật dê 1 đôi, ba kích thiên 8g, nhục thung dung 12g, câu kỷ tử 10g, thục địa 10g. Cật dê làm sạch gân màng bên trong, cắt miếng đem hầm chung với 4 vị thuốc trên khoảng 1 giờ, thêm chút muối, gia vị, ăn ngày một lượng như thế. Món này có tác dụng bổ thận tráng dương, cải thiện tinh trùng ít, tinh dịch loãng ở đàn ông.
- Dùng 300g trứng cá chép, nhục thung dung 30g, hoài sơn 60g, ba kích 30g, gừng tươi 5 lát, gia vị vừa đủ. Trứng cá luộc sơ khoảng từ 3 – 5 phút cho vào nồi chung với các vị thuốc, thêm nước hầm khoảng 2 giờ, nêm nếm gia vị vừa dùng, chia ăn hai lần trong ngày có tác dụng ôn thận tráng dương, trị nhược dương xuất tinh sớm, tinh dịch ít, loãng do thận dương hư.
Dùng thuốc
Về dùng thuốc, theo lương y Quốc Trung, có thể dùng một trong hai bài thuốc dưới đây:
Video đang HOT
Bài thứ nhất dùng cho những người ít tinh trùng do đờm ứ ẩm nóng, gồm các vị: bạch giới tử 8g, hồng hoa 6g, đan sâm 15g, đào nhân 12g, đởm nam tinh 8g, trần bì 6g, hoắc hương 15g, bạch khấu nhân, bội lan 12g, bán chi liên 15g, hoàng bá 8g, ý dĩ 20g, cam thảo 8g. Tất cả cho vào cùng 3 chén nước nấu kỹ còn 300 ml nước thuốc chia làm 3 lần dùng trong ngày.
Bài thứ hai dùng cho người ít tinh trùng do thận hư, gồm các vị: thỏ ty tử 15g, tang thầm 15g, ngũ vị tử 10g, câu kỷ tử 10g, nữ trinh tử 10g, kim anh tử 10g, phá cố chỉ 10g, xa tiền tử 7g, xà sàng tử 7g, phúc bồn tử 12g, bạch truật 10g, trần bì 6g, hà thủ ô 10g. Cho tất cả vào cùng 3 chén nước nấu còn 300 ml nước thuốc chia uống 3 lần dùng trong ngày. Hai bài thuốc trên dùng liên tục 30 ngày.
Ngoài ra, có thể dùng tắc kè phơi khô, tán bột, ngày dùng 2 lần, mỗi lần 2g uống chung với rượu trắng sẽ giúp bổ thận tráng dương, trị tinh dịch loãng do thận dương hư. Hoặc lấy nhân sâm 20g, đuôi tắc kè 1 cặp, kỷ tử và thỏ ty tử (cùng 30g), sơn thù du, đương quy (cùng 30g), ngưu tất 15g, rượu trắng 1.500 ml. Dùng vải thưa bọc các vị thuốc trên lại, cho vào bình ngâm với rượu trắng khoảng 10 ngày là uống được. Mỗi lần uống 10 ml, ngày 3 lần.
Trong lúc dùng các món ăn, bài thuốc để cải thiện tình trạng trên thì không uống rượu, không hút thuốc, tránh thức khuya.
Theo vietbao
Những loại quả tưởng mát hóa nóng
Trái cây được các chuyên gia dinh dưỡng khuyên dùng vì chứa nhiều sinh tố, khoáng chất có lợi cho sức khỏe. Nhưng tùy vào cách dùng, lượng dùng mà trái cây có thể "chuyển hệ" từ mát sang nóng.
Quả vải:
Theo GS Đỗ Tất Lợi, tác giả cuốn sách Những cây thuốc và vị thuốc Việt Nam thì: "Trái vải tính bình, ăn vào đẹp dung nhan, nhưng theo Mậu Hy Ung và Hoàng Cung Tú, nếu ăn nhiều sẽ phát nhiệt, chảy máu cam". Vì thế, khi dùng trái vải nên dùng trong khoảng bảy - tám quả, không nên cho rằng đây là thuốc dưỡng nhan mà ăn quá nhiều.
Quả nhãn:
Cùng họ với trái vải có trái nhãn. Đây là loại trái cây thơm ngon, nhiều người cho rằng, trái nhãn nóng, ăn nhiều dễ bị nổi mụn. Thực chất trái nhãn không mát không nóng (tính bình). Tuy nhiên, nếu ăn cả bịch nhãn một lúc thì từ tính bình sẽ chuyển sang nhiệt ngay.
Nếu mất ngủ hãy ăn nhãn, chừng 10 - 15 trái sẽ thấy dễ ngủ và không thức giấc nửa đêm vì ác mộng. Cần nhớ, "liều thuốc" này chỉ hiệu quả với những ai chớm... mất ngủ mà thôi.
Quả xoài:
Xoài thường bị cho là nóng, nhưng theo Đông y thì xoài có tính bình. Tuy nhiên, với những quả xoài cát Hòa Lộc chín mọng ngọt ngào, nếu ăn nhiều sẽ sinh nhiệt, trẻ em ăn nhiều cũng bị nổi mụn, rôm sảy...
Những người làm việc trí óc nên dùng xoài chín vì có công dụng bổ trí não. Quả xoài xanh như xoài tượng ăn với nước mắm đường chứa nhiều sinh tố C. Vì vậy, mùa nắng nóng ăn xoài xanh sẽ phòng từ xa cảm cúm.
Có người cho rằng, ăn bất kỳ loại quả xanh nào mà uống nước đá lạnh sẽ bị tiêu chảy. Lương y đinh Công Bảy - Hội Dược liệu TP.HCM giải thích: "Trái xanh, non chứa nhiều chất chát, khó tiêu, lại uống nước lạnh nên dễ bị đau bụng, sình bụng. Đây là cách ăn uống không hợp vệ sinh, cần loại bỏ".
Quả mận:
Mận chứa nhiều carotene khi vào cơ thể sẽ chuyển hóa thành vitamin A rất tốt cho mắt. Thêm vào đó, trong hạt mận cũng chứa nhiều chất dinh dưỡng cần thiết cho cơ thể như protein, chất béo, phốt pho, sắt, kali... có tác dụng thanh nhiệt giải độc.
Tuy nhiên, không nên lạm dụng, ăn quá nhiều loại quả này bởi mận có tính nóng, ăn nhiều sẽ khiến cơ thể bị nóng trong có thể gây phát ban, mụn nhọt, nhất là đối với những người cơ địa có tính nhiệt.
Quả đào:
Có hàm lượng sắt rất phong phú, ngoài ra còn có protein, đường, kẽm, pectin... thích hợp với người bị bệnh thiếu máu. Pectin trong đào có lợi cho đường ruột nên ăn đào có thể phòng tránh táo bón. Tuy vậy, đào cũng có thể sẽ gây ra bệnh tiêu chảy và một số bệnh đường ruột cấp tính khác nếu ăn quá nhiều.
Quả ổi:
Ổi là loại trái cây được phụ nữ ưa thích vì vị thơm ngon của nó. "Tính tình" nóng - mát của ổi phụ thuộc vào giống. Loại ổi Thái, ổi xá lỵ nhiều nước, ít ngọt, vị chua tính mát, nhưng nếu ăn cả vỏ sẽ có nguy cơ bị "tác dụng phụ": táo bón.
Quả ổi sẻ ngọt nhưng ăn nhiều cũng bị nóng. Có vị chua chua ngọt ngọt là trái dâu da, đây là trái thanh nhiệt, dùng vào mùa hè rất tốt vì giúp tăng cường đề kháng, tránh được cảm cúm.
Quả na:
Trong các loại trái cây vị ngọt lịm còn có trái na, hay còn gọi là mãng cầu. Vị ngọt này cùng với "thân hình" tròn lẳn, chắc thịt là nguyên nhân gây nóng cho những ai yêu thích nó. Cùng họ với na còn có mãng cầu xiêm, vị chua chua, ngọt ngọt, có tác dụng thanh nhiệt.
Tuy nhiên, mãng cầu xiêm ít được "ăn tươi nuốt sống" mà thường làm sinh tố hoặc dầm sữa. Nếu muốn mãng cầu xiêm không "đổi tính" thì lượng đường, sữa kèm vào không nên quá nhiều.
Vú sữa:
Trái vú sữa ướp lạnh ăn ngọt thơm, mát miệng nhưng nóng. Vì vậy, không nên ăn nhiều, khi ăn vú sữa còn phải tránh xa phần vỏ, vì nếu ăn "phạm" sẽ bị táo bón do có chứa nhiều chất chát.
Trong "dàn" trái cây ngoại nhập thì chỉ có lê là mát nhờ vị chua và chứa nhiều nước còn nho và táo có tính bình. Nếu người đang nổi mụn, lở miệng thì nên chọn lê thay vì nho, táo.
Người ta thường cho rằng, các loại trái cây thơm ngon như sầu riêng, mít... nóng. Thực chất, những trái này tuy thuộc loại "nóng tính" nhưng cũng không nóng đến mức ăn vào nổi mụn, nổi ghèn, trừ khi ăn quá nhiều.
Theo vietbao
Hà Nội: 1 người chết não cứu sống 6 người Ngày 12-6, PGS-TS Nguyễn Tiến Quyết, Giám đốc Bệnh viện Việt Đức (Hà Nội), cho biết từ tim, gan, thận của một thanh niên chết não hiến tạng, đêm 11- 6, bệnh viện này đã ghép thành công cho 4 bệnh nhân suy tạng. Trong số này, một bệnh nhân 31 tuổi được ghép tim, một bệnh nhân gần 40 tuổi được ghép...