Những mô hình thư viện giúp tăng cường tiếng Việt cho học sinh dân tộc thiểu số
Đề án “Tăng cường tiếng Việt cho trẻ em Mầm non, học sinh Tiểu học vùng đồng bào dân tộc thiểu số giai đoạn 2016-2020, định hướng đến năm 2025″ triển khai tại tỉnh Gia Lai cho kết quả khả quan sau 5 năm thực hiện.
Mô hình thư viện trung tâm tại trường Tiểu học Trần Quốc Tuấn, xã Chư Drăng, huyện Krông Pa (Gia Lai).
Sau 5 năm triển khai thực hiện Đề án, kỹ năng nói, đọc, viết Tiếng Việt của học sinh dân tộc thiểu số tại nhiều địa phương có nhiều tiến triển. Để có những thành tích trên, ngành Giáo dục tỉnh Gia Lai đã triển khai nhiều phương pháp nhằm tăng cường sự tiếp cận tiếng Việt cho học sinh dân tộc thiểu số, đặc biệt là nhân rộng các mô hình thư viện trong trường, lớp.
Trong năm học 2020-2021, toàn tỉnh Gia Lai có gần 300 trường Tiểu học, hơn 700 điểm trường lẻ với gần 6.000 lớp, hơn 165.000 học sinh, trong đó, học sinh dân tộc thiểu số chiếm hơn 50%. Trẻ em dân tộc thiểu số ở vùng sâu, vùng xa, chịu nhiều khó khăn, thiệt thòi, ít có cơ hội tiếp cận với xã hội tiên tiến nên việc phát âm, học tiếng Việt còn nhiều hạn chế. Ngoài ra, việc trẻ em thường xuyên sử dụng tiếng mẹ đẻ (tại Gia Lai đa số là tiếng Jrai, Bahnar), ít tham gia học Mầm non trước khi bước vào cấp Tiểu học cũng gây khó khăn trong việc tiếp nhận bài giảng, kiến thức của giáo viên truyền đạt.
Mô hình thư viện xanh phục vụ học sinh dân tộc thiểu số tại trường Tiểu học Trần Quốc Tuấn, xã Chư Drăng, huyện Krông Pa (Gia Lai).
Qua 5 năm thực hiện, để tăng cường vốn tiếng Việt cho học sinh dân tộc thiểu số, đặc biệt là những lớp đầu cấp tiểu học, ngành Giáo dục tỉnh Gia Lai đã đồng bộ triển khai nhiều phương án nhằm đảm bảo cơ sở vật chất, bổ sung thiết bị dạy học phù hợp với chương trình giáo dục mầm non và giáo dục phổ thông giai đoạn 2017-2025.
Đặc biệt, các phòng Giáo dục và Đào tạo tại các huyện thường xuyên khảo sát, lập danh mục đề nghị bổ sung, thay thế các phòng học, thiết bị dạy học, học liệu, phần mềm dạy học tiếng Việt đảm bảo yêu cầu, phù hợp cho tất cả các lớp, các điểm trường ở các xã, thôn, làng đặc biệt khó khăn có học sinh người dân tộc thiểu số để phục vụ các hoạt động tăng cường tiếng Việt.
Các trường học đã tổ chức trang trí các góc trong lớp, trang trí cảnh quan trường học gần gũi với học sinh, tăng cường hình ảnh, từ ngữ, khẩu hiệu có ý nghĩa. Các trường phối hợp tổ chức các hoạt động giáo dục ngoài giờ, các hoạt động trải nghiệm sáng tạo để tạo sân chơi và môi trường giao tiếp tiếng Việt cho học sinh như tổ chức thi văn nghệ, xây dựng môi trường văn hóa đọc, phát triển thư viện thân thiên trong các trường tiểu học (thư viện đa năng, thư viện ngoài trời, thư viện góc lớp).
Các cuộc giao lưu tiếng Việt cấp trường và tham gia cấp huyện; ngày hội đọc sách hằng năm đã được các trường tổ chức, tạo cơ hội nói, viết tiếng Việt cho học sinh dân tộc thiểu số.
Ngoài ra, các cơ sở giáo dục cấp Tiểu học tự làm đồ dùng dạy học, các tài liệu học cho học sinh như làm truyện tranh khổ nhỏ, truyện tranh khổ lớn, tranh chủ đề, làm đồ dùng học tập như thẻ từ, tranh ảnh để học sinh sử dụng trong học tập, gần gũi với đời thường. Nhờ đó, học sinh dân tộc thiểu số dễ nhớ và tạo hứng thú trong học tập.
Video đang HOT
Học sinh dân tộc thiểu số tỉnh Gia Lai được tiếp cận nguồn tiếng Việt qua sách, truyện tại các mô hình thư viện thân thiện.
Là một trong những trường làm tốt công tác tăng cường Tiếng Việt cho học sinh tại tỉnh Gia Lai, Trường Tiểu học Trần Quốc Tuấn, xã Chư Drăng, huyện Krông Pa có 5 điểm trường, gần 600 học sinh, trong đó học sinh dân tộc thiểu số chiếm 98%. Cô Đoàn Thị Thúy, Hiệu trưởng nhà trường, cho biết, để học sinh hứng thú với việc đến lớp hơn, nhà trường không ngừng sáng tạo, xây dựng cảnh quan sạch, đẹp, đặc biệt là việc đầu tư các mô hình thư viện.
Việc luân phiên, đổi các các đầu sách, truyện tranh mới cũng là điểm thu hút học sinh tìm đến đọc, từ đó, tăng cường vốn tiếng Việt cho các em. Qua 5 năm triển khai Đề án, nhà trường nhận thấy vốn tiếng Việt của các cháu đã phát triển tốt, chất lượng học sinh tăng lên qua từng năm.
Em Ksor H’Bươi, lớp 4A, Trường Tiểu học Trần Quốc Tuấn, xã Chư Drăng, huyện Krông Pa (Gia Lai) cho hay, ngoài thời gian học trên lớp, em và các bạn thường xuyên tranh thủ giờ ra chơi để đến thư viện đọc sách. Nhiều bạn của em đã đọc nhanh hơn, viết giỏi hơn nhờ đọc sách, truyện trong thư viện. Em hy vọng nhà trường sẽ có thêm nhiều cuốn sách, truyện hay hơn nữa để chúng em có thêm kiến thức bổ ích.
Giờ học Tiếng Việt của học sinh dân tộc thiểu số tại Gia Lai.
Phát triển, nhân rộng các mô hình thư viện tại nhà trường như mô hình thư viện thân thiện, thư viện trung tâm, thư viện cầu thang, thư viện góc lớp là động thái thiết thực của ngành giáo dục địa phương, tuy nhiên, kinh phí cho thư viện tại các điểm trường vùng dân tộc thiểu số còn hạn chế, do vậy, nguồn sách chỉ được đầu tư một lần, ít được bổ sung, đổi mới hằng năm.
Ngoài những điểm trường chính, thuận lợi được đầu tư các mô hình thư viện nói trên, tại các điểm trường lẻ, hệ thống thư viện vẫn chưa được đầu tư do nguồn kinh phí còn hạn chế. Đó cũng là một trong những hạn chế, chưa thực sự thu hút học sinh tìm đến thư viện.
Điểm trường Ia Jip, một trong 5 điểm lẻ của Trường Tiểu học Trần Quốc Tuấn, xã Chư Drăng, huyện Krông Pa (Gia Lai) với gần 300 học sinh dân tộc Jrai hiện rất khó khăn, thiếu thốn về cơ sở vật chất.
Nhiều học sinh đi học phải đi bộ hơn 2 km để đến trường. Điểm trường Ia Jip cách điểm trường chính hơn 10 km, xa khu dân cư, chưa có mạng internet, cũng không có các mô hình thư viện, nguồn sách, truyện hạn chế nên học sinh rụt rè, không dám nói chuyện với người lạ, chủ yếu giao tiếp bằng tiếng mẹ đẻ (Jrai).
Đây là điểm trường được Đoàn Thanh niên TTXVN khảo sát và dự kiến trao tặng tủ sách Đinh Hữu Dư vào đầu tháng 4/2021, góp phần tăng cường Tiếng Việt cho học sinh tại điểm trường này, đồng thời nuôi dưỡng thói quen đọc sách ngay từ nhỏ cho các em vùng dân tộc thiểu số tại Tây Nguyên.
Học sinh dân tộc thiểu số học Tiếng Việt.
Ông Chu Sỹ Lin, Phó trưởng Phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Krông Pa (Gia Lai), cho biết: Qua 5 năm triển khai, đề án tăng cường tiếng Việt cho trẻ em Mầm non, học sinh Tiểu học tại địa phương đã mang lại những tín hiệu đáng mừng.
Ngoài việc lồng ghép tiếng Việt vào các môn học, tổ chức giao lưu tiếng Việt cho học sinh, chúng tôi đẩy mạnh các mô hình thư viện để thu hút học sinh đọc sách, truyện, qua đó, tăng cường vốn tiếng Việt cho các em, nhờ vậy, chất lượng giáo dục hằng năm tăng lên rõ rệt.
Tuy nhiên, các điểm trường lẻ vùng sâu, vùng xa còn nhiều khó khăn, thiếu thốn nguồn sách nên ngành Giáo dục địa phương thường xuyên vận động xã hội hóa, kêu gọi mạnh thường quân ủng hộ sách, truyện cho các em.
Tạo môi trường giao tiếp tích cực cho trẻ
Sau 5 năm triển khai Đề án, 94,5% học sinh là người DTTS được hưởng lợi từ đề án, tác động đến các kết quả ở các mặt cụ thể như: Có 88,8% học sinh DTTS vào lớp 1 được học qua lớp mẫu giáo 5 tuổi, 82,3% học sinh DTTS hoàn thành tiểu học.
Đề án Tăng cường tiếng Việt cho trẻ em mầm non, học sinh tiểu học người DTTS (giai đoạn 2016-2020) nhằm giúp các em có những kỹ năng cơ bản trong việc sử dụng tiếng Việt để hoàn thành chương trình giáo dục mầm non và chương trình giáo dục tiểu học; tạo tiền đề để các em học tập, lĩnh hội tri thức của các bậc học tiếp theo, góp phần nâng cao chất lượng giáo dục, đóng góp vào sự phát triển của đất nước.
99% trẻ DTTS đến trường được tăng cường tiếng Việt
Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Ngô Thị Minh nhấn mạnh, 5 năm qua, Bộ GD&ĐT cùng các địa phương đã tích cực, chủ động chỉ đạo, triển khai nhiều giải pháp thực hiện Đề án có hiệu quả, đạt cơ bản các mục tiêu, nội dung đề ra.
Các địa phương đã rà soát, xây dựng môi trường tăng cường tiếng Việt cho trẻ DTTS trong các cơ sở GD mầm non và tiểu học; đảm bảo tập huấn cho cán bộ quản lý, giáo viên, đặc biệt đối với những nơi giáo viên dạy lớp ghép nhiều dân tộc và nhiều độ tuổi ở bậc học mầm non, giáo viên dạy trẻ vùng 100% đồng bào DTTS sống biệt lập ở vùng núi, vùng sâu, vùng xa.
Ở bậc mầm non, theo số liệu báo cáo của địa phương, đến tháng 5-2020, toàn quốc có 4.984 trường có đông trẻ em là người dân tộc thiểu số; 49.396 nhóm lớp có trẻ em người DTTS (tăng 133 trường, 3.638 nhóm lớp so với năm 2015, thời điểm xây dựng Đề án).
Tổng số trẻ em người DTTS đến trường là 884.689 trẻ, tăng 17,3% so với thời điểm xây dựng Đề án. Trong đó, số trẻ em người DTTS tại các địa bàn xã khó khăn và địa bàn khó khăn đi học tăng hơn 34.000 em; số trẻ em người DTTS học 2 buổi/ngày tăng hơn 111.000 em. 99% trẻ DTTS đến trường được tăng cường tiếng Việt; 95,7% cơ sở giáo dục mầm non xây dựng môi trường tăng cường tiếng Việt cho trẻ em người DTTS, có thư viện thân thiện để cha mẹ đọc sách cùng trẻ.
Từ đó, tạo điều kiện thuận lợi cho trẻ DTTS được rèn kỹ năng nghe nói, giao tiếp tiếng Việt. Trẻ em người DTTS đã mạnh dạn tự tin hơn trong các hoạt động giáo dục và hoạt động khác trong cuộc sống.
Đến tháng 10-2020, số trẻ dân tộc thiểu số độ tuổi mẫu giáo ra lớp đạt 90,3%, vượt 0,3% so với mục tiêu của Đề án.
Đối với cấp tiểu học, các giải pháp tăng cường tiếng Việt được thực hiện thường xuyên, gồm dạy học tăng thời lượng, dạy Tiếng Việt 1 công nghệ giáo dục, chuẩn bị tiếng Việt cho trẻ trước tuổi đến trường, xây dựng môi trường tiếng Việt, lồng ghép các hoạt động giáo dục...
Sau 5 năm triển khai Đề án, 94,5% học sinh là người DTTS được hưởng lợi từ đề án, tác động đến các kết quả ở các mặt cụ thể như: Có 88,8% học sinh DTTS vào lớp 1 được học qua lớp mẫu giáo 5 tuổi, 82,3% học sinh DTTS hoàn thành tiểu học.
Tiết học đồng dao song ngữ tiếng Việt và tiếng Dao của trẻ em mẫu giáo DTTS ở trường Mầm non Hoà Bình, tỉnh Quảng Ninh. Ảnh: Moet.gov.vn
Sắp xếp giáo viên dạy tiếng Việt xen kẽ, phù hợp
Cô giáo Lê Thị Tuyết Hường, Hiệu trưởng trường Mầm non Thanh Nưa, huyện Điện Biên, tỉnh Điện Biên chia sẻ: Trường nằm trên địa bàn khó khăn, một số giáo viên còn bỡ ngỡ trong dạy tiếng Việt cho trẻ.
Từ thực tế, nhà trường đã đưa ra những giải pháp kịp thời như chủ động xây dựng kế hoạch ngay từ đầu năm học, bồi dưỡng nâng cao nhận thức cho giáo viên, chú trọng xây dựng môi trường tăng cường nghe nói tiếng Việt cho trẻ, huy động sự tham gia của cha mẹ trẻ.
Nhờ đó, tạo chuyển biến mạnh mẽ trong nhận thức của cán bộ, giáo viên; phụ huynh hiểu rõ hơn tầm quan trọng của việc tăng cường tiếng Việt. Đến nay, hầu hết trẻ khi học tại trường nói thành thạo tiếng Việt, tự tin giao tiếp...
Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Ngô Thị Minh cho rằng, yêu cầu của giai đoạn mới có nhiều khó khăn, gắn liền với đổi mới SGK phổ thông các lớp 2 (bậc tiểu học), lớp 6 (bậc trung học) và tiếp tục cuốn chiếu đến các lớp tiếp theo. Bộ GD&ĐT sẽ có kế hoạch triển khai giai đoạn 2 một cách cụ thể, có sự chỉ đạo sát sao, đóng góp ý kiến của cán bộ, giáo viên, các cơ quan liên quan. Để giai đoạn mới của Đề án được triển khai hiệu quả cao, Thứ trưởng Ngô Thị Minh đề nghị các địa phương tập trung triển khai các giải pháp cụ thể.
Đối với giáo dục mầm non, cần tiếp tục thực hiện tốt công tác tuyên truyền bằng nhiều hình thức, tạo môi trường giao tiếp tích cực tại gia đình và cộng đồng; chuẩn bị môi trường hỗ trợ tăng cường tiếng Việt cho trẻ tại nhà theo bộ tiêu chí Bộ GD&ĐT đã ban hành.
Tăng cường đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị, tài liệu học liệu, băng đĩa hình về tăng cường tiếng Việt. Đảm bảo thực hiện chính sách hỗ trợ cho giáo viên dạy tăng cường tiếng Việt cho trẻ em người dân tộc thiểu số theo Nghị định số 105/NĐ-CP.
Chú trọng công tác bồi dưỡng đội ngũ, tăng cường tập huấn thực hành, bồi dưỡng phương pháp và kỹ năng tổ chức các hoạt động tăng cường tiếng Việt cho giáo viên. Chỉ đạo, sắp xếp đội ngũ giáo viên phù hợp, xen kẽ giáo viên người DTTS biết tiếng mẹ đẻ của trẻ và giáo viên người Kinh trong một nhóm lớp để tổ chức các hoạt động giáo dục đạt hiệu quả.
Tiếp tục bồi dưỡng tiếng mẹ đẻ của trẻ cho giáo viên dạy các nhóm, lớp vùng DTTS. Có giải pháp bố trí đủ giáo viên cho những nhóm lớp có đông trẻ em người DTTS. Đồng thời, đẩy mạnh công tác xã hội hóa nhằm huy động các nguồn lực hỗ trợ công tác tăng cường tiếng Việt.
Đối với giáo dục tiểu học, chú trọng đến các giải pháp có hiệu quả cao như làm tốt công tác chuẩn bị tiếng Việt cho trẻ trước khi vào lớp 1; Dạy học theo hướng tăng thời lượng môn Tiếng Việt; Dạy học tăng cường Tiếng Việt cho học sinh vùng DTTS theo tài liệu đã được Bộ GD&ĐT thẩm định...
Tăng cường tiếng Việt cho trẻ mẫu giáo người dân tộc thiểu số Có dịp ghé thăm những vùng đặc biệt khó khăn, nhóm học sinh lớp 11 Trường THPT Trường Chinh (thị trấn Chư Sê, huyện Chư Sê, Gia Lai) hiểu được nỗi vất vả, cơ cực của người dân nơi đây. Cô Đinh Thị Phương Chi cùng các em học sinh Trường THPT Trường Chinh chia sẻ về dự án. Thương các em nhỏ,...