Những mặt trái khi giáo viên đi dự giờ đồng nghiệp
Một khi quy định việc dự giờ của giáo viên không kiêm nhiệm chức vụ chỉ dừng lại ở việc rút kinh nghiệm, học hỏi lẫn nhau thì công việc này sẽ đơn giản hơn nhiều.
Sau khi Thông tư 32/2020/TT-BGDĐT có hiệu lực từ 01/11/2020, giáo viên Trung học cơ sở, Trung học phổ thông không còn phải dự giờ, thăm lớp nữa nhưng đó chỉ là trên…văn bản mà thôi.
Thực tế các trường học vẫn quy định số tiết dự giờ trong năm học cho giáo viên trong trường và quy định này thực hiện mỗi nơi, mỗi khác, tùy vào cách chỉ đạo của Ban giám hiệu.
Vẫn biết dự giờ là tốt, dự giờ để học hỏi lẫn nhau, để rút kinh nghiệm cho nhau, nhưng cũng từ việc dự giờ mà có những tổ chuyên môn, có những cá nhân nảy sinh ra nhiều hiềm khích, oán giận nhau khi đánh giá, xếp loại.
Nên chăng, Bộ cần có một hướng dẫn cụ thể về công tác dự giờ của giáo viên để các trường có một quy định chung chứ không phải là mạnh ai nấy làm rồi phát sinh ra những mâu thuẫn với nhau khi thực hiện.
Công tác dự giờ nhiều lúc trở thành áp lực cho cả người dạy và người dự – (Ảnh minh họa: moet.gov.vn)
Giáo viên vẫn đang được Ban giám hiệu nhà trường quy định như khi chưa có Thông tư 32/2020/TT-BGDĐT
Hiện nay, không có văn bản nào quy định giáo viên phải dự bao nhiêu tiết/ năm học nên các trường Trung học cơ sở và Trung học phổ thông cũng quy định số tiết dự giờ cho giáo viên rất khác nhau.
Có trường yêu cầu giáo viên dự giờ đồng nghiệp mỗi tháng 1 tiết, có trường 2 tiết, có trường mỗi năm 10 tiết, có trường thì quy định 12 tiết…
Dù trong cũng một địa bàn những mỗi trường có một cách chỉ đạo rất riêng. Có trường quy định giáo viên dự giờ đồng nghiệp chỉ rút kinh nghiệm tiết dạy chứ không đánh giá, xếp loại tiết dạy.
Việc dự giờ để đánh giá, xếp loại nhằm phục vụ cho công tác xét thi đua, đánh giá tay nghề giáo viên thì có trường quy định hẳn cho tổ trưởng, tổ phó chuyên môn xếp loại và những phiếu dự giờ này thường được lưu vào hồ sơ chuyên môn của giáo viên hàng năm.
Video đang HOT
Nhưng lại có những trường yêu cầu tất cả giáo viên (không kiêm nhiệm chức danh) khi đi dự giờ lẫn nhau thì ngoài việc rút kinh nghiệm tiết dạy vẫn bắt buộc phải cho điểm và xếp loại tiết dạy.
Vậy nên, người đi dự khó khăn trong việc xếp loại đồng nghiệp của mình vì tiết dạy này không còn đơn thuần là rút kinh nghiệm và học hỏi lẫn nhau nữa mà đôi lúc còn xảy ra tranh luận, thậm chí xung đột với nhau.
Vì theo quy định xếp loại dự giờ của giáo viên mấy năm nay thì xếp loại giờ dạy được chia làm 4 mức: loại giỏi, loại khá, loại trung bình và loại không đạt yêu cầu.
Có những giáo viên dạy chưa tốt về phương pháp, truyền đạt nội dung kiến thức bài học cho học sinh chưa phù hợp, thậm chí vừa dạy vừa nhìn giáo án để chép lên bảng, lớp học thì thụ động nhưng rồi đồng nghiệp cũng phải xếp loại giỏi.
Thế nhưng, điểm xếp loại giỏi phải nằm gần ở mức điểm tối đa thì giáo viên đó mới chịu. Mặc dù tiết dạy loại giỏi quy định điểm đạt từ 80-100 điểm nhưng nếu xếp dưới 90 điểm là giáo viên không chịu mà phải cận 100 mới vừa lòng.
Thành ra quan điểm của những dười đi dự giờ và người dạy thường không mấy khi hài hòa với nhau. Có người còn “ thù dai” bằng cách khi dự giờ lại đồng nghiệp của mình thì xếp loại ở mức thấp hơn cho…bõ tức.
Vì thế, những mâu thuẫn giữa một số giáo viên trong tổ chuyên môn cứ âm ĩ tồn tại mà đáng lẽ ra chuyện này không có gì nếu Ban giám hiệu không quá cứng nhắc yêu cầu xếp loại tiết dạy đối với những giáo viên không kiêm nhiệm chức vụ.
Các văn bản hiện hành có yêu cầu giáo viên dự giờ hay không?
Hiện nay, theo hướng dẫn từ các văn bản của Bộ thì chỉ còn giáo viên tiểu học là còn bắt buộc phải dự giờ đồng nghiệp. Giáo viên Trung học cơ sở và Trung học phổ thông không còn phải dự giờ như trước đây nữa.
Tại điều 70, Luật Giáo dục năm 2019 chỉ quy định nhiệm vụ của nhà giáo gồm: Giảng dạy, giáo dục theo mục tiêu, nguyên lý giáo dục, thực hiện đầy đủ và có chất lượng chương trình giáo dục; thực hiện điều lệ nhà trường…
Theo Thông tư số 32/2020/TT-BGDĐT có hiệu lực từ ngày 01/11/2020 thì giáo viên các trường Trung học cơ sở và Trung học phổ thông đã không còn bắt buộc phải dự giờ.
Điều này được thể hiện Điều 21 của Thông tư số 32/2020/TT-BGDĐT về các loại hồ sơ, sổ sách của giáo viên như sau: “Kế hoạch giáo dục của giáo viên (theo năm học); Kế hoạch bài dạy (giáo án); Sổ theo dõi và đánh giá học sinh; Sổ chủ nhiệm (đối với giáo viên làm công tác chủ nhiệm lớp)”.
Cũng tại Thông tư số 32/2020/TT-BGDĐT thì ở khoản 2 Điều 29 nêu rõ giáo viên chủ nhiệm còn có quyền: “Được dự các giờ học, hoạt động giáo dục khác của học sinh lớp do mình làm chủ nhiệm”.
Như vậy, sau ngày 01/11/2020 thì chỉ còn quy định giáo viên chủ nhiệm dự giờ lớp của mình khi cảm thấy cần thiết mà thôi. Những giáo viên còn lại không còn bắt buộc phải dự giờ như trước đây nữa.
Nên quy định dự giờ như thế nào cho phù hợp?
Quy định hiện hành thì như chúng tôi đã đề cập ở phần trên nhưng các trường vẫn yêu cầu giáo viên giờ giờ để học hỏi kinh nghiệm lẫn nhau. Điều này có lẽ cũng phù hợp vì dự giờ cũng là một hoạt động cần thiết để trau dồi thêm chuyên môn cho mỗi người thầy.
Song, các Ban giám hiệu nhà trường không nên quá cứng nhắc việc quy định số tiết mà chỉ yêu cầu giáo viên dự giờ đối với các tiết thao giảng tổ, thao giảng trường, thao giảng hội đồng bộ môn.
Bởi, theo quy định hiện hành thì mỗi tổ chuyên môn phải thực hiện 2 chuyên đề dạy học / học kỳ. Như vậy, mỗi giáo viên ít nhất được dự 3 tiết ở tổ chuyên môn của mình (trừ 1 tiết nếu giáo viên thực hiện tiết thao giảng).
Đối với cấp trường hiện nay đang thực hiện thao giảng 2 tiết/ năm học, hội đồng bộ môn thực hiện 4 tiết/ năm. Nếu giáo viên chỉ cần dự 50% tiết thao giảng trường và hội đồng bộ môn cũng đã được thêm 3 tiết nữa.
Nếu, giáo viên mà tự nguyện dự giờ lẫn nhau thì chỉ nên rút kinh nghiệm với nhau, không cần xếp loại đồng nghiệp vì nhiệm vụ này nên để cho tổ trưởng, tổ phó và phó hiệu trưởng chuyên môn xếp loại tiết dạy sẽ hợp lý hơn.
Một khi quy định việc dự giờ của giáo viên không kiêm nhiệm chức vụ chỉ dừng lại ở việc học hỏi lẫn nhau thì công việc này trở nên đơn giản hơn nhiều. Người đi dự cũng thanh thản mà người dạy cũng không phải chịu quá nhiều áp lực.
(*) Nội dung, văn phong bài viết thể hiện quan điểm của tác giả.
Thôi không 'diễn' nữa
Dự giờ và đánh giá giờ dạy mẫu (ĐGDM) ở các trường phổ thông trong thời gian qua hiệu quả rất thấp. Đối với những giờ dạy mẫu, thao giảng toàn trường, phần nhiều là "diễn", không thực chất, làm khổ cả thày lẫn trò.
Ảnh minh họa
Một số giáo viên đi dự giờ cho xong, cốt đủ số lần dự, đảm bảo chỉ tiêu thi đua. Một số khác dự giờ và ĐGDM là chỉ chăm chăm săm soi xem có sơ xuất gì để rồi góp ý thiếu xây dựng, mang tính áp đặt, gay gắt, làm tổn thương đồng nghiệp.
Thông tư 32/2020 về ban hành Điều lệ Trường THCS, Trường THPT và Trường phổ thông có nhiều cấp, không quy định nhiệm vụ của giáo viên là phải dự giờ và hồ sơ cá nhân cũng bỏ sổ dự giờ, thăm lớp. Riêng giáo viên chủ nhiệm vẫn được dự các giờ học của học sinh do mình làm chủ nhiệm.
Nhiều ý kiến cho rằng, đây là sự đổi mới tư duy rất tích cực, là sự thay đổi tiến bộ của giáo dục phổ thông. Tuy nhiên, nhiều băn khoăn của các trường đặt ra: Khi bỏ hình thức dự giờ truyền thống, liệu có làm mất đi cơ hội học tập lẫn nhau, nâng trình độ chuyên môn, thông qua các tiết dự giờ thăm lớp? Và nên thay nó bằng hoạt động chuyên môn nào?
Như chúng ta biết, trong khoảng 10 năm qua các tổ chức quốc tế như UNICEF, Oxfam Anh, JICA Nhật Bản đã tổ chức triển khai thí điểm chuyên đề "Sinh hoạt chuyên môn để thảo luận giờ dạy minh họa theo hướng nghiên cứu bài học" (Thảo luận giờ dạy minh họa-TLGD) ở Bắc Giang, Bắc Ninh và mở rộng ra nhiều địa phương khác. Hoạt động TLGD được chuyển giao cho giáo dục Việt Nam đã góp phần nâng chất lượng dạy học đổi mới ở các nhà trường.
Chúng ta hãy phân tích một số nội dung về sự khác biệt giữa TLGD và ĐGDM.
Bản chất TLGD nhằm tìm giải pháp thúc đẩy học sinh học tập, nâng cao kết quả học tập của học sinh. Trong khi ĐGDM lại nhằm đánh giá, phân loại tiết dạy, phân loại giáo viên, thông qua quy định cho điểm 4 tiêu chí về các lĩnh vực đánh giá. Vì vậy, TLGD tập trung vào hoạt động học của học sinh, còn ĐGDM tập trung vào việc dạy của giáo viên.
TLGD chỉ đưa ra và kết luận về những bài học kinh nghiệm cho mỗi giáo viên tự vận dụng, không thành tiết dạy mẫu, điển hình cho tất cả giáo viên phải học và áp dụng như ĐGDM. Cũng chính vì thế, người ta không gọi đánh giá mà là thảo luận và không gọi là giờ dạy mẫu mà là giờ dạy minh họa.
Như vậy, quan điểm đổi mới về TLGD như trên đã giúp học sinh được cải thiện thành tích học tập của mình. Học sinh tự tin hơn và hào hứng tham gia các hoạt động của nhóm, của lớp vì các em được giáo viên quan tâm, hỗ trợ, tạo điều kiện phát triển năng lực với khả năng của mình.
Môi trường học tập thay đổi, quan hệ giữa các học sinh thân thiện, không cạnh tranh, không phân biệt bởi kết quả học lực, học sinh có ý thức giúp nhau cùng tiến bộ. Giáo viên tự tin, chủ động, sáng tạo trong giảng dạy...
Với những mô tả về TLGD như trên, chúng ta hoàn toàn có thể coi TLGD sẽ thay thế ĐGDM truyền thống và mang lại sự đổi mới toàn diện hoạt động chuyên môn ở các nhà trường phổ thông.
Chính phiếu đánh giá tiết dạy buộc giáo viên dự giờ phải soi mói đồng nghiệp? Những quy định đánh giá tiết dạy chủ yếu nhắm vào giáo viên bảo sao người dự giờ lại không phải để ý từng lời ăn tiếng nói, từng cách đi cách đứng của người dạy.. Nói đến việc dạy dự giờ, nhiều giáo viên nói với chúng tôi chưa bao giờ sợ phải dạy dự giờ thao giảng cả. Cái điều họ...