Những mối hại khôn lường tiềm ẩn trong dầu dừa
Tuyên bố của giáo sư Đại học Harvard về những nguy hiểm khi sử dụng dầu dừa đã dấy lên cuộc tranh luận gay gắt về loại thực phẩm phổ biến rộng rãi này.
Trong một cuộc nói chuyện gần đây tại Đại học Freiburg, giáo sư Karin Michels, đến từ Đại học Harvard, đã gọi dầu dừa là “chất độc tinh khiết” và kêu gọi mọi người ngừng ăn loại thực phẩm này.
Trong bài giảng dài 50 phút có tựa đề “Dầu dừa và các lỗi dinh dưỡng khác”, giáo sư Michels đã gọi dầu dừa là “loại dầu ăn tồi tệ nhất khi đưa vào cơ thể”.
Dầu dừa là gì và nó có thể gây hại như thế nào?
Dầu dừa là loại dầu chứa hơn 80% chất béo bão hòa, khi ở nhiệt độ phòng nó sẽ trong thể rắn. Phần trăm chất béo bão hoà trong dầu dừa cao gấp đôi chất béo trong mỡ heo (40%) và cao gần gấp 3 lần chất béo trong bơ (27%).
“Một khi bạn tăng lượng chất béo bão hoà, bạn đã tự đặt bản thân vào nguy cơ mắc bệnh tim”, bác sĩ Robert Segal, chuyên gia tim mạch và là đồng sáng lập của LabFinder.com nói với ABC News.
“Dầu dừa thực sự có nhiều chất béo hơn khi so với mỡ heo hoặc bơ”, bác sĩ Segal khẳng định.
Video đang HOT
Cần tìm hiểu gì khi mua dầu dừa và lượng tiêu thụ là bao nhiêu?
Sự phổ biến và tiếp thị rộng rãi của dầu dừa có thể đã che khuất một số thông tin quan trọng về chất béo của loại dầu này.
“Quan niệm dầu dừa có lợi cho sức khỏe có khả năng đến từ những nỗ lực tiếp thị từ ngành công nghiệp dầu dừa, hoặc bởi vì mọi người đang nhầm lẫn lợi ích dầu dừa với nước dừa”, bác sĩ Segal nói thêm.
Dầu dừa nên được mua ở trạng thái tự nhiên của nó – gần như thể rắn. Ngoài ra, dầu dừa dạng lỏng có thể ăn được khi đã qua chế biến.
Tiến sĩ Frank M. Sacks, Giáo sư phòng chống bệnh tim mạch tại Đại học Harvard, cho biết: “Hiệp hội Tim mạch Hoa Kỳ khuyến cáo nên hạn chế chất béo bão hòa và dầu thực vật nhiệt đới, chẳng hạn như dầu dừa. Đây là loại dầu chứa hàm lượng chất béo bão hòa cao.”
Liệu dầu dừa có một số lợi ích sức khỏe?
Đương nhiên dầu dừa vẫn chứa các axit béo có lợi cho sức khỏe. Hơn 50% chất béo trong dầu dừa là các axit béo chuỗi trung bình, bao gồm axit lauric, có thể chống lại vi khuẩn và có thể giúp tăng cholesterol tốt hoặc HDL.
Tuy nhiên, các chuyên gia cảnh báo rằng tiêu thụ một lượng lớn dầu dừa sẽ không mang lại lợi ích cho những người có nguy cơ mắc bệnh tim mạch.
Dầu dừa có thể có sử dụng như 1 chất làm đẹp hơn là 1 loại thức ăn.
“Nếu bạn đang ăn dầu dừa và sử dụng nó để nấu ăn, bạn nên xem xét việc kiểm tra cholesterol của bạn. Dầu dừa nên được sử dụng để chăm sóc da và tóc hơn là dùng để tiêu hoá”, bác sĩ Segal khuyến cáo.
Theo ngaynay.vn
Bài giảng 'dầu dừa là chất độc' của giáo sư Harvard đạt một triệu lượt xem
Giáo sư Karin Michels từ Đại học Y tế Cộng đồng T.H. Chan thuộc Đại học Harvard (Mỹ) gây "bão" mạng xã hội vì gọi dầu dừa là chất độc.
Bài giảng của giáo sư Karin Michels có tựa đề "Dầu dừa và những sai lầm dinh dưỡng khác", xuất hiện từ tháng 7, đến nay đã thu hút một triệu lượt xem. Bài giảng bằng tiếng Đức dài 50 phút. Ngoài công việc là giáo sư dịch tễ học ở Đại học Y tế Cộng đồng T.H. Chan, bà Michels còn là Giám đốc Viện Phòng ngừa và Dịch tễ Ung thư tại Đại học Freiburg (Đức).
Theo bà Michels, dầu dừa không lành mạnh mà còn độc hại với cơ thể. "Tôi phải cảnh báo các bạn về dầu dừa", nữ giáo sư nhấn mạnh. "Đó là một trong những thứ tồi tệ nhất bạn có thể ăn".
Dầu dừa được chiết xuất từ cùi dừa. Ảnh: NYT.
Trên thực tế, rất ít bằng chứng khoa học chỉ ra dầu dừa tốt cho sức khỏe, USA Today đưa tin. "Chẳng có dữ liệu nào cho thấy điều đó cả", bà Alice Lichtenstein, giáo sư khoa học dinh dưỡng từ Đại học Tufts khẳng định với The NewYork Times.
Không kết tội dầu dừa là "chất độc", Hiệp hội Tim mạch Mỹ (AHA) chỉ ra hơn 80% chất béo trong dầu dừa là chất béo bão hòa. Tỷ lệ này cao hơn nhiều so với bơ (63%), mỡ bò (50%) và mỡ lợn (39%). Bên cạnh đó, dầu dừa có thể làm tăng lượng cholesterol LDL còn gọi là cholesterol xấu, từ đó đẩy cao nguy cơ mắc bệnh tim mạch.
Để bảo vệ sức khỏe, AHA khuyến cáo cộng đồng không dùng dầu dừa. Người cần giảm cholesterol, tỷ lệ chất béo bão hòa hấp thụ mỗi ngày nên dưới 6% tổng lượng calo.
Năm 2017, ông Donald Hensrud, Giám đốc Y tế Chương trình Sống khỏe của Bệnh viện Mayo nhận định "có sự mất kết nối giữa niềm tin phổ biến và bằng chứng thực tế". Ông Hensrud khuyên thay vì sử dụng dầu dừa, người dân nên dùng các loại dầu chứa nhiều chất béo không bão hòa đơn như dầu oliu, dầu quả bơ, hoặc chất béo không bão hòa đa (như dầu hạt cải).
Tuy nhiên, một số chuyên gia cho rằng mọi người không cần loại bỏ hoàn toàn dầu dừa ra khỏi thực đơn. "Hãy giới hạn lượng dầu dừa và chỉ sử dụng khi nấu món Thái hoặc làm tráng miệng", giáo sư Walter C. Willett, đồng nghiệp với giáo sư Karin Michels tại Đại học Y tế Cộng đồng T.H. Chan, nói với CNN.
Minh Nguyên
Theo Vnexpress
Rước bệnh vì sử dụng dầu dừa sai cách, nhiều người vô tư dùng mà không biết Dầu dừa chỉ có một số tác dụng nhất định đối với cơ thể. Vì vậy, khi sử dụng cũng cần hết sức cẩn trọng. Dưới đây là một số tác hại nguy hiểm đối với sức khỏe và làm đẹp khi dùng dầu dừa sai cách: Đối với sức khỏe: Không sử dụng dầu dừa trong khẩu phần ăn Theo khuyến cáo...