Những lý do khiến học sinh cấp 2 chống đối chuyện học hành
Lạm dụng thời gian của con, tư tưởng khen chê của phụ huynh cùng cách dạy công thức hóa ở trường khiến học sinh chán nản.
Tại tọa đàm “Con thay đổi khi chúng ta thay đổi” do Tổ chức giáo dục IEG tổ chức ngày 28/7, phụ huynh, chuyên gia đã chỉ ra những nguyên nhân khiến học sinh cấp 2 có biểu hiện chống đối và chán học.
Chị Thúy Hằng, phụ huynh ở Hà Nội, từng gặp những rắc rối với con gái chuẩn bị lên lớp 7. Có kinh nghiệm dạy tiếng Anh, chị Hằng rất tự tin dạy con từ nhỏ. Nghĩ rằng tiếng Anh đặc biệt quan trọng, chị đã tự áp đặt con phải học thật giỏi và luôn sắp xếp để con dành 90% thời gian cho việc học loại ngôn ngữ này.
Hàng ngày, dù học môn gì, cứ đến 9h tối, con gái chị sẽ có một tiếng để học tiếng Anh với thời gian biểu rõ ràng hôm nào học nghe, hôm nào học đọc. Việc áp con như vậy đã tạo cho con thói quen trong suốt 5 năm và mang lại một số hiệu quả nhất định. Con trở nên đam mê môn tiếng Anh. Đến lớp 5, con giành nhiều thành tích tốt. Tại tất cả kỳ thi ở trường hay thi lấy chứng chỉ quốc tế, kết quả của con chị đều vượt với tuổi khoảng 3 năm.
Chị Thúy Hằng chia sẻ về chuyện học của con gái. Ảnh: Dương Tâm
Đến khi lên lớp 6, chị Hằng quyết định cho con luyện thi IELTS theo lời khuyên của nhiều thầy cô. Kết quả, con thể hiện sự chống đối rõ ràng và bắt đầu học như một cái máy chứ không còn đam mê.
“Con rất thích viết theo cách sáng tạo của riêng mình. Vì vậy, đến khi học IELTS, con chán nản vì phải làm theo khuôn mẫu. Con bắt đầu giở đáp án để chép thay vì ngồi suy nghĩ, con cố viết đủ số từ theo quy định của đề bài mà không hề có một ý tưởng nào hay trong bài. Khi đó, tôi đã mắng, dọa con rất nhiều”, chị Hằng kể lại.
Sau thời gian dài khó khăn, chị nhận ra đã quá nặng nề trong việc tạo cho con thói quen mà quên mất rằng nhu cầu học của con sẽ khác nhau khi ở những độ tuổi khác nhau. Hơn nữa, lớp 6 là khoảng thời gian tâm sinh lý thay đổi, lại chuyển từ tiểu học lên trung học, môn học nhiều hơn, con không còn nhiều thời gian cho tiếng Anh nữa trong khi mẹ vẫn giữ cách sắp xếp và áp đặt như cũ.
Nhận ra điều đó, chị Hằng quyết định thay đổi để con không bị đóng khung tư duy. Chị bắt đầu cân bằng dần việc kiểm soát con. Cho con tự học những thứ con thích và theo cách con muốn. “Bản thân giải phóng được áp lực nên các con cũng giảm được áp lực học hành”, chị Hằng nói.
Có con trai đang học lớp 10 ở một trường công lập của Hà Nội, chị Thanh Nga nhận định nguyên nhân sâu xa khiến con không tìm thấy niềm vui trong học tập chính là hiện thực giáo dục và cách dạy học không sáng tạo, không gắn liền với thực tế mà chỉ mang tính lý thuyết của giáo viên.
Chị Nga cho rằng môi trường học tập ở Việt Nam đang rất dập khuôn, máy móc. Các bài giải hầu hết do thầy cô đưa ra và học sinh không có sự sáng tạo nào trong cách giải. Nếu có sáng tạo và làm sai lệch so với cách giải mẫu, ngay lập tức con có thể bị trừ điểm. Điều này vô tình tạo cho con thói quen không tốt và khiến chúng chán học.
Chị Nga kể lại câu chuyện khi lên lớp 7, con trai rất yêu thích môn Lịch sử, đặc biệt là phần lịch sử Việt Nam nhờ những tập truyện tranh mẹ mua và cách cô giáo kể nhiều câu chuyện ngoài sách. Thế nhưng, chỉ hai tuần sau, con khẳng định không thích môn Sử nữa vì lý do lịch sử trong sách giáo khoa không đúng sự thật.
“Những cuộc chiến tranh của nước ngoài đều được kể diễn biến chi tiết, bên thua, bên thắng rõ ràng. Nhưng tới lịch sử Việt Nam, các triều đình, các cuộc chiến tranh luôn thắng lợi mà không có bất kỳ một thất bại nào trên chiến trường trong khi những gì con tìm hiểu trên Internet lại khác. Vì vậy, con bắt đầu mất tình yêu với môn học này”, chị Nga kể lại và phân tích điều này cho thấy giáo dục Việt Nam chưa phù hợp với thực tế, chưa hấp dẫn học sinh.
Cách dạy ở trường có thể chưa phù hợp nhưng con không thể không theo học. Chị Nga cho rằng phụ huynh cần có những thay đổi, suy nghĩ tích cực, đồng hành cùng con để giúp con có cảm hứng học tập tốt hơn. Với chị Nga, điều quan trọng là bố mẹ luôn tin tưởng con và cân bằng trong chuyện kiểm soát việc học. “Càng không tin tưởng, con càng học đối phó”, chị khẳng định.
Tiến sĩ chỉ ra ba nguyên nhân khiến học sinh cấp 2 chán học
Video đang HOT
Tiến sĩ Nguyễn Chí Hiếu, người thầy với hơn 10 năm trong nghề, tiếp xúc và tham gia giảng dạy hơn 5.000 học sinh, cho rằng có ba nguyên nhân chính dẫn đến biểu hiện chống đối, không muốn học hành ở học sinh cấp hai.
TS Nguyễn Chí Hiếu nêu ba nguyên nhân dẫn đến biểu hiện chống đối ở học sinh. Ảnh: Dương Tâm
Lý do thứ nhất liên quan đến việc sắp xếp thời gian. Anh Hiếu cho rằng thời gian biểu của học sinh đang bị phụ huynh lạm dụng.
“Tôi thường hay ví 5 năm tiểu học của học sinh hiện tại như những ngày trong tuần của người lớn và năm lớp 6, 7 giống như thứ bảy, chủ nhật vậy. Người lớn làm việc liên tục từ 7h đến 21h các ngày trong tuần thì thứ bảy sẽ rất khó dậy sớm. Học sinh cũng rơi vào tình trạng tương tự và thường có những biểu hiện không tốt vào thời điểm này”, anh Hiếu nói.
Cựu thủ khoa MBA của Đại học Oxford nhận định người lớn, bao gồm cả nhà trường, thầy cô và phụ huynh đang lạm dụng 5 năm đầu của học sinh vì cho rằng trẻ tiếp nhận mọi thứ tốt nhất vào khoảng thời gian này. Về thời điểm tiếp nhận kiến thức có thể không sai nhưng theo anh Hiếu không nên vì điều này mà lạm dụng quá để rồi lớp 6, 7, học sinh chán nản mà buông việc học.
Nguyên nhân khác khiến học sinh chán học là cách dạy “công thức hóa” của nhiều giáo viên hiện nay. Anh Hiếu đưa ra ví dụ khi đặt câu hỏi “Bạn là ai” cho học sinh, 9/10 em trả lời theo mẫu “Tôi tên là A. Năm nay tôi 10 tuổi, học lớp 4, trường Tiểu học B” vì từ nhỏ tới giờ các em luôn học như thế.
“Chỉ cần một học sinh trả lời khác đi, tôi sẽ đánh giá rất cao vì một cách ý thức hay vô thức nào đó, trong bao năm qua, thầy cô đã không áp một cái khuôn vào dạy học sinh”, anh Hiếu nói và cho rằng việc dạy theo công thức một, hai lần không sao nhưng cứ mãi như vậy sẽ khiến các em bị cùn tư duy và mau chán.
Lý do cuối cùng khiến học sinh chống đối là tư tưởng của phụ huynh, đặc biệt trong việc khen chê. Thực tế, học sinh cứ làm gì đúng, tốt, nhận được nhiều huy chương là bố mẹ rất khen nhưng sai một chút là bắt đầu chê. “Tôi cho rằng điều đó là phi giáo dục”, anh Hiếu thẳng thắn chia sẻ.
Dương Tâm
Theo vnexpress.net
Cấm con xem tivi cho đến năm 3 tuổi - cách dạy con gây tranh cãi của mẹ Nhật có 4 con đều đỗ Đại học hàng đầu
Chính nhờ tình yêu thương kết hợp với cách dạy con nghiêm khắc, trong đó có nguyên tắc cấm con xem tivi cho đến năm 3 tuổi, mẹ Nhật này đã giúp cho 4 con đậu vào trường Đại học Tokyo danh tiếng.
Ryoko Sato là một bà nội trợ hiện đang sống ở tỉnh Nara cùng với 4 người con (3 trai 1 gái). Bà được mọi người biết đến là mẹ Nhật đã giáo dục cả 4 người con đậu vào Đại học Tokyo, có biệt danh là "Mẹ Sato". Bà cũng đã xuất bản một cuốn sách chia sẻ về cách giáo dục đặc biệt của mình.
Ryoko Sato tốt nghiệp Đại học Tsuda và đã từng có quãng thời gian 2 năm làm giáo viên dạy tiếng Anh tại một trường trung học tư thục. Chồng của bà là ông Masato, một luật sư danh tiếng từng học tại khoa Luật, Đại học Tokyo.
Ba người con trai đầu là Masayori Sato (1991), Rika Sato (1993), Kazuaki Sato (1995), người con gái út tên là Mako Sato (1998). Tất cả đều đậu vào trường Đại học Tokyo (Todai), ngành Y cao cấp.
Vậy bí quyết dạy con của bà mẹ này là gì?
Các con của Ryoko Sato.
Quản lý thời gian biểu sát sao của con
Ryoko Sato cho rằng điều quan trọng nhất không phải đi học đầy đủ, lắng nghe thầy cô giáo giảng bài mà còn phải làm bài tập về nhà đầy đủ. Vì chỉ có khi làm bài tập nghiêm túc, bọn trẻ mới cảm thấy nhà trường và việc học thật sự quan trọng.
Khi bọn trẻ ở nhà, Ryoko Sato giám sát nghiêm ngặt 3 việc: Một là, kiểm tra bài tập về nhà có chấm điểm, hai là cùng nhau xem lại các bài kiểm tra, ba là quản lý lịch học. Suốt 6 năm học tiểu học, bọn trẻ đều được rèn luyện theo khuôn khổ nghiêm túc như vậy.
Ngoài ra, Ryoko Sato đã bắt đầu dạy bọn trẻ học toán và chữ quốc ngữ ngay từ lúc 1 tuổi, đến năm thứ 4 của bậc tiểu học, chúng sẽ được gửi vào trường luyện thi Hama Gakuen để học các môn khoa học và xã hội.
3 người con trai cả của Ryoko Sato.
Kế hoạch học tập diễn ra khá hoàn hảo và Ryoko Sato tiếp tục áp dụng cho các kỳ thi tuyển sinh Trung học cơ sở, tuyển sinh Đại học. Trong khi các bà mẹ khác lo lắng không muốn con cái học quá nhiều, quá sớm thì bọn trẻ nhà mẹ Nhật này coi việc đó là bình thường. Cả 4 người con đều thông thạo khoa học xã hội, ngôn ngữ... ngay từ rất sớm vì chúng mỗi ngày đều được mẹ đọc cho nghe. Nếu gặp những thứ khó hiểu ví dụ như một sự việc gì đó trên thế giới đang xảy ra mà bọn trẻ không hiểu, bà sẽ đưa ra những bình luận, khơi gợi trí tò mò để chúng tự khám phá và tìm hiểu.
Trước kỳ thi tuyển sinh Đại học, Ryoko Sato sẽ lập ra một bảng thời gian biểu cụ thể. Bà muốn tất cả đều ý thức được thời gian và kỹ năng phân chia thời gian học tập sao cho hợp lý nhất.
Có thể học ở bất cứ nơi nào trẻ thích
Ryoko Sato cho rằng việc học phải thật sự thoải mái, nó không nhất thiết phải diễn ra trong phòng học mà là bất cứ nơi nào bọn trẻ thấy thích là được. Đó có là phòng khách, phòng tắm, nhà bếp, trên bàn ăn, trên sàn... thậm chí vừa ăn vừa học cũng không có vấn đề gì cả.
Bà cũng khẳng định rằng việc dạy những đứa trẻ có trình độ học vấn còn yếu không phải là một chuyện quá khó khăn. Chúng ta chỉ cần đưa cho bọn trẻ lộ trình học, cột mốc tham gia các kỳ thi, giới hạn thời gian học. Nhưng khi trở thành sinh viên Đại học, mọi thứ trở nên tự do, sẽ không còn quy tắc này được thiết lập, điều này sẽ khiến cho nhiều người trở nên mất phương hướng, dễ sa sút phong độ học tập.
Cả 4 người con đều thông thạo khoa học xã hội, ngôn ngữ... ngay từ rất sớm vì chúng mỗi ngày đều được mẹ đọc cho nghe.
Ryoko Sato cũng nói về mối quan hệ giữa con người với nhau, và với bọn trẻ đó chính là tình bạn. Đặc biệt trong giai đoạn cuối của học kỳ, tình yêu chính là một sự lãng phí thời gian. Khi con trai của bà được mời đến ăn tối tại nhà một người bạn, bà đã bảo với con trai mình hãy từ chối. Mặc dù điều này có thể khiến cho con trai mình khó chịu, nhưng điều quan trọng là bà biết được điều gì là cần thiết nhất vào thời gian này.
Cấm con xem tivi cho tới năm 3 tuổi
Chồng của Ryoko Sato chia sẻ rằng bản thân rất tin tưởng vào cách dạy con của vợ mình. Chỉ có người mẹ mới là người hiểu rõ đâu là điều tốt nhất mà con cái của mình cần. Trong những năm tháng đầu đời của trẻ, thời gian ở bên người mẹ luôn là điều ưu tiên nhất.
Việc dạy dỗ của Ryoko Sato không bị gián đoạn dù là lúc đang mang thai. Vì không đi ra ngoài nên mỗi ngày bà thường đọc 10 cuốn sách, hát 10 bài hát và tuyệt nhiên không cho bọn trẻ xem tivi.
Cuốn sổ ghi chép thời gian học của từng con do mẹ Ryoko Sato quản lý.
Bên cạnh đó, cũng có một số quy tắc trong ngôi nhà Ryoko Sato. Bố mẹ không được la mắng con cái, anh chị em không được cãi nhau, không được gọi là "Anh ơi". Tivi được đặt trên tầng 2 mà không được đặt ở phòng khách...
" Bọn trẻ không được phép xem tivi cho tới năm 3 tuổi và suốt những năm tháng đầu đời này, tôi đã đọc cho chúng nghe 10.000 cuốn sách, hát 10.000 giai điệu. Tôi tin rằng khả năng ngôn ngữ sẽ được kết nối trực tiếp với sức mạnh của suy nghĩ", Ryoko Sato chia sẻ.
Những bài học, những phương pháp học tập đúng đắn, khoa học được Ryoko Sato thực hiện liên tục trong suốt 6 năm tiểu học. Để làm được điều này có thể thấy tất cả là nhờ vào sự quyết tâm mạnh mẽ từ phía người mẹ.
Ryoko Sato nói rằng mình muốn chăm sóc bọn trẻ đến năm 18 tuổi, bọn trẻ sẽ được học cùng nhau và bà sẽ là người dẫn dắt chúng. Nếu trẻ cảm thấy niềm vui trong học tập, hãy tạo mọi điều kiện để trẻ phát huy hết khả năng của mình. Với nhiều đứa trẻ khác có thể vui sướng khi nhận được một món đồ chơi mới, nhưng với những đứa trẻ nhà Ryoko Sato thì đó lại là kiến thức.
Chân dung "Mẹ Sato" nổi tiếng.
Cũng có nhiều người nhận xét rằng phương pháp dạy học của bà khá cực đoan, nhưng không ai có thể phủ nhận được những mặt tích cực và thành quả của 4 đứa trẻ. " Người mẹ này đã đi quá giới hạn của mình, chắc hẳn con cái của bà ta đã phải cảm thấy ngạt thở trước cách quản lý của mẹ mình". Một vài người khác thì nói rằng: " Trên thế giới có rất nhiều cách dạy khác nhau, và mẹ Sato chỉ là một trong số đó. Điều chúng ta không thể phủ nhận rằng cách dạy dỗ con cái này đã giúp cho những đứa con của Ryoko Sato đạt được những thành công đáng ngưỡng mộ. Chúng ta nên biết ơn khi nhận được sự chia sẻ từ Ryoko Sato". Hoặc một người khác cũng bày tỏ: " Những đứa trẻ có quyền tự hào về những thành quả mà mình đã cố gắng, nhưng đừng tự mãn là được".
Lời cuối cùng Ryoko Sato muốn chia sẻ là các bà mẹ không thể nào thực hành ngay lập tức một phương pháp nuôi dạy con được. Mọi thứ đều cần thời gian để chuẩn bị, hầu hết trẻ em đều không phải lúc nào cũng ngoan ngoãn nghe lời.
Nguồn: Newsmatomedia
Theo Helino
9 điều phụ huynh nên nói với trẻ mỗi ngày Khi đón trẻ đi học về, bạn nên hỏi "Hôm nay có chuyện gì vui không con?" và lắng nghe những câu chuyện vụn vặt của trẻ. Theo vnexpress.net