Những lớp học đặc biệt trên quần đảo Trường Sa
Tất cả những ngôi trường tiểu học trên các đảo của quần đảo Trường Sa (tỉnh Khánh Hòa) đều đặc biệt bởi một lớp học gồm đủ các cháu từ lớp mẫu giáo đến lớp 5. Khi lên lớp 6, các em sẽ được đưa vào đất liền để tiếp cận với điều kiện giảng dạy tốt hơn.
Thầy giáo Bành Hữu Tình bên các em học sinh trên đảo Trường Sa. Ảnh: Cao Tuân
Viết tâm thư xin ra Trường Sa dạy học
Ấn tượng đầu tiên của chúng tôi khi đặt chân lên đảo Trường Sa là bóng dáng những em nhỏ xúng xính sắc phục hải quân hớn hở theo bố mẹ đi đón đoàn từ đất liền ra thăm. Trong số các cháu, có những cháu sinh ra ở đất liền rồi theo cha mẹ ra đảo, có những cháu được sinh ra trên đảo. Sau khi được thưởng thức một bài hát của nhóm bạn nhỏ tặng, chúng tôi hỏi ai dạy thì tất cả đồng thanh: “Thầy Tình ạ”. Hóa ra, nhóm học sinh từ mẫu giáo đến lớp 5 này đều chung một thầy, một lớp.
Người thầy đó là Bành Hữu Tình, 37 tuổi – từng có 3 năm dạy ở Trường tiểu học Khánh Lâm và 10 năm dạy học ở Trường tiểu học Suốt Cát của Khánh Hòa. Khi biết Sở GD&ĐT tỉnh thông báo tuyển giáo viên đi Trường Sa, thầy Tình đã thức xuyên đêm, viết một bức tâm thư dài gần 5 trang A4.
Trong tâm thư, thầy Tình kể về một lần đến khu tưởng niệm Gạc Ma (ở xã Cam Hải Đông, huyện Cam Lâm, Khánh Hòa): “Tôi có một cảm giác rất đặc biệt, rất thiêng liêng. Đứng trước vòng tròn Gạc Ma bất tử, đọc về lịch sử anh dũng của các chiến sĩ Gạc Ma ngay trên mảnh đất quê hương, lòng tôi cuộn lên những cảm xúc thật lạ kỳ. Tình yêu Tổ quốc, quê hương trỗi dậy. Cảm phục các anh, tôi càng mong muốn được làm điều gì đó cho Trường Sa. Tất cả cứ thôi thúc, thôi thúc”.
Rồi thầy Tình tâm sự về quãng đời thiếu niên, về việc mồ côi mẹ từ khi 5 tuổi, thầy đã học tập và rèn luyện gian khổ thế nào: “Tôi không có sự bao bọc của bố mẹ như các bạn, mà sống với anh cả, từ bé đã phải tự lo nhiều việc. Chính điều đó đã rèn luyện tôi thành một con người mạnh mẽ, có ý chí, và tôi tự tin mình xứng đáng đi dạy học ở Trường Sa…”.
Đến khi nhận thông báo trúng tuyển, thầy Tình mừng rơi nước mắt. Cả dòng họ, người thân trong gia đình rồi bạn bè, đồng nghiệp đều tự hào về điều anh đã đạt được. Tháng 6/2018, thầy chính thức đến với Trường Sa, bắt đầu một chặng đường công tác đặc biệt trong cuộc đời mình.
Đặt chân lên cầu cảng của đảo Trường Sa cũng là lúc những học sinh ra tận nơi đón. Thầy Tình choàng tay ôm những đứa trẻ chưa biết tên. “Kỷ niệm ấy tôi không bao giờ quên. Được dạy học ở Trường Sa, với tôi đó không chỉ là niềm vinh hạnh, mà còn là sự cống hiến sức trẻ của mình cho Tổ quốc. Dẫu ở Trường Sa còn nhiều khó khăn trở ngại và nỗi nhớ đất liền luôn cháy bỏng ruột gan, song tôi cho đó là thời gian thử sức thời trai trẻ”, thầy Tình nói.
Chia sẻ về những khó khăn khi người trẻ đảm nhiệm “các khâu” cho học sinh, thầy Tình cho biết: “Do đặc thù ở Trường Sa học sinh ít nên phải học ghép. Một phòng học có 5 lớp. Trong khi giảng bài cho lớp 5 thì học sinh lớp 3 tự ôn, lớp 1 tập viết. Dạy học nhưng tôi cũng làm “bảo mẫu” luôn. Có em khóc đòi về với ba mẹ thì tôi dỗ dành, các em cãi nhau mình phải phân giải, có khi đang học có em kêu muốn đi vệ sinh, mình cũng dẫn các em đi. Tất cả việc đó lúc đầu thấy hơi ngại, nhưng sau quen và trở nên bình thường…”.
Video đang HOT
Quê em ở Trường Sa…
Sau giờ học, hai thầy giáo trẻ Nguyễn Công Qua và Phạm Xuân Dịu lại vui đùa cùng các em học sinh trên đảo Sinh Tồn.
Chị Nguyễn Thị Mỹ Dung, công dân sinh sống trên đảo Trường Sa kể với chúng tôi về những tình cảm đặc biệt của các thầy giáo với học trò nơi đây. Họ luôn coi học trò như con cái trong gia đình, ngoài dạy dỗ còn chăm sóc, bảo ban các cháu lúc vui chơi, sinh hoạt thường ngày. Tuy điều kiện biển đảo còn thiếu thốn so với đất liền nhưng thứ quý giá nhất mà mỗi công dân nhỏ ở Trường Sa nhận được chính là tuổi thơ hồn nhiên, trong trẻo, ấm nồng bên cạnh một gia đình lớn có bố mẹ, thầy giáo và các chú bộ đội.
Tương tự, ở trường tiểu học trên đảo Sinh Tồn cũng được áp dụng theo kiểu “5 trong 1″. Cả trường chỉ có hai thầy giáo quán xuyến đủ 5 lớp bậc tiểu học. Các em học từ thứ Hai đến thứ Bảy hàng tuần.
Thầy Nguyễn Công Qua cho biết: “Trước khi ra đảo giảng dạy, có nằm mơ rồi mường tượng tôi cũng không thể hình dung ra được cảnh học 5 trong 1 như vậy. Nghĩ thì dễ nhưng việc giảng dạy cho các em không hề đơn giản chút nào. Nhóm này làm bài tập, thì thầy giáo lại ra đề, hoặc tập viết, tập đọc cho nhóm kia”.
Thầy Qua cũng tâm sự, do chưa lập gia đình, lại là giáo viên nam, thành ra các thầy giáo càng gặp nhiều khó khăn hơn khi giảng dạy và chăm sóc trẻ. Việc tổ chức ghép lớp, ghép môn được các thầy giáo bố trí sắp xếp phù hợp, bảo đảm mỗi em đều lĩnh hội đầy đủ chương trình học của bản thân, lại không bị ảnh hưởng của chương trình khác. Thường thì những môn: Tập đọc, Nhạc, Họa được ghép học chung. Những môn phân loại trình độ: Toán, Văn, Khoa học được ngồi chung nhưng học theo từng giáo án riêng. Việc học ghép tuy khó khăn nhưng cũng mang lại nhiều thuận lợi cho học sinh. Các em nhỏ học theo anh chị lớn nên chăm ngoan, tiếp thu bài nhanh. Các bạn lớp lớn cũng có thể cùng thầy giáo hướng dẫn các em nhỏ. Có em bộc lộ sớm khả năng đọc viết, mới 4 tuổi đã thuộc lòng nhiều bài thơ, 5 tuổi đã đủ điều kiện đặc cách học lên lớp 1.
“Ở đây mọi người sống rất tình cảm, nhiều hôm các hộ dân cũng đến trường ngồi hàn huyên tâm sự với chúng tôi đến tận khuya mới về. Các gia đình hay mang cà phê, trà lá, bánh kẹo đến trường, còn chúng tôi cũng hay đến khu dân cư ngồi uông nươc trò chuyện với bà con. Có hôm vài hộ dân lại thân tình mời tôi dùng cơm tại gia đình cho đầm ấm. Các cán bộ, chiến sĩ cũng thường xuyên lui tới vào ngày nghỉ để chia sẻ hoàn cảnh gia đình, bạn bè. Rồi mọi người kể cho nhau nghe những vui buồn nơi đầu sóng ngọn gió…”, thầy giáo Phạm Xuân Dịu (trường tiểu học xã Sinh Tồn) chia sẻ thêm.
“Quê em ở Trường Sa/ Những đảo chìm đảo nổi/ Quê em có biển trời/ Bốn mùa xanh bao la/ Sinh ra ở Trường Sa/ Em là con của biển…”, đó là những câu thơ mà khi chia tay chúng tôi được những học sinh ở Trường Sa đọc tặng. Rất nhiều em mạnh dạn bày tỏ mơ ước sau này được trở thành chiến sĩ ngày đêm canh giữ biển trời hoặc gần gũi nhất là được làm người thầy đứng trên bục giảng như thầy giáo của các em đầy yêu thương, tận tụy mỗi ngày.
Song song với học chữ, học sinh Trường Sa còn được bộ đội hải quân ở các đảo huấn luyện thể chất như tập thể dục nâng cao sức khỏe, tổ chức các trò chơi vận động bên bờ sóng, tham gia một số hoạt động quân sự như chào cờ Tổ quốc trước cột mốc chủ quyền, đón khách từ đất liền ra thăm. Những câu chuyện về lòng quả cảm của chiến sĩ hải quân, tinh thần bất khuất kiên cường của ông cha vẫn được kể cho các em nghe như một môn học ngoại khóa không thể thiếu.
Cao Tuân
Theo giadinh.net
Người gieo con chữ ở đảo tiền tiêu
Với mong muốn được đến với Trường Sa, được gieo con chữ cho những học sinh ở nơi đầu sóng ngọn gió thiêng liêng của Tổ quốc, thầy giáo Bành Hữu Tình (quê Cam Lâm, Khánh Hòa) đã tình nguyện làm đơn ra Trường Sa dạy học.
Tính đến nay, thầy Tình đã có khoảng thời gian hai năm sinh sống và dạy học cho các em học sinh trên đảo Trường Sa lớn.
Thầy Bành Hữu Tình đang miệt mài soạn giáo án cho các môn học
Trong chuyến công tác tại các đảo thuộc quần đảo Trường Sa, chúng tôi có cơ duyên được gặp gỡ, trò chuyện với thầy giáo Bành Hữu Tình. Ấn tượng đầu tiên của chúng tôi về thầy đó là dáng vẻ thư sinh nhưng rất nhanh nhẹn, hoạt bát và luôn khát khao cống hiến cho sự nghiệp trồng người.
Tốt nghiệp Trường Cao đẳng Sư phạm Nha Trang, trước khi ra đảo Trường Sa lớn dạy học, thầy Tình đã có 13 năm công tác tại các trường tiểu học của tỉnh Khánh Hòa. Khi biết Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh tuyển giáo viên ra Trường Sa công tác, thầy đã tình nguyện viết đơn đăng ký và được lựa chọn.
Nói về quyết định của mình, thầy Tình chia sẻ: "Từ lâu tôi đã có mong muốn được gieo con chữ cho những học sinh ở Trường Sa và được góp sức mình để tiếp bước cha anh bảo vệ chủ quyền biển đảo thiêng liêng của Tổ quốc".
"Tôi vẫn còn nhớ cảm giác lần đầu tiên được đặt chân lên mảnh đất Trường Sa thiêng liêng và anh hùng, thật xúc động và tự hào biết bao. Đón chào tôi là những cái bắt tay ấm áp, những nụ cười rạng rỡ của các cán bộ, chiến sĩ và nhân dân, cùng với đó là tiếng chào hỏi lễ phép của các em nhỏ đang sinh sống trên đảo. Thời khắc đó tôi biết rằng mình sắp trải qua những tháng ngày đẹp đẽ nhất của tuổi trẻ, của đời dạy học ở chính nơi đây" - thầy Tình bày tỏ.
Trong một buổi học, thầy Tình sẽ cho các nhóm hoạt động độc lập để đạt hiệu quả cao nhất
Lớp học của thầy Tình ở Trường Tiểu học Thị trấn Trường Sa mặc dù chỉ có 5 học sinh nhưng lại ở các độ tuổi khác nhau từ mẫu giáo bé, mẫu giáo lớn, lớp ba nên thầy không chỉ là người gieo con chữ, truyền đạt kiến thức cho học sinh mà đôi khi còn đóng vai trò là người "bảo mẫu".
Chia sẻ về lớp học đặc biệt của mình, thầy Tình nói: "Do học sinh ở nhiều độ tuổi khác nhau nhưng lại học chung một lớp nên việc sắp xếp tổ chức lớp học sao cho hài hòa giữa các trình độ là một thử thách đối với tôi, chưa kể các em học sinh rất hiếu động và còn ham chơi".
"Thời gian đầu chưa quen, việc giảng dạy đạt hiệu quả không cao nhưng với sự kiên trì và áp dụng linh hoạt những kiến thức, kinh nghiệm tích lũy được trong quá trình giảng dạy, cuối cùng lớp học cũng đi vào nề nếp. Cụ thể, trong một buổi học, tôi sẽ cho các nhóm hoạt động độc lập, ví như nhóm học sinh mầm non tôi sẽ cho tô màu, viết chữ, còn với nhóm học sinh tiểu học sẽ kiểm tra bài cũ hoặc dạy toán, tiếng Việt...
Vì lớp có ít học sinh nên tôi có điều kiện để chỉ bài cho từng em, các em tiến bộ rất nhanh. Ngoài ra, tôi cũng thường xuyên nhờ các cán bộ, chiến sĩ biết tiếng Anh chỉ dạy thêm cho các em học sinh. Sau khi học hết lớp 5 ở ngoài đảo, các em sẽ vào đất liền để học những cấp tiếp theo. Tôi tin rằng, với lực học của mình, các em sẽ theo kịp bạn bè cùng trang lứa trong đất liền" - thầy Tình chia sẻ.
Lớp học đặc biệt của thầy Tình
Ở trên đảo, ngoài công việc giảng dạy, thầy Tình cũng tích cực tham gia các hoạt động chung như tăng gia sản xuất, hoạt động văn nghệ thể thao... Đặc biệt, với vai trò là Chủ tịch Công đoàn của Thị trấn Trường Sa, thầy Tình luôn quan tâm và phối hợp triển khai nhiều hoạt động để nâng cao đời sống cho đoàn viên.
Cạnh đó, thầy cũng chủ động cập nhật những kiến thức mới thông qua tài liệu tập huấn do Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Khánh Hòa cung cấp để đáp ứng nhu cầu dạy và học, đảm bảo kiến thức cho các em học sinh.
Khi được hỏi về chuyện tình cảm, thầy Tình nở nụ cười hiền hậu và nói: "Năm nay tôi cũng đã 37 tuổi nhưng vẫn chưa lập gia đình bởi tôi muốn sống với niềm khát khao được cống hiến trí lực, được gieo con chữ cho những em học sinh ở nơi đầu sóng ngọn gió và được tiếp bước cha anh xây dựng và bảo vệ chủ quyền biển đảo của Tổ quốc. Khi nào duyên lành đến tôi sẽ mở lòng đón nhận và vun đắp cho hạnh phúc gia đình, đồng thời tiếp tục là người lái đò trên dòng sông tri thức".
Lắng nghe những chia sẻ rất đỗi chân thành, mộc mạc của thầy Tình, chúng tôi càng thêm khâm phục tinh thần, sự nhiệt huyết với nghề và ý thức bảo vệ chủ quyền biển đảo của thầy. Qua đó, cũng thấu hiểu hơn về cuộc sống, công việc của người giáo viên nơi tiền tiêu của Tổ quốc.
Mai Quý
Theo laodongthudo
Ngôi trường vui vẻ ở miền Tây Ở ngôi trường ấy, thầy trò cùng nhau trồng rau làm từ thiện, cô giáo mời họp phụ huynh mỗi 1-2 tháng để tuyên dương những em trả lại của rơi, giới thiệu các loại rau giàu vitamin giúp các con khỏe, mau lớn... Học sinh thích thú tham gia các giờ học bên cạnh luống rau - Ảnh: NGỌC TÀI 'Vui lắm',...