Những kinh nghiệm thi cử không có trong sách vở
Chỉ còn chưa đầy một tháng, hơn 900.000 học sinh trên toàn quốc sẽ chính thức bước vào kỳ thi THPT quốc gia. Đối với những tân sinh viên mới bước vào cổng trường đại học năm nhất, khoảng thời gian này năm ngoái thực sự là chuỗi ngày “nhớ đời”.
___________________
Họ – những sinh viên năm nhất tuy chưa có kinh nghiệm trên ghế giảng đường nhưng lại nhớ rất rõ những hồi hộp, lo lắng trong kỳ thi THPT quốc gia 2019 và những kinh nghiệm “xương máu” trong quá trình ôn thi, luyện thi, chọn nguyện vọng, xử lý bài thi… mà sách vở không bao giờ dạy.
Sinh ra trong một gia đình thuần nông, thế nhưng Vũ Văn Hảo (sinh viên năm nhất Đại học Văn hóa Hà Nội) lại thích viết lách.
“Tôi có bản tính ham tìm hiểu đời sống các vùng miền, lại muốn chia sẻ những gì mình biết với mọi người và báo chí là phương tiện thú vị làm được điều đó”, Hảo chia sẻ.
Có anh trai làm phóng viên càng giúp Hảo thêm quyết tâm và động lực để theo đuổi ngành nghề này. Ở vùng nông thôn, các bạn đồng trang lứa thường lựa chọn các ngành kinh tế hoặc kỹ thuật để khi ra trường có thể kiếm được công việc với thu nhập cao, thế nhưng Hảo luôn quan niệm “mình đi ngược dòng không có nghĩa là mình không có cơ hội”.
Tới năm lớp 12, Hảo đặt mục tiêu sẽ theo học ngành báo in và dành 2 nguyện vọng đầu để đăng ký tại Học viện Báo chí & Tuyên truyền và Đại học Văn hóa Hà Nội, cuối cùng cậu đã đạt được mục tiêu khi đỗ vào khoa Viết văn, Báo chí của Đại học Văn hóa Hà Nội.
Trước đó, nhờ sớm xác định được con đường sẽ đi, Hảo đã tự vạch ra cho mình một lộ trình chuẩn bị dài hơi và tập trung vào các môn khoa học xã hội cũng như Ngữ văn nhằm bổ trợ cho nghề viết lách.
“Càng sát tuần thi quyết định, tôi càng đúc rút ra được kinh nghiệm rằng đối với các môn khoa học xã hội thì bản thân người học phải có được tinh thần thoải mái. Nếu một ngày mình mệt mỏi mà cố gồng mình lên để học thì thực sự không hiệu quả. Bỏ ra một ngày học như vậy không bằng một buổi ôn tập khi tâm trọng thư thái”, Hảo nói. “Cứ khoảng vài ngày học căng thẳng, tôi cho phép bản thân xả hơi bằng cách đạp xe, đi dạo hoặc xem phim để có tâm trạng thật tốt”.
Một bí quyết để tiếp thu tốt các môn học thuộc “khó nhằn” như Lịch sử hay Địa lý đối với Hảo đó là tham gia các hội nhóm ôn thi trên mạng xã hội Facebook. Các thành viên khi có một đề bài hoặc một câu hỏi khó, mang tính vận dụng cao sẽ đăng lên nhóm để mọi người cùng giải đáp, bàn luận mà theo Hảo đó cũng là một hình thức giải trí kết hợp với ôn tập bổ ích. Hảo cho rằng việc học từ các nhóm trên mạng rất hiệu quả bởi ở đó có những thày cô tâm huyết mở các lớp để dạy cho các bạn không đủ điều kiện đi học thêm ở vùng sâu vùng xa.
“Thày cô trong nhóm thường tổ chức những cuộc thi nhỏ đi kèm phần quà để các thành viên tham gia giải đáp. Thay vì tự mình làm thì được chấm bài và sửa lỗi sai tạo động lực cho tôi rất nhiều”, Hảo nói.
Ngoài hội nhóm trên mạng xã hội, Hảo còn tìm tới các ứng dụng ôn thi trên điện thoại di động, nhờ đó người học không cần phải “ôm khư khư” lấy các bộ đề mà vẫn có thể học ở bất cứ đâu. “Việc học qua công nghệ chỉ nhằm bổ sung thêm vốn hiểu biết chứ không thể thay thế vai trò của thày cô được. Nhìn chung, việc học ở đâu cũng là tự lực ở bản thân chứ không thể ỷ vào một phía” – cậu tân sinh viên khoa Viết văn Báo chí nói.
Được gia đình hướng theo nghiệp “nhà binh” giống bố, Xuân Phú đã được gia đình đầu tư rất nhiều để chuyên tâm theo các môn Khoa học tự nhiên. Không phụ sự kỳ vọng của gia đình, cậu đã đỗ vào lớp chọn của một trường tốp đầu khu vực. Nhưng chứng kiến cảnh bố mình nhiều năm xa nhà do đóng quân ngoài đảo Phú Quốc, Phú bắt đầu thay đổi suy nghĩ và muốn tìm một ngành nghề khác gần gia đình hơn. Cậu quyết định đăng ký nguyện vọng 1 vào ngành Công nghệ thông tin tại Học viện Công nghệ Bưu chính Viễn thông.
Trái với kỳ vọng của bản thân, Phú kể rằng ngay sau khi hoàn thành xong bài thi môn Toán, kết quả không mong muốn, Phú tự nhủ phải gác lại giấc mơ làm kỹ sư IT.
“Tối hôm đó về tôi đã vắt tay lên trán và suy nghĩ khá nhiều, thế nhưng phải nhanh chóng sốc tinh thần để làm tốt các môn còn lại”.
Video đang HOT
Khi biết điểm thi, gia đình có khuyên tôi nên chọn một ngành nghề khác phù hợp với bản tính hòa đồng, vui vẻ của mình thay vì tiếp tục đi theo con đường kỹ thuật. Tôi đã tìm hiểu rất nhanh để lượng sức mình chọn nguyện vọng phù hợp với điểm số. Có người quen từng học Khoa Du lịch thuộc Đại học Văn hóa Hà Nội, Phú tò mò đọc về nghề hướng dẫn viên du lịch và không ngần ngại điền vào nguyện vọng 3 ngôi trường mà trước đó Phú “chưa từng nghĩ đến”.
Chỉ mới kết thúc năm nhất, nhờ bản tính chăm chỉ và cầu toàn nên Phú đã được nhận vào làm cho một công ty lữ hành và được dẫn đoàn đi tour mỗi cuối tuần. Dần dần trong Phú nảy sinh một tình cảm đặc biệt với nghề hướng dẫn viên du lịch. “Bất cứ nghề nghiệp nào cũng đều hữu ích, thời buổi này không có chuyện thất nghiệp mà chỉ do bản thân mình nỗ lực hay không”, Phú chia sẻ.
Theo Phú, ai cũng có những ước mơ chinh phục ngôi trường yêu thích của mình, nhưng nếu không chinh phục được, đừng buồn quá lâu. Ngành học rất phong phú, nghề nghiệp cũng nhiều vô cùng, hãy tỉnh táo chọn nguyện vọng 2,3 vì biết đâu, sở thích lại nhen nhóm từ những ngày ngồi trên ghế giảng đường.
Phương Thảo vốn là một học sinh chuyên khối C trong hai năm đầu THPT, cô bỏ ra không ít tâm sức cho việc ôn luyện cho các kỳ thi chuyên địa phương, đồng thời dành được nhiều thành tích đáng chú ý, đặc biệt là giải thưởng học sinh giỏi môn Lịch sử. Tuy nhiên, sang đến năm lớp 12, Phương Thảo bỗng chốc quyết định sẽ chuyển sang ôn luyện khối D để tham gia vào kỳ thi xét tuyển đại học năm 2019.
“Tôi nhận ra rằng, những dự định trong tương lai không còn phù hợp với môn chuyên mà mình ôn luyện suốt 2 năm trước” Phương Thảo chia sẻ.
Dựa vào định hướng của gia đình cũng như sở thích cá nhân, Thảo mạnh dạn chọn nguyện vọng là ngành Kế toán và nộp nguyện vọng vào các trường Đại học Ngoại thương, Đại học Kinh tế Quốc dân và Đại học Thương mại.
Việc chuyển khối ngay vào thời điểm “nước rút” gây ra nhiều khó khăn cho Phương Thảo, cô học sinh chuyên Sử không khỏi choáng với lượng kiến thức mình phải tiếp thu và ôn luyện chỉ trong vòng một năm. Dành hơn 10 tiếng mỗi ngày chỉ để luyện đề liên tục trong nhiều tháng, nhưng Thảo không khỏi lo lắng trước viễn cảnh ngày thi sắp tới gần.
“Dù trải qua không ít kỳ thi học sinh giỏi trong hai năm đầu, nhưng ngày bước vào phòng thi tốt nghiệp tôi mới hiểu được cảm giác ‘tim đập, chân run’ là thế nào”, Thảo nhớ lại. Ngày nhận được kết quả, Phương Thảo đã không thể tin rằng mình thậm chí còn thừa điểm để đỗ vào nguyện vọng đầu là khoa Kế toán của Đại học Ngoại Thương.
Suy ngẫm lại, Phương Thảo cho rằng có lẽ mình đã có thể vượt qua được chướng ngại thi cử nhờ việc đã áp dụng các phương pháp học từ thời còn đang ôn luyện đội tuyển. Cô chọn cách hệ thống hóa những kiến thức mới để việc ôn luyện rành mạch, rõ ràng hơn. Cô cố gắng lĩnh hội tỉ mỉ lời giảng của thầy cô và không ngại hỏi các bạn để xem mình đã sai ở đâu. Hễ không hiểu gì là Thảo hỏi bạn bè để nhanh chóng thu nhận kiến thức.
“Cho tới bây giờ, tôi vẫn nghĩ rằng thời điểm một năm trước hết sức đáng nhớ, khi phải đối mặt với những thách thức mà mình chưa từng trải qua và phải vận dụng 100% tất cả phương pháp học để đạt mục tiêu”, Thảo nói.
Gửi gắm vài lời tới các bạn thí sinh năm nay, Thảo cho biết: “Mình mong rằng các bạn thi năm nay hãy chuẩn bị sẵn sàng tinh thần và đặc biệt phải tỉ mẩn trong quá trình ôn luyện”.
Sau một năm, Thu Thảo cho biết mình vẫn không thể quên bầu không khí ngột ngạt bên trong các lò luyện thi. “Trung tâm luyện thi thường là những căn phòng khép kín, những ngày đầu chỉ có ít bạn tới theo học, thế nhưng càng vào những ngày cuối mọi người đổ về đây rất đông”, Thu Thảo nói. “Không khí học tập khẩn trương, cùng áp lực ganh đua điểm số và bầu không khí nóng nực của mùa hè khiến tôi thực sự cảm thấy như mình đang ở trong một cái nồi áp suất”.
Khi đó, một ngày của Thảo bắt đầu từ 6 giờ sáng, cô tranh thủ ăn uống qua loa rồi tới trường, kết thúc hai ca học sáng và chiều, Thảo tiếp tục học tại trung tâm ôn luyện thêm hai tiếng trước khi về nhà, có những ngày mải làm đề Thảo giật mình khi thấy đồng hồ đã chỉ 2 giờ sáng.
“Thời điểm đó một ngày của tôi chỉ xoay quanh tam giác: nhà, trường và lò luyện thi. Suốt một năm trời tôi cứ lặp lại hành trình này một cách vô thức, nhiều khi ngồi vào lớp mà không rõ mình đi như thế nào”, Thảo nhớ lại.
Nhận thức được lực học bản thân không giỏi, nên Thu Thảo đã phải cố gắng rất nhiều và tự đặt ra áp lực cho bản thân để không làm bố mẹ thất vọng. Áp lực kép về điểm số và thành tích trên lớp khiến cô học sinh nảy sinh suy nghĩ buông xuôi và tìm cho mình một hướng đi khác.
“Từng có lúc tôi rất mệt mỏi và chỉ muốn từ bỏ, áp lực cứ đổ dồn lên vai và dồn nén lại trong khoảng 2 tháng cuối”, Thảo trải lòng. “Thế nhưng, vào những ngày cận kề thi, tôi nhận ra rằng nếu như buông xuôi tất cả thì sẽ thật lãng phí công sức mà bản thân và tiền bạc của bố mẹ trong một năm qua”. Điều mà Thu Thảo nhớ nhất vào những ngày thi đó là cảm giác ấm áp, san sẻ gánh nặng mà cô nhận được từ gia đình, đặc biệt là bố mình.
“Cũng phải rất lâu rồi, tôi mới được bố đưa đi thi, những lời động viên của bố trước cổng trường thi thực sự đã xóa đi mọi nghi ngờ và áp lực tôi tự đặt lên bản thân bấy lâu nay”, Thảo chia sẻ.
Không phụ sự quyết tâm của gia đình và bản thân, Thu Thảo đã có được một điểm số mĩ mãn giúp cô tự tin với nguyện vọng vào ngành Thông tin đối ngoại của Học viện Báo chí & Tuyên truyền.
Một kinh nghiệm mà Thu Thảo rút ra từ kỳ thi năm ngoái, đó là không nên dựa dẫm vào may mắn mà phải tự mình giải quyết khó khăn, luôn giữ tinh thần lạc quan trong mọi tình huống. “Việc học theo trung tâm luyện thi là một chỗ dựa tinh thần rất hiệu quả, khi mà các cơ sở này đặt ra những lộ trình ôn tập cụ thể, nhưng khả năng tự học kết hợp cùng với sự hướng dẫn của giáo viên trên lớp mới là yếu tố chính giúp thí sinh có thể chủ động và tự tin hơn khi tham gia kỳ thi xét tuyển đại học” – Thu Thảo chia sẻ.
Áp lực của sĩ tử thi liên tiếp 3 trường chuyên ở Hà Nội
"Em chỉ cần đỗ cấp 3 là vui rồi. Nhưng bố mẹ đã đầu tư rất nhiều cho em đi luyện thi từ đầu cấp 2, nếu không đỗ, em cũng cảm thấy thật có lỗi"...
"Em chỉ muốn thi xong để ngủ một giấc thật sâu"
Bước ra khỏi phòng sau môn thi Toán vào Trường THPT Chuyên ĐH Sư phạm, Hoàng Minh (học sinh một trường dân lập ở Hà Nội) "thở phào" như trút được một phần áp lực. Đây là ngôi trường thứ 2 Minh đăng ký thi, sau Trường THPT Chuyên Ngoại ngữ.
Thí sinh dự thi lớp 10 Trường THPT Chuyên ĐH Sư phạm (Ảnh chỉ có tính chất minh họa)
Dự thi vào lớp chuyên Anh với tỉ lệ chọi lên tới 1/29,25, Minh xác định phải cạnh tranh với hàng ngàn bạn khác để giành một suất vào ngôi trường này.
Việc đăng ký thi vào 4 trường khác nhau (Chuyên Ngoại ngữ, Chuyên Sư phạm, Chuyên Hà Nội - Amsterdam và THPT Nguyễn Tất Thành) khiến nam sinh này phải liên tục thi ròng rã trong hơn nửa tháng.
"Với mỗi trường, cách ôn luyện và chiến thuật làm bài cũng khác. Vì vậy, em dành mỗi ngày "cày" một môn, mỗi môn lại ôn luyện đề của từng trường. Em gần như không có khoảng nghỉ trong giai đoạn này".
"Áp lực, mệt mỏi" là những từ được nam sinh đề cập nhiều nhất. "Em học thêm kín tuần, có khi phải thức cả đêm để ôn tập. Con đường đi này gập ghềnh hơn bình thường, nhưng đã chọn nên em vẫn phải cố gắng hoàn thành nốt".
Còn V.N.H. (Hoàng Mai, Hà Nội) từng bị stress khi thi thử vào Chuyên Ngoại ngữ nhưng kết quả không cao.
"Khi đó em đã rất sợ và muốn từ bỏ. Nhưng may mắn, mẹ luôn ở bên động viên "Thi đỗ vào đâu cũng được, miễn con làm hết sức". Điều đó đã tiếp thêm động lực cho em".
Giai đoạn gần thi, nữ sinh chỉ ngủ 5 tiếng/ngày. Có những hôm, H. thức đến 2h sáng để ôn tập, đến 6h đã thức giấc, ăn sáng rồi lại đến trường. Ngày nào em cũng học thêm 1 - 2 ca vào chiều tối.
"Kỳ thi vào Chuyên Ngoại ngữ vừa qua em làm khá ổn nên bước vào bài thi của trường Chuyên ĐH Sư phạm, em thấy thoải mái hơn nhiều". H cho biết sẽ tiếp tục tham dự kỳ thi vào lớp 10 của Hà nội vào cuối tuần.
Cũng giống như Minh, P.Đ.V (Long Biên, Hà Nội) cũng cảm thấy áp lực khi phải tham gia 4 kỳ thi liên tục. Ngoài Chuyên Ngoại ngữ, Chuyên Sư phạm, trường Nguyễn Tất Thành, mục tiêu lớn nhất của V là vào được lớp chuyên Anh của trường Chuyên Nguyễn Huệ.
Quyết định thi vào trường chuyên là gợi ý của mẹ V. khi cậu bước vào kỳ I năm lớp 7. "Mẹ thấy em học tốt môn Tiếng Anh nên mong muốn em sẽ đỗ vào lớp chuyên Anh".
Cũng kể từ đó, nam sinh dần quen với lịch học thêm tối thiểu 5 buổi/ tuần. Riêng với môn Toán không phải thế mạnh, V. học thêm 2 thầy. "Mẹ em nói như vậy cho chắc chắn. Ban đầu em thấy hơi loạn nhưng sau cũng dần bắt nhịp được". Với môn chuyên, V. học thêm 3 thầy cô cùng lúc.
"Kể từ năm lớp 9, em gần như không còn thời gian nghỉ ngơi. Ngoài môn chuyên, em còn phải đi học thêm cả Văn lẫn Toán. Em chỉ cần đỗ cấp 3 là vui rồi. Nhưng bố mẹ đã đầu tư rất nhiều cho em đi luyện thi từ đầu cấp 2, nếu không đỗ, em cũng cảm thấy thật có lỗi", V. nói.
Điều chàng trai mong muốn nhất lúc này là được ngủ một giấc thật sâu ngay sau khi kết thúc bài thi cuối cùng.
Mong tiến xa hơn
Đăng ký dự thi vào Chuyên Ngoại ngữ, Chuyên Sư phạm và Chuyên Hà Nội - Amsterdam, Nguyễn Quang Kiệt (Trường THCS Thực Nghiệm, Hà Nội) cho biết bản thân quyết định lựa chọn vào trường chuyên bởi "em nghĩ đó là tiền đề để mình tiến xa hơn", giúp tăng thêm cơ hội đi du học.
Nguyễn Quang Kiệt (bên phải) cùng cậu bạn thân Nguyễn Xuân Khải sau buổi thi môn Toán vào Trường THPT Chuyên ĐH Sư phạm
Để không bị áp lực, Kiệt quyết định không xem tỉ lệ chọi của các trường vì sợ điều ấy sẽ khiến em hoang mang. "Em chỉ đặt mục tiêu đạt điểm tốt nhất, còn những thứ khác không quan tâm để tránh sự dao động".
Kể từ một năm nay, nam sinh tạm gác những sở thích cá nhân để tập trung cho việc ôn luyện. "Môn Anh là thế mạnh nên em không mất quá nhiều thời gian, chỉ học thêm 2 cô giáo. Riêng với môn Toán, em học thêm 3 thầy, cô để không bỏ lỡ những kiến thức quan trọng", Kiệt cho biết.
Cùng lớp với Kiệt, Nguyễn Xuân Khải đăng ký dự thi vào Chuyên Sư phạm và Chuyên Nguyễn Huệ. Tuy nhiên, nam sinh này cho hay không đi học thêm ở bất kỳ đâu.
"Tất cả các môn em đều có thể tự học được, còn việc học thêm em nghĩ chỉ là một lựa chọn giúp mình có thêm một người để hướng dẫn. Thay vì mất thời gian đi đi, lại lại giữa các lớp học thêm, em dành nhiều thời gian cho việc học qua mạng. Khi đã nắm chắc các kiến thức cơ bản, em tìm đề để luyện tập nhằm phát triển nâng cao", Khải nói.
Thi nhiều môn chuyên để thêm cơ hội
Có học lực khá tốt ở hai môn Toán và Tiếng Anh, L.V.K (học sinh Trường THCS Trưng Vương) quyết định đăng ký thi vào chuyên Anh của trường Chuyên Ngoại ngữ, chuyên Toán của trường Chuyên Đại học Sư Phạm Hà Nội, Chuyên Hà Nội - Amsterdam và chuyên Tin của Chuyên Khoa học Tự nhiên.
Lý giải về những lựa chọn này, K. cho biết, vì kỳ thi vào Chuyên Ngoại ngữ cách các trường khác khoảng 10 ngày nên cậu quyết định đăng ký thi để tăng thêm cơ hội đỗ.
Thi cả Toán lẫn Anh khiến K. phải chật vật hơn trong quá trình ôn luyện.
"Em đi học thêm tương đối nhiều, gần như là kín tuần. Có những ngày hơn 10 giờ tối em mới ngồi vào bàn ăn. Dù mệt mỏi nhưng em vẫn phải tự động viên rằng, đỗ vào chuyên sẽ mở ra cho mình nhiều cơ hội hơn trong tương lai", K. nói.
Cũng theo K., chuyện thi 2,3 chuyên không phải là chuyện hiếm, bởi nhiều bạn bè của em ở trường và các lớp học thêm cũng đăng ký thi 2,3 môn chuyên để thử sức, cũng như tăng cơ hội trúng tuyển.
Năm nay, kỳ thi vào lớp 10 của các trường chuyên tại Hà Nội diễn ra sát nhau. Nhiều thí sinh sẽ phải thi liên tiếp ở 3-4 trường trong 2 tuần.
Sau khi kết thúc kỳ thi vào Trường THPT Chuyên Khoa học Tự nhiên và Trường THPT Chuyên Khoa học Xã hội và Nhân văn vào ngày 12-13/7, đến ngày 14-15/7 là kỳ thi vào Trường THPT Chuyên ĐH Sư phạm.
Ngay sau đó, thí sinh dự thi vào lớp 10 tại Hà Nội sẽ tiếp tục tham gia kỳ thi chung vào các trường THPT thuộc Sở GD-ĐT Hà Nội vào ngày 17-19/7.
Đại học Văn hóa Hà Nội xây dựng phần mềm quản lý sinh viên hiện đại Trường Đại học Văn hóa Hà Nội đang phối hợp với Công ty TNHH Phát triển Giáo dục và Công nghệ I&E Việt Nam thiết kế và xây dựng hai hệ thống: website truyền thông và phần mềm quản lý sinh viên nhằm phục vụ cho công việc chung của Nhà trường. Sáng 14/7, tại Hà Nội đã diễn ra Lễ ký kết...